Chính quyền đô thị (CQĐT) được xem là một dạng cụ thể của chính quyền địa phương bởi CQĐT vừa đáp ứng được các điều kiện đặc thù về phương thức tổ chức, quản lý và phát triển đô thị và quan trọng hơn cả, CQĐT cũng thể hiện được các đặc trưng chung nhất của CQĐP về bản chất, vị trí, vai trò, chức năng đại diện của nhân dân và các mối quan hệ giữa chính quyền các cấp theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019)[1]. CQĐT được hình thành và tổ chức hướng đến mục tiêu là một bộ máy chính quyền tinh gọn, tự chịu trách nhiệm nhằm phát huy tính tự chủ cũng như phát huy tối đa mọi tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp đến mức tốt nhất có thể.
Việc xây dựng CQĐT tại các thành phố lớn, đặc biệt là các thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam được xác định là một nhu cầu cấp bách và cần thiết thúc đẩy sự phát triển và tiềm năng tăng trưởng tại các vùng đô thị này. Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về thí điểm tổ chức mô hình CQĐT, Quốc hội và Chính phủ đã có nghị quyết, nghị định về thí điểm tổ chức mô hình CQĐT tại Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý và môi trường thuận lợi để chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống của nhân dân. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình CQĐT ở Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.
1. Các mô hình tổ chức chính quyền đô thị điển hình tại các quốc gia thuộc hệ thống Thông luật
1.1. Mô hình chính quyền đô thị ở Vương quốc Anh
CQĐT nói riêng và chính quyền địa phương nói chung ở Anh được kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền trung ương. Nghị viện Anh có thể bãi bỏ hoặc phân thêm quyền cho chính quyền đô thị. Các chính đảng ở Anh đều nhất trí về khuynh hướng kiểm soát này (mô hình top down) để bảo đảm sự nhất quán trong các chuẩn mực về cung cấp dịch vụ xã hội. Hơn nữa, do sự phát triển kinh tế - xã hội, sự tương đồng giữa các địa phương (về các đặc điểm đời sống xã hội) các nước lớn ngày càng củng cố khuynh hướng phát triển mô hình tổ chức chính quyền địa phương này.
Vương quốc Anh bao gồm 04 vùng lãnh thổ (Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland)[2]. Chính quyền địa phương bao gồm 03 cấp: Tỉnh, quận (huyện) và xã. Hệ thống tổ chức được định hình tương đối nhất quán ngay từ giữa thế kỷ 19, mặc dù cũng có một số thay đổi quan trọng như chính quyền Thatcher đã giải tán chính quyền cấp thành phố, chuyển giao cho chính quyền cấp quận[3]. Đây được nhận định là bước ngoặt quan trọng trong việc tổ chức mô hình hướng tới CQĐT tại Vương quốc Anh.
Hiện nay, ở Anh có 39 tỉnh, 296 huyện và gần 1.000 xã. Riêng khu vực đô thị có khoảng 66 quận, trong đó, khu vực Đại Luân Đôn chiếm 32 quận - chỉ có cấp quận không bao gồm cấp xã như các khu vực khác[4]. Tại mỗi cấp này đều có hội đồng dân cử được bầu 04 năm một lần bằng phương pháp bầu trọn gói vào ngày thứ năm đầu tiên của tháng 5. Các ủy viên hội đồng không được nhận lương, tuy có nhận trợ cấp cho các hoạt động của mình (như họp, công tác…). Bên cạnh đó, hoạt động xã hội không lương cũng là một truyền thống quan trọng của Anh, đặc biệt ở cấp địa phương cơ sở. Thông thường, hội đồng địa phương sẽ thành lập các bộ phận chức năng quản lý nhà nước và thuê các viên chức chuyên nghiệp. Các bộ phận này do các ủy viên hội đồng điều hành. Các thành phố khác đều có cùng cơ cấu tổ chức như vậy, riêng Luân Đôn có những điểm đặc thù.
Mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Đại Luân Đôn:
Mô hình CQĐT ở Đại Luân Đôn được hình thành từ hai cấp bậc quản lý toàn thành phố mang tính chiến lược và cấp bậc địa phương, là sự kết hợp hài hòa giữa hai mô hình phân quyền và mô hình theo chức năng, được biết với tên gọi “mô hình đại đô thị’[5]. Mô hình này khắc phục những hạn chế tồn đọng của mô hình chức năng đi sát với nhu cầu của địa phương và khắc phục nhược điểm của mô hình thẩm quyền khi tạo điều kiện cân bằng giữa các địa phương ở một số nhiệm vụ chi. Song với đó, điểm mạnh của mô hình là phát huy được sự phối hợp trong cung cấp các dịch vụ gắn với các địa phương mà vẫn duy trì được tính chủ động của chính quyền cấp dưới nhằm giảm tác động của các yếu tố ngoại lai cũng như tăng trưởng quy mô nền kinh tế và tạo ra sự công bằng trong việc cung cấp dịch vụ địa phương mà không phụ thuộc vào năng lực tài chính cũng như thẩm quyền của địa phương đó.
Chính quyền thành phố do Cơ quan quyền lực Luân Đôn mở rộng thực hiện điều phối, trong khi chính quyền địa phương được quản lý bởi 33 cơ quan nhỏ hơn. Cơ quan quyền lực Luân Đôn mở rộng bao gồm hai thành phần được chọn thông qua bầu cử: Thị trưởng Luân Đôn - người nắm quyền hành pháp và Hội đồng Luân Đôn - chịu trách nhiệm xem xét kỹ những quyết định của thị trưởng và có quyền chấp thuận hoặc bác bỏ đề xuất ngân sách mỗi năm của thị trưởng[6]. Có thể nhận thấy mô hình CQĐT này của Đại Luân Đôn tương đồng với mô hình “Thị trưởng yếu - Hội đồng dân cử” tại Hoa Kỳ.
1.2. Mô hình chính quyền đô thị ở Hoa Kỳ
CQĐT ở Hoa Kỳ do các tiểu bang tự quyết định và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị vì nó thực hiện những nhiệm vụ thiết yếu trong việc quản lý và cung cấp các dịch vụ xã hội. Do mức độ đô thị hóa cao nên CQĐT được coi là hình thức chính quyền địa phương quan trọng nhất. Hiện nay, Hoa Kỳ có 04 mô hình tổ chức: Hội đồng và Thị trưởng mạnh; Hội đồng và Thị trưởng yếu; Ban Quản đốc cùng với Hội đồng do dân bầu ra; Ủy ban và Hội đồng cùng do dân bầu ra[7]. Cụ thể:
- Mô hình “Hội đồng và Thị trưởng yếu”: Theo mô hình này, Hội đồng thành phố gồm các thành viên do người dân trực tiếp bầu ra. Đây vừa là cơ quan lập pháp, vừa có thẩm quyền hành chính và có quyền cử ra những quan chức quản lý thành phố, kể cả Thị trưởng. Bên cạnh quyền kiểm soát những vấn đề về ngân sách, Hội đồng thành phố còn có thẩm quyền quyết định hầu hết các vấn đề quan trọng khác của đô thị. Thị trưởng có nhiệm vụ lập chương trình hoạt động, phân công công việc và kiểm tra việc thực hiện, được chỉ định nhân sự trong bộ máy hành chính đô thị nhưng trong rất nhiều trường hợp lại chịu sự can thiệp và ảnh hưởng lớn từ phía Hội đồng. Đối với một số sở quan trọng của thành phố, Hội đồng còn trực tiếp chỉ định người đứng đầu. Mô hình này thường được áp dụng ở những thành phố, thị trấn nhỏ và một số thành phố lớn như Minneapolis, Houston, Seattle, Iowa.
- Mô hình “Hội đồng và Thị trưởng mạnh”: Mô hình này có cơ cấu tương tự của chính quyền bang và quốc gia, với một thị trưởng đắc cử là người đứng đầu ngành hành pháp và một Hội đồng được bầu ra, đại diện cho các vùng lân cận, hình thành nên ngành lập pháp. Thị trưởng bổ nhiệm những viên chức thuộc các cơ quan hành pháp (sở, phòng, ban). Thị trưởng có quyền phủ quyết các sắc lệnh của thành phố và chịu trách nhiệm chuẩn bị ngân sách. Hội đồng thành phố chủ yếu làm công việc lập pháp: Phê chuẩn các sắc lệnh, quy định của thành phố, ấn định thuế suất trên tài sản và phân chia ngân sách giữa các ngành khác nhau của thành phố. Đây cũng là mô hình được ứng dụng tại Đại đô thị New York.
