Đặt vấn đề
Theo Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989, trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, là người chưa thành niên tùy theo cách quy định của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Tuy nhiên, dù pháp luật quốc tế hay pháp luật quốc gia sử dụng các khái niệm khác nhau về trẻ em nhưng đều chung một nhận định: người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về mặt tâm sinh lý, chưa có được nhân sinh quan và thế giới quan một cách đầy đủ như người trưởng thành, chưa có suy nghĩ chín chắn trong việc quyết định các hành vi mà họ gây ra cho xã hội. Bên cạnh đó, họ được xếp vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt, khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Do đó, họ cần được bảo vệ bằng các quy định riêng của pháp luật tố tụng hình sự, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi. Vì vậy, chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội của Việt Nam chủ yếu là giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa những sai lầm, tạo điều kiện để họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Với tư cách là luật hình thức, thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng phải phù hợp với lứa tuổi nêu trên nhằm mục đích bảo đảm một cách tối đa các quyền và lợi ích hợp pháp cũng như những lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi khi tham gia tố tụng hình sự, đặc biệt, trong hoạt động điều tra. Trước đây, theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) chỉ áp dụng đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Tuy nhiên, trên thực tiễn thực hiện cho thấy, quy định về phạm vi đối tượng áp dụng đó là chưa đầy đủ và cũng chưa tương thích với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 mà Việt Nam là thành viên. Do đó, cùng với việc thay đổi tên gọi của Chương (thay cụm từ “đối với người chưa thành niên” thành cụm từ “đối với người dưới 18 tuổi”), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi theo hướng không chỉ áp dụng đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà còn áp dụng cả đối với người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Điều 413 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định của Chương XXVIII - Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, đồng thời, theo những quy định khác của Bộ luật không trái với quy định của Chương này.
Hoạt động điều tra được tiến hành trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự - là một giai đoạn trong quá trình tố tụng hình sự. Có thể nói, đây là giai đoạn có ý nghĩa rất quan trọng, hoạt động của những người tiến hành tố tụng trong giai đoạn này có thể ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dưới 18 tuổi, ảnh hưởng đến việc chứng minh sự thật của vụ án. Bởi lẽ, trong giai đoạn điều tra, những người tiến hành tố tụng (cụ thể là các Điều tra viên) sẽ tiếp xúc nhiều lần và trực tiếp với người dưới 18 tuổi thông qua các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Do vậy, yêu cầu đòi hỏi việc tuân theo các quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi càng chặt chẽ và triệt để hơn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện trên thực tế, nhất là trong hoạt động điều tra, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, còn tồn tại một số vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu so với các quy định của pháp luật nên cần phải có các giải pháp để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi, nhất là trong hoạt động điều tra.
1. Một số bất cập trong quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật trong hoạt động điều tra đối với người dưới 18 tuổi.
