Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có nhiều nội dung lớn, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp rộng, nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 7, đã có 122 lượt ý kiến phát biểu ở Tổ và Hội trường, có 02 đại biểu gửi ý kiến góp ý bằng văn bản. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này gồm 9 chương, 100 điều. Dự thảo Luật lần này đã đạt được sự thống nhất, đồng thuận của các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được đánh giá là bước tiến quan trọng trong nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của nước ta.
Tại phiên thảo luận, đã có 17 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận về các nội dung của dự thảo Luật.
Về việc sử dụng bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, tại đoạn 2 khoản 2 Điều 52 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) về bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia quy định: bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia không được sử dụng vì mục đích lợi nhuận. Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị xem xét lại quy định này vì những lý do như: (i) về lý luận quan điểm, phát triển kinh tế là khai thác tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, do đó, khi đưa các bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để trưng bày cho khách tham quan, chiêm ngưỡng có thu phí là phù hợp; (ii) về thực tế, khi bảo tàng, phòng trưng bày có trưng bày bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mở cửa có bán vé tham quan là hoạt động có thể sẽ bị cấm. Vậy bảo tàng, phòng trưng bày phải cất những bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia này đi, sẽ không tạo được sự hấp dẫn, thu hút khách thăm quan. Từ đó, kéo theo hệ quả là bảo tàng sẽ không phát huy được vai trò của mình, đồng thời, không có hoặc không tăng được nguồn thu, ảnh hưởng đến sự tồn tại và tăng trưởng.
Để khắc phục những vướng mắc trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị không nên quy định không được sử dụng bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vì mục đích lợi nhuận như dự thảo Luật quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 52.
Cần có quy định cụ thể về đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích
Theo đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, dự thảo Luật quy định việc sửa đổi, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích phải thực hiện theo quy định về quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể cho nhà ở riêng lẻ của người dân. Việc đưa nhà ở của người dân vào quy hoạch và thực hiện các thủ tục lập dự án sẽ gây nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và kinh phí, có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực. Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị cần có quy định cụ thể về dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích trong dự thảo Luật.
Cùng góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, một điểm mới trong dự thảo Luật là quy định về cải tạo, sửa chữa, xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I và II, nhất là đối với khu vực II. Sau khi khoanh vùng khu vực bảo vệ II di tích trên bản đồ địa chính theo Luật Di sản văn hóa, thì bắt buộc trong quy hoạch sử dụng đất ghi chức năng sử dụng là đất di tích, nên khi triển khai, quy hoạch chi tiết xây dựng cũng sẽ thể hiện là đất di tích. Vì thế, các hoạt động sửa chữa, cải tạo, xây dựng, trở nên khó khăn, chưa kể đến việc xác lập các quyền thừa kế, chuyển nhượng, sở hữu, triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội... Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần khắc phục triệt để tình trạng trên, tạo sự thống nhất giữa Luật Di sản văn hóa với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, thể hiện rõ quy định về chức năng sử dụng, khoanh vùng bảo vệ đối với khu vực bảo vệ II.
Chuẩn bị kỹ lưỡng để sau khi được thông qua Luật sớm đi vào cuộc sống
Góp ý về những vấn đề chung của dự thảo Luật, đại biểu Trình Lam Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và các văn bản quy phạm pháp luật, nên giữ được sự ổn định cho hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản của văn hóa. Dự thảo Luật cũng quy định những vấn đề mới về bộ máy quản lý di tích, di sản, xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa, hợp tác công tư…; đồng thời, thể chế hóa những nội dung cơ bản trong các công ước quốc tế về di sản văn hóa mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, thời gian vừa qua, các quy định hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa vẫn còn thiếu, chưa cụ thể ở một số lĩnh vực như: điều kiện thành lập bảo tàng, định mức chi trong hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực di sản văn hóa, định mức kiểm kê di sản, định mức xây dựng hồ sơ di tích, hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, định mức thuê chuyên gia, nghệ nhân tham gia nghiên cứu và biểu diễn…
Bên cạnh đó, kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi, truyền dạy cũng còn hạn chế; còn khó khăn trong xử lý giữa bảo tồn và nhu cầu phát triển du lịch; chưa có cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể… Những hạn chế trên đã làm cho các địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý và hoạt động chuyên môn. Do đó, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra quan tâm bổ sung trong dự thảo Luật; đồng thời, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định hướng dẫn ngay sau khi dự thảo Luật được thông qua, nhằm giúp cho hoạt động quản lý và hoạt động chuyên môn đáp ứng kịp thời các yêu cầu xây dựng văn hóa trở thành nền tảng để phát triển kinh tế, phát triển con người và xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới.
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là một dự án luật có phạm vi liên quan rất rộng đến các đạo luật khác. Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội một luật sửa bốn luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư và một luật sửa bảy luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách. Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có rất nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm huy động, quản lý các nguồn lực về tài chính phục vụ cho bảo vệ, bảo tồn phát huy di sản cũng như sử dụng, khai thác di tích, di sản văn hóa. Vì vậy, cần nghiên cứu, cập nhật kịp thời những nội dung có liên quan của các dự thảo Luật đang trong quá trình đề xuất sửa đổi, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất khả thi trong dự án Luật này./.
Minh Trí
Ảnh: internet