Mô hình chính quyền đô thị tại Đại đô thị New York:
Nhiệm kỳ của Thị trưởng New York là 04 năm và chỉ giữ chức vụ này tối đa hai nhiệm kỳ[8]. Hội đồng thành phố là cơ quan có thẩm quyền lập pháp, bao gồm 51 thành viên cũng do người dân bầu ra với nhiệm kỳ 04 năm. Hội đồng thành phố lập ra một số Ủy ban để giám sát việc thực hiện các chức năng của chính quyền thành phố. Các dự luật được Hội đồng thông qua bởi đa số và Thị trưởng là người ký ban hành. Thị trưởng có quyền phủ quyết các dự luật của Hội đồng. Tại các quận của thành phố New York, cơ quan đại diện tại địa phương của thành phố là Hội đồng khu dân cư gồm tối đa là 50 ủy viên. Quận trưởng do người dân trong quận trực tiếp bầu ra và có trách nhiệm tư vấn cho thị trưởng về những vấn đề có liên quan đến quận mình phụ trách (như vấn đề sử dụng đất, nhu cầu ngân sách hàng năm, chỉ định Hội đồng khu dân cư và người đứng đầu các ban của quận).
- Mô hình Ủy ban và Hội đồng cùng do dân bầu ra: Hình thức này kết hợp cả hai nhánh hành pháp và lập pháp vào một nhóm người, tức là Ủy ban, được bầu trực tiếp. Mỗi ủy viên đồng thời chịu trách nhiệm một đơn vị hành pháp (sở, ban, phòng). Người đứng đầu Ủy ban được gọi là Thị trưởng nhưng không nắm thực quyền lớn hơn so với các ủy viên khác. Ở điểm này, quyền lực của Thị trưởng trong mô hình sẽ khác hẳn với các mô hình “Hội đồng - Thị trưởng”.
- Mô hình Ban Quản đốc cùng với Hội đồng do dân bầu ra: Với hình thức này, người dân bầu ra Hội đồng thành phố. Hội đồng chỉ thực hiện hoạt động lập pháp và hoạch định chính sách. Việc quản lý và thi hành chính sách được giao cho một nhà quản lý chuyên nghiệp, tương đồng với mô hình của các công ty. Thông thường, nhà quản lý này không có nhiệm kỳ (vì được thuê) và phải thể hiện được khả năng quản lý thì mới có thể được tiếp tục thuê. Tại Hoa Kỳ, có nhiều thị trấn và thành phố được điều hành như một doanh nghiệp, thậm chí có thể bị tuyên bố phá sản nếu không đủ chi tiêu trong nhiều năm. Mặc dù, hình thức này mới xuất hiện thời gian gần đây nhưng triển vọng áp dụng mô hình do tính chuyên nghiệp và hiệu quả trên thực tiễn của mô hình này là không thể phủ nhận. Song với đó, mô hình này cũng bảo đảm thỏa mãn các yêu cầu của người dân mà Hội đồng thành phố là đại diện. Trong hình thức này, nhà quản lý (được Hội đồng thuê) có những quyền điều hành độc lập khá lớn được làm rõ trong hệ thống luật pháp của địa phương. Ở đó, mô hình Hội đồng dân cử có khi chỉ gồm 03 người, chủ yếu theo dõi việc thực hiện chính sách mà bản thân chính sách này đã tương đối ổn định trong nhiều năm. Mô hình này được người dân Hoa Kỳ đánh giá cả về tính hiệu quả trong điều hành nhà nước ở địa phương.