Một là, về nguyên tắc tiến hành tố tụng:
Theo Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989, bên cạnh những quyền được chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí, phát triển năng khiếu, tiếp cận thông tin… thì người dưới 18 tuổi được quyền đối xử nhân đạo, phù hợp với lứa tuổi trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Các quyền này của người dưới 18 tuổi được đặc biệt quan tâm. Có thể hiểu, nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi là những tư tưởng chỉ đạo quá trình giải quyết vụ án hình sự có người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà quy định này chưa được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Vì thế, để khắc phục tồn tại này, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã xây dựng điều luật mới - Điều 414 trong Chương XXVIII với 07 nguyên tắc, bao gồm:
(i) Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
Với quy định này, đòi hỏi tất cả các quy trình, thủ tục tố tụng, người tiến hành tố tụng, các cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho hoạt động tố tụng phải phù hợp với lứa tuổi của họ. Theo đó, trong giai đoạn điều tra, việc bảo đảm quyền được đối xử phù hợp với tâm lý lứa tuổi đòi hỏi một quy trình tố tụng thân thiện đặt ra với các Điều tra viên. Các Điều tra viên phải là người có hiểu biết về tâm lý lứa tuổi của người chưa thành niên, có kiến thức về khoa học giáo dục, có kỹ năng giao tiếp, có thái độ phù hợp với người dưới 18 tuổi. Đặc biệt, trong các hoạt động điều tra lấy lời khai, hỏi cung những người dưới 18 tuổi, nội dung, cách thức đặt câu hỏi phải phù hợp với mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của mỗi người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, các quy định khác về cơ sở vật chất như buồng hỏi cung, nhà tạm giữ, trại tạm giam cũng phải được xây dựng thể hiện sự thân thiện, tạo cảm giác mang tính giáo dục, cảm hóa con người, mà không phải là sự trừng phạt, đe dọa đối với những người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, trên thực tiễn, để thực hiện được yêu cầu này là không dễ. Vấn đề cơ sở vật chất, như buồng hỏi cung, nhà tạm giữ, tạm giam… hiện nay ở hầu hết các cơ quan điều tra đều sử dụng chung cho mọi đối tượng. Do vậy, việc đáp ứng được yêu cầu nêu trên khó được giải quyết. Khi đó, các Điều tra viên phải vận dụng sáng tạo để tạo ra những không gian đáp ứng được yêu cầu thân thiện. Ví dụ, sử dụng chính phòng làm việc hay một nơi nào đó không mang tính quá trang nghiêm trong trụ sở cơ quan để hỏi cung, lấy lời khai những người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với sự uy nghiêm và những quy tắc trong hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra. Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu này, cần phải đầu tư về cơ sở vật chất chuyên dụng phục vụ cho các hoạt động tố tụng đối với người dưới 18 tuổi tại trụ sở của các cơ quan điều tra.
(ii) Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Hiến pháp 2013, “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình”. Đồng thời, khoản 1 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Như vậy, việc yêu cầu giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi trong hoạt động điều tra là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và quy định của pháp luật dân sự. Hơn nữa, người dưới 18 tuổi là những người dễ bị tổn thương, dễ mặc cảm về những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Ngoài ra, có thể còn những yếu tố khác trong cuộc sống cá nhân, gia đình có khả năng gây nên tác hại, tổn thương tâm lý nghiêm trọng về sau. Do đó, khi giải quyết vụ án hình sự nói chung và đặc biệt là trong giai đoạn điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nâng cao tinh thần giữ bí mật cá nhân liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, trên thực tiễn, có những trường hợp vì không phân biệt được một cách rõ ràng giữa các chứng cứ của vụ án được sử dụng để chứng minh vụ án sẽ được công khai với bí mật cá nhân, dẫn đến tình trạng quy định trên không được bảo đảm một cách triệt để, còn tồn tại tình trạng một số bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi có thể không được bảo đảm theo yêu cầu này. Chẳng hạn, trên thực tế, một số trường hợp báo chí đăng các bài viết kèm hình ảnh về người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Việc này vi phạm quyền con người đã được ghi nhận tại Hiến pháp và không bảo đảm được nguyên tắc trong tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Trong giai đoạn điều tra các vụ án, đặc biệt đối với những bị hại trong các vụ án mua bán người, hiếp dâm, giao cấu với trẻ em…, việc giữ bí mật thông tin cho họ là hết sức cần thiết, đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan điều tra.
(iii) Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Đoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt.
