Đến nay, đã có nhiều văn bản hướng dẫn Luật Giám định tư pháp ở các lĩnh vực khác nhau được ban hành, cụ thể là: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp (Nghị định số 85/2013/NĐ-CP); Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Các bộ, ngành đã ban hành được 14 quyết định, thông tư, trong số đó, đáng chú ý là việc Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 20/TT-BYT ngày 12/6/2014 về Bảng tỷ lệ tổn hại cơ thể trong giám định pháp y. Việc ban hành Thông tư số 20/TT-BYT với quy định khá đầy đủ các loại hình tổn thương cơ thể dành riêng cho giám định pháp y sẽ góp phần giải quyết cơ bản khó khăn, vướng mắc của hoạt động giám định pháp y đã tồn tại trong thời gian dài. Nhiều văn bản hướng dẫn Luật Giám định tư pháp được ban hành trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho người giám định tư pháp khi thực hiện giám định, cũng như cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xem xét, đánh giá kết luận giám định tư pháp và các cơ quan có liên quan trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp.
Sau 02 năm kể từ ngày được ban hành, với sự quan tâm của các bộ, ngành và địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện, các quy định của Luật Giám định tư pháp đang dần đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, phục vụ tốt hơn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng, kết quả cụ thể là:
Thứ nhất, về đội ngũ giám định viên tư pháp
Triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp, với trách nhiệm được giao, các bộ, ngành địa phương đã quan tâm hơn đến việc phát triển cả về số lượng và chất lượng giám định viên tư pháp. Kể từ thời điểm Luật Giám định tư pháp có hiệu lực đến nay, số lượng giám định viên tư pháp đã tăng lên đáng kể (578 người), nâng tổng số giám định viên tư pháp trong toàn quốc hiện có lên 4.673 người. Ngoài việc quan tâm tăng cường số lượng, các bộ, ngành và địa phương cũng thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên. Tất cả các giám định viên được bổ nhiệm đều đạt tiêu chuẩn tốt nghiệp đại học trở lên, có phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm công tác, được trang bị kiến thức pháp luật cần thiết.
Thứ hai, về tổ chức giám định tư pháp
Luật Giám định tư pháp quy định mô hình tổ chức giám định tư pháp công lập theo hướng tập trung để tăng cường đầu tư về con người, cơ sở vật chất, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức này.
Đối với tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y, Luật quy định tổ chức giám định pháp y công lập ở địa phương chỉ có một hình thức tổ chức duy nhất là Trung tâm pháp y, thay vì Trung tâm pháp y hoặc Phòng giám định pháp y thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh. Đến nay, cả nước đã có 51/63 Trung tâm pháp y được thành lập theo quy định của Luật, tăng thêm 13 Trung tâm so với trước khi có Luật Giám định tư pháp, chỉ còn một số địa phương do có khó khăn về con người cũng như cơ sở vật chất, nên chưa thành lập được Trung tâm. Cùng với việc kiện toàn về mặt tổ chức, các địa phương cũng quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc cho các Trung tâm pháp y cấp tỉnh, nên hoạt động giám định tư pháp ngày càng được nâng cao. Các Trung tâm pháp y ở một số địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Định, Nghệ An, Kiên Giang…, tiếp tục được quan tâm, đầu tư về con người, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc.
Về tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y tâm thần, Luật quy định theo hướng đổi mới căn bản, theo đó, Nhà nước thành lập Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thay cho Trung tâm pháp y tâm thần tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Quy định này để thu gọn đầu mối, tập trung nguồn lực và phù hợp với thực tế về nhu cầu giám định pháp y tâm thần. Đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức khảo sát ở các địa phương dự kiến đặt Trung tâm và đang hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm pháp y tâm thần khu vực để các Trung tâm này sớm đi vào hoạt động theo quy định của Luật và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh tiếp tục được Bộ Công an quan tâm kiện toàn cơ cấu tổ chức, điều kiện cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo hoạt động ổn định. Hầu hết các Phòng kỹ thuật hình sự được giao diện tích làm trụ sở và phòng làm việc riêng; phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động giám định cơ bản đảm bảo để thực hiện giám định theo từng chuyên ngành được Bộ Công an phân cấp. Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an các địa phương như: Thái Bình, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hoá, Nghệ An, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Quảng Ninh... đã được Bộ Công an đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm chuyên sâu phục vụ giám định hoá pháp lý, giám định gen bằng công nghệ bán tự động.
Thứ ba, về chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp
Để đáp ứng nhu cầu giám định tư pháp trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực chưa có tổ chức giám định tư pháp chuyên trách, Luật Giám định tư pháp quy định cụ thể về tiêu chuẩn, việc công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong việc rà soát, lựa chọn, lập và công bố danh sách đối tượng này trong các lĩnh vực như tài chính, xây dựng, giao thông vận tải, ngân hàng để đáp ứng nhu cầu giám định tư pháp. Qua gần 02 năm triển khai thực hiện, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã công bố được 136 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và 736 cá nhân giám định tư pháp theo vụ việc trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, văn hóa v.v... Việc công bố danh sách tổ chức, cá nhân thực hiện giám định trên Trang thông tin điện tử của bộ, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan tiến hành tố tụng chủ động hơn trong việc trưng cầu các tổ chức, cá nhân phù hợp với yêu cầu của vụ việc giám định.