1.3. Mô hình chính quyền đô thị của thành phố Auckland ở New Zealand
Ở Auckland, chính quyền trung ương đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc tạo ra cơ cấu quản lý đô thị. Hội đồng Auckland là một ví dụ về phân cấp chính trị thông qua cơ quan quản lý hai cấp được bầu trực tiếp (Hội đồng được thành lập vào năm 2010, khi 07 hội đồng thành phố và quận hiện có và cơ quan đô thị trước đó bị giải thể và một hội đồng đơn nhất được thành lập)[9]. Nó cũng có ngân sách hàng năm đáng kể và quyền tự chủ trong việc phân bổ kinh phí của mình. Sự phân cấp quản lý thể hiện ở thẩm quyền rõ ràng, thẩm quyền quyết định và lĩnh vực hoạt động rộng. Không có cơ chế quản trị cạnh tranh nào khác có cùng trách nhiệm như Hội đồng và Nhà nước không kiểm soát hoạt động của Hội đồng. Tuy nhiên, tiểu bang vẫn đóng một vai trò tích cực trong việc quản lý vùng đô thị với tư cách là nhà tài trợ chính của Hội đồng và đã bày tỏ sẵn sàng duy trì một mức độ kiểm soát nhất định đối với vùng đô thị, vì vùng đô thị có tầm quan trọng rất lớn đối với quốc gia.
CQĐT ở Auckland được đặc trưng bởi giao thông tích hợp, cơ sở hạ tầng và quy hoạch sử dụng đất, quy định về môi trường và khả năng cạnh tranh đô thị theo định hướng toàn cầu. Thị trưởng có vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong Hội đồng Auckland và là một phần của cơ quan quản lý của Hội đồng[10]. Trong cơ cấu quản trị hai cấp, cơ quan quản lý tập trung vào bức tranh toàn cảnh và các quyết định chiến lược toàn khu vực. 21 hội đồng địa phương tập trung vào các vấn đề địa phương, chẳng hạn như hỗ trợ nghệ thuật, văn hóa, sự kiện và các nhóm cộng đồng địa phương và duy trì các công viên và sân thể thao địa phương. Các tổ chức do Hội đồng kiểm soát giám sát các dịch vụ và hoạt động quan trọng nhất, chẳng hạn như vận tải, đầu tư, bất động sản và phát triển kinh tế. Họ độc lập nhưng chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản. Các kế hoạch của Hội đồng là dài hạn; thậm chí khoảng thời gian của ngân sách là mười năm. Các quỹ do Hội đồng thu được bao gồm khoảng một phần ba quỹ của Hội đồng; phần còn lại có nguồn gốc từ các khoản phụ cấp, lệ phí và các khoản vay của Nhà nước. Nhà nước là nhà tài trợ chính cho một số hoạt động, chẳng hạn như xây dựng đường bộ và cơ sở hạ tầng giao thông. Các lĩnh vực chi tiêu lớn nhất là giao thông và công viên, cộng đồng và lối sống.
Hội đồng Auckland đại diện cho một bước xa hơn từ sự thống trị của chính quyền trung ương đối với sự phân cấp mạnh mẽ của đô thị. Tuy nhiên, năng lực quản trị của thỏa thuận phụ thuộc vào văn hóa quản trị trong khu vực công cộng địa phương. Mối quan hệ của nó với Chính phủ New Zealand là rất cần thiết vì Chính phủ cho rằng, nó sẽ đóng một vai trò tích cực trong sự phát triển của Auckland với tư cách là nhà tài trợ chính của Hội đồng. Chính phủ sẽ không giải phóng quyền kiểm soát do tầm quan trọng của Auckland đối với đất nước[11].
1.4. Mô hình chính quyền đô thị ở Úc
CQĐT của Úc được tổ chức theo mô hình Hội đồng mạnh với sự có mặt của cả người đứng đầu hành pháp và nhà quản lý. Hội đồng thành phố do cử tri bầu ra theo nguyên tắc trực tiếp. Số lượng đại biểu Hội đồng phụ thuộc vào vị trí địa lý, địa điểm của khu vực (từ 05 đến 14 đại biểu), nhiệm kỳ là ba hoặc bốn năm do bang quy định. Hội đồng bao gồm nhiều Ủy ban, số lượng tùy thuộc vào quy mô của chính quyền đô thị (về dân số và diện tích). Người đứng đầu CQĐT có thể do nhân dân trực tiếp bầu. Trong trường hợp này, nhiệm kỳ của thị trưởng giống như nhiệm kỳ của Hội đồng. Thị trưởng cũng có thể do các đại biểu hội đồng bầu hàng năm luân phiên. Trong tổ chức hoạt động quản lý của chính quyền đô thị, Hội đồng bầu ra người đứng đầu hành pháp nhằm thực hiện các hoạt động quản lý của Hội đồng.
