“Xử giao cháu Nguyễn Văn A, sinh ngày 20/10/2008 cho chị Trần Thị B nuôi dưỡng, chấp nhận sự tự nguyện của chị B không yêu cầu anh H cấp dưỡng nuôi con chung. Cháu A đang ở cùng với anh H, anh H được quyền đi lại thăm nom con chung, không ai được ngăn cản quyền này”.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, chị Trần Thị B có đơn yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện T tổ chức thi hành. Căn cứ nội dung bản án và đơn yêu cầu, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự huyện T đã ra quyết định thi hành án về khoản giao cháu Nguyễn Văn A cho chị Trần Thị B nuôi dưỡng và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành.
Sau khi được phân công, chấp hành viên đã tiến hành thủ tục thông báo quyết định thi hành án cho các bên theo quy định của pháp luật, trong thời gian tự nguyện thi hành án, chấp hành viên tiến hành làm việc với anh H về nghĩa vụ của anh theo bản án. Phía anh H đồng ý tự nguyện giao cháu A cho chị B nuôi dưỡng và đề nghị cơ quan thi hành án sắp xếp thời gian tổ chức giao cháu A cho chị B.
Theo ý kiến của anh H, chấp hành viên đã xây dựng kế hoạch và tiến hành lập biên bản làm việc giữa anh H, chị B và đại diện chính quyền địa phương về nội dung anh H tự nguyện giao cháu A cho chị B nuôi dưỡng. Sau khi anh H, chị B đã ký đầy đủ vào biên bản làm việc với sự chứng kiến của chấp hành viên cơ quan thi hành án và đại diện chính quyền địa phương, chị B có đưa cháu A về nhà bố mẹ anh H để cháu A chào ông, bà trước khi về sống với mẹ. Ngay sau đó, chị B trình bày với cơ quan thi hành án là bố mẹ anh H và bản thân anh H đã cản trở không cho chị đón cháu A về, chị B đề nghị cơ quan thi hành án đảm bảo quyền nuôi dưỡng của chị theo đúng quyết định của bản án. Đại diện chính quyền địa phương cũng đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự huyện giải quyết thấu đáo và triệt để. Đến đây, cơ quan thi hành án dân sự lúng túng trong cách xử lý tiếp theo. Có hai quan điểm trái ngược xin đưa ra để các đồng nghiệp cùng trao đổi, thảo luận:
Quan điểm thứ nhất, cơ quan thi hành án đã hết trách nhiệm kể từ khi anh H, chị B cùng các thành phần đã ký vào biên bản giao, nhận cháu A. Vì vậy, việc thực tế anh H lại không cho chị B đón cháu về nuôi dưỡng, cơ quan thi hành án không có trách nhiệm giải quyết, mà thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Việc thi hành án đến đây kết thúc.
Quan điểm thứ hai, cơ quan thi hành án chưa thể kết thúc vụ việc với lý do như trên, mà phải tổ chức cưỡng chế để giao cháu A cho chị B nuôi dưỡng.
Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi những căn cứ như sau:
Trong thi hành án dân sự, chỉ có 2 biện pháp để tổ chức thi hành một vụ việc là biện pháp tự nguyện và biện pháp cưỡng chế. Về cách thức thực hiện thì cũng có thể có nhiều, nhưng cũng đều thuộc một trong hai biện pháp nói trên mà thôi. Để dễ giải quyết trường hợp thực tế như trên, tôi chỉ xin phân tích quan điểm của mình về một số vấn đề liên quan trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, vì trong trường hợp này thể hiện rõ nhất về việc tự nguyện và thoả thuận thi hành án. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, trong biện pháp tự nguyện thi hành án có thể được phân ra thành hai dạng dựa vào ý chí, hành vi của các bên đương sự như sau:
Một là, tự nguyện thi hành án theo ý chí của một bên có nghĩa vụ (bên phải thi hành án): Chúng ta thường bắt gặp dạng này ở những nghĩa vụ thi hành án về tiền là chủ yếu, nghĩa vụ về thực hiện công việc hoặc nghĩa vụ về tài sản thường ít gặp hơn.
Hai là, tự nguyện thi hành án theo ý chí của cả bên có nghĩa vụ và bên có quyền (bên phải thi hành án và bên được thi hành án): Đối với dạng này, có thể bắt gặp ở bất kỳ nghĩa vụ thi hành án dân sự nào. Biểu hiện cụ thể và dễ hiểu nhất chính là việc thoả thuận thi hành án.
