Thời gian qua, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về phòng, chống khủng bố, tích cực tham gia các điều ước quốc tế của Liên Hợp quốc về chống khủng bố và là thành viên của Công ước ASEAN về chống khủng bố. Cùng với việc tăng cường hợp tác đa phương, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định song phương với các nước về tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ và hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có khủng bố quốc tế. Ở Thái Lan, Quốc hội Thái Lan đã thông qua Luật Phòng, chống tài trợ tài chính cho khủng bố, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 02/02/2013. Bài viết này giới thiệu về Luật Phòng, chống tài trợ tài chính cho khủng bố của Thái Lan từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này./.
1. Một số nội dung của Luật Phòng, chống tài trợ tài chính cho khủng bố của Thái Lan
Trong những năm qua, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; vấn đề xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố đe dọa nghiêm trọng đến độc lập, chủ quyền, an ninh chính trị của nhiều quốc gia, dân tộc. Hoạt động khủng bố, bắt cóc và giết hại nhiều con tin ngày càng gia tăng và lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Khu vực Đông Nam Á là trung tâm Hồi giáo lớn thứ hai thế giới (sau Trung Đông) với gần 300 triệu tín đồ Hồi giáo, đã và đang trở thành “vành đai khủng bố” và có thể là “trung tâm đầu não” mới của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” (IS).
Thái Lan là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, thường xuyên xảy ra khủng bố, bạo loạn tại 03 tỉnh miền Nam có đường biên giới giáp Malaysia, đó là các tỉnh Yala, Pattani và Narathiwat. Các vụ khủng bố chủ yếu do các nhóm Hồi giáo cực đoan, đối tượng quá khích theo chủ nghĩa ly khai muốn đưa ra yêu sách với chính phủ Thái Lan đòi chia tách 03 tỉnh miền Nam nước này thành lãnh thổ tự trị. Các cuộc tấn công khủng bố, xung đột xảy ra giữa các phiến quân chống lại lực lượng quân đội, cảnh sát đã đi đến con số báo động; kể từ năm 2012 đến năm 2017, tổng số người bị chết ước tính lên đến gần 2.500 người, số người bị thương là gần 5.000 người. Trước diễn biến trên, Chính phủ Thái Lan đã nhiều lần ban bố tình trạng khẩn cấp tại 03 tỉnh biên giới miền Nam, đồng thời ban hành nhiều đạo luật liên quan để ổn định tình hình. Tội khủng bố đã được đưa vào Bộ luật Hình sự của Thái Lan kể từ năm 2003 và là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm răn đe các đối tượng có hành vi khủng bố chống chính quyền. Sau hơn 10 năm đưa tội khủng bố vào trong Bộ luật Hình sự, Thái Lan gặp phải nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn nguồn tiền tài trợ cho khủng bố quốc tế, ngoài ra quốc gia này cũng là nơi trung chuyển tiền và là nơi rửa tiền lý tưởng của các tổ chức khủng bố quốc tế. Để đối phó với nguy cơ trên, năm 2013, Thái Lan đã ban hành Luật Phòng, chống tài trợ tài chính cho khủng bố nhằm thắt chặt các quy định về lưu thông tiền tệ có liên quan tới khủng bố, góp phần hoàn thiện pháp luật về phòng chống khủng bố của quốc gia này.
Luật Phòng, chống tài trợ tài chính cho khủng bố của Thái Lan được Quốc hội Thái Lan thông qua ngày 01/02/2013, có hiệu lực từ ngày 02/02/2013. Luật không chia thành các chương mà quy định thành 17 điều, tập trung vào các nội dung chính như sau:
Tại Điều 3 của Luật có giải thích các từ ngữ liên quan như “tài sản”, “khủng bố”, “đối tượng báo cáo”, “danh sách đen”, “phong tỏa tài sản”… Trong đó, thuật ngữ “khủng bố” được định nghĩa là các hành vi phạm tội về khủng bố được quy định trong Bộ luật Hình sự Thái Lan hoặc các hành vi theo các công ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà Thái Lan là thành viên, bất kể là phạm tội trong hay ngoài lãnh thổ Thái Lan. Đó là các hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tự do thân thể của cá nhân hoặc xâm hại tài sản của nhà nước, tổ chức… nhằm mục đích bắt buộc chính quyền, tổ chức quốc tế làm theo hoặc không làm theo yêu cầu nào đó gây ra hậu quả nghiêm trọng. Thuật ngữ “danh sách đen” được định nghĩa là cá nhân, tổ chức, pháp nhân hoặc tổ chức thương mại mà Hội đồng An ninh Liên Hợp Quốc quy định cụ thể liên quan đến hoạt động khủng bố và tài trợ khủng bố hoặc cá nhân, tổ chức, pháp nhân bị Tòa án Thái Lan công bố nằm trong danh sách này.
Tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 quy định về quy trình xử lý tài sản có liên quan đến hoạt động tài trợ khủng bố hoặc bị nghi ngờ có tài trợ cho hoạt động khủng bố. Điều 7 và Điều 8 quy định về biện pháp xử lý đối với tài sản bị phong tỏa trong các trường hợp phát hiện có dấu hiệu tài trợ cho khủng bố. Từ Điều 9 đến Điều 11 quy định về các trường hợp được phép khiếu nại, kháng cáo lên Tòa án khi chứng minh được nguồn gốc tài sản hoặc không cố ý tài trợ cho khủng bố.
Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tài trợ tài chính cho khủng bố, cụ thể ở đây là Văn phòng Ủy ban phòng, chống rửa tiền quốc gia (được quy định trong Luật Phòng, chống rửa tiền Thái Lan) quy định cụ thể tại Điều 13. Trong đó, Văn phòng Ủy ban phòng, chống rửa tiền quốc gia có nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn cho các cơ quan có liên quan về quy trình, cách thức tiến hành theo trình tự của Luật; theo dõi, đánh giá, kiểm tra, giám sát hoặc tiến hành truy tố trước pháp luật các hành vi không thực hiện theo quy định của Luật. Văn phòng trên có nhiệm vụ tiếp nhận các đơn tố giác, báo cáo giải trình liên quan đến tài trợ khủng bố theo luật định. Thực hiện nhiệm vụ thống kê, tập hợp các tin tức hoặc bằng chứng phạm tội để tiến hành tịch thu, di lý, hoặc bổ sung công quỹ tài sản dùng cho hoạt động khủng bố theo Luật Phòng, chống tài trợ tài chính cho khủng bố hoặc các đạo luật khác có liên quan.
Ngoài việc quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi tài trợ khủng bố; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tài trợ khủng bố, thì Luật này còn quy định hình phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Hình phạt được quy định tại các Điều 14 đến Điều 16, trong đó, cá nhân có thể bị phạt tù lên đến 10 năm và bị phạt tiền cao nhất đến một triệu bạt (hơn 700 triệu đồng). Đối với các pháp nhân, nếu làm trái quy định của Luật sẽ bị phạt tiền từ năm trăm nghìn bạt (350 triệu đồng) đến hai triệu bạt (1 tỷ 400 triệu đồng). Đây là một trong những điểm khác biệt của luật pháp Thái Lan với Việt Nam khi có nhiều đạo luật quy định hình phạt kèm theo, ngoài các hình phạt theo tội danh được quy định tại Bộ luật Hình sự. Điều 17 của Luật quy định giao cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật theo thẩm quyền để phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức triển khai Luật theo đúng trình tự.
2. Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống rửa tiền quy định khung pháp lý cơ bản, cần thiết cho việc phòng, chống hành vi rửa tiền. Những biện pháp phòng ngừa hoạt động rửa tiền được thực hiện bởi các tổ chức tài chính cũng như các tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan cũng chính là những biện pháp phòng ngừa được sử dụng để phòng, chống tài trợ cho khủng bố. Điều 34 Luật Phòng, chống khủng bố quy định: “Tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng; khi có nghi ngờ khách hàng hoặc giao dịch của khách hàng liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc khách hàng nằm trong danh sách đen thì báo cáo cho lực lượng chống khủng bố của Bộ Công an, đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phải áp dụng các biện pháp tạm thời theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền”.
