Tại Điều 33 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)[1] lấy ý kiến tháng 6/2024 được xây dựng trên cơ sở kế thừa Điều 20 Luật Thủ đô năm 2012 và kết quả đánh giá tính hiệu quả của các quy định pháp luật về nâng mức xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Điều luật cũng bổ sung một số quy định mới, cụ thể tại khoản 1 quy định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội như sau: “Việc xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định sau đây:
a) Hội đồng nhân dân Thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố;
b) Người có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định trong các lĩnh vực quy định tại điểm a khoản này có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đó”.
Như vậy, so với Luật Thủ đô năm 2012, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung thêm lĩnh vực về quảng cáo, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phạm vi áp dụng việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong trên địa bàn Thành phố (). Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định việc nâng mức xử phạt chỉ áp dụng ở nội thành đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực: Văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, trong trường hợp thật cần thiết, để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đây:
- Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;
- Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy;
- Công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt;
- Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động;
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ ka-ra-ô-kê (karaoke) không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy
- Công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.
Đánh giá từ thực tiễn quản lý nhà nước cho thấy, thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thành phố Hà Nội diễn ra ngày càng tăng và có tính chất phức tạp, tác động ngày càng lớn đến xã hội và quản lý nhà nước so với trước đây. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân là do quy định của pháp luật chưa bảo đảm tính răn đe và chưa có đủ các biện pháp mạnh để ngăn chặn hành vi vi phạm.
Theo dõi tổ chức thi hành pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực tiễn trên địa bàn Thành phố cho thấy, khi người thực thi công vụ phát hiện các hành vi vi phạm về xây dựng, đất đai, phòng cháy, chữa cháy và yêu cầu đối tượng vi phạm dừng hành vi vi phạm thì một số đối tượng không dừng hành vi lại ngay mà thường cố ý tìm mọi cách để tiếp tục thực hiện hành vi, thậm chí có trường hợp còn chống đối gây ra khó khăn cho người thực thi công vụ. Ngoài ra, xét về góc độ lợi ích kinh tế thì mức độ ảnh hưởng của hành vi vi phạm đem lại lớn hơn nhiều so với số tiền phải nộp phạt nên người vi phạm thường cố tình thực hiện và chấp nhận việc nộp phạt, nhưng không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả hoặc tìm mọi cách chống đối bằng cách khiếu nại, khiếu kiện để kéo dài thời gian thi hành quyết định xử phạt.
Hiện nay, Hà Nội đang mở rộng đô thị ra các vùng ven ngoại thành, tình hình vi phạm hành chính ở ngoại thành theo đó có chiều hướng gia tăng về số lượng, phức tạp về tính chất, thậm chí cao hơn so với khu vực nội thành, nhiều vi phạm phức tạp và khó khăn trong việc xử lý. Chính vì vậy, việc áp dụng “hai mức xử phạt” khác nhau giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn không còn phù hợp, nhất là các vùng nông thôn giáp gianh với đô thị.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn nhưng không quá 02 lần và mở rộng phạm vi áp dụng mức xử phạt trên địa bàn toàn Thành phố đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực (văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và quy định trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hộivà việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh được coi là công cụ pháp lý quan trọng kịp thời ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vi phạm hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từ đó, bảo đảm tốt hơn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội.
Thực tiễn cho thấy, điện, nước là công cụ, phương tiện để đối tượng vi phạm hành chính dùng để thực hiện hành vi vi phạm. Không có điện, nước, đối tượng vi phạm không thể tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm nên việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh là một biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu để đối tượng vi phạm tiếp tục thực hiện hành vi có thể sẽ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác hoặc cộng đồng dân cư. Với ý nghĩa này, việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước được coi là một biện pháp quan trọng bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân có liên quan và bảo đảm trật tự, an toàn cho xã hội theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, việc xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, tuy nhiên, trong thực tiễn, các đối tượng vi phạm thường lợi dụng “sơ hở” của quy định này để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm khi mà đã bị người có thẩm quyền phát hiện và yêu cầu dừng hành vi vi phạm hành chính gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước và gây thiệt hại đến tài sản và tính mạng của người dân. Vì vậy, việc đề nghị đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi) áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong một số trường hợp là cần thiết để người thực hiện hành vi vi phạm không thể tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm khi đã có yêu cầu dừng hành vi của người có thẩm quyền.
Việc quy định như trên sẽ kịp thời ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vi phạm hành chính trong lĩnh vực này khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, từ đó giúp cho việc thi hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính được nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ tốt hơn tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp, tài sản của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô./.
Nguyễn Bích Thủy
Sở Tư pháp Hà Nội
Ảnh: internet