Về bản chất, khi lựa chọn phương thức kinh doanh nhượng quyền để tiến hành hoạt động kinh doanh, thương nhân nhượng quyền mong muốn có thể mở rộng quy mô kinh doanh bằng việc thiết lập một hệ thống cung ứng sản phẩm mang tính đồng bộ trên thị trường. Hay nói cách khác, hệ thống nhượng quyền mặc dù được hình thành từ sự kết hợp của các thương nhân hoàn toàn độc lập về tư cách pháp lý và chế độ tài chính, nhưng trong nhận thức của người tiêu dùng, tất cả các cơ sở kinh doanh trong hệ thống nhượng quyền đều chỉ là một, không có sự phân biệt. Điều này cũng làm nên sự độc đáo, khác biệt của hệ thống nhượng quyền so với các phương thức kinh doanh khác. Để có thể tạo ra sự đồng bộ trong hệ thống nhượng quyền, thương nhân nhượng quyền phải cho phép các thương nhân khác sao chép mô hình kinh doanh của mình khi họ có nhu cầu gia nhập hệ thống bằng cách chuyển giao quyền thương mại thông qua hợp đồng nhượng quyền. Điều quan trọng là, thương nhân nhận quyền phải vận hành quyền thương mại theo đúng các tiêu chuẩn, điều kiện mà thương nhân nhượng quyền đã sáng tạo ra. Vì vậy, bên cạnh nhu cầu bảo vệ quyền thương mại, thương nhân nhượng quyền có thêm nhu cầu kiểm soát đối tượng này đối với quá trình sử dụng của thương nhân nhận quyền. Thực hiện tốt hoạt động kiểm soát, thương nhân nhượng quyền cũng góp phần bảo vệ tài sản đặc biệt của hệ thống nhượng quyền một cách hiệu quả hơn.
Hay nói cách khác, ở một góc độ nhất định, để có thể bảo vệ được loại tài sản đặc thù này, bên nhượng quyền cần phải thực hiện việc kiểm soát nó trong quá trình chuyển giao cho bên nhận quyền. Chính yêu cầu phải bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất trong toàn bộ hệ thống nhượng quyền đã buộc bên nhượng quyền phải thiết lập cơ chế kiểm soát quá trình các thương nhân nhận chuyển giao quyền thương mại vận hành nó trong quá trình kinh doanh. Như vậy, nhu cầu kiểm soát quyền thương mại trước hết đến từ thương nhân nhượng quyền (bao gồm cả thương nhân nhượng quyền sơ cấp và thứ cấp). Bên cạnh đó, Nhà nước cũng là một chủ thể có nhu cầu kiểm soát đối tượng này thông qua quy trình, thủ tục đăng ký quyền thương mại để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với một hoạt động thương mại mang những đặc thù nhất định. Tuy nhiên, sự kiểm soát của Nhà nước chỉ ở giai đoạn đầu khi các thương nhân nhượng quyền muốn thực hiện hoạt động chuyển giao quyền thương mại cho các thương nhân khác trên thị trường. Trong khi đó, ở những giai đoạn tiếp theo, sự kiểm soát này của Nhà nước trở nên mờ nhạt hơn rất nhiều so với sự kiểm soát mang tính liên tục và chặt chẽ từ phía thương nhân nhượng quyền.
Trên thực tế, mỗi chủ thể tiến hành kiểm soát quyền thương mại theo những cách thức không giống nhau. Nếu như Nhà nước sử dụng công cụ pháp luật để kiểm soát hoạt động nhượng quyền nói chung và quyền thương mại nói riêng trong thời điểm trước khi quyền thương mại được chuyển giao cho bên nhận quyền, thì công cụ được bên nhượng quyền sử dụng chính là những thỏa thuận mang tính ràng buộc các bên nhận quyền trong quá trình chuyển giao và sau khi chấm dứt việc sử dụng quyền thương mại. Bằng các thỏa thuận hiện diện dưới dạng những điều khoản trong hợp đồng trên cơ sở một số quy định của pháp luật dưới dạng quyền và nghĩa vụ của các bên, bên nhượng quyền sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát bên nhận quyền trong việc sử dụng quyền thương mại khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Các điều khoản mang tính kiểm soát này có thể tồn tại dưới hai dạng nội dung là những nghĩa vụ bên nhận quyền phải tiến hành hoặc những hành vi bên nhận quyền không được phép thực hiện (bị cấm).
