1. Những kết quả đạt được
Thứ nhất, công tác triển khai thi hành Luật Hộ tịch được thực hiện đồng bộ trên cả nước
Sau khi Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch, để bảo đảm hiệu lực của Luật từ ngày 01/01/2016, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu, trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Trong đó, 02 văn bản trực tiếp hướng dẫn thi hành Luật là Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch và Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp đã được ban hành đúng tiến độ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật kể từ ngày 01/01/2016. Điều đó đã tạo thuận lợi lớn cho công tác triển khai thi hành Luật Hộ tịch của các bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh.
Công tác tập huấn, triển khai Luật, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hộ tịch cũng được Bộ Tư pháp triển khai kịp thời, thường xuyên, liên tục. Hoạt động quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch được tiến hành tại tất cả các địa phương trên cả nước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Hội nghị tuyên truyền, phổ biến; công bố, niêm yết công khai thủ tục hành chính về đăng ký hộ tịch tại trụ sở cơ quan đăng ký hộ tịch; đăng tải trên trang/cổng thông tin điện tử; phát hành tờ rơi, tờ gấp có nội dung tuyên truyền pháp luật hộ tịch, ý nghĩa của giấy tờ hộ tịch, đặc biệt là giấy khai sinh; xây dựng các chuyên mục phổ biến pháp luật hộ tịch trên báo, đài truyền hình; lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật hộ tịch vào các buổi sinh hoạt chuyên đề, tổ chức “Ngày pháp luật”[2]...
Trong những năm qua, Bộ Tư pháp thường xuyên trao đổi với các bộ, ngành liên quan và hướng dẫn các địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các thủ tục đăng ký hộ tịch. Đồng thời, Bộ thường xuyên liên hệ với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để nắm thông tin về hộ tịch liên quan đến công dân Việt Nam[3]. Trung bình mỗi năm, Bộ tháo gỡ, trả lời hàng trăm kiến nghị cho địa phương để giải quyết kịp thời yêu cầu đăng ký hộ tịch cho người dân.
Thứ hai, bộ máy làm công tác hộ tịch được kiện toàn, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch được chuẩn hóa
Tại hầu hết các địa phương, UBND các cấp đều quan tâm bố trí công chức có chất lượng, trình độ, đủ tiêu chuẩn làm công tác đăng ký hộ tịch. Số lượng, biên chế của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở cả hai cấp (xã và huyện) cơ bản được duy trì. Bình quân hiện nay, Phòng Tư pháp được bố trí từ 03 - 04 công chức; khoảng 62% tổng số xã, phường, thị trấn được bố trí 02 công chức tư pháp - hộ tịch.
Đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở các địa phương cơ bản có trình độ chuyên môn phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công việc[4]. Công chức chưa đủ tiêu chuẩn đều được đưa vào kế hoạch đào tạo, được tạo điều kiện để theo học các lớp chuyên ngành luật (trung cấp/đại học) hoặc địa phương có kế hoạch tuyển dụng, bố trí công chức đủ tiêu chuẩn thay thế (đối với những công chức sắp đến tuổi nghỉ hưu/không có nguyện vọng đào tạo), bảo đảm đến năm 2020 đạt tỷ lệ 100% công chức làm công tác hộ tịch được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, công chức làm công tác hộ tịch còn được bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp chứng chỉ theo Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch do Bộ Tư pháp ban hành[5]. Trong 03 năm qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức 07 lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ hộ tịch cho tất cả các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương[6]; các cơ sở giáo dục đào tạo của Bộ đã tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp chứng chỉ cho trên 11.000 công chức làm công tác hộ tịch cấp xã và cấp huyện. Trong năm 2019, các địa phương tiếp tục tiến hành bồi dưỡng để hết năm 2019 đạt tỷ lệ 100% công chức làm công tác hộ tịch được bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp chứng chỉ.
Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch được quan tâm triển khai kịp thời, hiệu quả
Để cải cách mạnh mẽ công tác đăng ký, quản lý, thống kê hộ tịch, Bộ Tư pháp đã xác định xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch điện tử là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu. Trong điều kiện hạn chế về kinh phí, Bộ đã xác định tập trung xây dựng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, trọng tâm là phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch miễn phí dùng chung. Đây được coi là bước đột phá mạnh mẽ nhất, tạo nên thắng lợi của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đăng ký hộ tịch trên phạm vi cả nước.