Luật Phòng, chống rửa tiền quy định đối tượng báo cáo có nghĩa vụ báo cáo kịp thời cho cơ quan phòng, chống khủng bố có thẩm quyền, đồng thời, gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi phát hiện tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch nằm trong danh sách đen hoặc khi có căn cứ cho rằng, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố. Theo Luật Phòng, chống rửa tiền của Việt Nam thì danh sách đen là danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan tới khủng bố và tài trợ khủng bố do Bộ Công an chủ trì lập theo quy định của pháp luật. Còn theo khoản 2 Điều 18 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền (Nghị định số 116/2013/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ thì căn cứ cho rằng, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố gồm: (i) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; (ii) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách tổ chức, cá nhân khủng bố và tài trợ cho khủng bố do tổ chức quốc tế khác hoặc quốc gia khác trên thể giới lập ra và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cảnh báo; (iii) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân đã từng bị kết án về các tội khủng bố, tài trợ cho khủng bố tại Việt Nam; (iv) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân khủng bố hoặc tài trợ khủng bố mà các đối tượng báo cáo biết được từ các nguồn thông tin khác.
Như vậy, pháp luật Việt Nam đã có những quy định nhằm chống tài trợ khủng bố và có những điểm tương đồng với nhau trong việc xác định trách nhiệm của các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan. Nếu phát hiện giao dịch có liên quan đến tổ chức, cá nhân nằm trong danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ cho khủng bố do Bộ Công an xác lập, tổ chức tài chính và tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải ngay lập tức tạm ngừng lưu thông, phong tỏa tiền, tài sản liên quan và báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh (theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 11/10/2013 của Chính phủ quy định việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; việc xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tào trợ cho khủng bố). Ngược lại, nếu phát hiện giao dịch có liên quan đến tổ chức, cá nhân nằm trong danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố nhưng chưa được Bộ Công an xác lập, nếu biết được, thì tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch trong vòng 03 ngày và báo cáo ngay cho lực lượng chống khủng bố thuộc Bộ Công an (theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ). Cũng theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP, trì hoãn giao dịch chính là hình thức phong toả tạm thời trước khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền.
Qua việc tìm hiểu các vấn đề cơ bản của Luật Phòng, chống tài trợ tài chính cho khủng bố của Thái Lan và pháp luật của Việt Nam liên quan, chúng ta có thể thấy rằng, nhiều nội dung trong Luật này có những nét tương đồng với Luật Phòng, chống rửa tiền của Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thì việc phòng, chống hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền, quy định của Bộ luật Hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố chứ không quy định thành một đạo luật riêng như Thái Lan.
Việt Nam chưa để xảy ra khủng bố quốc tế, chưa phát hiện hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố, tuy nhiên, thể hiện quyết tâm phòng, chống khủng bố, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về phòng, chống khủng bố. Tích cực tham gia các điều ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về chống khủng bố và là thành viên của Công ước ASEAN về chống khủng bố. Cùng với việc tăng cường hợp tác đa phương, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định song phương với các nước về tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ và hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có khủng bố quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống khủng bố. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền vào năm 2007, đã tích cực thực hiện nghĩa vụ của thành viên và có nhiều nỗ lực nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, qua đó thể hiện cam kết của Chính phủ nhằm góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.
Để cuộc đấu tranh phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa cơ quan thực thi pháp luật các nước để kiểm soát, ngăn chặn các nguồn tài trợ và các trang mạng Internet truyền bá tư tưởng khủng bố. Phối hợp chặt chẽ trong quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý và xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến di trú; bảo đảm an ninh cộng đồng người nước ngoài trên lãnh thổ của nhau. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương về đấu tranh phòng, chống khủng bố; thường xuyên tổ chức các diễn đàn quốc tế và khu vực để cập nhật tình hình, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm về chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố, để đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm nguy hiểm này.
ThS. Ninh Khánh Duy
Học viện Cảnh sát nhân dân
1. Bộ luật Hình sự Thái Lan năm 1956 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Băng Cốc, năm 2017.
2. Luật Phòng, chống tài trợ tài chính khủng bố Thái Lan năm 2013.
3. Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013 (Luật số 28/2013/QH13).
4. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 (Luật số 07/2012/QH13).
5. Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
6. Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 11/10/2013 của Chính phủ quy định việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.