Trong hệ thống pháp luật các quốc gia, trong đó có Việt Nam, pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật sở hữu trí tuệ được coi là hai nhánh có mối quan hệ tương hỗ trong kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cũng như từng bước xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, hoàn thiện pháp luật kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nói chung và làm rõ mối quan hệ giữa pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật sở hữu trí tuệ nói riêng được coi là một yêu cầu cấp thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Bài viết phân tích rõ mối quan hệ giữa pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật sở hữu trí tuệ trong kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu ở Việt Nam hiện nay. Qua đó, đưa ra một số tồn tại, hạn chế và kiến nghị hoàn thiện pháp luật kiểm soát cạnh trạnh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu ở Việt Nam hiện nay.
1. Dẫn nhập
Lịch sử hình thành và phát triển cho thấy, pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật sở hữu trí tuệ có mối quan hệ tương hỗ trong kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu bởi sự tương đồng về mục đích bảo vệ nhãn hiệu - “một loại tài sản vô hình tuyệt đối”[1], bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nếu như pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ tuyệt đối quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu thông qua việc xác lập văn bằng bảo hộ với thủ tục, quy trình khắt khe, thì pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu bảo vệ chủ sở hữu chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong trường hợp nhãn hiệu đó vượt quá giới hạn bảo hộ của pháp luật sở hữu trí tuệ. Giới hạn điều chỉnh của pháp luật kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu chính là ghi nhận điều kiện chung để xác định hành vi nào là hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu đã vượt quá giới hạn bảo hộ của pháp luật sở hữu trí tuệ sẽ bị giải quyết, xử lý bởi pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh.
Xuất phát từ quan điểm trên, trong thực tiễn áp dụng pháp luật cạnh tranh không lành mạnh của các quốc gia Châu Âu đã hình thành nguyên tắc ưu tiên (Pre-emption principle). Pháp luật cạnh tranh không lành mạnh chỉ được áp dụng trong trường hợp hành vi vi phạm chưa chịu sự điều chỉnh theo quy định của các văn bản pháp luật khác[2]. Quan điểm này cũng thể hiện rõ trong nguyên tắc áp dụng luật thống nhất đã được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như tất cả các nước phát triển khác áp dụng là: “Luật chuyên sâu trước Luật phổ quát”. Do vậy, tại hệ thống pháp luật các quốc gia, trong đó có Việt Nam, pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật sở hữu trí tuệ được coi là hai nhánh có mối quan hệ tương hỗ trong kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu.
2. Thực trạng nguyên tắc áp dụng pháp luật trong kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu ở Việt Nam hiện nay
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu về bản chất vừa xâm phạm đến quyền, lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu (quyền lợi tư) vừa xâm phạm đến chức năng bảo vệ người tiêu dùng, chức năng bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh của cơ quan quản lý nhà nước (quyền lợi công). Do vậy, hoạt động kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu về nguyên tắc là một nét đặc biệt vừa mang tính chất mệnh lệnh của quyền lực công với chế tài hành chính (buộc chấm dứt hành vi vi phạm, buộc khôi phục trở lại tình trạng hợp pháp ban đầu trước khi bị hành vi cạnh tranh không lành mạnh xâm hại, phạt tiền), đồng thời, lại như một hình thức trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự ngoài hợp đồng. Biện pháp xử lý hành vi vi phạm được kết hợp theo cơ chế người bị xâm hại khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh yêu cầu xử lý bằng chế tài hành chính, vừa khiếu kiện ra Tòa án dân sự để đòi bồi thường thiệt hại.
Luật Cạnh tranh năm 2018 đã xác định pháp luật kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh không chỉ bảo vệ quyền lợi tư của doanh nghiệp, người tiêu dùng, mà còn được thực thi dựa trên nguyên tắc bảo vệ trật tự công. Về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định cụ thể như sau: Mọi hoạt động điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này[3]. Trường hợp Luật khác có quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hình thức tập trung kinh tế, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của Luật đó[4].
Trong khi đó, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019) có chức năng điều chỉnh các quan hệ dân sự liên quan đến tài sản trí tuệ (quyền nhân thân và quyền tài sản), trong đó có nhãn hiệu, do vậy, phương pháp điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ mang các đặc điểm của pháp luật dân sự thuộc phạm trù lĩnh vực luật tư. Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được Nhà nước bảo hộ đối với nhãn hiệu khi đã hoàn thành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu nghiêm ngặt tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Phạm vi bảo hộ, thời gian bảo hộ liên tục của Nhà nước đối với nhãn hiệu được ghi nhận đầy đủ, rõ ràng trong văn bằng bảo hộ bao gồm chính nhãn hiệu đó, các yếu tố độc đáo của nhãn hiệu và danh mục hàng hóa được đăng ký bảo hộ. Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cụ thể như sau: Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh[5]. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202 của Luật này và các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh[6].
Như vậy, theo quy định của pháp luật thực định, nguyên tắc áp dụng pháp luật trong quá trình kiểm soát và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu của Việt Nam được quy định này khá rõ ràng, chi tiết và cụ thể: Việc xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến lĩnh vực nhãn hiệu được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Về giải quyết và xử lý, cơ quan có thẩm quyền kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu được quy định tại Luật Cạnh tranh năm 2018. Về yêu cầu bồi thường thiệt hại được áp dụng biện pháp dân sự theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
3. Một số tồn tại và hạn chế
Mặc dù Luật Cạnh tranh năm 2018 và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã xác định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật trong quá trình kiểm soát và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu. Tuy nhiên, thực trạng pháp luật hiện nay còn tồn tại một số hạn chế sau:
Thứ nhất, thiếu căn cứ pháp lý trong xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu vượt quá giới hạn phạm vi bảo hộ của pháp luật sở hữu trí tuệ: Luật Cạnh tranh năm 2018 đã loại bỏ hành vi sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn tại khoản 1 Điều 39 Luật Cạnh tranh năm 2004 nhằm đảm bảo tính thống nhất cũng như tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc xác định phạm vi áp dụng giữa Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định ngoài 06 hành vi cạnh tranh không lành mạnh được liệt kê tại Điều 45, còn bao gồm “các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác”[7]. Trong khi đó, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 có đối tượng điều chỉnh các chỉ dẫn thương mại đã được đăng ký bảo hộ. Đối với trường hợp chỉ dẫn thương mại chưa được bảo hộ nếu có hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo khoản 1 Điều 30 sẽ áp dụng quy định pháp luật nào để kiểm soát và xử lý hành vi? Đồng thời, trong thực tế chưa có căn cứ pháp lý để xác định một chỉ dẫn thương mại chưa đăng ký bảo hộ nhưng đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng và đang bị gây nhầm lẫn.
Thứ hai, mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định về phạm vi áp dụng luật: Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định rõ về phạm vi áp dụng là ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trong trường hợp có quy định việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của Luật đó. Trong khi theo quy định của khoản 3 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về nhãn hiệu thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Thứ ba, mâu thuẫn trong quy định về biện pháp và chế tài hành chính: Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu tại Nghị định số 75/2019/NĐ-CP[8] là bị áp dụng mức phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng. Trong khi đó, mức phạt tối đa quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP[9] đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu mức phạt tối đa là 250.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị trên 500.000.000 đồng.
Thứ tư, mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm: Tại Điều 2 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định thẩm quyền giải quyết và xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói chung thuộc về ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Trong khi tại Điều 18 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp trong đó có nhãn hiệu thuộc về Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Thông tin và Truyền thông, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh.
4. Một số kiến nghị và giải pháp
Nhằm đảm bảo hiệu quả thi hành của pháp luật kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp, trong đó có nhãn hiệu ở Việt Nam hiện nay, giải pháp tối ưu trước mắt là Chính phủ cần xây dựng và ban hành nghị định về xử lý hành vi cạnh tranh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Nhằm khắc phục những hạn chế trong quy định về mối quan hệ giữa Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ trong kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu, nghị định cần đảm bảo những nội dung chính sau:
Một là, về phạm vi áp dụng luật: Luật Sở hữu trí tuệ chỉ quy định việc xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ trong đó có nhãn hiệu, các vấn đề liên quan đến chế tài, thẩm quyền, thủ tục xử lý thì thực hiện theo quy định của Luật Cạnh tranh và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Hai là, về căn cứ pháp lý để xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu (trong trường hợp nhãn hiệu chưa được bảo hộ, tạm mất quyền bảo hộ hoặc đang trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ): Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu được quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu tuệ được xác định đối với các đối tượng đang được bảo hộ. Do vậy, cần có căn cứ pháp lý xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong trường hợp vượt quá giới hạn bảo hộ của Luật Sở hữu trí tuệ được quy định tại pháp luật cạnh tranh
Ba là, về chế tài phạt tiền: Cần quy định chi tiết, cụ thể đối với mức phạt tiền áp dụng cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu. Luật Cạnh tranh năm 2018 đã quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng. Do vậy, khi xây dựng và ban hành văn bản xử lý vi phạm cạnh tranh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp nói chung và hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nói riêng cần tăng mức phạt để thể hiện tình răn đe, trừng trị với hành vi.
Tóm lại, trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế, là thành viên chính thức của Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... cũng như từng bước xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, hoàn thiện pháp luật kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nói chung và làm rõ mối quan hệ giữa pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật sở hữu trí tuệ nói riêng được coi là một yêu cầu cấp thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Việc hoàn thiện pháp luật về kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu cần phải xuất phát từ sứ mệnh của pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh là phương thức bổ trợ cho pháp luật sở hữu trí tuệ trong việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh được coi là giải pháp phù hợp và tin cậy cho người bị thiệt hại áp dụng yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu vượt quá giới hạn bảo hộ pháp luật sở hữu trí tuệ để bảo vệ lợi thế cạnh tranh.
NCS. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
[1]. Bùi Thị Hải Như (2017), Giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam, Luận án Tiến sĩ luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 36.
[2]. Đoàn Tử Tích Phước (2009), Chế định cạnh tranh không lành mạnh, Tọa đàm Chế định cạnh tranh không lành mạnh trong pháp luật cạnh tranh, do Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công thương tổ chức ngày 27/08/2009, tr.17.
[3]. Khoản 8 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018.
[4]. Khoản 2 Điều 4 Luật Cạnh tranh năm 2018.
[5]. Khoản 3 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
[6]. Khoản 3 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
[7]. Khoản 7 Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018.
[8]. Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26/9/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.
[9]. Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.