Cùng với đó, các địa phương cũng tích cực, chủ động từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều tham gia triển khai CSDL hộ tịch điện tử. Nhiều tỉnh đã chủ động bố trí kinh phí, củng cố cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị (máy tính), phối hợp với Bộ Tư pháp ngay từ những ngày đầu tiên sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung. Đến thời điểm hiện nay, Bộ đã triển khai phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung cho các cơ quan đăng ký hộ tịch (cấp xã, cấp huyện) của 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đây là con số vô cùng ấn tượng, vượt xa so với dự kiến ban đầu, nhất là trong điều kiện vô cùng hạn hẹp về kinh phí[7].
Về dữ liệu, tính đến cuối tháng 6/2019, trên toàn hệ thống đã ghi nhận có: 10.108 công chức tư pháp hộ - tịch tại 6.621 UBND cấp xã, 429 Phòng Tư pháp cấp huyện và 42 Sở Tư pháp cấp tỉnh tham gia tác nghiệp hàng ngày; CSDL hộ tịch điện tử đã dần được hình thành tại 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với trên 5.305.251 dữ liệu đăng ký hộ tịch và hơn 10.000.000 công dân đã được thu thập, thiết lập thông tin cơ bản về nhân thân; có 3.149.375 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 1.723.818 trẻ em là công dân Việt Nam đăng ký khai sinh mới từ ngày 01/01/2016 đã được cấp số định danh cá nhân; 571.890 trường hợp đăng ký kết hôn; 1.089.931 lượt cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 426.068 trường hợp đăng ký khai tử; 2.181 trường hợp đăng ký giám hộ; 16.170 trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con; 1.936 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi; 46.690 trường hợp cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch; 994 trường hợp xác định lại dân tộc.
Có thể nói, đây là bước đột phá cực kỳ mạnh mẽ trong đăng ký, quản lý, thống kê hộ tịch, góp phần to lớn vào công cuộc cải cách hành chính theo hướng “không giấy”, đem lại lợi ích thiết thực, tích cực cho người dân và tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho các địa phương thời gian qua[8].
Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra tình hình đăng ký hộ tịch được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, phát hiện và xử lý kịp thời các sai sót
Mỗi năm, Bộ Tư pháp tổ chức khoảng 15 - 20 đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình đăng ký và thống kê hộ tịch tại địa phương. Đây là hoạt động hướng về cơ sở, đi sâu, đi sát đến tận cơ quan đăng ký hộ tịch cấp thấp nhất (UBND cấp xã[9]). Qua đó, đã phát hiện, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn nhiều sai sót về nghiệp vụ hộ tịch. Đồng thời, qua kiểm tra cũng phát hiện nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký hộ tịch. Đó là những vướng mắc về đăng ký khai sinh; xác định cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch, đăng ký khai tử[10]… Từ đó, có những trao đổi, trực tiếp hướng dẫn, tháo gỡ cho các cơ quan đăng ký hộ tịch địa phương, bảo đảm giải quyết kịp thời yêu cầu đăng ký hộ tịch cho người dân.
2. Những khó khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả nêu trên, thời gian qua, các cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và cả những thách thức (về thể chế, nguồn lực, cả chủ quan và khách quan). Điều đó đã và đang ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai thực hiện Luật Hộ tịch, làm hạn chế chất lượng đăng ký, quản lý hộ tịch. Cụ thể như sau:
Một là, vướng mắc về thể chế: Lĩnh vực hộ tịch (khai sinh, khai tử, kết hôn…) luôn phát sinh hàng ngày trong đời sống nhân dân, với nhiều hoàn cảnh, tình huống rất khác nhau. Thực tế cho thấy, không pháp luật một nước nào có thể dự liệu được mọi trường hợp xảy ra. Trong khi trình độ, năng lực, bản lĩnh nghề nghiệp của nhiều công chức làm công tác hộ tịch còn hạn chế nên đối với hầu hết các trường hợp phát sinh mà chưa được pháp luật điều chỉnh hoặc hướng dẫn chưa rõ, thì các địa phương đều lúng túng, không biết cách giải quyết. Trong nhiều trường hợp các sự kiện hộ tịch thường xuyên xảy ra như đăng ký khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân, khai tử… hoặc việc hộ tịch khá phổ biến như thay đổi họ, tên, cải chính hộ tịch, có những tình tiết phức tạp, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn chưa dự liệu được, thì yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân gặp vướng mắc, không giải quyết được, cơ quan đăng ký hộ tịch cấp dưới không đủ tự tin để vận dụng pháp luật giải quyết, thường phải chờ xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên[11].