CQĐT thực hiện cung cấp nhiều loại dịch vụ khác nhau và toàn bộ các bộ phận cung cấp dịch vụ đặt dưới sự chỉ đạo của người đứng đầu hành pháp. Khả năng cung cấp dịch vụ và hệ thống tổ chức là khác nhau giữa các bang và các CQĐT. Hoạt động của CQĐT ở Úc được thực hiện thông qua luật của các bang và do đó, có thể được trao quyền nhiều hay ít. Trên lĩnh vực tài chính, chính quyền đô thị ít có quyền và sự không cân bằng trong phân chia tài chính và nguồn thu nhập cũng là một trong những hạn chế hoạt động của CQĐT[12].
Là một đất nước theo thể chế liên bang với 06 bang và hai vùng lãnh thổ, hiện tại nước Úc có 769 đơn vị chính quyền địa phương, trong đó bang có nhiều đơn vị chính quyền địa phương nhất là New South Wales (102 đơn vị). Trong khi đó, bang vùng lãnh thổ phía Bắc (Northern Territory) có 05 đơn vị chính quyền địa phương; vùng thủ đô Canberra không phân chia thành các đơn vị địa phương. Trong Hiến pháp của Úc, hệ thống chính quyền địa phương không được đề cập một cách chính thức. Tùy thuộc vào từng bang mà việc thành lập chính quyền địa phương có những quy định riêng. Việc phân loại chính quyền địa phương dựa trên hai tiêu chí: Theo khu vực (nông thôn và thành thị) và theo quy mô dân số (nhỏ, trung bình, lớn, rất lớn). Trong đó, khu vực đô thị được chia ra một số loại như sau[13]: (i) Thành phố thủ phủ của các bang và vùng lãnh thổ với tổng số là 07 (không kể đến thủ đô Canberra). (ii) Khu vực đô thị phát triển chia làm bốn cấp theo quy mô của dân số: Dưới 30.000 dân có 28 đơn vị, từ 30.000 - 70.000 dân có 27 đơn vị, từ 70.000 - 120.000 dân có 21 đơn vị, trên 120.000 dân có 18 đơn vị. (iii) Trong khi đó, quy mô dân số của các khu vực thành phố, thị trấn cũng được chia tương tự thành bốn nhóm như trên.
2. Một số kinh nghiệm cho việc xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh
Một là, mỗi quốc gia sẽ có một mô hình tổ chức CQĐT riêng biệt, như các mô hình về chế độ thị trưởng, dân chủ trực tiếp, phân quyền sâu rộng và quản lý theo địa bàn và xã hội với Chính phủ kiến tạo. Vì vậy, không có hình mẫu chung để ứng dụng cho hoạt động tổ chức CQĐT ở các đô thị trên khắp thế giới. Ở đây, tùy thuộc vào đặc điểm địa lý, số lượng, mật độ dân cư để lựa chọn mô hình chính quyền phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý địa phương. Điều kiện kinh tế - xã hội, thể chế chính trị, đặc điểm dân cư, truyền thống lịch sử, văn hóa khác nhau của các quốc gia cũng như các đô thị trong một quốc gia là cơ sở tạo nên sự đa dạng về mô hình tổ chức của CQĐT[14].
Hai là, bộ máy chính quyền của đô thị ở các nước thường được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng nấc trung gian, bảo đảm tính nhanh nhạy trong công tác quản lý đô thị. Tùy theo việc phân vùng hành chính của từng quốc gia, CQĐT có thể trực thuộc trung ương hoặc có thể trực thuộc chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. CQĐT tại các thành phố là cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm cơ quan đại diện nhân dân và cơ quan chấp hành, hành chính tại thành phố. Các cấp chính quyền trực thuộc (trung gian, cơ sở) có thể chỉ có cơ quan hành chính, không nhất thiết phải có cơ quan đại diện nhân dân. Chính quyền các cấp nói chung và chính quyền đô thị nói riêng phải được tổ chức với mục tiêu chính phủ kiến tạo.