Điều quan trọng là, mỗi thời điểm khác nhau, các điều khoản nhằm kiểm soát quá trình vận hành của bên nhận quyền lại tồn tại dưới các dạng thức khác nhau: Tại thời điểm trước khi tiến hành việc chuyển giao quyền thương mại thông qua hợp đồng, thương nhân nhượng quyền phải thực hiện việc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Một mặt, nhu cầu kiểm soát của thương nhân nhượng quyền là nhu cầu được Nhà nước ghi nhận quyền thương mại thông qua thủ tục đăng ký để sau này có cơ chế bảo vệ loài tài sản đặc biệt này của bên nhượng quyền. Mặt khác, cơ quan nhà nước cũng cần có nhu cầu quản lý hoạt động thương mại đặc thù này, vì vậy, Nhà nước cũng có nhu cầu nhận diện và kiểm soát đối tượng của hoạt động nhượng quyền được các bên chuyển giao cho nhau. Do đó, thông qua quy trình, thủ tục đăng ký đối với hoạt động nhượng quyền, nhu cầu kiểm soát và quản lý của cả bên nhượng quyền và Nhà nước đều được thực hiện. Trong khi đó, tại thời điểm tiến hành việc chuyển giao quyền thương mại, hoạt động kiểm soát của bên nhượng quyền hiện diện dưới dạng những thỏa thuận về quy trình kiểm tra, giám sát của bên này đối với việc vận hành quyền thương mại của thương nhân nhận quyền. Bên cạnh đó, có thể tồn tại những điều khoản mang tính nghĩa vụ mà thương nhân nhận quyền phải thực hiện nhằm bảo đảm thực hiện phương thức kinh doanh nhượng quyền đúng theo mô hình mà bên nhượng quyền đã xây dựng. Ngay cả sau khi tiến hành hoạt động nhượng quyền, tại thời điểm mà quyền sử dụng hợp pháp quyền thương mại của các bên nhận quyền đã chấm dứt theo thời hạn của hợp đồng, thì bên nhượng quyền vẫn tiếp tục kiểm soát đối với đối tượng được chuyển giao trong hợp đồng nhượng quyền thương mại. Bằng các thỏa thuận về nghĩa vụ của bên nhận quyền sau khi hợp đồng nhượng quyền chấm dứt, bên nhượng quyền có thể thực hiện được việc kiểm soát và bảo đảm an toàn cho đối tượng làm nên sự thành công của thương hiệu kinh doanh mà mình gây dựng.
Như vậy, pháp luật về vấn đề kiểm soát đối tượng chuyển giao trong hợp đồng nhượng quyền bao gồm những nội dung như: (i) Quy trình, thủ tục đăng ký trước khi tiến hành chuyển giao quyền thương mại; (ii) Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình sử dụng quyền thương mại; (iii) Quyền và nghĩa vụ của các bên sau khi thời hạn chuyển giao quyền thương mại chấm dứt. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ đi sâu vào nghiên cứu pháp luật về kiểm soát quyền thương mại trước khi chuyển giao cho thương nhân nhận quyền.
2. Thực trạng pháp luật về kiểm soát đối tượng chuyển giao trong hợp đồng nhượng quyền thương mại trước khi tiến hành chuyển giao
Bản chất của hoạt động nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại được tiến hành giữa các chủ thể kinh doanh độc lập về tài chính và tư cách pháp lý thông qua việc bên nhượng quyền chuyền giao quyền thương mại - phương thức kinh doanh thành công của mình để xây dựng một hệ thống nhượng quyền mang tính đồng nhất về sản phẩm cũng như hệ thống nhận diện thương hiệu. Chính vì vậy, để thương nhân dự kiến nhượng quyền có thể chuyển giao mô hình kinh doanh do mình gây dựng cho các chủ thể khác dưới tên gọi nhượng quyền thương mại, thì họ phải chứng minh được sự thành công của mình trên thương trường. Trong trường hợp này, thước đo sự thành công của thương hiệu dự định thực hiện hoạt động nhượng quyền là sự trải nghiệm thị trường của thương hiệu đó. Đây là một tiêu chuẩn được lượng hóa thông qua thời gian hoạt động của thương nhân nhượng quyền dự kiến cho đến khi họ thực hiện việc chuyển giao quyền thương mại của mình.
Pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã quy định về thời hạn hoạt động của bên nhượng quyền dự định là một trong các điều kiện để thương nhân được thực hiện kinh doanh theo phương thức nhượng quyền. Bên cạnh yêu cầu phải là một thương nhân[1] khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại, điều kiện về thời hạn hoạt động trước đó của bên nhượng quyền thể hiện được giá trị của quyền thương mại mà thương nhân này sở hữu cũng như quy mô và mức độ chuyên nghiệp của thương nhân đặt nền móng cho thương hiệu nhượng quyền. Tuy nhiên, thời hạn hoạt động trước khi tiến hành nhượng quyền của thương nhân nhượng quyền dự kiến theo quy định của pháp luật các quốc gia khác nhau là không đồng nhất với nhau. Một số quốc gia quy định thời hạn này khá dài từ 03 - 05 năm như Hoa Kỳ hay Nhật Bản[2]. Trong khi đó, có những quốc gia quy định thời hạn hoạt động của bên nhượng quyền là khá ngắn khoảng 01 năm như Indonesia[3] hoặc tối thiểu là 01 năm như Việt Nam theo Điều 8 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc sự quản lý nhà nước của Bộ Công thương (Nghị định số 08/2018/NĐ-CP). Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, bên cạnh điều kiện phải đăng ký kinh doanh để một chủ thể được công nhận là thương nhân và tiến hành hoạt động nhượng quyền, thì cơ sở kinh doanh của họ phải có thời hạn hoạt động tối thiểu là 01 năm cho đến khi tiến hành chuyển giao quyền thương mại cho chủ thể khác. Đây cũng là một quy định mang tính điều kiện nhằm giúp Nhà nước kiểm soát mức độ an toàn và hiệu quả của hoạt động kinh doanh đặc biệt này.
Với tư cách là lĩnh vực hoạt động thương mại mới, nhượng quyền thương mại cần được tạo điều kiện để phát triển một cách tự do và nhanh chóng nên quy định khoảng thời gian ngắn để nhận biết giá trị quyền thương mại của bên nhượng quyền cũng là một trong những cách thức tiếp cận có ý nghĩa của pháp luật thương mại Việt Nam vào thời điểm hoạt động nhượng quyền mới được hình thành và bắt đầu phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi hoạt động nhượng quyền đã có những bước phát triển đáng kể và ngày càng được các thương nhân trong và ngoài nước ưa chuộng, thì những quy định mang tính điều kiện và kiểm soát kiểu này không còn thực sự thích hợp.
Bên cạnh đó, rất nhiều quốc gia quy định về thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền của bên nhượng quyền dự kiến với cơ quan có thẩm quyền trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền trên thực tế. Có thể kể đến quy định về vấn đề đăng ký hoạt động nhượng quyền trong pháp luật của Indonesia như: Theo Điều 10 Quy định số 42 năm 2007 của Chính phủ, bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền phải đăng ký kinh doanh với Bộ Thương mại không quá 01 năm sau khi Quy định số 42 năm 2007 của Chính phủ được ban hành ngày 23/7/2007. Bộ Thương mại sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhượng quyền nếu đề xuất đáp ứng các yêu cầu. Giấy chứng nhận đăng ký nhượng quyền có hiệu lực 05 năm và có thể được gia hạn[4]. Hoặc quy định về nhượng quyền trong Luật Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng của Australia cũng đã đề cập đến nghĩa vụ đăng ký hoạt động nhượng quyền. Tương tự như các quốc gia khác, vấn đề này trong pháp luật Việt Nam cũng có những điểm tương đồng và khác biệt nhất định. Cụ thể, các thương nhân kinh doanh nhượng quyền ở Việt Nam tùy từng trường hợp sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại và Nghị định số 08/2018/NĐ-CP, vấn đề đăng ký hoạt động nhượng quyền chỉ phải thực hiện với trường hợp tiến hành hoạt động nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam và được thực hiện tại Bộ Công thương. Trong khi đó, theo quy định của Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16/12/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại, hoạt động nhượng quyền nội địa hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài không phải làm tục đăng ký chỉ phải thực hiện thủ tục báo cáo bằng văn bản với Sở Công thương về vấn đề này.