Thông qua việc tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, Đoàn thành niên, người có kinh nghiệm... có thể giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhận thức đúng về đặc điểm tâm lý lứa tuổi; điều kiện, hoàn cảnh, động cơ, mục đích phạm tội cũng như khả năng giáo dục, cải tạo người dưới 18 tuổi; các tổn thương và quá trình phục hồi tổn thương của người bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi. Đó là những thông tin quan trọng cần được đánh giá chính xác trong các vụ án có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi. Theo đó, khi tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, cần phải bảo đảm sự tham gia của những cá nhân, tổ chức và đoàn thể nêu trên. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này chưa được áp dụng một cách hiệu quả và thống nhất, trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự còn một số bất cập như sau:
- Bất cập trong việc xác định rõ những người “đại diện” - ngoài người đại diện đương nhiên thì còn đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên và tổ chức khác. Vậy, vấn đề đặt ra là những người đại diện này là ai, ai có quyền “đại diện” cho các tổ chức, đoàn thể đó; có bắt buộc phải là người đại diện theo pháp luật như ban giám hiệu, người trong ban chấp hành chi đoàn… hay có thể là bất cứ cá nhân nào. Điều này chưa được hướng dẫn cụ thể để cơ quan điều tra có thể nhận diện chính xác và triệu tập đúng người tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp có sự tham gia của thầy giáo, cô giáo theo Điều 420 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì thầy giáo, cô giáo ở đây có bắt buộc phải là người trực tiếp giảng dạy hay chủ nhiệm của người dưới 18 tuổi không; nếu không phải là giáo viên chủ nhiệm hay trực tiếp giảng dạy mà tham gia tố tụng thì sẽ không đạt được mục đích, tinh thần của điều luật quy định. Ngoài ra, có những trường hợp bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi nhưng rơi vào hoàn cảnh không có gia đình, sống lang thang, không được đến trường hay bỏ học thì việc yêu cầu đại diện từ gia đình, nhà trường nơi bị can, bị cáo học tập, sinh hoạt để tham gia tố tụng, hỗ trợ, giúp đỡ cho họ sẽ gặp khó khăn, trở ngại và không đạt được hiệu quả trong việc áp dụng quy định.
- Bất cập trong xác định chính xác các thành phần tham gia tố tụng. Trong một vụ án, những người tham gia tố tụng được quy định như trên, gồm nhiều thành phần đại diện của người dưới 18 tuổi, như nhà trường, Đoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt. Vậy, vấn đề đặt ra, những thành phần nào phải tham gia; cơ quan điều tra phải đưa những thành phần nào vào quá trình tố tụng hay tất cả những thành phần trên? Vì quy định này chưa có hướng dẫn cụ thể nên vẫn còn tùy thuộc vào cách xử lý của mỗi cơ quan điều tra, dẫn đến sự hiểu và áp dụng không thống nhất quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Điều 420 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ những người này có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của cơ quan điều tra, nhưng “quyết định” này là quyết định gì thì chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, đang có các cách hiểu khác nhau, như “quyết định” là ý chí của cơ quan điều tra, tức là cơ quan điều tra quyết định đưa vào tố tụng, sau đó sử dụng hình thức công văn, thông báo, giấy triệu tập… hay phải hiểu hình thức của văn bản đó bắt buộc phải là “quyết định”?
- Bất cập trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng. Theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, có 20 tư cách tham gia tố tụng với những quyền và nghĩa vụ khác nhau. Tuy nhiên, trong 20 tư cách đó, không có tư cách của những người tham gia tố tụng là thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trường, Đoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt. Vậy, thời điểm nào thì cơ quan điều tra quyết định đưa họ vào tham gia tố tụng và phải xác định họ tham gia tố tụng với tư cách gì. Theo quy định của Điều 420 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, những chủ thể này cùng với người đại diện của người dưới 18 tuổi có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng. Trong khi đó, khác với người đại diện, trong hoạt động điều tra, những người như thầy giáo, cô giáo, đại diện nhà trường, Đoàn thanh niên, tổ chức khác không được tham gia khi cơ quan điều tra lấy lời khai, hỏi cung, đưa ra chứng cứ, đồ vật, tài liệu, yêu cầu (đây là những việc chỉ được thực hiện khi tham gia phiên tòa); không được đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội người dưới 18 tuổi trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra. Vậy, nếu những người này được tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra thì họ có những quyền và nghĩa vụ gì. Có thể nói, đây là sự mâu thuẫn và bất hợp lý trong quy định của pháp luật.