Bên cạnh đó, tại các tỉnh miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vẫn còn những phong tục, tập quán không phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đăng ký hộ tịch. Nhưng nếu áp dụng đúng các quy định pháp luật, trong một số trường hợp không “hợp” lòng dân, thì người dân phản ứng, không hợp tác (ví dụ, trong việc ghi tên các thành phần dân tộc, đặt họ tên cho trẻ theo yêu cầu của người dân, nhưng không đúng quy định).
Hai là, hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, thống nhất
Để thực hiện tốt Luật Hộ tịch thì đòi hỏi các văn bản pháp luật thuộc những lĩnh vực có liên quan (như dân sự, hôn nhân và gia đình, quốc tịch, cư trú...) phải đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó, các quy định của Luật phải được quy định cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, thống nhất về thủ tục hành chính. Có như vậy, khi thực hiện thủ tục đăng ký hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch mới xác định đúng thẩm quyền đăng ký hộ tịch, vận dụng chính xác, linh hoạt các quy định để giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch cho người dân.
Ba là, khó kiện toàn, duy trì ổn định đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch có chất lượng, đủ tiêu chuẩn theo quy định
Thực tế cho thấy, các địa bàn cấp huyện, cấp xã có đông dân cư, khối lượng công việc rất lớn[12], công chức hộ tịch bị quá tải, nhưng chính quyền cũng chỉ bố trí được 01 công chức tư pháp - hộ tịch tại UBND cấp xã; một số Phòng Tư pháp cấp huyện chỉ có 02 biên chế, thậm chí có thời điểm chỉ có 01 biên chế[13]. Bên cạnh đó, còn tồn tại tình trạng công chức được đào tạo chuyên ngành khác (kinh tế, nông nghiệp, giáo viên...) được bố trí làm công tác hộ tịch, một số địa phương còn có tình trạng “mượn biên chế” - tức là tuyển dụng công chức tư pháp - hộ tịch song thực tế lại bố trí làm công tác xã đội, công an xã hoặc công tác khác[14].
Về trình độ, khó có thể duy trì 100% công chức làm công tác hộ tịch có trình độ chuyên môn phù hợp, bởi theo thống kê, đến cuối năm 2018, cả nước có 20.483 công chức làm công tác hộ tịch (2.949 công chức làm công tác hộ tịch cấp huyện; 17.534 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã), trong đó: 249 người có trình độ thạc sĩ luật, 9.624 người có trình độ đại học luật (chiếm 56,3%), 6.494 người có trình độ trung cấp luật (chiếm 37%), còn lại vẫn còn tới 3.154 công chức (chiếm 21,2%) có chuyên môn khác, tỉ lệ này ở mỗi tỉnh khác nhau là khác nhau[15]. Không chỉ hạn chế về trình độ chuyên môn, trình độ tin học, kỹ năng thống kê của công chức tư pháp - hộ tịch cũng có hạn chế, dẫn đến còn có sai sót trong quá trình giải quyết công việc.
Ngoài ra, tại một số địa phương, công chức tư pháp - hộ tịch còn bị luân chuyển, điều động làm công việc khác. Có nhiều trường hợp công chức tư pháp - hộ tịch có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tiễn, nhưng trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc được bổ nhiệm vào vị trí công tác cao hơn, địa phương chưa bố trí được người có chuyên môn phù hợp, phải tạm thời bố trí những người được đào tạo chuyên ngành khác làm công tác hộ tịch hoặc sử dụng cán bộ hợp đồng đảm nhiệm công tác này.
Ở một số địa phương, kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hộ tịch cho công chức làm công tác hộ tịch chưa được quan tâm bảo đảm đúng mức; có tình trạng việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức làm công tác hộ tịch do cơ quan khác chủ trì thực hiện, cơ quan quản lý về chuyên ngành không nắm được thông tin, không đánh giá được chất lượng bồi dưỡng, tập huấn, dẫn đến việc đào tạo, bồi dưỡng không bảo đảm chất lượng, đúng, đủ nội dung theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.
