1. Tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU
Nhìn chung, công tác quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU đã được các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm, kịp thời triển khai đến từng cán bộ, đảng viên, từ đó giúp họ chủ động hơn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu và tham gia PBGDPL đến mọi tầng lớp nhân dân.
1.1. Kết quả đạt được sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU
Đổi mới về nhận thức: Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác PBGDPL đã từng bước đi vào nền nếp, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, coi công tác PBGDPL là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng. Xác định việc tự giác tìm hiểu pháp luật và ý thức gương mẫu chấp hành pháp luật và hướng dẫn quần chúng nhân dân chấp hành chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước là nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, coi đây là tiêu chí để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên và xét thi đua khen thưởng.
Xây dựng văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện: Hằng năm, các đơn vị đều ban hành kế hoạch triển khai công tác PBGDPL và luôn xác định công tác PBGDPL là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của cơ quan, đơn vị. Để triển khai thực hiện Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/3/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND với mục tiêu “tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh”.
Công tác tổ chức, cán bộ: Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo công tác PBGDPL, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức và cán bộ làm công tác PBGDPL, cụ thể: Hội đồng phối hợp PBGDPL của 16 sở, ngành, đoàn thể và 11 huyện đã được thành lập. Các đơn vị khác, tuy không thành lập Hội đồng nhưng đều đã phân công một đồng chí lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác PBGDPL; có 2.323 thôn, bản, khối phố đã thành lập được tổ hòa giải.
So với trước khi có Chỉ thị số 35/CT-TU, tổ chức và cán bộ làm công tác PBGDPL đã có bước phát triển mạnh, cụ thể: Trước khi có Chỉ thị, Hội đồng phối hợp PBGDPL mới chỉ được thành lập được ở 7 sở, ban, ngành và 105 xã, phường, thị trấn, thì đến nay đã được thành lập ở 16 sở, ban, ngành; đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh là 88 người, cấp huyện là 249 người; tuyên truyền viên pháp luật cấp xã có 2.150 người và 2.674 cộng tác viên ở thôn, khối phố.
Trong hơn 10 qua, năm Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh duy trì hoạt động thường xuyên, đã tổ chức được 15 phiên họp toàn thể Hội đồng. Trong trường hợp không tổ chức họp toàn thể được, các thành viên Hội đồng phối hợp đã góp ý kiến bằng văn bản cho các báo cáo công tác của Hội đồng trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành. Đã tổ chức 10 cuộc kiểm tra công tác PBGDPL tại hơn 100 lượt các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; các đơn vị trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn và các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn. Hội đồng phối hợp cấp huyện hằng năm cũng đều có kế hoạch kiểm tra công tác PBGDPL trên địa phương mình.
Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL thường xuyên được cập nhật thông tin pháp luật thông qua Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, trang mạng nội bộ cơ quan, của Sở Tư pháp… và được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, tuyên truyền pháp luật thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn, tọa đàm.
1.2. Nội dung, hình thức và biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật
Công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TU. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, đơn vị trực thuộc trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã tích cực đẩy mạnh công tác PBGDPL, kịp thời phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và các cơ chế chính sách mới của tỉnh tới cán bộ, công chức và nhân dân tại các cuộc họp sinh hoạt định kỳ, hội nghị tập huấn chuyên đề hoặc “Ngày pháp luật” của cơ quan. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện công tác PBGDPL, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể đã chú trọng tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến các vấn đề bức thiết mà xã hội quan tâm như: Pháp luật về an toàn giao thông, về khiếu nại, tố cáo, về đất đai, xây dựng...
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hội nghị, tập huấn: Trong hơn 10 năm, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 125.900 cuộc hội nghị, tập huấn pháp luật cho hơn 9.400.000 lượt người nghe về nhiều lĩnh vực pháp luật; trên 1.700 cuộc hội thảo, tọa đàm với hơn 109.000 lượt người tham dự; trợ giúp pháp lý cho trên 9.300 đối tượng là người nghèo, người có công với cách mạng; phát động 12.008 đợt cao điểm, tháng cao điểm thực hiện và chấp hành pháp luật với 1.987.400 lượt người hưởng ứng tham gia.
Tuyên truyền miệng là hình thức được các đơn vị sử dụng phổ biến nhất, bởi vì nó phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương và có nhiều ưu thế trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đã từng bước đổi mới phương pháp tuyên truyền theo hướng trao đổi, thảo luận hai chiều giữa người nói và người nghe.
- Biên soạn và phát hành tài liệu pháp luật cho các đối tượng: Trung tâm Công báo của tỉnh mỗi năm phát hành trên 10 số, mỗi số trên 5.000 cuốn đăng tải toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, một số văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành gửi tới các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã; cung cấp thông tin chính sách quản lý, chỉ đạo, điều hành của tỉnh phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội; Sở Tư pháp tập hợp, hệ thống hóa và in, phát hành trên 4.000 cuốn hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành từ năm 2000 đến năm 2007 và từ năm 2008 đến 2012 để cấp phát cho tất cả các đơn vị trong tỉnh làm tài liệu nghiên cứu áp dụng.