Ngoài ra, trước khi tiến hoạt động chuyển giao quyền thương mại cho bên nhận quyền, thương nhân nhượng quyền phải bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với đối tượng làm nên sự thành công của thương hiệu nhượng quyền. Vì vậy, cần phải thực hiện thủ tục đăng ký để Nhà nước ghi nhận và bảo hộ đối với đối tượng của hợp đồng nhượng quyền sau này. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không quy định trực tiếp về quyền thương mại như một đối tượng của hoạt động nhượng quyền có cơ chế xác định và bảo vệ riêng mà chỉ mô tả gián tiếp về các bộ phận cấu thành đối tượng này thông qua khái niệm về hoạt động nhượng quyền thương mại. Nghĩa là, chỉ có cơ chế ghi nhận từng bộ phận cấu thành nên quyền thương mại với tư cách là các yếu tố độc lập trong pháp luật Việt nam hiện hành. Trong khi đó, xét về bản chất, bộ phận cốt lõi cấu thành quyền thương mại trong quan hệ nhượng quyền lại là các yếu tố của quyền sở hữu trí tuệ và một số yếu tố khác kết hợp lại với nhau. Chính vì vậy, vấn đề đăng ký để được bảo vệ bởi cơ chế của Nhà nước đồng thời giúp bên nhượng quyền có thể kiểm soát được quyền thương mại của mình hiện nay được điều chỉnh chủ yếu bởi pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Trên thực tế, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam điều chỉnh các quyền sở về hữu trí tuệ một cách độc lập, không đặt trong mối quan hệ nhượng quyền. Do đó, trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền và chuyển giao quyền thương mại cho thương nhân khác, thương nhân nhượng quyền dự kiến sẽ phải tiến hành đăng ký bảo hộ các yếu tố cấu thành nên quyền thương mại với Cục Sở hữu trí tuệ (đối với những yếu tố sở hữu trí tuệ có căn cứ bảo vệ là được cấp văn bằng bảo hộ) và không thể đăng ký đối với những yếu tố hiện nay không được ghi nhận và bảo vệ bởi quy định của pháp luật. Đây cũng là một trong những hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề kiểm soát quyền thương mại của thương nhân nhượng quyền và của Nhà nước trước khi thương nhân này tiến hành chuyển giao đối tượng đó cho chủ thể khác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ sự thiếu vắng các quy định trong pháp luật hiện hành về vấn đề ghi nhận và xác định quyền thương mại trong quan hệ nhượng quyền. Vì vậy, cần hoàn thiện pháp luật về quyền thương mại mới có thể tạo ra cơ chế đăng ký và kiểm soát hữu hiệu đối tượng chuyển giao trong hợp đồng nhượng quyền trước khi tiến hành thủ tục chuyển giao tài sản đặc biệt này.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về kiểm soát đối tượng chuyển giao trong hợp đồng nhượng quyền trước khi tiến hành chuyển giao
Pháp luật về kiểm soát quyền thương mại trong hoạt động nhượng quyền ở nước ta hiện nay được đánh giá là bộ phận pháp luật có sự tương đồng khá lớn với pháp luật của một số quốc gia trên thế giới và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, các quy định hiện hành về vấn đề này vẫn không tránh khỏi những hạn chế, bất cập nhất định như vấn đề về điều kiện để được chuyển giao quyền thương mại hoặc quy định về kiểm soát quá trình bên nhận quyền vận hành quyền thương mại hoặc các quy định về kiểm soát quyền thương mại sau khi hợp đồng nhượng quyền chấm dứt. Nguyên nhân của tình trạng này có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau nhưng không thể phủ nhận việc chưa có khái niệm quyền thương mại hoàn chỉnh, trọn vẹn, phản ánh đúng bản chất đặc biệt của đối tượng này là lý do chủ yếu làm cho các quy định về kiểm soát quyền thương mại hiện nay bộc lộ khá nhiều nhược điểm. Vì vậy, để có thể giải quyết những bất cập trong pháp luật về kiểm soát đối tượng chuyển giao trong hợp đồng nhượng quyền thương mại thì giải pháp đầu tiên là phải xây dựng được khái niệm quyền thương mại phản ánh đúng bản chất của đối tượng đặc biệt này.
