Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời đã tạo lập hành lang pháp lý cần thiết cho việc bảo vệ người tiêu dùng, xác lập được sự ổn định trong quan hệ giữa người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh; từ đó đã hình thành được nền tảng tư duy mới trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và thiết lập được vị thế các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng, hướng tới mục tiêu xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau ba năm áp dụng trong thực tiễn, Luật này vẫn chưa phát huy được vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và còn có những vấn đề bất cập như: Chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; một số quy định đề ra trong Luật chưa được cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc; công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng còn yếu kém...
Để các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự đi vào cuộc sống và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, trong bài viết “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sau 3 năm áp dụng trong cuộc sống”, tác giả Lê Thị Hải Ngọc đã đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới. Kính mời độc giả đón đọc bài viết này trên Tạp chí phát hành hàng tháng số tháng 7 (268) năm 2014 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Quốc Khánh