Trước tình trạng có nhiều biểu hiện suy thoái về đạo đức trong một bộ phận cán bộ, công chức, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao đạo đức công vụ. Về mặt khoa học, đã có nhiều nhà nghiên cứu tiếp cận từ những góc độ khác nhau, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về đạo đức công vụ, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nước ta trong giai đoạn hiện nay. Giữa đạo đức công vụ với dân chủ xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ khá mật thiết, có sự tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình thực thi công vụ của Nhà nước, dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những cơ sở nền tảng để hình thành đạo đức công vụ và đạo đức công vụ lại là một trong những cơ chế bảo đảm dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong công cuộc đổi mới toàn diện ở nước ta hiện nay, việc nâng cao đạo đức công vụ và mở rộng, thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa là những biện pháp được Nhà nước song song thực hiện, nên luôn có tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau, cùng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Về vấn đề này, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã có bài viết: “Mối quan hệ giữa đạo đức công vụ với dân chủ xã hội chủ nghĩa” của tác giả Nguyễn Tiến Hiệp – Học viện Hành chính, đăng trên Tạp chí phát hành hàng tháng số tháng 4 [265] năm 2014. Bài viết bao gồm những nội dung chủ yếu như: Mối quan hệ giữa đạo đức công vụ với dân chủ xã hội chủ nghĩa; mối quan hệ giữa việc nâng cao đạo đức công vụ với việc mở rộng, thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa và một số đề xuất, kiến nghị nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức nước ta.
Uyên Nhi