1. Khái quát về mô hình giáo dục pháp luật học đường
Giáo dục pháp luật (GDPL) là một trong những lĩnh vực hoạt động cơ bản của Nhà nước và là một bộ phận quan trọng trong công tác giáo dục về tư tưởng, chính trị trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình triển khai công tác GDPL nói chung, vấn đề giáo dục pháp luật học đường (GDPLHĐ) và mô hình GDPLHĐ cần được chú trọng và sẽ được xem xét cụ thể hơn trong bài viết này.
Ở mức độ khái quát nhất, khái niệm “giáo dục pháp luật học đường” thường được hiểu và tiếp cận dưới góc độ là công tác GDPL trong trường học[2]. Bài viết này tiếp cận tính chất “học đường” trong khái niệm trên theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các địa điểm diễn ra hoạt động dạy và học, không chỉ giới hạn ở một địa điểm cơ học là trường học. Theo đó, học đường là địa điểm diễn ra các hoạt động chính khóa, ngoại khóa liên quan đến việc dạy và học. Từ phương diện lý luận và thực tiễn, nhóm tác giả cho rằng, GDPLHĐ là hoạt động có định hướng, mục đích, do chủ thể có trách nhiệm GDPL tác động lên các đối tượng được hướng tới trong môi trường học đường, nhằm trang bị kiến thức pháp luật, rèn luyện kỹ năng sống, xây dựng ý thức tự giác tuân thủ theo pháp luật.
Về khái niệm “mô hình giáo dục pháp luật học đường”, chưa có nhiều nghiên cứu làm rõ khái niệm này trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, mặc dù Việt Nam đã triển khai nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) kể từ khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 được ban hành. Theo định nghĩa được Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp nêu ra: “Mô hình PBGDPL là sự trình bày có tính hệ thống nhưng giản lược về những khía cạnh/yếu tố/quy trình quan trọng của PBGDPL, giúp cho các chủ thể có trách nhiệm thực hiện công tác PBGDPL có được một hình dung tổng thể, có hệ thống về những yếu tố quan trọng trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức triển khai và giám sát đánh giá hoạt động PBGDPL”[3].
Từ hai định nghĩa về mô hình PBGDPL và khái niệm GDPLHĐ đã được nêu trên, nhóm tác giả cho rằng, mô hình GDPLHĐ là sự trình bày cô đọng theo hệ thống về các khía cạnh chủ yếu của GDPLHĐ, giúp các chủ thể thực hiện hoạt động và đối tượng được hướng tới trong môi trường học đường có được hiểu biết tổng thể về các yếu tố quan trọng trong quá trình tổ chức, triển khai, giám sát hoạt động GDPLHĐ, từ đó, nâng cao tính đồng bộ và hiệu quả của công tác GDPLHĐ.
2. Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về mô hình giáo dục pháp luật học đường
2.1. Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam về thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, từ đó hoạt động xây dựng pháp luật giữa hai quốc gia cũng có nhiều điểm tương đồng. Đặc biệt, Trung Quốc cũng đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đây cũng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay; sự tương đồng quan trọng này sẽ là nền tảng cơ bản tạo điều kiện cho hai quốc gia trong việc hợp tác, tham khảo những hướng đi trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước.
Tương tự như Việt Nam, Trung Quốc cũng đặc biệt quan tâm đến công tác GDPL cho thanh thiếu niên nói chung hay GDPLHĐ nói riêng, thể hiện qua việc ban hành “Đề cương giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên” do Bộ Giáo dục, Bộ Tư pháp và Văn phòng Phổ biến pháp luật Quốc gia thực hiện[4]. Đề cương này đã chủ trương hóa yêu cầu tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII về việc lồng ghép giáo dục pháp quyền vào hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó có một số điểm đáng lưu ý và có giá trị tham khảo như sau[5]:
Thứ nhất, Trung Quốc nhấn mạnh việc GDPL cần được bắt đầu từ khi còn nhỏ và xuyên suốt tất cả các giai đoạn giáo dục ở trường, trong đó, việc dạy và học ở trên lớp sẽ là kênh chủ đạo, ngoài ra sẽ kết hợp thêm với các hoạt động ngoại khóa. Hệ thống giáo dục pháp quyền này được xây dựng với các cấp độ tiến bộ, cơ cấu đi lên theo hình xoắn ốc. Theo đó, Trung Quốc xây dựng cụ thể nội dung GDPL cho từng giai đoạn, bao gồm cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông và đại học. Đáng lưu ý, ngay từ cấp tiểu học, Trung Quốc đã chú trọng đến việc giảng dạy kiến thức về Hiến pháp, Quốc hội, kiến thức sơ bộ về thể chế nhà nước, hình thành cho học sinh khái niệm về quốc gia, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân bên cạnh các kiến thức cơ bản hàng ngày như phòng cháy, chữa cháy, luật giao thông cơ bản… Càng lên các cấp học cao hơn, người học sẽ được mở rộng kiến thức sang các lĩnh vực khác như pháp luật dân sự, hình sự, quyền sở hữu trí tuệ… đồng thời tiếp tục học sâu hơn về các kiến thức đã được học ở cấp học dưới. Phương pháp này còn được gọi là phương pháp xoắn ốc (Spiral method)[6], trong đó, các khái niệm chính sẽ được lặp đi lặp lại trong chương trình học nhưng với mức độ phức tạp của kiến thức được xếp theo tầng lớp, giúp người học có thể tiếp cận từ sớm với nền tảng của các khái niệm và chuẩn bị cho việc học sâu hơn khi tăng dần cấp học, hạn chế việc chán nản, nhụt chí cho người học.