Về việc thành lập Văn phòng giám định tư pháp: Đây là một nội dung mới, mang tính cải cách đột phá trong hoạt động giám định tư pháp nhằm huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động giám định, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” về thiếu người giám định, thiếu tổ chức để trưng cầu, yêu cầu giám định trong việc giám định xây dựng, tài chính, kế toán, ngân hàng, văn hóa. Thời gian qua, đã có 01 Văn phòng giám định tư pháp được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh (Văn phòng giám định tư pháp Sài Gòn thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính - kế toán). Văn phòng giám định tư pháp đã tiếp nhận và thực hiện các vụ việc giám định về tài chính kế toán theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng một số tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam.
Thứ tư, về hoạt động giám định tư pháp
Nhìn chung, việc trưng cầu, yêu cầu, tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Giám định tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan. Các kết luận giám định tư pháp về cơ bản đáp ứng được yêu cầu về mặt thời gian, chính xác, khách quan, góp phần rất lớn giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án.
Đối với loại hình giám định pháp y - là một trong hai loại hình giám định tư pháp chiếm đa số trong các vụ việc giám định, để phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như khoa học về pháp y, Luật quy định giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh chỉ thực hiện giám định pháp y tử thi, không thực hiện giám định pháp y về thương tích. Thực hiện quy định này, đến nay, hoạt động giám định pháp y về thương tích đã hoàn toàn do pháp y của Ngành Y tế thực hiện.
Thứ năm, về chi phí giám định tư pháp
Vấn đề phí, chi phí cần thiết cho việc trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp đang là một trong những bất cập, làm ách tắc nhiều hoạt động giám định tư pháp, do quy định hiện hành về phí, chi phí giám định tư pháp chưa rõ ràng, dẫn đến việc chi trả các chi phí giám định không kịp thời, không tương xứng với công sức lao động bỏ ra, cũng như không bảo đảm việc khấu hao máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác giám định tư pháp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp từ chối thực hiện giám định tư pháp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Để giải quyết vấn đề này, Luật Giám định tư pháp, Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng và Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14/8/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng. Triển khai quy định này, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải đã áp dụng cách tính chi phí mới và cách tính này bước đầu được các tổ chức thực hiện giám định đánh giá là tương đối phù hợp với thực tiễn.
Thứ sáu, về chế độ, chính sách đối với hoạt động giám định tư pháp
Luật Giám định tư pháp quy định mang tính nguyên tắc những chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng và tôn vinh người làm giám định tư pháp để thu hút các chuyên gia giỏi, cán bộ có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp tham gia hoạt động giám định tư pháp và giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp thay thế Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng tăng mức bồi dưỡng cho người giám định tư pháp. Đến nay, về cơ bản các bộ, ngành và địa phương đã tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, góp phần động viên, khuyến khích rất lớn đối với người giám định tư pháp cũng như thu hút các chuyên gia giỏi tham gia vào hoạt động giám định tư pháp.
Để khuyến khích Văn phòng giám định tư pháp phát triển, Chính phủ đã quy định một số chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng cho Văn phòng giám định tư pháp tại Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Hy vọng, với chính sách ưu đãi nêu trên, Văn phòng giám định tư pháp trong thời gian tới sẽ được phát triển hơn nữa.
Thứ bảy, về quản lý nhà nước đối với công tác giám định tư pháp
Để khắc phục tình trạng không rõ ràng và thiếu hiệu quả trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp hiện nay, Luật quy định theo hướng đề cao và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành chủ quản, các cơ chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Theo đó, các bộ, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý; đồng thời, Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với hoạt động giám định tư pháp, tạo ra cơ chế cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động giám định tư pháp.
Thực tiễn triển khai Luật Giám định tư pháp thời gian qua cho thấy, khác với trước đây, hiện nay nhiều bộ, ngành đã quan tâm hơn đến việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Giám định tư pháp; củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ người giám định tư pháp (Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông); thực hiện việc thống kê về giám định tư pháp (Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), cá biệt, một số bộ, ngành (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải) trước đây hầu như không quan tâm đến công tác giám định tư pháp, nhưng nay đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP.
Nhìn chung, qua 02 năm triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp, Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã có nhiều nỗ lực để tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng kể trong công tác xây dựng thể chế, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giám định tư pháp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, công tác giám định tư pháp còn có một số tồn tại, hạn chế nhất định. Vì vậy, để Luật Giám định tư pháp thực sự đi vào cuộc sống, trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục quan tâm đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật về giám định tư pháp, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác giám định tư pháp, tạo điều kiện để công tác giám định được tiến hành thuận lợi, đúng luật.
Cục Bổ trợ tư pháp