Bên cạnh đó, vào thời điểm trước khi thực hiện hoạt động nhượng quyền, theo quy định của pháp luật thương mại Việt Nam, thương nhân nhượng quyền phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Trong đó, việc quy định về điều kiện hoạt động tối thiểu là 01 năm trước khi tiến hành nhượng lại quyền thương mại cho các thương nhân khác để cùng tiến hành hoạt động kinh doanh theo mô hình chung chỉ thực sự phù hợp vào thời điểm hoạt động nhượng quyền thương mại mới xuất hiện tại Việt Nam. Khi mà các thương nhân nhượng quyền và nhận quyền còn non trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm, quy định về thời hạn hoạt động tối thiểu của bên nhượng quyền là cần thiết để bảo đảm quyền kinh doanh mà họ dự kiến nhượng lại cho thương nhân khác có được một sự trải nghiệm thị trường nhất định. Điều này phần nào giúp phòng tránh được rủi ro cho thương nhân nhận quyền trong việc lựa chọn nhầm đối tác nhượng quyền và có thể bị rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Bên cạnh đó, quy định này còn nhằm chứng minh được mức độ thành công của phương thức kinh doanh được dự kiến nhượng quyền. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi đã trải qua 15 năm hoạt động nhượng quyền chính thức được ghi nhận ở cấp độ Luật, nhận thức và kinh nghiệm kinh doanh của các thương nhân đặc biệt là thương nhân nhận quyền đã nâng cấp ở một trình độ mới. Vì vậy, thương nhân nhận quyền có thể tự mình tìm hiểu, đánh giá về mức độ và khả năng thành công của thương hiệu nhượng quyền mà họ dự kiến gia nhập. Do đó, quy định thương nhân dự kiến nhượng quyền phải hoạt động ít nhất 01 năm trước khi thực hiện việc chuyển giao quyền thương mại cho chủ thể khác ở thời điểm hiện tại có thể không còn phù hợp và cần thiết nữa. Bởi lẽ, quy định này mục đích là để nhằm bảo đảm mức độ trải nghiệm thị trường và sự thành công của thương hiệu nhượng quyền. Từ đó, góp phần làm cho sự lựa chọn của thương nhân nhận quyền trở nên có cơ sở hơn. Tuy nhiên, hiện nay quyền tự chủ trong kinh doanh của các thương nhân đang ngày càng được Nhà nước công nhận và tạo mọi điều kiện để hiện thực hóa nó. Do đó, thương nhân nhận quyền hoàn toàn có thể chủ động tự do lựa chọn đối tác để nhận chuyển giao quyền thương mại. Đồng thời, họ lại có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm để có thể đưa ra sự đánh giá về khả năng thành công của bên nhượng quyền mà họ lựa chọn. Vì vậy, điều kiện phải hoạt động tối thiểu 01 năm không phải là một bảo đảm chắc chắn cho sự thành công của thương hiệu mà họ dự kiến nhận chuyển giao quyền thương mại. Ngay cả trong trường hợp một thương nhân kinh doanh nhượng quyền nhưng chưa đủ điều kiện một năm, cũng hoàn toàn có thể nhượng lại mô hình kinh doanh của mình nếu như được thương nhân khác trên thị trường đánh giá là có tiềm năng và họ muốn mua lại quyền thương mại của bên này. Trong trường hợp này, họ lại phải chờ đợi cho đủ thời gian hoạt động tối tiểu mới có thể gia nhập hệ thống nhượng quyền. Chính vì những lý do trên, chúng tôi cho rằng, nên bỏ điều kiện về thời gian hoạt động tối thiểu của bên nhượng quyền trước khi họ thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại trong Luật Thương mại hiện hành. Có như vậy, các thương nhân trong quan hệ nhượng quyền mới có thể hoàn toàn tự chủ trong việc lưa chọn đối tác, mô hình kinh doanh, địa bàn, lĩnh vực kinh doanh và tự chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Đồng thời, pháp luật thương mại Việt Nam sẽ tương đồng với pháp luật của một số quốc gia như Australia, Indonesia, Pháp… Điều này là đặc biệt cần thiết trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng như ngày nay.
ThS. Đỗ Phương Thảo
Khoa Kinh tế - Luật, Đại học Thương mại
[1]. Điều 5 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc sự quản lý nhà nước của Bộ Công thương.
[2]. Vũ Đặng Hải Yến, Những vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật điều chỉnh nhượng quyền thương mại trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ Luật học, năm 2009.
[3]. Ratih Puspitaningtyas Faeni (2015), Franchise Business Protection in Context of Intellectual Property Law in Indonesia, Journal of Law, Policy and Globalization, Vol. 36.
[4]. Ratih Puspitaningtyas Faeni (2015), Franchise Business Protection in Context of Intellectual Property Law in Indonesia, Journal of Law, Policy and Globalization, Vol. 36.