Thứ nhất, hướng dẫn cụ thể việc khai thuế giá trị gia tăng đầu vào bị sai, sót.
Hiện nay, việc kê khai, khấu trừ bổ sung thuế giá trị gia tăng đầu vào của cơ sở kinh doanh khi phát hiện bị sai, sót được thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, được sửa đổi bổ sung qua các năm 2013, 2014, 2016 (sau đây gọi là Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008), cụ thể: “trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế”.
Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng quy định về khai bổ sung đối với hồ sơ khai thuế khi người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót. Theo đó, khi người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ kinh thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra; trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế trong thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được khấu trừ hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, còn trong trường hợp nếu khai bổ sung sẽ làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế.
Nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện, Luật số 48/2024/QH15 đã sửa đổi nội dung này theo hướng quy định cụ thể đối với trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai, sót thì được khai thuế trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế như sau: (i) thực hiện khai bổ sung vào tháng, quý phát sinh số thuế giá trị gia tăng đầu vào bị sai, sót nếu việc khai thuế vào tháng, quý phát sinh số thuế giá trị gia tăng đầu vào bị sai, sót làm tăng số thuế phải nộp hoặc giảm số thuế được hoàn; người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế phải nộp tăng thêm hoặc bị thu hồi số tiền thuế đã được hoàn tương ứng và nộp tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước (nếu có); (ii) thực hiện khai vào tháng, quý phát hiện sai, sót nếu việc khai thuế vào tháng, quý phát sinh số thuế giá trị gia tăng đầu vào bị sai, sót làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển sang tháng, quý sau.
Thứ hai, bổ sung số thuế không được khấu trừ vào chi phí để tính thuế.
Luật số 48/2024/QH15 đã bổ sung quy định về số thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ như sau: cơ sở kinh doanh được tính vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Chính phủ[1]. Đây là chính sách đang được thực hiện ổn định theo quy định của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng[2]. Vì vậy, việc bổ sung chính sách này không làm giảm thu ngân sách nhà nước, đồng thời không làm tăng chi phí tuân thủ, cản trở hoạt động của tổ chức, cá nhân người nộp thuế.
Thứ ba, bổ sung quy định khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với một số trường hợp thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, Luật số 48/2024/QH15 đã bổ sung quy định “Chính phủ quy định chi tiết việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với: hàng hóa dịch vụ hình thành tài sản cố định phục vụ cho người lao động; trường hợp góp vốn bằng tài sản; hàng hóa, dịch vụ mua vào dưới hình thức ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác mà hóa đơn mang tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền; tài sản cố định là ô tô chở người từ 09 chỗ trở xuống; cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán tập trung”[3].
Thứ tư, sửa đổi quy định về điều kiện chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ ngày 01/01/2009, theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, một trong những điều kiện để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng. Việc thực hiện quy định trên đã góp phần thúc đẩy phát triển giao dịch thanh toán qua ngân hàng giữa các doanh nghiệp, góp phần ngăn chặn gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng và phòng chống rửa tiền. Đến nay, hệ thống thanh toán qua ngân hàng đã phát triển và tiện lợi hơn, các phương thức thanh toán ngày càng đa dạng. Hầu hết các địa điểm cung cấp hàng hóa, dịch vụ đã có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép khách hàng thanh toán mà không cần dùng tiền mặt khi mua hàng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế, nhiều doanh nghiệp vẫn lợi dụng chia nhỏ hóa đơn dưới 20 triệu để thanh toán bằng tiền mặt để được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng và tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Để tiếp tục thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và góp phần minh bạch hóa các giao dịch mua bán của doanh nghiệp, Luật số 48/2024/QH15 đã sửa đổi theo hướng quy định rõ điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa dịch vụ mua vào trừ một số trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ[4].
Thứ năm, bổ sung một số chứng từ vào điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải có: (i) hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu; (ii) chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng; (iii) hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ; (iv) hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ; (v) chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; (vi) tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu. Theo quy định này, nếu chỉ dựa vào hóa đơn, hợp đồng, tờ khai hải quan thì chưa đủ cơ sở để xác định hàng hóa đó có thực sự được xuất khẩu ra nước ngoài hay không. Thực tế, trong quá trình kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh nhiều trường hợp gian lận như: khai khống hàng hóa xuất khẩu; gian lận trong hoàn thuế; người mua tại nước ngoài không có thật... Do vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, Luật số 48/2024/QH15 đã bổ sung một số chứng từ như: phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa (nếu có) vào điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa dịch vụ xuất khẩu. Ngoài ra, về điều kiện khấu trừ đối với trường hợp xuất khẩu hàng hóa qua sàn thương mại điện tử ở nước ngoài và một số trường hợp đặc thù khác sẽ do Chính phủ quy định chi tiết[5].
Thùy Dung