Thứ hai, phương pháp giảng dạy lồng ghép nội dung GDPL vào mục tiêu của các môn học khác nhau (ví dụ: Khi học môn tiếng Trung thì cần tận dụng các nhân vật, sự kiện điển hình trong tác phẩm để giáo dục cho học sinh về các khía cạnh công bằng, chính đáng, khi dạy lịch sử cần giới thiệu về lịch sử phát triển của nhà Nước pháp quyền) và các hoạt động khác nhau (như lễ khai giảng, lễ tốt nghiệp), đặc biệt là tăng cường trải nghiệm thực tế cho học sinh như tham quan Tòa án, Viện kiểm sát để học sinh được quan sát quy trình làm việc tại các cơ quan trên.
2.2. Úc
Là một thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, Úc rất chú trọng bảo đảm quyền trẻ em và công tác giáo dục quyền con người cho trẻ em. Năm 2011, Ủy ban Nhân quyền Úc (AHRC) đã nhận thấy cơ hội tích hợp giáo dục quyền con người và quyền trẻ em vào một hệ thống giáo dục quốc gia[7]. Tại Úc, quyền con người đã được đưa vào giáo dục cho cấp mầm non dưới những giá trị cơ bản nhất như ý thức về quyền của bản thân, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, biết cảm thông với người khác[8]... Theo chương trình học mới nhất của đất nước này, học sinh từ lớp 7 đến lớp 10 sẽ phải học môn giáo dục công dân (Civics and Citizenships), trong đó, học sinh được cung cấp những kiến thức cơ bản liên quan đến pháp luật, bao gồm những đặc điểm nổi bật của hệ thống chính trị, hệ thống pháp luật Úc (Hiến Pháp, pháp quyền, hệ thống tòa án); sự ảnh hưởng của văn hóa lên đời sống chính trị và công dân tại Úc; rèn luyện các kỹ năng đặt câu hỏi, tìm kiếm thông tin, phân tích, đánh giá những vấn đề pháp lý xoay quanh nội dung học[9]. Ngoài việc được dạy trực tiếp trong môn giáo dục công dân, kiến thức về pháp luật còn được lồng ghép vào môn học Lịch sử cho học sinh lớp 10[10]. Cứ 06 năm một lần, Cơ quan đánh giá và báo cáo chương trình học Úc (ACARA) sẽ đánh giá về mức độ triển khai và tính hiệu quả của chương trình học, từ đó tạo ra những thay đổi cần thiết một cách kịp thời[11].
2.3. Các quốc gia Bắc Âu
Các nước nằm ở khu vực Bắc Âu thường nổi tiếng với sự ổn định xã hội, nền giáo dục phát triển và tỷ lệ tội phạm thấp. Tại các nước này, họ coi trọng quyền được tham gia của trẻ em theo quy định tại Điều 12 Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em và đã lồng ghép vào hệ thống pháp luật nội địa. Trẻ em và thanh niên tại các quốc gia như Na Uy[12], Phần Lan[13], Thụy Điển[14], Iceland[15], Đan Mạch[16]... được GDPL thông qua việc tham gia vào các mô hình như Hội đồng Thanh niên (Youth councils) và Quốc hội Thanh niên (Youth parliarments). Nhìn chung, những mô hình này tạo ra một nền tảng cho trẻ em và thanh niên được đưa ra ý kiến, bàn luận về các vấn đề chính trị - xã hội, từ đó kiến tạo một thế hệ trẻ có hiểu biết cao về quyền và nghĩa vụ của công dân[17].