Ba là, về cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý: Ở các nước có quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra từ lâu và ở trình độ cao, hầu hết các đơn vị hành chính trực thuộc thành phố là quận. Đồng thời, do trình độ dân trí cao và để tăng cường năng lực quản lý đô thị hiệu quả nên hệ thống CQĐT tại các thành phố có xu hướng chuyển thành 02 cấp là chính quyền thành phố và chính quyền quận, trong khi đó, cấp phường (hoặc khu phố) không phải là cấp hành chính mà chỉ có ban đại diện hành chính để thực thi một số nhiệm vụ cụ thể của quản lý theo cơ chế ủy quyền. Bên cạnh đó, tùy thuộc thể chế chính trị của mỗi quốc gia, cơ quan đại diện nhân dân của CQĐT quyết định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phê chuẩn ngân sách, có thể quyết định về tổ chức, nhân sự của bộ máy cơ quan hành chính. Quyết định của cơ quan đại diện nhân dân được thể chế hóa bằng các nghị quyết tại các kỳ họp. Cơ cấu tổ chức của cơ quan đại diện nhân dân thường bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch, có thể có cơ quan thường trực và các ban chuyên môn (thường trực hoặc chuyên trách).
Bốn là, do đặc thù của quản lý đô thị đòi hỏi nhanh nhạy, tập trung, thống nhất, thông suốt, có hiệu lực cao; đồng thời, nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân trong quản lý nhà nước tại đô thị nên cơ quan hành chính của CQĐT đều áp dụng chế độ Thủ trưởng hành chính với các chức danh Thống đốc, Tỉnh trưởng, Thị trưởng; Huyện trưởng, Quận trưởng; Xã trưởng, Trấn trưởng tương ứng với từng cấp hành chính. Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp của CQĐT thường được bầu cử trực tiếp theo hình thức phổ thông đầu phiếu; hoặc có thể được bầu cử thông qua cơ quan đại diện nhân dân cùng cấp hoặc có thể do người đứng đầu cơ quan hành chính cấp trên bổ nhiệm. Người đứng đầu cơ quan hành chính được quyền bổ nhiệm hoặc đề nghị cấp phó, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn trực thuộc để cơ quan đại diện nhân dân hoặc chính quyền cấp trên quyết định. Chế độ Thị trưởng quản lý, điều hành đô thị ngày càng được áp dụng rộng rãi ở hầu hết đô thị của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, cũng như việc tổ chức bộ máy CQĐT, mô hình bầu cử Thị trưởng tại các đô thị có sự khác biệt nhất định: Có thể do người dân hay cơ quan đại biểu địa phương bầu hoặc cũng có thể được bổ nhiệm bởi người có thẩm quyền.
Từ việc nghiên cứu mô hình CQĐT một số quốc gia cho thấy, năng lực, hiệu quả công việc của Thị trưởng phụ thuộc nhiều vào cách thức bầu cử, nhiệm kỳ dài hay ngắn và cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu đô thị là cá nhân hay tập thể. Ở nhiều nước phương Tây, bầu cử Thị trưởng là một sự kiện chính trị của thành phố và được sự quan tâm của đông đảo người dân. Ở nhiều thành phố, ứng cử viên cho chức Thị trưởng phải được sự ủng hộ trực tiếp của người dân mới được ra ứng cử thông qua cách thức ký đề cử. Ví dụ, ở thành phố San Diego (Hoa Kỳ), Thị trưởng và các ủy viên Hội đồng thành phố đều do người dân trực tiếp bầu ra, trong đó ứng cử viên cho chức vụ Thị trưởng phải thu thập được 200 chữ ký đề cử của các cử tri, đại biểu Hội đồng thành phố phải thu thập được 100 chữ ký đề cử. Chính việc thu thập chữ ký ủng hộ này cũng là một trong những cách để người dân có thể biết rõ hơn về thị trưởng tương lai của mình và đưa ra được lựa chọn chính xác.