Kể từ ngày 01/01/2016, việc đăng ký hộ tịch được thực hiện theo quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành, nhưng có địa phương vẫn tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cho công chức làm công tác hộ tịch theo nội dung văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực thi hành (Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch; Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP…).
Một số địa phương phối hợp với cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho công chức làm công tác hộ tịch nhưng nội dung đào tạo, bồi dưỡng chỉ tập trung vào cơ sở lý luận, không chuyên sâu vào các quy định của Luật Hộ tịch, các văn bản quy định chi tiết thi hành, thủ tục đăng ký hộ tịch…, đồng thời thiếu ví dụ minh họa thực tế, không giải đáp, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc theo yêu cầu của học viên.
Bốn là, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được đầu tư phù hợp
Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của một số UBND cấp xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng biên giới vẫn còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, công chức tư pháp - hộ tịch phải dùng chung máy vi tính, máy in, tủ để hồ sơ với bộ phận văn phòng[16]. Một số địa bàn còn chưa có điện lưới ổn định, có địa bàn đã trang bị máy tính kết nối internet, nhưng đường truyền internet còn chậm, chập chờn, ảnh hưởng đến tốc độ và thời gian xử lý công việc. Nhiều nơi, máy vi tính, máy in được trang bị từ lâu, đã xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Nguồn kinh phí triển khai Đề án CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được bố trí[17], nên không đáp ứng được tiến độ, yêu cầu từ trung ương đến địa phương, việc triển khai hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí được cấp theo dự toán được duyệt.
Kinh phí cho việc triển khai Đề án CSDL hộ tịch điện tử tại các địa phương cũng ở tình trạng tương tự, chưa có địa phương nào được cấp kinh phí riêng để triển khai Đề án CSDL hộ tịch điện tử một cách bài bản, hệ thống, đồng bộ.
Bên cạnh vấn đề kinh phí, việc triển khai Đề án CSDL hộ tịch điện tử cũng có một số những tồn tại, hạn chế nhất định về hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung. Việc bảo đảm để triển khai, vận hành thống nhất CSDL hộ tịch điện tử trên toàn quốc kể từ ngày 01/01/2020 là thách thức không nhỏ.
Năm là, việc phối hợp giữa các ngành, cơ quan liên quan trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch chưa đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc
Qua hơn 03 năm thi hành Luật Hộ tịch cho thấy có nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến chức năng quản lý của bộ, ngành[18] chưa được xử lý, nên các cơ quan đăng ký hộ tịch ở địa phương gặp khó khăn khi giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân. Sức ép thay đổi, cải chính giấy tờ hộ tịch để hợp thức hóa hồ sơ, giấy tờ cá nhân ngày càng nhiều[19]; yêu cầu cấp xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã chết, đăng ký khai tử cho những người đã chết quá lâu… gây phiền hà cho người dân, tăng áp lực công việc hộ tịch cho UBND cấp xã[20].
Cơ quan công an tại nhiều địa phương khi triển khai thu thập thông tin phục vụ xây dựng CSDL quốc gia về dân cư chưa có sự phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp để kiểm tra, đối chiếu dữ liệu nhân thân của công dân, giải quyết những tồn tại, sai khác giữa dữ liệu hộ tịch và dữ liệu cư trú, căn cước công dân, yêu cầu công dân phải làm thủ tục đăng ký lại khai sinh, bổ sung thông tin hộ tịch, trong khi người dân không có nhu cầu, không có đủ giấy tờ, tài liệu, dẫn đến gây phiền hà không nhỏ cho người dân[21], tăng áp lực cho cơ quan đăng ký hộ tịch[22]. Quan trọng hơn nữa là dữ liệu, thông tin của công dân thu thập được chưa bảo đảm độ tin cậy, chính xác, thống nhất…
3. Đề xuất một số giải pháp
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
Trong khi chưa sửa đổi, bổ sung Luật Hộ tịch và các đạo luật liên quan, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan cần chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư có quy định chưa thống nhất hoặc có quy định chưa được hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là các quy định pháp luật dân sự, cư trú, hôn nhân và gia đình. Các vấn đề liên quan đến phong tục, tập quán, dân tộc, cơ quan có chức năng quản lý nhà nước ngành/lĩnh vực cần báo cáo Chính phủ có chính sách điều chỉnh phù hợp, bảo đảm công bằng, không phân biệt đối xử và phù hợp với văn hóa, lối sống đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bộ Tư pháp sớm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc khai thác, sử dụng CSDL hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, tạo cơ sở thống nhất cho cơ quan đăng ký hộ tịch triển khai thực hiện.
Công tác quản lý, đăng ký hộ tịch cần được coi là công tác quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương, không phải là công tác của riêng Ngành Tư pháp. UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan tích cực phối hợp với Ngành Tư pháp trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Hộ tịch; sớm có giải pháp phù hợp với tình hình khó khăn, vướng mắc của địa phương trong công tác đăng ký hộ tịch; khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý hoặc hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, đăng ký hộ tịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài; việc thay đổi, cải chính hộ tịch… kịp thời uốn nắn các sai sót, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch.
Thứ hai, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã
Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP đã quy định cụ thể về việc tuyển dụng, bố trí, bồi dưỡng công chức làm công tác hộ tịch, bảo đảm trước ngày 01/01/2020, 100% công chức tư pháp - hộ tịch đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch. Đồng thời, cần ưu tiên bố trí công chức tư pháp - hộ tịch làm công tác hộ tịch chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính cấp xã loại 1, loại 2 có đông dân cư, số lượng công việc hộ tịch nhiều. Kiên quyết không tuyển dụng, bố trí công chức tư pháp - hộ tịch không đúng quy định.
Thứ ba, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan
Các bộ, ngành, đơn vị có liên quan tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, có phản hồi hoặc có hình thức trao đổi phù hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế và thực tế phát sinh; đặc biệt là Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc sớm có đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề tên gọi, thành phần dân tộc, bảo đảm cơ sở pháp lý thống nhất cho việc đăng ký hộ tịch và cấp các giấy tờ cá nhân khác cho công dân; bảo đảm duy trì kết nối, liên thông giữa cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch với các cơ quan khác có liên quan trong quản lý và khai thác các thông tin, số liệu về hộ tịch.
Bộ Công an chủ động chỉ đạo, hướng dẫn công an địa phương phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp trong việc kiểm tra, đối chiếu thông tin công dân; có kế hoạch giải quyết, xử lý những tồn tại, sai khác trong giấy tờ công dân, theo đúng tinh thần Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 13/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân phải thực hiện thêm thủ tục hành chính không có trong quy định, gây phiền hà cho công dân và tạo áp lực cho cơ quan đăng ký hộ tịch, đặc biệt không nên gây ra sự xáo trộn không cần thiết trong xã hội khi yêu cầu thực hiện đăng ký lại khai sinh với số đông.
Bộ Tài chính phối hợp trong công tác bố trí kinh phí phù hợp, bảo đảm triển khai thực hiện Đề án CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc trong năm 2019 và những năm tiếp theo, đặc biệt là bố trí vốn đầu tư trung hạn để xây dựng Dự án khả thi CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc.
Thứ tư, tăng cường bảo đảm các điều kiện về phương tiện, cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp
Ở trung ương, cần bố trí nguồn kinh phí phù hợp, bảo đảm triển khai thực hiện Đề án CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc trong năm 2019 và những năm tiếp theo, đặc biệt là bố trí vốn đầu tư trung hạn để xây dựng Dự án khả thi CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc, kịp thời bảo đảm từ ngày 01/01/2020, CSDL hộ tịch điện tử được triển khai đồng bộ trên toàn quốc.
Chính quyền địa phương cần xác định công tác hộ tịch có vai trò không nhỏ trong xây dựng các chính sách về kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng và dân số, kế hoạch hóa gia đình để quan tâm, đầu tư hơn cho công tác này.
Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp
[1]. Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Băng Cốc - Thái Lan, tháng 11/2014 thông qua Tuyên bố về đăng ký, thống kê hộ tịch (CRVS).
[2]. Quảng Bình: Phát hành 17.000 cuốn sách bỏ túi “Tìm hiểu một số quy định của Luật Hộ tịch”, 10.000 cuốn sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch cho công chức tư pháp hộ - tịch cấp xã, 7.050 cuốn Bản tin Tư pháp...