3. Một số kiến nghị về nâng cao hiệu quả triển khai mô hình giáo dục pháp luật học đường tại Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, cần đặt ra vấn đề xây dựng và phát triển mô hình GDPLHĐ một cách đồng bộ trên toàn quốc. Trên thực tế, Việt Nam đã tồn tại nhiều mô hình GDPLHĐ, song thường mang tính nhỏ lẻ, thời vụ. Trong khi đó, GDPL không chỉ là việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, mà đó còn là một quá trình tác động lâu dài vào nhận thức và tình cảm của đối tượng hướng đến. Quá trình này sẽ không thể đạt được nếu không được triển khai một cách thường xuyên và liên tục. Do đó, rất cần những mô hình GDPLHĐ có khả năng nhân rộng, được thực hiện đều đặn và liên tục, qua đó, tạo ra sự nhất quán trong việc truyền đạt kiến thức pháp luật, bảo đảm nhận thức pháp luật của đối tượng hướng đến thực sự được tác động một cách tích cực.
Thứ hai, luật hóa những quy định cụ thể về mô hình GDPLHĐ. Hiện nay, tại Việt Nam, có nhiều văn bản pháp luật quan trọng đã và đang tập trung vào việc bảo đảm quyền được giáo dục và quyền tiếp cận thông tin cho mọi công dân. Tuy nhiên, đối với mô hình GDPLHĐ, vẫn chưa có văn bản nào quy định chi tiết, cụ thể và đồng bộ về nội dung, cấu trúc, nguyên tắc, tiêu chí và phương pháp thực hiện. Không thể phủ nhận Việt Nam đã có sự chú trọng đáng kể vào việc phát triển GDPL, song việc vẫn chưa có một văn bản quy định cụ thể về mô hình GDPLHĐ đang tạo nên một khoảng trống trong việc định hình và phát triển GDPL trong các cấp học. Quy định cụ thể, tập trung về mô hình GDPLHĐ là một nền móng quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác GDPLHĐ tại Việt Nam.
Thứ ba, bổ sung các cơ chế bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính cho công tác triển khai và phát triển mô hình GDPLHĐ tại Việt Nam. Cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên, giảng viên về những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện mô hình GDPLHĐ hiệu quả và đồng bộ trên cả nước, tránh việc truyền tải thông tin một cách rập khuôn, cứng nhắc. Ngoài ra, vấn đề tài chính là yếu tố quyết định để bảo đảm sự liên tục và ổn định của mô hình bởi mỗi địa phương sẽ có tiềm lực kinh tế khác nhau, dẫn đến khả năng phân bổ nguồn ngân sách để triển khai mô hình GDPLHĐ khác nhau. Vì vậy, Nhà nước cần có quy định cụ thể hơn về sử dụng và đầu tư ngân sách để phục vụ việc triển khai mô hình GDPLHĐ nhằm tạo điều kiện cho mô hình được triển khai xuyên suốt, đồng thời tạo nguồn khích lệ các chủ thể tham gia công tác GDPLHĐ.
Thứ tư, cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các mô hình GDPLHĐ, giúp đánh giá được mức độ thực hiện các chính sách và kế hoạch đào tạo, chất lượng GDPL cung cấp cho đối tượng hướng tới, là cơ sở để điều chỉnh và cải thiện mô hình dựa trên những số liệu và thông tin thu thập được. Công tác này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự tuân thủ chặt chẽ các quy định, chính sách và tiêu chuẩn đã được đề ra, giúp giữ vững và nâng cao chất lượng GDPLHĐ, bảo đảm tính bền vững và hiệu quả của mô hình trong thời gian dài.
Thứ năm, tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và phát triển mô hình GDPLHĐ. Với tốc độ phát triển nhanh và sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên các ngành nghề khác nhau, công nghệ thông tin tác động sâu sắc tới nhận thức và hành động của thế hệ trẻ ngày nay - “thế hệ kỹ thuật số” (digital natives)[18]. Vì vậy, áp dụng thành quả của công nghệ thông tin trong việc xây dựng và phát triển mô hình GDPLHĐ là tất yếu để tăng cường và mở rộng sự tham gia của các đối tượng hướng đến, khơi dậy sự hứng thú của người học, từ đó, nâng cao hiệu quả của công tác GDPLHĐ tại Việt Nam.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và phát triển mô hình GDPLHĐ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới để nâng cao tính hiệu quả của mô hình GDPLHĐ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Dương Hồ Quỳnh Anh, Phạm Minh Châu & Nguyễn Nhật Quang
Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học “Mô hình giáo dục pháp luật học đường - Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam”.
