Công tác hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính chất xã hội tự quản, đã tồn tại từ lâu đời. Trải qua nhiều thời kỳ, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã từng bước được củng cố và phát triển, khẳng định được vai trò và ý nghĩa to lớn trong đời sống của người dân. Ngày 20/6/2013, Quốc hội thông qua Luật Hòa giả ở cơ sở, một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh thống nhất về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, đây là một bước tiến quan trọng trọng trong quá trình thực hiện hoạt động này. Trên cơ sở kế thừa và phát huy các quy định của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và các nghị định trước đây, Luật Hòa giải ở cơ sở đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Vấn đề này được nêu lên một cách đầy đủ trong bài viết “Luật Hòa giải ở cơ sở đáp ứng yêu cầu của tình hình mới” của tác giả Nguyễn Thị Tố Nga, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, đăng trên Số chuyên đề tháng 7/2014 về “Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật. Trong bài viết này, tác giả khẳng định được rằng, những quy định trong văn bản Luật này đã khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế về hoạt động hòa giải ở cơ sở thời gian qua, bên cạnh đó còn đáp ứng được điều kiện xã hội, kinh tế hiện nay. Đó là những quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật; phạm vi hòa giải ở cơ sở; chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; hòa giải viên; tổ hòa giải; hỗ trợ kinh phí… Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Ngô Huyền