Trong tình huống thực tế như trên, chấp hành viên đã ghi nhận sự tự nguyện của anh H và tiến hành lập biên bản giao cháu A cho chị B nuôi dưỡng là đã tổ chức việc thi hành án bằng biện pháp tự nguyện. Biện pháp thi hành án này rất được khuyến khích thực hiện vì giảm thiểu chi phí, thời gian, công sức, mà hơn cả là “đôi bên cùng vui vẻ” vì đều đảm bảo quyền, nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, vấn đề trong tình huống này là chị B chưa được đảm bảo thực tế quyền của mình là được nuôi dưỡng cháu A, nên chị mới tiếp tục đề nghị cơ quan thi hành án đảm bảo quyền lợi về mặt thực tế cho chị. Đề nghị này là hoàn toàn hợp pháp và chính đáng, cơ quan thi hành án cần thực sự nghiêm túc để thực hiện hết trách nhiệm của mình, nếu không thì quyền lợi của chị B vẫn chỉ là trên giấy tờ và hơn nữa là chính cơ quan pháp luật đã làm giảm niềm tin của nhân dân đối với mình.
Như đã phân tích ở trên, chấp hành viên đã lập biên bản giao, nhận cháu A giữa anh H và chị B dưới sự chứng kiến của chấp hành viên và đại diện chính quyền địa phương. Bản chất của việc này chính là chấp hành viên đã chứng kiến sự thoả thuận giữa anh H và chị B về việc anh H tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình. Về hình thức là hoàn toàn đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Thi hành án dân sự và hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, ngày 13/7/2009 của Chính phủ.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 6 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định”.
áp dụng vào trường hợp nêu trên, việc thoả thuận giao, nhận cháu A giữa anh H và chị B đã được thực hiện, nhưng ngay sau đó, anh H đã không tôn trọng thoả thuận đó, gây cản trở cho chị B trong việc thực hiện quyền của mình. Lúc này chị B hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành theo đúng nội dung bản án. Đến đây, cơ quan thi hành án phải tổ chức cưỡng chế giao cháu A cho chị B nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 120 Luật Thi hành án dân sự thì mới hết trách nhiệm của mình.
Cũng xin được phân tích thêm về quan điểm thứ nhất, cơ quan thi hành án cho rằng đã hết trách nhiệm kể từ khi biên bản giao, nhận cháu A được các thành phần tham gia ký tên đầy đủ. Việc giải quyết tình huống anh H ngăn cản chị B đón cháu A về nuôi dưỡng thuộc thẩm quyền giải quyết của ủy ban nhân dân xã. Quan điểm này là chưa đúng, bởi trước tiên phải khẳng định rằng đối với việc thi hành án mà đối tượng phải giao ở đây là người chưa thành niên chứ không phải là một tài sản nhất định, do đó không thể áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 58 để vận dụng và đẩy trách nhiệm cho ủy ban nhân dân giải quyết được.
Cần nói thêm rằng, khoản 4 Điều 8 Nghị định số 58 áp dụng đối với đối tượng phải giao là tài sản, mà để cơ quan thi hành án thực hiện xong hay nói cách khác là hết trách nhiệm chỉ có khi nào cơ quan thi hành án đã tổ chức cưỡng chế để giao tài sản xong, mà đương sự lại tái chiếm, thì lúc đó trách nhiệm mới thuộc về ủy ban nhân dân hoặc cơ quan có thẩm quyền như cơ quan công an hoặc Toà án nhân dân theo đúng quy định nói trên.
Vấn đề thi hành nghĩa vụ giao người chưa thành niên cho người khác nuôi dưỡng theo bản án, quyết định tuy chiếm số lượng không lớn trong tổng số việc cơ quan thi hành án đang tổ chức thi hành, bởi đa số các đương sự đều tự thực hiện mà không phải làm đơn yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, khi thực hiện cũng còn lúng túng ở cách hiểu, cách làm dẫn đến tình trạng chủ yếu dựa theo “kinh nghiệm cá nhân”, ảnh hưởng đến quyền lợi thực tế của đương sự và gây mất lòng tin vào cơ quan pháp luật nói chung và cơ quan thi hành án dân sự nói riêng. Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi, rất mong các đồng nghiệp cùng trao đổi để có cách làm thống nhất
Lương Thanh Tùng
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Giang, Hải Dương