- Bất cập trong việc thay đổi, hủy bỏ sự tham gia tố tụng của đại diện nhà trường, Đoàn thanh niên, tổ chức khác. Trong giai đoạn điều tra, có thể xảy ra nhiều tình huống dẫn đến việc những người đại diện này không thể tham gia tố tụng hoặc không còn đủ tư cách tham gia tố tụng. Vậy, khi đó sẽ xử lý như thế nào, có thể thay đổi hay hủy bỏ tư cách tham gia tố tụng của họ như những trường hợp tham gia tố tụng khác hay không, nếu được thì thể hiện dưới hình thức nào. Vấn đề này, hiện nay pháp luật chưa quy định.
- Trên thực tiễn, việc tham gia tố tụng trong hoạt động điều tra của đại diện nhà trường, Đoàn thanh niên, tổ chức khác là rất ít. Nếu có tham gia thì những chủ thể này cũng không biết hoặc khó biết được mình có những quyền và nghĩa vụ gì vì không có quy định nào bắt buộc cơ quan điều tra phải giải thích rõ điều đó cho họ. Hơn nữa, nếu họ có biết thì cũng rất khó thực hiện quyền của mình khi có hạn chế về một số quyền tại Điều 420 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như đã phân tích ở trên. Do đó, việc tham gia của các chủ thể này trên thực tế hiện nay nhìn chung chỉ dừng lại ở việc tham gia, biết, quan sát và mang tính hình thức. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, bản thân họ còn không quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi cho người dưới 18 tuổi và sự tham gia tố tụng của họ không mang lại hiệu quả gì cho cơ quan điều tra.
(iv) Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi.
Quy định này xuất phát từ nguyên tắc bảo đảm tranh tụng và từ chính sách nhân đạo đối với người dưới 18 tuổi phạm tội chưa có đủ khả năng tự bào chữa, tự bảo vệ về mặt pháp lý so với các nhóm tuổi khác. Theo quy định này, trong giai đoạn điều tra, người dưới 18 tuổi khi bị khởi tố, tạm giữ có quyền nhờ luật sư bào chữa, trợ giúp pháp lý cho họ ngay khi bị tạm giam, bị khởi tố. Nếu người dưới 18 tuổi không tự lựa chọn thì người đại diện hoặc người thân thích của họ có thể lựa chọn luật sư bào chữa hoặc trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ người dưới 18 tuổi tự lựa chọn người bào chữa là rất thấp, trong trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn luật sư bào chữa thì thủ tục để gặp người dưới 18 tuổi xác nhận đồng ý bào chữa (đối với người đang bị tạm giữ, tạm giam) cũng gặp khó khăn. Có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc do không có điều kiện kinh tế để thuê luật sư bào chữa nên dù được cơ quan điều tra giải thích về quyền tự lựa chọn người bào chữa nhưng đa số họ đều không thực hiện, phần lớn là do cơ quan điều tra đề nghị trợ giúp pháp lý, trong khi đó, chất lượng hoạt động của người bào chữa trong việc tham gia bào chữa, trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi trong giai đoạn điều tra cơ bản chưa đạt được, đôi khi chỉ mang tính hình thức. Người bào chữa trong trường hợp này chưa phát huy hết trách nhiệm của họ trong việc bảo đảm các quyền con người cho người dưới 18 tuổi phạm tội trong giai đoạn điều tra. Trong một số trường hợp, vì mong muốn đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, tránh những thủ tục liên quan đến luật sư, Điều tra viên giải thích quyền về luật sư bào chữa chưa được kĩ càng, thấu đáo, thậm chí còn gây khó khăn trong thủ tục đăng ký bào chữa.
Hơn nữa, khoản 1 Điều 77 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định việc từ chối, đề nghị thay đổi người bào chữa của người đại diện cho người bị buộc tội, người thân thích của người bị buộc tội dưới 18 tuổi không cần có sự đồng ý của người bị buộc tội. Do vậy, trên thực tiễn sẽ có những trường hợp quyết định từ chối hay đề nghị thay đổi người bào chữa của người đại diện hay người thân thích chưa chắc đã phù hợp với ý chí của người bị buộc tội dưới 18 tuổi. Khi đó, quy định này chưa bảo đảm được tối ưu quyền bào chữa của người bị buộc tội dưới 18 tuổi.
