Sáng nay, tôi rất ngạc nhiên khi nhận được Email gửi từ Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, một Tạp chí tôi vẫn thường xuyên cộng tác, gửi tin bài, nhưng đã lâu lắm rồi, do công việc quá bận rộn, nên tôi không có thời gian tham gia và cũng cảm thấy mình thật có lỗi. Bức thư ngắn của anh Phùng Ngọc Đức – Biên tập viên của Tạp chí mà tôi mới nghe tên, nhưng chưa được gặp mặt với lời nhắn: “Nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Tạp chí, em bớt chút thời gian viết cho anh những cảm tưởng, kỷ niệm về những lần tọa đàm, hội thảo, họp mặt cộng tác viên, những ấn tượng, tình cảm của em đối với Tạp chí và gửi sớm cho anh kịp đăng vào số kỷ niệm em nhé”. Đọc thư, tôi thấy rất xúc động vì mình là một cộng tác viên “thi thoảng”, lại ở một tỉnh miền Trung xa xôi nhưng vẫn được Ban Biên tập nhớ tới và giao trọng trách viết bài. Kỷ niệm ư? Ấn tượng và tình cảm với Tạp chí ư…? Tất cả bỗng ùa về trong tôi thật xốn xang đến nghẹn ngào...
Tôi vốn là “dân khối C”, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, ra trường với nhiều thăng trầm trong hành trình đi tìm việc, mãi 8 năm sau đó tôi mới được về công tác tại Phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuộc Sở Tư pháp Nghệ An. Đặc thù công việc của phòng tôi là phải nói được, viết được, đây là hai nhiệm vụ khó đối với tôi. Mặc dù là dân khối C, nhưng quả thật tôi chưa từng viết báo, làm thơ, đi giảng bao giờ, cũng chưa được tham gia một lớp tập huấn hay đào tạo nào về kỹ năng viết tin, bài. Tất cả đều là khó và mới đối với tôi nhưng vì công việc, tôi cũng phải mày mò tập viết báo, viết tin theo “tùy hứng” và “cảm hứng”.
Những bài viết của tôi là những tin bài, những câu chuyện văn nghệ pháp lý đời thường, những trao đổi về vướng mắc và tình hình thực thi pháp luật tại địa phương. Khi tôi gửi bài cho Tạp chí và được Tạp chí sử dụng vào các chuyên mục “Tư pháp cơ sở”, “Tin hoạt động ngành”, “Truyện ngắn”, “Trao đổi”, tôi thực sự cảm thấy rất vui và hạnh phúc, tôi nghĩ chắc Ban Biên tập đã phải rất vất vả khi biên tập tin bài của những cộng tác viên không chuyên như chúng tôi. Rồi tôi được nhận tiền nhuận bút của Tạp chí gửi, tuy không nhiều nhưng đối với tôi đó là niềm vui và niềm tự hào rất lớn và cũng là một khoản thu nhập nho nhỏ. Những dịp cuối năm, dù ở xa, nhưng Tòa soạn vẫn gửi sổ và bút về làm quà, món quà tuy nhỏ nhưng đã động viên chúng tôi rất nhiều.
Tôi lục tìm tập tài liệu của Tạp chí tôi vẫn cất giữ như là “cẩm nang” từ Hội nghị cộng tác viên vào tháng 7/2002, đúng cách đây 10 năm khi lần đầu tiên tôi được mời dự tập huấn tại thị xã Cửa Lò, tập tài liệu có tiêu đề: “Nghiệp vụ cộng tác viên của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật”; “Hoạt động nghề nghiệp và những công việc cần làm của những người viết báo, tạp chí”. Lần đầu tiên được dự Hội nghị tập huấn của Tạp chí tôi vẫn còn nhớ như in, đồng chí Trần Nho Thìn, Trưởng Ban Biên tập Tạp chí hướng dẫn cho chúng tôi cách viết tin bài như thế nào, cách biến một bản báo cáo thành một bài phản ánh ra sao, rồi cách giật “tít” bài thế nào cho kêu, cách viết một tin phải trả lời cho được các câu hỏi: Bao giờ, ở đâu?…vv. Đợt tập huấn của Tạp chí đối với tôi thật là bổ ích, giúp cho tôi rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm viết bài. Tôi cất giữ tập tài liệu đó làm “bảo bối” cho mình đến tận bây giờ.
Mấy năm sau, tôi lại được Tạp chí mời dự Hội nghị tọa đàm trao đổi, gặp mặt cộng tác viên tại Quảng Trị. Được gặp gỡ, giao lưu với nhiều cộng tác viên của Tạp chí tại miền Trung và tôi cũng rất vinh dự được Ban tổ chức Hội nghị mời phát biểu. Tôi còn nhớ, lời phát biểu của tôi tại Hội nghị đã làm cả hội trường cười ồ vì kiến nghị của tôi là: “Cảm ơn Tạp chí đã tổ chức các cuộc tọa đàm, tạo điều kiện cho chúng tôi được giao lưu, gặp gỡ, được tham quan tỉnh bạn và đề nghị Tạp chí lần sau Nam tiến tiếp, tạo điều kiện cho chúng tôi đi xa và “đi vô sâu” vào phía trong hơn nữa”, mọi người đã cười và hỏi tôi là tại sao lại thích “đi vô sâu” đến thế. Chuyến đi Quảng Trị đó chúng tôi còn được Ban tổ chức tạo điều kiện cho đi thăm Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, một chuyến đi rất vui và có ý nghĩa với tôi.
Rồi những dịp khác nữa tôi được gặp chị Phan Thị Tuyết Mai, anh Đặng Vũ Huân (các Phó Tổng biên tập) về Nghệ An gặp gỡ với Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp một số huyện để tọa đàm trao đổi góp ý, nâng cao chất lượng cho các chuyên mục của Tạp chí. Đặc biệt, sau này tôi được gặp gỡ và làm việc nhiều với PGS. TS. Nguyễn Tất Viễn, nguyên Tổng biên tập của Tạp chí sau chuyển về làm Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và cũng rất quan tâm đến công tác này tại Nghệ An.
Và mới đây, khi Ngành Tư pháp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập, Tổng biên tập Nguyễn Văn Tuân đã dẫn đầu đoàn công tác về các tỉnh miền Trung, trong đó có Nghệ An, tìm hiểu các gương điển hình tiên tiến và viết bài biểu dương trên ấn phẩm đặc biệt phát hành nhân dịp này. Chính anh Tuân là người động viên tôi tiếp tục cộng tác với Tạp chí Dân chủ và Pháp luật. Kỷ niệm 35 năm ngày ra đời của Tạp chí, hôm nay, cầm cuốn Tạp chí trên tay với nhiều chuyên mục phong phú và nhiều bài viết chất lượng, tôi cảm thấy rất vui khi mình cùng với các cộng tác viên là các đồng nghiệp tỉnh bạn đã góp một phần nhỏ bé cho Tạp chí ngày càng phong phú và chất lượng. Tạp chí thực sự là diễn đàn cho chúng tôi trao đổi nghiệp vụ, cũng như học hỏi kinh nghiệm trong tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương.
Nguyễn Quế Anh