Theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê làm chủ biên xuất bản năm 1992 thì: “Hôn nhân là việc nam nữ chính thức lấy nhau làm vợ chồng”. Xét trên quan niệm xã hội, “hôn nhân” có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất, là chỉ một cặp nam nữ sống với nhau, sinh hoạt với nhau và xây dựng gia đình trong một cái khung của hôn thú; nghĩa thứ hai, là cá nhân một nam, một nữ chính thức lấy nhau làm vợ chồng dưới sự công nhận của pháp luật.
Về mặt bản chất, hôn nhân là một động thái mang tính nhân loại, chỉ có trong đời sống xã hội của loài người và chỉ xuất hiện ở một giai đoạn phát triển lịch sử nhất định. Đầu tiên, hôn nhân là một động thái xã hội hóa hoạt động ghép đôi của động vật hoang dã. Trải qua tiến trình của lịch sử, những tiến bộ của cấu trúc xã hội, quan niệm xã hội, dần dần hình thành những quan điểm chuẩn mực đạo đức, những quy định, những lễ nghi… và cuối cùng, nó được định hình trong các chế định, các quy ước tồn tại như những văn bản dưới luật và đỉnh cao của nó là sự quy tụ vào những điều khoản, hệ thống pháp luật của một quốc gia. Thông qua hôn nhân, gia đình được hình thành và trở thành một thực thể xã hội được công nhận, được Nhà nước bảo hộ, trước hết là trên nền tảng của hệ thống quan niệm đạo đức xã hội, phong tục, tập quán, văn hóa của cộng đồng dân tộc và cuối cùng, quan trọng nhất chính là hệ thống pháp luật của quốc gia.
Hiện nay, pháp luật là công cụ điều chỉnh xã hội rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng các quy định của pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội sẽ không đạt được hiệu quả cao nhất do có những vấn đề pháp luật không điều chỉnh tới hoặc không thể điều chỉnh. Đặc biệt là những mối quan hệ được thiết lập dựa trên cơ sở tình cảm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Trong khi đó, đạo đức có thể chi phối và điều chỉnh tất cả các mối quan hệ xã hội. Do vậy, việc kết hợp pháp luật và đạo đức trong điều chỉnh mối quan hệ hôn nhân và gia đình sẽ hỗ trợ và tăng cường thêm hiệu quả của pháp luật.
1. Mối quan hệ pháp luật và đạo đức trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình
Pháp luật xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử loài người, tuy nhiên qua các thời kỳ lịch sử, do điều kiện kinh tế, năng lực nhận thức của con người... khác nhau nên pháp luật và vai trò của pháp luật trong từng thời kỳ cũng khác nhau. Ngày nay, pháp luật có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.
Theo lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, pháp luật là một hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo định hướng, mục tiêu cụ thể. Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, pháp luật đi sâu điều chỉnh hai nhóm quan hệ là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Quan hệ nhân thân là những quan hệ xã hội phát sinh giữa các thành viên trong gia đình về những lợi ích nhân thân như quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái...; Quan hệ tài sản là những quan hệ xã hội phát sinh giữa các thành viên trong gia đình về lợi ích tài sản như quan hệ cấp dưỡng giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa các thành viên khác trong gia đình, quan hệ sở hữu chung của vợ chồng...
Cùng với pháp luật, đạo đức cũng được hình thành để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, trong đó các quan hệ hôn nhân và gia đình. Theo định nghĩa trong Từ điển Hán - Việt của Giáo sư Đào Duy Anh, thì “đạo” là nguyên lý tự nhiên, được vào lòng người là “đức”[1]. Như vậy, hiểu theo nghĩa đầu tiên của định nghĩa thì đạo đức chính là nguyên lý của tự nhiên và được lòng của con người, công chúng. Nó bao hàm theo hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là một quy luật mang tính tự nhiên và nghĩa thứ hai là một sự thu nhận mang tính nhân sinh của con người.
Đạo đức có vai trò vô cùng quan trọng trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Bởi lẽ, các mối quan hệ hôn nhân và gia đình chủ yếu được thiết lập dựa trên cơ sở tình cảm và huyết thống, đó là lĩnh vực điều chỉnh sở trường của đạo đức. Hơn nữa, đạo đức gia đình hình thành nên các khôn mẫu, chuẩn mực hành vi ứng xử của các thành viên trong gia đình, đảm bảo trật tự và sự ổn định của các thành viên trong gia đình. Trong khi đó, pháp luật lại không thể điều chỉnh các mối quan hệ được thiết lập trên cơ sở tình cảm và không điều chỉnh những hành vi ứng xử cụ thể của các thành viên trong gia đình. Có thể thấy, sự suy thoái đạo đức gia đình là một trong những nguyên nhân chính khiến tình hình vi phạm pháp luật gia tăng và kéo theo đó là sự bất ổn của xã hội.
Về sự tương tác giữa pháp luật và đạo đức trong quá trình điều chỉnh các mối quan hệ hôn nhân và gia đình. Cũng như các mối quan hệ khác, các quan hệ hôn nhân và gia đình được điều chỉnh bởi nhiều công cụ khác nhau như pháp luật, đạo đức, phong tục, tập quán, tôn giáo… Các công cụ này có mối quan hệ tác động qua lại với nhau trong quá trình điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trong đó, pháp luật và đạo đức nổi lên là hai công cụ quan trọng nhất và có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ nhau trong quá trình điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Thứ nhất, trong mối quan hệ này, đạo đức là cơ sở của pháp luật.
Ngay khi chưa có pháp luật, những chuẩn mực đạo đức đã được hình thành để điều chỉnh các mối quan hệ hôn nhân và gia đình như một cách tất yếu, giải quyết những yêu cầu của đời sống xã hội và được tất cả xã hội thừa nhận, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng. Nhà nước thừa nhận các giá trị đạo đức và cụ thể hóa thành các quy định của pháp luật với tính chất bắt buộc chung cho tất cả mọi người. Có thể nói, bất kỳ một hệ thống pháp luật nào cũng được xây dựng, tồn tại và phát triển dựa trên một nền tảng đạo đức nhất định. Bởi lẽ, pháp luật được xây dựng trên nền tảng của đạo đức là pháp luật phù hợp với đời sống thực tiễn, được xã hội chấp nhận và đảm bảo lợi ích chung của mọi người, phù hợp với sự phát triển xã hội.
Thứ hai, đạo đức là động cơ tốt để thúc đẩy thực hiện pháp luật.
Pháp luật hiện nay được phủ sóng rộng rãi và có nhiều ưu điểm trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội với những quy định mang tính xử sự chung, tính cưỡng chế của Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện pháp luật còn phụ thuộc vào ý thức thực hiện pháp luật của người dân. Qua các chuẩn mực đạo đức, cá nhân sẽ nâng cao ý thức, tinh thần tự giác và trách nhiệm của bản thân đối với mỗi hành vi.
Luật Hôn nhân và gia đình được xây dựng dựa trên nền tảng là những chuẩn mực đạo đức sẽ giúp người dân dễ dàng thực hiện các quy định của pháp luật dù có thể không hiểu biết đầy đủ các quy định, bởi trên thực tế, mọi người đã quá quen thuộc với những chuẩn mực đạo đức gia đình và luôn thực hiện các chuẩn mực hành vi đó mỗi ngày. Những chuẩn mực đạo đức gia đình được các thành viên trong gia đình, xã hội coi trọng thì việc thực hiện các quy định của pháp luật sẽ nghiêm chỉnh hơn. Ngược lại, khi việc giáo dục đạo đức gia đình không được quan tâm và xuống cấp sẽ dẫn đến ý thức đạo đức không cao và việc thực hiện pháp luật sẽ không nghiêm chỉnh, không chỉ là pháp luật hôn nhân và gia đình mà trong cả các lĩnh vực pháp luật khác. Đặc biệt, khi đạo đức gia đình trở thành phong tục, tập quán của một cộng đồng, quốc gia và dân tộc, nó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc thực hiện pháp luật. Nếu pháp luật phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, nó sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện pháp luật và ngược lại, nó sẽ cản trở việc thực hiện pháp luật.
Thứ ba, pháp luật phản ánh những quan điểm, quan niệm, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức
Ngay từ khi gia đình được hình thành, những mối quan hệ trong gia đình đã được điều chỉnh bởi các chuẩn mực đạo đức. Vì vậy, mặc dù không có pháp luật, gia đình thời kỳ này vẫn giữ được sự ổn định. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp thống trị luôn tìm mọi cách để duy trì sự thống trị của giai cấp mình. Thông qua đạo đức, giai cấp thống trị truyền bá, áp đặt hệ tư tưởng của giai cấp mình buộc các giai cấp khác phải phục tùng, tuân theo, thậm chí là nghĩ theo những tư tưởng đó và cho đó là tất yếu, là khuôn mẫu, là nguyên lý tự nhiên phải thế.
Để đảm bảo cho những chuẩn mực đạo đức, hệ tư tưởng của mình có thể đi vào thực tế, giai cấp thống trị thông qua quyền lực của Nhà nước để cụ thể hóa các quan điểm đạo đức thành pháp luật, sử dụng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước để pháp luật được thực hiện. Có thể thấy, pháp luật của bất kỳ quốc gia nào, ở thời kỳ nào cũng được xây dựng dựa trên một nền tảng đạo đức nhất định. Thực tế cho thấy, pháp luật phong kiến của Việt Nam, Hàn Quốc và các nước Á Đông thể hiện quan điểm đạo đức của Nho giáo, Phật giáo; pháp luật phong kiến của các nước Tây Âu thể hiện quan điểm đạo đức của Thiên chúa giáo; pháp luật của các quốc gia theo Đạo hồi là quan điểm đạo đức Hồi giáo;... Do đó, pháp luật hôn nhân và gia đình của một quốc gia phản ánh tư tưởng quan điểm, chuẩn mực đạo đức hôn nhân và gia đình của quốc gia đó.
Thứ tư, pháp luật giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp; tiếp nhận, hình thành những chuẩn mực đạo đức mới tiến bộ; đồng thời loại bỏ những chuẩn mực đạo đức lạc hậu, chuẩn mực đạo đức không chính thống, không phù hợp
Hiện nay, khi hôn nhân và gia đình đã mở rộng thành một vấn đề mang tính toàn cầu, các quyền con người, quyền công dân được đề cao thì hầu hết các quốc gia đều hướng đến xây dựng một chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Pháp luật ghi nhận và phát huy những chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp của quốc gia, những chuẩn mực đạo đức mới tiến bộ phù hợp với sự phát triển của xã hội, đồng thời loại bỏ những chuẩn mực đạo đức lạc hậu ảnh hưởng đến các quyền tự do, bình đẳng của con người và những chuẩn mực đạo đức không chính thống và không phù hợp.
Việt Nam và Hàn Quốc đều là những quốc gia phương Đông có nhiều nét văn hóa tương đồng. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là một thách thức lớn cho các chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp khi có sự giao thoa về văn hóa giữa các quốc gia, sự du nhập của các văn hóa ngoại lai. Do đó, pháp luật có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo cho các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp được phát huy, tiếp nhận có chọn lọc những chuẩn mực đạo đức tiến bộ, phù hợp với sự phát triển, đồng thời ngăn chặn, loại bỏ những chuẩn mực đạo đức lạc hậu, không phù hợp.
Xã hội ngày càng phát triển, pháp luật càng phổ biến và có một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Dù vậy, pháp luật không phải công cụ vạn năng mà nó cũng có những hạn chế. Việc quá đề cao hay xem nhẹ pháp luật đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc quản lý xã hội, đồng thời không phát huy được tối đa vai trò, giá trị của pháp luật. Cùng với pháp luật, đạo đức cũng có những vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và có thể hỗ trợ, bổ sung cho những hạn chế của pháp luật. Do đó, trong quá trình điều chỉnh các mối quan hệ hôn nhân và gia đình cần phải có sự kết hợp chặt chẽ và linh hoạt mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức.
2. Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình ở Việt Nam và Hàn Quốc hiện nay
Ở Việt Nam, pháp luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam đã ghi nhận những chuẩn mực đạo đức gia đình truyền thống và các chuẩn mực đạo đức tiến bộ nhằm xây dựng chế hộ hôn nhân và gia đình tiến bộ. Hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã ghi nhận rất nhiều những chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp, những chuẩn mực đạo đức tiến bộ phù hợp với các quyền con người. Tương tự, Luật Gia đình Hàn Quốc cũng ghi nhận những chuẩn mực đạo đức tiến bộ, phù hợp. Qua nghiên cứu các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam và các quy định của Luật Gia đình Hàn Quốc có thể nhận thấy những điểm tương đồng trong việc ghi nhận những chuẩn mực đạo đức.
Một là, pháp luật ghi nhận chế độ hôn nhân tự do, tự nguyện, một vợ một chồng. Đây là chế độ hôn nhân tiến bộ trên thế giới, đảm bảo các quyền tự do, bình đẳng của cả nam và nữ. Tất cả mọi người đủ các điều kiện kết hôn theo quy định đều có quyền được tự do, tự nguyện lựa chọn bạn đời, bất kỳ ai cũng không được ngăn cấm, cản trở việc kết hôn.
Hai là, trong quan hệ vợ chồng, pháp luật ghi nhận những chuẩn mực đạo đức tiến bộ như vợ, chồng bình đẳng với nhau về mọi mặt. Với sự ghi nhận này, vai trò, địa vị của người phụ nữ đã được nâng cao; họ có các quyền và nghĩa vụ ngang bằng với người đàn ông. Đây là xu thế phát triển chung của thế giới về việc đảm bảo các quyền con người trong đó có quyền bình đẳng giới. Bên cạnh đó, pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam cũng ghi nhận và phát huy chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp trong quan hệ vợ chồng, đó là vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
Ba là, trong quan hệ giữa cha mẹ với con cái, pháp luật cũng ghi nhận những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp đó là cha mẹ thương yêu, quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ con cái; con cái phải hiếu kính, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Đây là những chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình Việt Nam và Hàn Quốc do ảnh hưởng của những chuẩn mực đạo đức Nho giáo.
Bốn là, pháp luật cũng ghi nhận những chuẩn mực đạo đức trong quan hệ giữa các thành viên khác trong gia đình, đó là sự yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ nhau… nó thể hiện những đạo đức tốt đẹp trong tình cảm gia đình.
Năm là, pháp luật về hôn nhân và gia đình cũng như các chính sách của Việt Nam hay Hàn Quốc đều hướng tới bảo vệ, giúp đỡ các thành viên là phụ nữ, người già, trẻ em, những người mất năng lực hành vi. Đó là những người cần được chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ. Nó thể hiện truyền thống, những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp, nhân văn của Việt Nam và Hàn Quốc, là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về văn hóa.
Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức cũng được thể hiện trong việc áp dụng các quy định của pháp luật. Đó là việc cụ thể hóa những quy định, những chính sách của nhà nước trong thực tiễn, đảm bảo các giá trị đạo đức mà pháp luật ghi nhận được thực thi trên thực tiễn. Trong quá trình áp dụng pháp luật, thẩm phán Hàn Quốc có đủ thẩm quyền để đưa phán quyết dựa trên những chuẩn mực đạo đức nếu pháp luật không được cụ thể. Ở Việt Nam, có nhiều vụ việc đã được thẩm phán căn cứ tinh thần của Luật Hôn nhân và gia đình, vào các chuẩn mực đạo đức để giải quyết và một số vụ việc tiêu biểu đã được ghi nhận thành án lệ để giải quyết những vụ việc tương tự.
Những chuẩn mực đạo đức gia đình đã trở thành nét đẹp văn hóa, bản sắc riêng của Việt Nam và Hàn Quốc trong thời kỳ hộ nhập. Người dân Việt Nam và Hàn Quốc rất coi trọng các giá trị, chuẩn mực đạo đức gia đình, thậm chí còn hơn cả các quy định của pháp luật. Vì vậy, pháp luật hôn nhân và gia đình được xây dựng dựa trên nền tảng là các chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp, những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp sẽ nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và phù hợp với sự phát triển của xã hội.
3. Kết luận
Có thể thấy, pháp luật và đạo đức không điều chỉnh các mối quan hệ xã hội một cách độc lập mà luôn có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Trong các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam và Hàn Quốc đều đã ghi nhận những chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp, những chuẩn mực đạo đức mới tiến bộ. Trong các hoạt động áp dụng pháp luật và thực hiện pháp luật của cá nhân cũng dễ dàng nhận thấy được yếu tố đạo đức. Tuy nhiên, để mối quan hệ pháp luật và đạo đức thực sự có hiệu quả cao trong việc điều chỉnh các mối quan hệ hôn nhân và gia đình thì cần phải được nghiên cứu một cách hệ thống và có sự vận dụng linh hoạt trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Nghiên cứu sinh tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
- Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014.
- Luật Gia đình Hàn Quốc năm 2005;
- Luật Hỗ trợ gia đình đa văn hóa Hàn Quốc năm 2007;
- GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, Những vấn đề hôm nay của pháp luật và đạo đức, Tạp chí Luật học số 7/2006.
- TS. Nguyễn Văn Năm, Quan hệ giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ, Đại học Luật Hà Nội, 2012.
- Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 1997.
- Nguyễn Khắc Viện (chủ biên), Từ điển Xã hội học, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1994