Hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản ra đời đầu tiên ở Hoa Kỳ từ cuối thế kỷ XIX cùng với sự xuất hiện của các biện pháp bảo đảm bằng động sản mới mà trong đó bên bảo đảm không cần chuyển giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm. Vào giữa thế kỷ XX, khung pháp lý cho sự vận hành của hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm ở Hoa Kỳ trải qua một cuộc cải cách lớn mang tính đột phá với việc ban hành Quyển 9 Bộ luật Thương mại thống nhất nhất tất cả các hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản đang tồn tại tản mạn, phân tán thành một hệ thống tập trung, đồng thời đơn giản hóa tối đa trình tự, thủ tục đăng ký và tra cứu thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản. Các quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản ở Hoa Kỳ là một trong những trụ cột của pháp luật giao dịch bảo đảm hiện đại ở nước này, trở thành hình mẫu để xây dựng khung pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản cho nhiều nước trên thế giới, cũng như là cơ sở để hình thành các chuẩn mực quốc tế về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản. Việc nghiên cứu mô hình đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản theo pháp luật Hoa Kỳ và quốc tế có ý nghĩa tham khảo thiết thực đối với việc xây dựng Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm của Việt Nam.
TS. Nguyễn Bích Thảo - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội có bài viết khái quát về: “Kinh nghiệm từ pháp luật Hoa Kỳ và quốc tế trong trong xây dựng Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm của Việt Nam”, gồm những nội dung chính sau: (i) Các nguyên tắc đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản theo pháp luật Hoa Kỳ và chuẩn mực của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế Liên Hợp quốc; (ii) Các quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản theo pháp luật Hoa Kỳ và chuẩn mực của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế Liên Hợp quốc; (iii) Các quy định về tra cứu thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản theo pháp luật Hoa Kỳ và chuẩn mực của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế Liên Hợp quốc; (iv) Giá trị tham khảo trong xây dựng Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Bài viết được đăng trên ấn phẩm 200 trang “Xây dựng Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021./.