Năm là, nhìn chung, chính quyền ở mỗi cấp được hợp thành bởi hai thiết chế là cơ quan đại diện và cơ quan hành chính. Nếu như tên gọi và cách thức thành lập cơ quan đại diện là tương đối thống nhất (Hội đồng, do người dân bầu ra) thì tên gọi và cách thức thành lập của cơ quan hành chính tương đối đa dạng (thị trưởng, ủy ban, có thể do người dân bầu ra, có thể được bổ nhiệm, có thể do cơ quan đại diện thành lập). Đồng thời, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mô hình CQĐT, cần đẩy mạnh phân cấp cho CQĐT, bảo đảm cho chính quyền mỗi cấp quyền tự chủ (tự quản) trong các lĩnh vực từ ngân sách, tài chính, tổ chức bộ máy đến quản lý dân cư, bảo vệ môi trường…
Sáu là, việc thiết lập cơ chế kiểm soát từ trung ương (thông qua lập pháp, ngân sách và hỗ trợ kỹ thuật), hình thức kiểm soát hữu hiệu khác nữa được một số quốc gia áp dụng là thiết lập cơ chế bảo đảm cho người dân có khả năng trực tiếp tác động đến tổ chức và hoạt động của CQĐT. Theo cơ chế này, các cơ quan CQĐT (cơ quan đại diện, cơ quan hành chính) đều do nhân dân trực tiếp bầu ra theo nhiệm kỳ. Một số nước quy định những vấn đề quan trọng của địa phương phải đưa ra lấy ý kiến của người dân. Với những hình thức này, người dân có khả năng tác động trực tiếp đến hoạt động của CQĐT, bảo đảm hoạt động của CQĐT đặt dưới sự kiểm soát của người dân.
ThS. Dương Thị Ngọc Thương
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 4, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
ThS. Nguyễn Việt Anh Lân
Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Mai Hữu Bốn, “Luận bàn về năng lực của chính quyền đô thị hiện nay ở Việt Nam”, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/luan-ban-ve-nang-luc-cua-chinh-quyen-do-thi-hien-nay-o-viet-nam-84058.htm.
[2]. Trang thông tin điện tử của Local Government Association, “What is local government?”,https://www.local. gov.uk/about/what-local-government.
[3]. “Chính quyền Thatcher”: Margaret Thatcher là cựu Thủ tướng của Vương Quốc Anh, bà cũng là chính khách nắm quyền Thủ tướng dài nhất trong lịch sử nước Anh - người đã định hình nền chính trị hiện đại của nước Anh với các chính sách tiến bộ cùng với Nội các của bà. Được biết đến với lập trường kinh tế, chính trị tập trung việc giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước và các hành động cụ thể để tư hữu hóa các doanh nghiệp quốc doanh.
[4]. Lê Thị Hoài Ân & Đinh Ngọc Thắng, “Mô hình tổ chức chính quyền địa phương một số nước trên thế giới’, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 5 (285), tháng 3/2015.
[5]. Phạm Thị Thuý và Phạm Thị Phương Hoa, “Xu hướng phân cấp thu - chi ngân sách nhà nước cho chính quyền đô thị tại một số quốc gia trên thế giới”, Thông tin Phục vụ lãnh đạo, số 22 (2), 11/2014, https://mof.gov.vn/webcenter/ portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=BTC263529>.
[6]. Greater London Authority Act 2007.
[7] Đào Thị Thanh Thuỷ, “Tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tại một số quốc gia phát triển”, https://cchc.bariavungtau.gov.vn/ article?item=5baf869182fa30a327dc3af4b261c9f9.
[8]. Đình Ngân, “Xem mô hình thị trưởng ở Mỹ”, báo Vietnamnet, https://vietnamnet.vn/xem-mo-hinh-thi-truong-o-my-135475.html.
[9]. Peter McKinlay, “Integration of urban services and good governance: the Auckland supercity project”, Paper presented to Pacific Economic Cooperation Council (PECC) Seminar on Environmental Sustainability in Urban Centres, 13 April 2011.
[10]. Mouat, Clare, Jago Dodson, “Reviewing the Auckland ‘super city”: Towards an ongoing agenda for evaluating super city governance’, Taylor & Francis Online, volume 50 (2), 29 May 2013.
[11]. Ali Memon, Tom G. Davies, and Tom Fookes, ‘Institutional arrangements for metropolitan government and strategic planning in Auckland’, New Zealand Geographer, Wiley Online Library, 27 March 2017, https://onlinelibrary.wiley.com/ doi/full/10.1111/j.1745-7939.2007.00089.x.
[12]. Hoàng Văn Việt, “Tính Anh - Mỹ trong hệ thống chính trị Liên Bang Úc’, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, số X (19), tháng 4/2016.
[13]. Brian Dollery, Lin Cráe and Andrew Johson, Australia Local Government Economic (2006), UNSW Press.
[14]. Nguyễn Minh Hoà, “Chính quyền đô thị: Mô hình các nước phát triển”, Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 02/11/2020.