[3]. Trao đổi với Bộ Ngoại giao (xử lý các vấn đề liên quan đến đăng ký hộ tịch, cấp các giấy tờ hộ tịch của cơ quan đại diện, cơ quan có thẩm quyền nước ngoài); trao đổi với một số đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đề nghị cung cấp thông tin pháp luật liên quan đến việc đăng ký kết hôn, cấp giấy tờ xác nhận/chứng minh tình trạng hôn nhân, kiểm tra xác minh việc đăng ký hộ tịch của công dân Việt Nam ở nước ngoài; trao đổi với Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền giải quyết vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình; trao đổi thống nhất với Bộ Công an một số nội dung thuộc lĩnh vực hộ tịch liên quan đến thẻ căn cước công dân, nơi cư trú, thu thập thông tin phục vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...; xin ý kiến của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến thành phần dân tộc.
[4]. Cả nước có 18.768 biên chế làm công tác hộ tịch trên tổng số 11.224 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 17.534 công chức tư pháp - hộ tịch và 1.234 cán bộ hợp đồng. Tỷ lệ công chức làm công tác hộ tịch có trình độ chuyên môn phù hợp của nhiều tỉnh, thành phố đạt 100%, như: Long An, Tiền Giang, xấp xỉ đạt 100% như thành phố Đà Nẵng: 98,4%, Điện Biên: 98,5%, Quảng Bình: 98%.
[5]. Theo Quyết định số 2247/QĐ-BTP ngày 25/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
[6]. Học viện Tư pháp, các trường Trung cấp Luật Thái Nguyên, Đồng Hới, Tây Bắc, Vị Thanh, Buôn Mê Thuột (nay là Phân hiệu Đại học Luật Hà Nội).
[7]. Đến hết tháng 6 năm 2019, có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chính thức sử dụng phần mền dùng chung của Bộ, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An, An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Bình Dương, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế, Cao Bằng, Nam Định, Kon Tum, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Bắc Ninh, Hà Giang, Cà Mau, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Định, Bình Thuận, Yên Bái, Bắc Kạn, Bến Tre, Cần Thơ, Điện Biên, Đồng Nai, Hậu Giang, Hải Dương, Thái Bình, Cần Thơ, Đồng Nai, Điện Biên, Thái Bình, Quảng Nam, Tiền Giang, Sơn La, Long An, Phú Yên, Tuyên Quang, Bình Phước, Hòa Bình, Phú Thọ (Chi tiết về việc triển khai Dự án thí điểm xin xem Báo cáo chuyên đề “Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch”).
[8]. Thử làm một phép tính: Kinh phí đi thuê phần mềm đăng ký hộ tịch của tư nhân, nếu trung bình năm đầu tiên mỗi xã phải trả 08 triệu đồng và từ năm thứ hai là 02 triệu đồng phí bảo trì, thì tính tổng số trên cả nước 03 năm qua đã tiêu tốn khoảng 150 tỷ đồng.
[9]. Từ năm 2016 đến tháng 10/2018, đã tổ chức 21 Đoàn kiểm tra tại: Hải Phòng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thái Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Điện Biên, Hà Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Kon Tum, An Giang, Bình Định.
[10]. Các vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc xác định họ, đặt tên cho con khi đăng ký khai sinh, nhất là đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài; đăng ký lại khai sinh cho cán bộ, công chức là đảng viên mà thông tin về họ tên, ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân không thống nhất với thông tin trong hồ sơ, lý lịch đảng; đăng ký nhận cha, mẹ, con cho trẻ em sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng là con riêng của người mẹ với người thứ ba; đăng ký thay đổi họ, tên của cá nhân, thay đổi phần khai về một bên cha, mẹ khi trẻ em được nhận làm con nuôi; việc cải chính hộ tịch trong giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, các loại sổ hộ tịch...; việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong một số trường hợp cụ thể...
[11]. Hàng năm, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp trung bình phải nghiên cứu trên 200 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch cho các địa phương, mỗi văn bản kể cả thời gian nghiên cứu, gửi đi, nhận về qua đường bưu điện trung bình cần 20 ngày.
[12]. Ở Phòng Tư pháp, công chức tư pháp phải đảm nhiệm hầu hết các nhiệm vụ công tác tư pháp (trên 15 đầu việc), ngoài ra nhiều nơi còn phải thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm soát thủ tục hành chính... thậm chí tham gia cưỡng chế giải phóng mặt bằng, thẩm định quyết định xử phạt vi phạm hành chính… do lãnh đạo UBND giao.
[13]. Phòng Tư pháp huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa chỉ có 01 Trưởng phòng, nguyên là giáo viên chuyển ngành.