Hai là, về người tiến hành tố tụng:
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi”.
Như vậy, người tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra là các Điều tra viên được phân công trực tiếp giải quyết những vụ án hình sự theo chức năng thẩm quyền được giao. Theo đó, ngoài những kiến thức chung về người phạm tội, pháp luật tố tụng hình sự đòi hỏi Điều tra viên cần phải có thêm những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm do người dưới 18 tuổi để bảo đảm cho việc tiến hành các hoạt động điều tra theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay ở Việt Nam chưa có đội ngũ chuyên trách giải quyết những vụ án mà bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi. Vấn đề này mới chỉ được quy định trong quá trình xét xử vụ án hình sự. Cụ thể, theo Điều 4 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên (Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC), nếu vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng thì thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xử án hình sự. Bởi lẽ, Điều 3 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 quy định: “trong mọi hoạt động liên quan tới trẻ em, dù được thực hiện bởi các cơ quan phúc lợi xã hội của Nhà nước hay tư nhân, bởi Tòa án, các nhà chức trách hành chính hay cơ quan pháp luật, thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu”. Như vậy, Tòa án gia đình và người chưa thành niên thành lập để đáp ứng việc Việt Nam đã tham gia phê chuẩn Công ước này vào ngày 20/02/1990. Tuy nhiên, Điều 4 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định về thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên (người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) khi họ phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng, còn đối với người chưa thành niên phạm tội có tính chất ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do vô ý lại không thuộc thẩm quyền của Tòa này.
Hiện nay, các cơ quan điều tra gần như không có sự phân biệt vụ án có người dưới 18 tuổi hay không có người dưới 18 tuổi trong việc phân công Điều tra viên thụ lý giải quyết vụ án nên cũng không thể có các Điều tra viên chuyên trách để giải quyết những vụ án mà có bị can, người bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi. Vì vậy, trên thực tế có thể tồn tại một số bất cập, như: (i) chưa chú trọng đến đặc điểm tâm sinh lý của người dưới 18 tuổi nên trong quá trình hỏi cung bị can, một số Điều tra viên còn quát mắng, đe dọa, thậm chí dùng vũ lực đối với người dưới 18 tuổi gây tâm lý sợ hãi, căng thẳng; (ii) chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng hỏi cung, thẩm vấn bị can là người dưới 18 tuổi nên có những Điều tra viên không có sự phân biệt giữa kỹ năng hỏi cung bị can thành niên và bị can chưa thành niên. Trong khi đó, việc giáo dục, cảm hóa người dưới 18 tuổi phạm tội phải được thực hiện xuyên suốt quá trình tố tụng, ngay từ khi khởi tố tới điều tra. Tuy nhiên, thực tế tồn tại khá phổ biến việc Điều tra viên chưa nhận thức rõ được điều này, họ chưa quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng của việc giáo dục, giúp đỡ bị can là người dưới 18 tuổi, chưa coi trọng việc tìm hiểu về tâm sinh lý hay các vấn đề liên quan như điều kiện sinh sống, giáo dục của người dưới 18 tuổi mà chỉ quan tâm nhiều về mặt chứng cứ, xác định có việc phạm tội hay không có tội phạm. Bởi vậy, chỉ khi Điều tra viên thực sự có tâm, chú trọng đến việc giáo dục, cảm hóa người dưới 18 tuổi phạm tội thì mới bảo đảm được nguyên tắc tố tụng hình sự như nêu trên.
