Đối tượng của sở hữu toàn dân - tài sản công - có phạm vi rất rộng. Có thể thấy, tài sản công ở Việt Nam không chỉ chiếm một tỷ trọng quan trọng trong tổng tài sản quốc gia mà còn bao hàm phần lớn các tư liệu sản xuất chủ yếu của đất nước. Điều này khẳng định tầm quan trọng của việc quản lý, sử dụng tài sản công trong việc bảo vệ các nguồn lực của quốc gia, bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, bảo đảm hạ tầng cho hoạt động kinh tế và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong quản lý tài sản công, việc đấu giá tài sản đóng vai trò rất quan trọng, là một trong những công cụ kiểm soát thất thoát tài sản nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả tổ chức, hoạt động đấu giá tài sản công của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế, việc phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, hiệu quả. Việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm để đấu giá, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa hợp lý, có trường hợp giá khởi điểm chênh lệch lớn so với giá thị trường, dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước, công tác quản lý các trang trực tuyến của các tổ chức sau khi được phê duyệt gặp nhiều khó khăn. Còn tình trạng trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Để giải quyết vướng mắc trên, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ hơn các tài sản mà pháp luật quy định phải đấu giá. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu những bất cập, hạn chế trong các quy định pháp luật và thực tiễn thi hành về đấu giá tài sản công để có những định hướng, hoàn thiện hơn nữa trong thời gian tới. Vì vậy, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước, việc học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, có hệ thống pháp luật điều chỉnh, quản lý hiệu quả vấn đề đấu giá tài sản công là thực sự cần thiết.
Với bài viết “Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về đấu giá tài sản công” trong ấn phẩm 200 trang “Triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản”, xuất bản năm 2024, tác giả phân tích một
số quy định cũng như cách quản lý hoạt động đấu giá tài sản công của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc, từ đó, rút ra một số gợi ý có giá trị tham khảo cho Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Chi tiết nội dung bài viết tại file đính kèm: