Hiện nay, việc phối hợp giữa lực lượng hải quan và các lực lượng khác trong hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau trong đó có Luật Hải quan năm 2014, Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 06/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong hoạt động điều tra hình sự thì bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành thì Ngành Hải quan cũng đã ký quy chế phối hợp với các lực lượng khác như cơ quan công an, lực lượng biên phòng… như Quy chế phối hợp số 5341/QCPH/TCHQ-TCCS ngày 22/11/2007 giữa lực lượng hải quan và lực lượng Tổng cục Cảnh sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; Quy định phối hợp số 458/2013/QĐPH/ĐTCBL-V1 ngày 09/5/2013 giữa Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan với Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế và chức vụ - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg ngày 09/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và hải quan trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển; Quy chế phối hợp số 5000/QC-TCHQ-BTLBĐBP ngày 20/9/2012 về phối hợp hoạt động giữa hải quan và Bộ đội Biên phòng… Đây là những văn bản quan trọng điều chỉnh mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan hải quan với các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan công an, Viện kiểm sát và các cơ quan hữu quan liên quan trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại nói chung, trong hoạt động điều tra hình sự nói riêng.
Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến lĩnh vực hải quan đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các lực lượng chức năng như Công an, Viện kiểm sát, Bộ đội Biên phòng… Trong đó, cơ quan cảnh sát điều tra (cơ quan công an) với vai trò là cơ quan điều tra chuyên trách có mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan hải quan trong hoạt động điều tra hình sự.
Theo quy định tại Điều 4 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2014 thì cơ quan công an là một trong ba cơ quan điều tra chuyên trách, có phạm vi thẩm quyền điều tra rất rộng bao gồm tất cả các tội danh trừ một số tội danh thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Mối quan hệ giữa cơ quan hải quan và cơ quan công an được thể hiện qua 02 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất, trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự
Trong giai đoạn này, mối quan hệ giữa cơ quan hải quan với cơ quan công an chủ yếu là trong công tác trao đổi, phối hợp kiểm tra thực tế hàng hóa và công tác xác minh ban đầu.
Theo kết quả thống kê của Ngành Hải quan, từ năm 2015 - 2017, cơ quan hải quan đã phối hợp với cơ quan công an 737 vụ, trong đó 47 vụ liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh trật tự, 520 vụ liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa và 224 vụ liên quan đến mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy. Do Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan sẽ chủ trì trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Do đó, nhiều vụ việc cơ quan công an có thông tin vi phạm nhưng do liên quan đến các lô hàng hóa xuất, nhập khẩu trong địa bàn hoạt động hải quan nên cơ quan công an khi có thông tin đã chủ động thông báo, phối hợp với cơ quan hải quan để kịp thời phát hiện vi phạm. Điều này thể hiện qua các lần phối hợp kiểm tra, xử lý như vụ buôn lậu ngà voi, sừng tê giác do Công ty TNHH Vạn An ở Đà Nẵng, vụ buôn lậu xăng dầu của Công ty Dương Đông Hòa Phú tại Bình Thuận... Ngoài ra, đối với một số vụ việc cần phải tiến hành xác minh để làm rõ dấu hiệu tội phạm, cơ quan hải quan và cơ quan công an cũng phối hợp với nhau trong việc trao đổi thông tin, xác minh các tình tiết làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng. Đối với các vụ việc đối tượng vi phạm cơ quan hải quan phát hiện ở ngoài khu vực địa bàn hoạt động hải quan thì cơ quan hải quan chủ động phối hợp hoặc theo đề nghị phối hợp của cơ quan công an trong việc ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các vi phạm này.
Thực tiễn trong quá trình điều tra, xác minh của cơ quan hải quan đối với các vụ việc, đặc biệt là các vụ việc phức tạp, có dấu hiệu hình sự, cơ quan hải quan phải triệu tập các đối tượng liên quan làm việc để xác minh, làm rõ trong khi các đối tượng này thường lẩn tránh, không hợp tác... trong một số trường hợp còn cản trở, đe dọa cán bộ hải quan thực thi nhiệm vụ thì cơ quan hải quan thường phối hợp với lực lượng công an để triển khai nhiệm vụ này. Tuy nhiên, do chưa có quyết định khởi tố vụ án, việc triệu tập các đối tượng lên làm việc theo thủ tục hành chính chủ yếu dựa trên sự thiện chí, hợp tác của đối tượng.
Giai đoạn thứ hai, sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự
Theo quy định điểm b khoản 1 Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì cơ quan hải quan ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát hải quan, sau đó chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Theo đó, sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, cơ quan hải quan thực hiện:
- Gửi văn bản đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra cùng cấp tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tang vật vụ án hoặc có văn bản đề nghị Viện kiểm sát nhân dân ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra, đối với trường hợp giao cơ quan điều tra ở cấp dưới hoặc địa phương khác điều tra vụ án.
- Sau khi có quyết định chuyển hồ sơ và tang vật vụ án của Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan hải quan ban hành văn bản đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra tiếp nhận hồ sơ và tang vật vụ án.
- Cán bộ, công chức hải quan được giao nhiệm vụ thụ lý vụ án chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, tang vật vụ án, dự thảo biên bản bàn giao, đánh bút lục hồ sơ tài liệu, liên hệ cán bộ tiếp nhận để bàn giao hồ sơ và tang vật vụ án theo quy định.
- Tiến hành bàn giao hồ sơ, tang vật vụ án trong thời hạn quy định.
- Phối hợp trong hoạt động điều tra.
Thực tiễn công tác phối hợp giữa cơ quan hải quan với cơ quan điều tra trong thời gian qua đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, các vụ án do cơ quan hải quan khởi tố, xác minh ban đầu được chuyển sang cơ quan điều tra đều đảm bảo tuân thủ đúng trình tự, thủ tục tố tụng, kịp thời, đúng thời hạn. Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan hải quan luôn tạo điều kiện hỗ trợ trong việc cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ án đặc biệt là các quy định, quy trình về thủ tục hải quan góp phần giúp cơ quan điều tra hoàn thành nhiệm vụ. Tỷ lệ số vụ án chuyển cho cơ quan điều tra bị đình chỉ rất thấp. Từ năm 2014 đến tháng 6/2018, số vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới chuyển sang cơ quan điều tra mới bị đình chỉ 03 vụ (trong đó 02 vụ cơ quan hải quan đã đề nghị Viện kiểm sát nhân dân ra quyết định phục hồi điều tra và đã được chấp nhận).
Thực tiễn phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra (cơ quan công an), cơ quan hải quan gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như sau:
Thứ nhất, vướng mắc trong việc bàn giao vật chứng để bảo quản, xử lý theo quy định
Theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điểm a, điểm b khoản Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố thì cơ quan hải quan chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra hoặc có văn bản đề nghị Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp ra quyết định chuyển hồ sơ, tang vật vụ án buôn lậu đối với trường hợp chuyển cho cơ quan điều tra không cùng cấp. Trên cơ sở quyết định chuyển hồ sơ, tang vật vụ án, cơ quan hải quan có văn bản đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền thụ lý, tiếp nhận hồ sơ kèm theo tang vật vụ án.
Tuy nhiên, trong năm 2016, cơ quan hải quan đã ra 03 quyết định khởi tố (05, 06, 08) khởi tố vụ án buôn lậu 354 tấn lúa (thóc) từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu biên giới bằng ghe gỗ, không khai báo, không làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Đồng Tháp không tiếp nhận số tang vật là thóc, chỉ tiếp nhận phương tiện vi phạm là ghe gỗ. Lý do cơ quan cảnh sát điều tra từ chối nhận bàn giao tang vật là: Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 20 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 và Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định rõ khi có quyết định khởi tố vụ án, cơ quan hải quan chuyển hồ sơ bao gồm cả tang vật tại thời điểm chuyển giao hồ sơ vụ án[1]. Điều này dẫn đến cơ quan cảnh sát điều tra khi tiếp nhận hồ sơ vụ án chưa tiếp nhận tang vật vụ án. Các cơ quan này cho rằng, tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ chưa tiếp nhận để điều tra sơ bộ nếu có dấu hiệu thì mới tiếp nhận.
Để khắc phục tình trạng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, khoản 1 Điều 131 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể hồ sơ vụ án gồm: “a) Lệnh, quyết định, yêu cầu của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát;
b) Các biên bản tố tụng do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lập;
c) Các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án”.
Theo đó, khi cơ quan hải quan chuyển giao hồ sơ vụ án thì có nghĩa cơ quan cảnh sát điều tra phải tiếp nhận cả tang vật vụ án. Tuy nhiên, thực tiễn khi chuyển giao hồ sơ vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cơ quan hải quan vẫn gặp phải tình trạng cơ quan cảnh sát điều tra không tiếp nhận ngay tang vật kèm theo vụ án như trong vụ án buôn lậu xảy ra tại tỉnh Tây Ninh theo Quyết định khởi tố vụ án số 01/QĐ-ĐTCBL năm 2018 khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu xảy ra tại cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Điều này gây khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc quản lý tang vật vi phạm liên quan đến vụ án đặc biệt trong trường hợp hàng hóa đó là hàng hóa mau hỏng, khó bảo quản hoặc phải tiến hành thuê kho, thuê bãi để bảo quản, cụ thể:
(i) Theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 “vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi quyền hạn của mình quyết định bán theo quy định của pháp luật và chuyển tiền đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền tại Kho bạc Nhà nước để quản lý;
Theo quy định tại khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 “việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản”.
Theo quy định trên thì cơ quan hải quan chỉ được phép xử lý vật chứng khi vụ án đó được đình chỉ ở giai đoạn điều tra. Trong trường hợp này, cơ quan hải quan đã có văn bản hoặc Viện kiểm sát nhân dân đã có quyết định chuyển hồ sơ vụ án (bao gồm cả tang vật) cho cơ quan cảnh sát điều tra cơ quan công an thì cơ quan hải quan có thẩm quyền xử lý tang vật này theo điểm d, khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hay không. Do không có hướng dẫn cụ thể nên cơ quan hải quan không thể xử lý được vật chứng là hàng hóa mau hỏng, khó bảo quản.
(ii) Theo quy định khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định cụ thể về thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm tối đa không quá 60 ngày (bao gồm cả thời hạn xin gia hạn). Theo đó, quá thời hạn trên cơ quan điều tra không tiếp nhận thì cơ quan hải quan sẽ gặp khó khăn tạm giữ, bảo quản số tang vật, vật chứng này. Việc cơ quan cảnh sát điều tra không tiếp nhận, đồng thời cũng không ra quyết định xử lý đối với tang vật này dẫn đến cơ quan hải quan vẫn phải tiếp tục bảo quản lưu giữ. Đặc biệt, các chi phí phát sinh liên quan đến bảo quản tang vật như chi phí lưu giữ, bảo quản (thuê kho, sấy) đối với số tang vật này; cơ quan hải quan vẫn phải thực hiện thanh toán trong khi không đủ cơ sở, căn cứ pháp lý để thanh toán vì thời hạn tạm giữ đã hết. Cơ quan hải quan đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan cảnh sát điều tra để giải quyết theo thẩm quyền.
Thứ hai, vướng mắc trong việc xử lý tang vật vụ án khi đình chỉ điều tra vụ án hình sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 “việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản
Theo quy định trên việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản. Thực tiễn trong thời gian qua, cơ quan hải quan đang gặp vướng mắc liên quan đến việc xử lý vật chứng của 02 vụ án gồm 232,741 tấn thóc khi cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh An Giang đình chỉ điều tra vụ án. Theo thông báo của cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang thì cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định đình chỉ 02 vụ án buôn lậu theo quyết định khởi tố vụ án hình sự của cơ quan hải quan mà không đưa ra quyết định xử lý vật chứng mà chỉ thông báo chuyển lại hồ sơ lại để cơ quan hải quan giải quyết theo thẩm quyền.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Ðiều 76 Bộ luật Hình sự, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Ðồng Tháp khi nhận được kiến nghị của cơ quan hải quan đã ra quyết định xử lý vật chứng theo quy định. Tuy nhiên, đối với cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh An Giang hiện nay vẫn không đưa ra quyết định xử lý vật chứng tang vật theo thẩm quyền, trong khi đó tang vật cơ quan hải quan vẫn phải bảo quản, các chi phí phát sinh vẫn đang do cơ quan hải quan chi trả. Pháp luật quy định rất rõ ràng thẩm quyền của từng cơ quan trong việc xử lý vật chứng trong từng giai đoạn cụ thể. Như vậy, khi cơ quan cảnh sát điều tra không xử lý vật chứng khi có quyết định đình chỉ điều tra sẽ dẫn đến thực tế là tang vật đó vẫn phát sinh các chi phí bảo quản, lưu giữ, lưu kho, chất lượng giảm sút dễ dẫn đến hư hỏng.
Khắc phục tình trạng trên khoản 1 Ðiều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản”. Với quy định này thì cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền xử lý vật chứng nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra. Vấn đề đặt ra khi vật chứng đó đã được bàn giao cho cơ quan cảnh sát điều tra thì cơ quan cảnh sát điều tra sẽ xử lý hay sẽ trả lại để cơ quan hải quan tiến hành xử lý vật chứng.
Căn cứ quy định trên thì trường hợp vật chứng đó đã được bàn giao cho cơ quan cảnh sát điều tra thì cơ quan này sẽ xử lý vật chứng.Cơ quan hải quan chỉ xử lý vật chứng khi vật chứng này cơ quan hải quan vẫn đang tạm giữ, bảo quản.
Thứ ba, việc cơ quan cảnh sát điều tra thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan hải quan đối với các hồ sơ vụ án do cơ quan hải quan đã chuyển
Theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định cơ quan hải quan phải chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan cảnh sát điều tra (cơ quan công an) để cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra theo thẩm quyền. Thực tế trong thời gian qua cơ quan hải quan đã chuyển giao rất nhiều vụ án cho cơ quan cảnh sát điều tra nhưng “rất lâu” không thấy cơ quan điều tra thông báo kết quả điều tra như thế nào?
Theo quy định Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thời hạn điều tra “thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra”. Trường hợp cần thiết thì Viện kiểm sát sẽ giai hạn thời hạn điều tra. Tuy nhiên, dù vụ án được điều tra trong thời hạn hay được gia hạn thì vụ án vẫn có quy định hạn lượng về thời hạn điều tra.
Theo quy định tại Điều 232 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định việc kết thúc điều tra: “1. Khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra.
2. Việc điều tra kết thúc khi cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.
3. Bản kết luận điều tra ghi rõ ngày, tháng, năm; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra kết luận.
4. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra phải giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản kết luận điều tra kèm theo quyết định đình chỉ điều tra cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp; giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho bị can hoặc người đại diện của bị can; gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho người bào chữa; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.
Theo quy định trên thì không quy định trách nhiệm kết thúc điều tra thì cơ quan cảnh sát điều tra phải thông báo cho cơ quan đã chuyển giao hồ sơ vụ án cho mình.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 “3. Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển giao theo thẩm quyền và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã chuyển giao hồ sơ vụ án”. Như vậy, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã quy định trách nhiệm của cơ quan điều tra phải thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã chuyển hồ sơ vụ án cho mình. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn về thời điểm thông báo khi nào cơ quan điều tra phải thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan hải quan, hình thức thông báo như thế nào dẫn đến thực tiễn trong thời gian qua, việc thực hiện quy định này chưa được thực thi trên thực tế. Do đó, theo quan điểm của tác giả thì việc thông báo kết quả điều tra được thực hiện khi kết thúc điều tra. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 232 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng: “4. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra phải giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản kết luận điều tra kèm theo quyết định đình chỉ điều tra cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp; giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho bị can hoặc người đại diện của bị can; gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho người bào chữa; thông báo cho bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ và cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp vụ án do cơ quan này chuyển giao”.
Cục Điều tra chống buôn lậu