Công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương nói chung và địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Đặc biệt, hòa giải ở cơ sở góp phần rất lớn trong việc thực hiện và hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Xác định được vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm và chỉ đạo sâu sát đối với hoạt động này. Điều này được thể hiện qua việc chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 03/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp quy định một số mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 28/7/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc quy định một số mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Công văn số 05-CV/BCSĐ ngày 07/01/2020 của Ban cán sự Đảng về việc tăng cường chỉ đạo về công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 10/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Bài viết: Mô hình “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp của tác giả Huỳnh Thị Phương Thịnh đã đi sâu phân tích một số nội dung chính sau: (i) Vị trí, vai trò, cơ sở pháp lý của việc thành lập các “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; (ii) Nguyên tắc hoạt động, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của các “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; (iii) Nội dung và các hình thức sinh hoạt của các “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; (iv) Đánh giá một số kết quả triển khai mô hình “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Bài viết được đăng trên ấn phẩm 200 trang “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.