Trên thực tế cho thấy, việc xử lý vụ án hình sự chưa có sự chuyên môn hóa đồng đều trong cơ quan tiến hành tố tụng đối với những người phạm tội dưới 18 tuổi. Hiện nay, chỉ có hệ thống Tòa án nhân dân thực hiện việc chuyên môn hóa khi đã thành lập được Tòa gia đình và người chưa thành niên trong vụ án hình sự, điều này đáp ứng sự phù hợp với những quy định của pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng còn lại, trong đó có cơ quan điều tra thì cơ bản chưa có bộ phận, người chuyên trách được trang bị kiến thức, am hiểu sâu về người dưới 18 tuổi cũng như các kỹ năng cần thiết để làm việc hiệu quả trong vụ án mà có người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi.
2. Một số giải pháp
Từ những bất cập trên, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có các giải pháp để giải quyết, khắc phục các tồn, hạn chế trong quy định của pháp luật, qua đó, bảo đảm được quyền, lợi ích của người dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự, đồng thời, phù hợp, tương thích với pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Muốn vậy, Việt Nam cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có các giải pháp sau:
Một là, về các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Cơ quan điều tra cần bố trí về nguồn nhân lực: đội ngũ Điều tra viên cần phải được đào tạo, bồi dưỡng, được cung cấp đầy đủ những kiến thức về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên và các kỹ năng chuyên biệt khi tiến hành các hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, đối chất, khám xét, lấy lời khai... đối với người làm chứng, người bị hại dưới 18 tuổi. Đồng thời, xây dựng đội ngũ Điều tra viên có kinh nghiệm, chuyên trách trong việc điều tra, giải quyết các vụ án có người dưới 18 tuổi.
Liên quan đến các hoạt động điều tra trong vụ án hình sự, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục điều tra thân thiện đối với người dưới 18 tuổi.
Hai là, giải pháp liên quan đến người tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra.
Đối với quy định về những người đại diện cho nhà trường, đoàn thể và tổ chức khác, cần xác định tư cách tham gia tố tụng của họ trong nhóm những người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, từ đó xác định được các quyền và nghĩa vụ cho họ; đồng thời, cần xác định và quy định cụ thể ai là người đại diện cho các cơ quan, tổ chức này khi tham gia tố tụng. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi tham gia tố tụng và giúp họ thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ khi tham gia tố tụng, qua đó bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho những người bị buộc tội dưới 18 tuổi.
Đối với quy định về người bào chữa, cần sửa đổi theo hướng trong mọi trường hợp, việc đề nghị thay đổi hoặc từ chối người bào chữa cần phải có sự đồng ý của người dưới 18 tuổi, vì khi đó mới bảo đảm đúng nguyện vọng, ý chí của người dưới 18 tuổi và đáp ứng được tinh thần về nguyên tắc tố tụng là tôn trọng “quyền được trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi”.
Để bảo đảm đúng tinh thần của việc chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là để bảo vệ và giúp đỡ người dưới 18 tuổi, nên bỏ quy định nếu người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội dưới 18 tuổi từ chối người bào chữa chỉ định thì cơ quan tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa (khoản 3 Điều 77 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Bởi lẽ, trong trường hợp này, có thể chỉ người đại diện, người thân thích của họ từ chối mà không phải là người bị buộc tội dưới 18 tuổi từ chối, cho nên khi cơ quan tiến hành tố tụng lập biên bản về việc này thì sẽ không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội.
Phạm Thị Yến
Đại học Công nghệ Đông Á
Tài liệu tham khảo:
1. TS. Lê Văn Thư, Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 - Chương XXVIII, Nxb. Công an nhân dân, năm 2019.
2. TS. Lê Huỳnh Tấn Duy, Bình luận những điểm mới cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 - “Quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi trong Bộ luật TTHS năm 2015”, Nxb. Hồng Đức, năm 2016.
3. ThS. Hoàng Thị Huyền Trang, “Một số hạn chế trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi”, Tạp chí Công thương, https://tapchicongthuong.vn/mot-so-han-che-trong-quy-dinh-cua-bo-luat-to-tung-hinh-su-nam-2015-sua-doi--bo-sung-nam-2021-doi-voi-bi-cao-la-nguoi-duoi-18-tuoi-114069.htm.