[14]. UBND cấp tỉnh còn ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định cứng việc bố trí 01 biên chế công chức tư pháp - hộ tịch phụ trách Phó trưởng Công an xã (biên chế này không thực hiện nhiệm vụ tư pháp - hộ tịch, chỉ thực hiện nhiệm vụ của Công an xã).
[15]. Số công chức có trình độ chuyên môn chưa phù hợp: An Giang có 38/132 công chức (chiếm 28,8%); Kiên Giang có 41/286 công chức (chiếm 14,3%), Kon Tum có 27/183 công chức (chiếm 14,7%), Ninh Thuận có 50/115 công chức (chiếm 43,4%), Sơn La có 160/502 công chức (chiếm 31,8%), Trà Vinh có 38/269 công chức (chiếm 14%), Vĩnh Long có 43/218 công chức (chiếm 19,72%), Bình Dương có 51/191 công chức (chiếm 26,7%).
[16]. Tỉ lệ công chức tư pháp - hộ tịch được trang bị máy tính riêng: Sơn La có 49/204 xã (chiếm 24%); Kon Tum có 80/102 xã (chiếm 78%); Cao Bằng có 173/199 xã (chiếm 87%), Bình Định có 117/159 xã (chiếm 73,6%).
[17]. Đến nay, chưa có khoản kinh phí nào được chính thức phê duyệt cho việc thực hiện Đề án CSDL hộ tịch điện tử tại Bộ Tư pháp. Việc triển khai Đề án CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc (trọng tâm là xây dựng và triển khai Dự án khả thi CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc) dự kiến ngân sách trung ương phải bố trí 173,8 tỷ đồng và ngân sách địa phương bố trí 1.118 tỷ đồng, nhưng cho đến nay chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2021, nên chưa có kinh phí để triển khai thực hiện một cách bài bản. Trong giai đoạn 2016 - 2017, Bộ Tư pháp mới chỉ được cấp ngân sách để triển khai Dự án thí điểm thiết lập Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch tại 04 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Nghệ An, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh (trong đó chủ yếu là chi phí xây dựng phần mềm).
[18]. Vấn đề xác định tên gọi, xác định thành phần dân tộc khi đăng ký khai sinh cho trẻ em là con của đồng bào dân tộc thiểu số (liên quan đến chức năng quản lý của Ủy ban Dân tộc). Việc xác định thẩm quyền giải quyết nhận cha, mẹ, con đối với trường hợp trẻ được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng lại là con của người mẹ và người thứ 3 còn chưa rõ ràng; về nguyên tắc, trường hợp này được xác định là có tranh chấp, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục tố tụng, nhưng các Tòa án thường từ chối giải quyết với lý do “không có tranh chấp”; hiện Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có văn bản phản hồi về vấn đề này. Việc hợp pháp hóa lãnh sự/xác định giá trị pháp lý giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp (liên quan đến chức năng quản lý của Bộ Ngoại giao)...
[19]. Nhiều đơn vị của nghành Công an, nghành Giáo dục không chấp nhận trích lục khai sinh bản sao mà yêu cầu công dân phải nộp bản sao giấy khai sinh từ bản chính hoặc bản chứng thực bản chính giấy khai sinh, trong khi công dân đã bị mất bản chính giấy khai sinh; không chấp nhận trích lục thay đổi, cải chính hộ tịch mà đòi hỏi phải có quyết định thay đổi, cải chính hộ tịch mới điều chỉnh chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, văn bằng, chứng chỉ...).
[20]. Có phường tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong 08 tháng đầu năm 2017, đã tiếp nhận gần 2.000 yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; có trường hợp đăng ký khai tử ở Lai Châu, Nghệ An cho người chết năm 1933, 1955…
[21]. Do phải tới cơ quan đăng ký hộ tịch để thực hiện thủ tục hành chính (bổ sung thông tin hộ tịch/đăng ký lại khai sinh) trong khi không mong muốn và điều này bắt nguồn từ cả lỗi của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời pháp luật liên quan đến việc thu thập thông tin không có quy định bắt buộc người dân phải đăng ký lại khai sinh/bổ sung hộ tịch.
[22]. Có cơ quan đăng ký hộ tịch cấp xã phải tiếp nhận tới trên 100 hồ sơ đăng ký lại khai sinh/ngày (xã Xuân Quang, Văn Giang, Hưng Yên phản ánh qua điện thoại); số lượng việc đăng ký lại khai sinh ở một số đơn vị tăng vọt tới trên 250% so với cùng kỳ hàng năm.