[2]. Khánh Linh (2023), “Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”, https://baochinhphu.vn/da-dang-hoa-cac-hinh-thuc-pho-bien-giao-duc-phap-luat-trong-nha-truong-102230308143041337.htm, truy cập ngày 13/01/2023.
[3]. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, “Khung mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp cơ sở”, https://sotp.langson.gov.vn/sites/sotp.langson.gov.vn/files/2022-07/KHUNG%20M%C3%94%20H%C3%8CNH% 20PBGDPL%20%E1%BB%9E%20C%C6%A0%20S%E1%BB%9E.doc, truy cập ngày 10/12/2023.
[4]. Central People's Government of the People's Republic of China (2016), “Outline for Legal Education for Adolescents: It is necessary to appropriately increase the content of legal knowledge in the middle and high school examinations”, https://www.gov.cn/xinwen/2016-07/18/content_5092524.htm, truy cập ngày 15/12/2023.
[5]. Ministry of Education of the People’s Republic of China (2016), “Notice from the Ministry of Education, the Ministry of Justice, and the National Public Legal Education Office on Issuing the 'Outline for Legal Education for Adolescents”, http://www.moe.gov.cn/srcsite/A02/s5913/s5933/201607/t20160718_272115.html, truy cập ngày 15/12/2023.
[6]. University of Detroit Mercy (undated), “What is spiral curriculum”, https://eng-sci.udmercy.edu/ academics/engineering/electrical-computer/spiral-curriculum.php#:~:text=Spiral%20curriculum%2C%20a% 20concept%20widely,complexity%2C%20or%20in%20different%20applications, truy cập ngày 15/12/2023.
[7]. Australian Human Rights Comission (2011), “Information concerning Australia and the Convention on the Rights of the Child: Australian Human Rights Commission Submission to the Committee on the Rights of the Child, Australian Human Rights Commission”, www.humanrights.gov.au/sites/default/files/content/legal/submissions/ 2011/201108_child_rights.pdf, truy cập ngày 16/12/2023.
[8]. Australian Government Department of Education [AGDE] (2022). Belonging, Being and Becoming: The Early Years Learning Framework for Australia (V2.0), https://www.acecqa.gov.au/sites/default/files/2023-01/EYLF-2022-V2.0.pdf, truy cập ngày 16/12/2023.
[9]. Australian Curriculum (undated), https://v9.australiancurriculum.edu.au/f-10-curriculum/learning-areas/ civics-and-citizenship-7-10/year-7_year-8_year-9_year-10?view=quick&detailed-content-descriptions=0&hide-ccp=0&hide-gc=0&side-by-side=1&strands-start-index=0&subjects-start-index=1, truy cập ngày 16/12/2023.
[10]. Australian Curriculum (undated), https://v9.australiancurriculum.edu.au/f-10-curriculum/learning-areas/ history-7-10/year-7_year-8_year-9_year-10?view=quick&detailed-content-descriptions=0&hide-ccp=0&hide-gc=0&side-by-side=1&strands-start-index=0&subjects-start-index=0, truy cập ngày 16/12/2023.
[11]. Australian Curriculum, Assessment and Reporting Authority (undated), https://www.acara.edu.au/curriculum, truy cập ngày 16/12/2023.
[12]. Miriam Kramer (2020), “Country sheet on youth policy in Norway”, https://pjp-eu.coe.int/documents/ 42128013/63134234/Norway_CountrySheet_May-2020.pdf/442b8174-d389-91ae-7bc8-ed63bf5b28e4, truy cập ngày 16/12/2023.
[13]. Council of Europe, “Child and youth participation in Finland – A Council of Europe policy review”, https://rm.coe.int/168046c47e, truy cập ngày 16/12/2023.
[14]. Trude Haugli, Anna Nylund, Randi Sigurdsen, Lena R.L. Bendiksen (2020), Chilren's constitutional rights in Nordic countries, p. 278.
[15]. Trude Haugli, Anna Nylund, Randi Sigurdsen, Lena R.L. Bendiksen (2020), tlđd, p.254 - 255.
[16]. Trude Haugli, Anna Nylund, Randi Sigurdsen, Lena R.L. Bendiksen (2020), tlđd, p.304 - 306.
[17]. Erik Amnå (2019), Nordic education in a democratically troublesome time: Threats and Opportunities, p. 21.
[18]. Neil Selwyn (2009), "The digital native - myth and reality", Aslib Proceedings, Vol. 61 Iss 4, p.364 - 379.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 398), tháng 2/2024)