Các cấp, các ngành đã biên tập và phát hành trên 100.000 cuốn tài liệu tuyên truyền, hỏi đáp pháp luật; 1.000 cuốn sách tập hợp trên 100 vụ án mua bán người đã được Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử; 1.000.000 tờ gấp pháp luật; 10.000 đĩa CD, VCD bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số tuyên truyền pháp luật cấp phát rộng rãi cho nhân dân...
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống loa truyền thanh cơ sở
Trong những năm qua, việc PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống loa truyền thanh cơ sở đã mang lại hiệu quả tích cực. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp thực hiện chuyên mục phổ biến, tuyên truyền pháp luật được 12.560 tin, bài, phóng sự. Đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã tích cực, chủ động xuống cơ sở, đi thực tế viết tin, bài phản ánh kịp thời tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tích cực lao động sản xuất, chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh (http://www.langson.gov.vn/) đã hòa mạng quốc gia và quốc tế, sử dụng thường xuyên hai thứ tiếng là tiếng Việt và tiếng Anh thu hút được hàng chục nghìn lượt người truy cập. Báo Lạng Sơn đã xây dựng và đưa vào hoạt động Báo Lạng Sơn điện tử (địa chỉ http://www.baolangson.com.vn/ và http://www.baolangson.vn/) cung cấp kịp thời nhiều thông tin pháp luật và tình hình thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh (http://www.langsontv.vn/) đưa nội dung thông tin lên trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc; Sở Tư pháp thành lập và duy trì hoạt động Trang Thông tin của Sở (www.langson.gov.vn/tp/). Một số trang tin điện tử của các ngành khác như: Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố Lạng Sơn... đã tích cực tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ và nhân dân. Các Đài Phát thanh - Truyền hình cấp huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở cũng thường xuyên tham gia vào công tác tuyên truyền, PBGDPL.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật: Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã tổ chức và phát động nhiều cuộc thi tìm hiểu về pháp luật gồm cả thi viết và thi sân khấu hóa, qua các cuộc thi đã thu hút được hơn 528.000 lượt người tham gia. Các cuộc thi đã tạo ra những đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động của các câu lạc bộ: Hiện nay, toàn tỉnh có 388 câu lạc bộ pháp luật đang hoạt động do các ngành, các cấp chỉ đạo thành lập. Sở Tư pháp thành lập và duy trì 120 câu lạc bộ pháp luật và Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý; Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì sinh hoạt 151 câu lạc bộ “Bạn giúp bạn”; “Phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em”; “Dân số kế hoạch hoá gia đình”... với trên 2.000 thành viên tham gia; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch duy trì hoạt động 5 câu lạc bộ “Can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình”... Thông qua hoạt động sinh hoạt định kỳ, các câu lạc bộ đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tư vấn pháp luật miễn phí cho hội viên và nhân dân trên địa bàn.
- Phổ biến, tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa xét xử lưu động: Trong hơn 10 năm qua, Tòa án nhân dân tỉnh, các Tòa án nhân dân cấp huyện, thành phố đã tổ chức xét xử lưu động được trên 1.000 vụ đối với các vụ án hình sự nghiêm trọng, tệ nạn xã hội xảy ra tại địa phương, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đến dự, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể tỉnh quan tâm thực hiện. Đến nay, tất cả các cấp, các ngành đều đã bố trí phòng và cán bộ trực tiếp tiếp công dân hằng ngày, có quy chế tiếp công dân, phân công lãnh đạo tiếp công dân theo định kỳ. Do tổ chức tốt công tác tiếp công dân, nên đã kịp thời giải đáp những thắc mắc, kiến nghị, đảm bảo quyền lợi của công dân theo đúng quy định của pháp luật, thông qua đó, đã tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước tới công dân.
- Tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp: Các vị đại biểu đã kịp thời thông tin đến cử tri tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đồng thời phổ biến đến nhân dân các văn bản pháp luật, chính sách mới được trung ương và địa phương ban hành; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và giám sát tình hình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật tại cơ sở.
- Xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật: Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện và Ủy ban nhân dân 226/226 xã, phường, thị trấn đều đã xây dựng được tủ sách pháp luật hoặc ngăn sách pháp luật trong tủ sách chung đặt tại trụ sở cơ quan, với số lượng từ 60 cuốn sách pháp luật trở lên và nhiều loại ấn phẩm khác như công báo của trung ương, công báo tỉnh, sách hỏi đáp pháp luật, Báo Pháp luật, các tạp chí về pháp luật...
- Phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường: Đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm làm công tác PBGDPL, giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân từng bước được củng cố, kiện toàn, có trên 50% giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân được đào tạo đúng chuyên ngành, thường xuyên được bồi dưỡng lý luận chính trị, pháp luật. Chương trình, kế hoạch giảng dạy pháp luật trong nhà trường đã được các cấp học thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài chương trình học chính khóa, còn phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Tỉnh Đoàn thanh niên… tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong học sinh, sinh viên. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 22/9/2010 thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”... qua đó đã giáo dục học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, các tổ chức hành nghề luật sư và Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội Luật gia tỉnh đã trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật 17.869 vụ việc cho 17.879 lượt công dân, trong đó tư vấn miễn phí cho 9.313 lượt người nghèo, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Các cấp hội phụ nữ đã tiếp nhận và giải quyết được 2.266 đơn thư liên quan đến hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình...
- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải ở cơ sở: Hiện nay, toàn tỉnh có 2.323 tổ hòa giải với 12.825 tổ viên, trong 10 năm qua, các tổ hoà giải ở cơ sở đã hoà giải thành 10.047/tổng số 14.263 vụ việc phát sinh, đạt tỷ lệ hoà giải thành là 70,4%.
- Các hình thức khác: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xuất bản 120 số Bản tin thông báo nội bộ với số lượng 504.000 cuốn phục vụ cho các kỳ sinh hoạt Chi bộ cho toàn Đảng bộ tỉnh, tổ chức được 120 hội nghị và lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho báo cáo viên, cán bộ và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể… Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động được 331.783 lượt hộ gia đình ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự, tham gia tố giác tội phạm, không bao che tiếp tay cho tội phạm, không thực hiện các hành vi phạm tội buôn bán phụ nữ trẻ em...
Nhìn chung, từ khi có Chỉ thị số 35/CT-TU, các hình thức PBGDPL đã được chú trọng và tăng cường đổi mới theo hướng đa dạng, thiết thực với từng vùng, từng đối tượng, các phương tiện thông tin đại chúng đã tăng thời lượng phát sóng và mở rộng các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật; các ấn phẩm pháp luật được phát hành ngày càng nhiều về số lượng, chất lượng lượng được nâng lên.
2. Hạn chế, yếu kém
Công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, còn có một số hạn chế, yếu kém như:
Một là, công tác chỉ đạo thực hiện việc phổ biến các văn bản pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị chưa được thường xuyên, liên tục; việc truyền tải pháp luật từ xã tới nhân dân ở thôn, khối phố còn nhiều hạn chế, do đó hiệu quả công tác PBGDPL ở một số đơn vị chưa cao.
Hai là, một số sở, ban, ngành chưa phát huy được vai trò của mình trong tổ chức phổ biến văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý tới cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Triển khai “Ngày pháp luật” còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao.
Ba là, Hội đồng phối hợp PBGDPL ở một số cơ quan, đơn vị hoạt động còn mang tính hình thức, chưa thực sự tạo ra cơ chế phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, triển khai công tác PBGDPL nên hiệu quả chưa cao; vai trò tham mưu trong triển khai thực hiện công tác PBGDPL của cơ quan tư pháp cấp huyện, cấp xã còn hạn chế.
Bốn là, việc PBGDPL ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng cao, vùng biên giới chưa tập trung vào đúng đối tượng cần phổ biến, chưa đi sâu vào các nội dung, lĩnh vực có nhiều người quan tâm, hình thức PBGDPL còn nặng về tổ chức hội nghị.
Năm là, việc theo dõi, hướng dẫn hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật chưa sát sao, thường xuyên, chưa có cơ chế quản lý thống nhất, đồng bộ nên chưa khai thác hết hiệu quả hoạt động của lực lượng này; kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL của các báo cáo viên, tuyên truyền viên nhất là ở cấp xã còn nhiều hạn chế.
Sáu là, mặc dù hiểu biết pháp luật của nhân dân đã được nâng lên, nhưng một bộ phận vẫn chưa có ý thức tuân thủ pháp luật, thậm chí còn cố tình vi phạm pháp luật, ví dụ như các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, buôn lậu, trốn thuế… Hầu hết nhân dân vẫn chưa có thói quen chủ động tìm hiểu pháp luật.
3. Một số kinh nghiệm
- Công tác PBGDPL chỉ có thể đạt được hiệu quả khi có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và phát huy được sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, nhất là sự chủ động sáng tạo của cơ sở và sự hưởng ứng, chủ động tìm hiểu pháp luật của nhân dân.
- Phải lựa chọn được hình thức và nội dung PBGDPL phù hợp với từng vùng, từng đối tượng, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… trong việc PBGDPL cho hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.
- Các Hội đồng phối hợp PBGDPL từ tỉnh đến cơ sở phải phát huy được vai trò là tổ chức phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL ở cấp mình, ngành mình. Tăng cường tính chủ động trong đề xuất, tham mưu của cơ quan tư pháp từ tỉnh đến cơ sở.
- Hoạt động PBGDPL phải được thực hiện theo chương trình, kế hoạch cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong từng giai đoạn và trình độ dân trí của từng vùng; phải gắn hoạt động PBGDPL với công tác thi hành pháp luật, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và giải đáp các vướng mắc về pháp luật, các phong trào vận động quần chúng khác để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân.
- Phải xây dựng được lực lượng nòng cốt làm công tác PBGDPL và thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ PBGDPL cho lực lượng này.
- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, động viên khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác PBGDPL; đầu tư trang thiết bị, phương tiện và kinh phí cho công tác PBGDPL.
Dương Công Luyện
Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật