Về lý thuyết, để thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, có ba hình thức xử lý các hành vi xâm phạm quyền là biện pháp hành chính, biện pháp dân sự và biện pháp hình sự. Trên thực tế, biện pháp thực thi hiệu quả nhất sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như: Tính chất của hành vi xâm phạm; đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm và quy định tương ứng; năng lực và kinh nghiệm của cơ quan chức năng; yêu cầu và mục đích thực thi của chủ thể sở hữu quyền sở hữu công nghiệp (gọi tắt là chủ thể quyền)... Ví dụ, nếu hành vi xâm phạm quyền có đủ yếu tố cấu thành tội phạm (ngoại trừ bằng sáng chế, thiết kế bố trí, tên thương mại), biện pháp hình sự sẽ là giải pháp thực thi tốt nhất, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chủ thể quyền rút yêu cầu (đề nghị không khởi tố) thì cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét dừng xử lý vụ việc theo yêu cầu của chủ thể quyền…
Thực tiễn thi hành các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đến nay cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính vẫn được coi là biện pháp hiệu quả nhất vì: Phần lớn các trường hợp vi phạm không đủ yếu tố cấu thành tội phạm; nếu khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại thì việc chứng minh thiệt hại thực tế do hành vi xâm phạm gây ra là rất phức tạp, khó khăn... Trong khi đó, biện pháp xử lý vi phạm hành chính sẽ đơn giản và nhanh chóng, đặc biệt là trong trường hợp chủ thể quyền bị xâm phạm ưu tiên lựa chọn biện pháp để hành vi xâm phạm phải bị chấm dứt nhanh nhất có thể.
2. Thực tiễn áp dụng một số quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp
Để triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, ngày 29/08/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Nghị định số 99/2013/NĐ-CP[1]). Nghị định này quy định cụ thể về các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm; thẩm quyền, thủ tục giải quyết đơn yêu cầu xử lý vi phạm; thẩm quyền xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
2.1. Về thẩm quyền xử phạt của cơ quan quản lý thị trường
Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm nêu tại khoản 15 Điều 11 Nghị định này[2]. Điều này đã được thực hiện từ khi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 có hiệu lực, theo đó, các cơ quan Quản lý thị trường vẫn thụ lý và giải quyết rất nhiều các vụ việc xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là biển hiệu kinh doanh hoặc dấu hiệu xâm phạm quyền với nhãn hiệu trên phương tiện kinh doanh khác như trên website thương mại… Ngoài ra, điểm b khoản 3 Điều 15 quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Quản lý thị trường đối với: “Hành vi vi phạm quy định tại các Điều 6, 9, 11 và 14 của Nghị định này trong hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng hóa tại thị trường trong nước. Trong trường hợp xử lý hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này mà xác định được cơ sở sản xuất loại hàng hóa đó thì Quản lý thị trường có thẩm quyền tiếp tục xử lý hành vi vi phạm tại cơ sở sản xuất”.
Gần đây có một số ý kiến, quan điểm cho rằng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP thì Quản lý thị trường không có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu trên biển hiệu, trên phương tiện kinh doanh, vì cho rằng: Quản lý thị trường chỉ có thẩm quyền kiểm tra và xử lý xâm phạm liên quan đến hàng hóa trong lưu thông (vận chuyển), buôn bán. Thực tế trên dẫn đến một số hệ quả là: (i) Cơ quan quản lý thị trường từ chối thụ lý vụ việc về xâm phạm quyền nhãn hiệu gắn trên phương tiện kinh doanh như biển hiệu; (ii) Từ chối phần nội dung yêu cầu xử lý đối với hành vi xâm phạm quyền trên biển hiệu; (iii) Cơ quan đã thụ lý hồ sơ phải xin ý kiến chuyên môn cơ quan cấp trên/họp hội đồng tư vấn để xin ý kiến, làm mất rất nhiều thời gian và công sức…
2.2. Về việc áp dụng quy định về thủ tục và văn bản ủy quyền yêu cầu xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân nước ngoài
Điều 23 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP về ủy quyền yêu cầu xử lý vi phạm quy định (tác giả sẽ tập trung phân tích nội dung in nghiêng tại điều này):
“...2. Việc ủy quyền phải được làm bằng văn bản dưới hình thức giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền…
Văn bản ủy quyền của tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương hoặc lãnh sự quán, hoặc hình thức khác được coi là hợp pháp theo quy định của pháp luật tại nơi lập văn bản ủy quyền.
3. Văn bản ủy quyền nộp kèm theo đơn yêu cầu xử lý vi phạm phải là bản gốc. Văn bản ủy quyền làm bằng tiếng nước ngoài thì phải nộp kèm theo bản dịch sang tiếng Việt có chứng thực của chính quyền địa phương hoặc có cam kết và xác nhận của đại diện sở hữu công nghiệp là bên nhận ủy quyền.
Trường hợp văn bản ủy quyền là bản sao của bản gốc văn bản ủy quyền đã nộp trong hồ sơ trước đó cho cùng cơ quan xử lý vi phạm thì cũng được coi là hợp lệ, với điều kiện người nộp đơn phải chỉ rõ số hồ sơ đã nộp và bản gốc văn bản ủy quyền được chỉ dẫn vẫn đang có hiệu lực và đúng nội dung ủy quyền.
4. Văn bản ủy quyền có giá trị trong thủ tục xác lập quyền theo quy định tại Điều 107 của Luật sở hữu trí tuệ có ghi rõ nội dung ủy quyền bao gồm thủ tục thực thi, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam thì cũng có giá trị pháp lý trong thủ tục yêu cầu xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định này.
Thời hạn ủy quyền được xác định theo thời hạn ghi trong văn bản ủy quyền. Trong trường hợp văn bản ủy quyền không ghi rõ thời hạn thì thời hạn ủy quyền được xác định theo quy định tại Khoản 3 Điều 107 của Luật sở hữu trí tuệ”.
Như vậy hình thức văn bản ủy quyền về nguyên tắc được coi là hợp pháp theo quy định của pháp luật tại nơi lập văn bản và phù hợp với các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam (mà không theo yêu cầu hay ý muốn chủ quan của cơ quan thực thi).
Trên thực tế, có cơ quan không chấp nhận bản sao Giấy ủy quyền được sao y tại cơ quan đăng ký nhãn hiệu là Cục Sở hữu trí tuệ mà yêu cầu phải có Giấy ủy quyền gốc có dấu của công ty và được hợp pháp hóa Lãnh sự và/hoặc công chứng. Thậm chí, có cơ quan chức năng còn yêu cầu trong hồ sơ kèm theo Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm gồm có giấy đăng ký kinh doanh/giấy đăng ký doanh nghiệp là chủ thể quyền - chủ sở hữu nhãn hiệu, vì cho rằng, có thể tại thời điểm nộp Đơn yêu cầu xử lý, Người đại diện ký Giấy ủy quyền (cho Tổ chức dịch vụ đại diện) đã không còn tại chức/đã nghỉ hoặc đã thay đổi công tác/đã chết…
Các yêu cầu nói trên không đúng với quy định của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP và thực tiễn thi hành từ lâu nay, tạo ra sự bất hợp lý về thủ tục và gây khó khăn cho chủ thể quyền. Bởi vì, chủ thể quyền là pháp nhân/thể nhân nước ngoài, không sử dụng dấu công ty như pháp nhân Việt Nam, thủ tục hợp pháp hóa hoặc công chứng văn bản ủy quyền tại nước ngoài sẽ phát sinh chi phí và thời gian…, làm chậm, thậm chí lỡ cơ hội, kế hoạch yêu cầu ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền, sản xuất, kinh doanh hàng giả/giả mạo nhãn hiệu.
2.3. Về việc áp dụng quy định về giám định trong thủ tục xử lý xâm phạm quyền
Trên cơ sở Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), khoản 4 Điều 26 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định: “Người có thẩm quyền xử lý vi phạm có thể dựa trên văn bản cam kết xác nhận hàng hóa, dịch vụ giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, văn bản ý kiến chuyên môn của cơ quan nhà nước về sở hữu công nghiệp, văn bản kết luận giám định để xác định hành vi vi phạm nhưng phải chịu trách nhiệm”. Như vậy, kết luận giám định là nguồn thông tin tham khảo để cơ quan có thẩm quyền xem xét trước khi ra quyết định.
Trên thực tế, ở hầu hết các vụ việc yêu cầu xem xét kiểm tra, xử lý hành vi xâm phạm quyền (với nhãn hiệu bảo hộ), chủ thể quyền đều phải thực hiện trước việc giám định và có kết luận là xâm phạm quyền, từ đó gửi hồ sơ yêu cầu xử lý vi phạm thì mới được coi là “tạm đủ” cơ sở để thụ lý, xem xét… Tại một số đị phương, cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết yêu cầu thủ tục “giám định lại” sau khi đã thực hiện thủ tục kiểm tra và tạm giữ hàng hóa, tang vật mang dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu (nghi ngờ xâm phạm).
Ví dụ: Khi nộp Đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền với nhãn hiệu bảo hộ, Công ty A đã thu thập chứng cứ và có kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ khẳng định: “dấu hiệu “ABC và hình” do Công ty B sử dụng là yếu tố xâm phạm quyền với nhãn hiệu bảo hộ của mình”. Nhưng sau đó, khi cơ quan chức năng kiểm tra và tạm giữ tang vật nghi ngờ xâm phạm được nêu trong Đơn yêu cầu, sẽ đòi hỏi thủ tục giám định lại tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, đối với chính dấu hiệu “ABC và hình”, so sánh đối chiếu với chính nhãn hiệu bảo hộ trong Kết luận giám định đã có, để củng cố chứng cứ làm căn cứ xem xét áp dụng chế tài xử phạt.
Việc phải giám định lại chính đối tượng (trùng hoàn toàn về chủ thể và mẫu giám định) đã giám định, gây lãng phí về thời gian và phát sinh chi phí cho chủ thể quyền.
2.4. Về việc áp dụng các hình thức xử phạt hành chính bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả
Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định nguyên tắc: “Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền” (khoản 1 Điều 3)[3]. Ngoài các hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.
Quy định trên là khá rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng các biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo Nghị định số 99/2013/NĐ-CP cần phải được áp dụng theo cách khác, cụ thể là: Tất cả các hành vi xâm phạm quyền với nhãn hiệu, ngoài hình thức xử phạt chính (phạt tiền) đều phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 1 đến 3 tháng…” và biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính…”.
Thực tế hiện nay là trong hầu hết các Quyết định xử phạt hành chính (của các cơ quan như Quản lý thị trường, Thanh tra Khoa học và công nghệ) về sở hữu công nghiệp đều phải ghi nhận/thể hiện “đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Tuy nhiên, xem xét một cách thấu đáo và toàn diện thì có thể thấy rằng việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung này khá là vô nghĩa và không mang tính khả thi vì: Tang vật/dấu hiệu vi phạm/giả mạo đã bị tịch thu/tiêu hủy hoặc loại bỏ, việc ấn định đình chỉ từ 01 tháng đến 03 tháng là mang ý nghĩa gì? Sẽ có ít nhất 02 cách hiểu: (i) Là sau thời gian đình chỉ, đối tượng sẽ được tiếp tục sản xuất, kinh doanh hàng hóa/dịch vụ vi phạm; (ii) Đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của đối tượng (có hành vi vi phạm)…
Đáng lưu ý, việc kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của cơ quan chức năng đối với hành vi xâm phạm quyền với nhãn hiệu chỉ phát sinh trên cơ sở có đơn hợp lệ của chủ thể quyền (Đại diện của chủ thể quyền). Và chủ thể quyền khi phát hiện hành vi vi phạm, họ đã làm đơn yêu cầu kèm hồ sơ, chứng cứ đầy đủ chỉ với mong muốn cao nhất và nhiều khi là yêu cầu duy nhất đối với cơ quan chức năng là: “Hành vi vi phạm phải bị chấm dứt ngay và không có hành vi tái phạm xảy ra trong tương lai”.
Từ cách hiểu và áp dụng không nhất quán giữa các địa phương, giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp dẫn tới hệ quả là: (i) Công tác thực thi quyền bị đình trệ, kéo dài (phải trình lên cơ quan có thẩm quyền xử phạt cao hơn do buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, dù hình thức xử phạt chính có mức phạt tiền trong phạm vi khung phạt thuộc thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý, xử lý vụ việc); (ii) Cùng một loại hành vi nhưng có thể bị áp dụng các biện pháp chế tài áp dụng khác nhau; (iii) Các vụ việc đã xử lý có nguy cơ bị khiếu kiện hoặc bãi bỏ, hủy bỏ bởi cơ quan có thẩm quyền do vi phạm về thẩm quyền, thủ tục xử lý kéo theo tâm lý bất an và lo lắng đối với người thi hành công vụ trực tiếp ở các cơ quan cấp dưới vì lo ngại tình trạng “nay đúng, mai sai”…
2.5. Nguyên nhân của những bất cập
Qua phân tích thực trạng pháp luật và quá trình tổ chức thi hành nêu trên, tác giả xác định những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những bất cập nêu trên là:
Một là, quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 99 và văn bản liên quan chưa thực sự rõ ràng và thiếu sự hướng dẫn áp dụng thống nhất từ các cơ quan có thẩm quyền.
Hai là, một số địa phương và một số người có thẩm quyền/cơ quan có thẩm quyền đã hiểu và áp dụng máy móc các quy định của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP và quy dịnh của pháp luật liên quan.
Ba là, do sự phối hợp chỉ đạo và hướng dẫn áp dụng và xử lý các bất cập, vướng mắc trên đây từ các bộ, ngành liên quan (Khoa học Công Nghệ, Tư pháp, Công thương - Quản lý thị trường) chưa thực sự kịp thời và hiệu quả.
3. Đề xuất giải pháp bảo đảm hiệu lực và hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp
Trước mắt, cần sớm có sự hướng dẫn nhất quán từ các cơ quan có thẩm quyền để hiểu và áp dụng pháp luật về thực thi và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính, được áp dụng thống nhất trong cả nước, giữa các cấp và các cơ quan chức năng khác nhau.
Xét về bản chất, quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền với nhãn hiệu là quyền dân sự. Do đặc thù của Việt Nam, việc thực thi và bảo vệ các quyền này được thực hiện bằng biện pháp hành chính, bởi các cơ quan hành chính. Chính vì vậy, cần thống nhất quan điểm chỉ đạo và tinh thần chung là: Hoạt động thực thi và bảo vệ quyền dân sự cần phù hợp và đáp ứng đúng mong muốn và yêu cầu thực sự của chủ thể quyền bị vi phạm.
Về lâu dài, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Nghị định số 99/2013/NĐ-CP, cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn các khái niệm, thuật ngữ, biện pháp chế tài, hình thức xử lý còn được hiểu và áp dụng theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định này./.
Công ty cổ phần sở hữu công nghiệp INVESTIP