Thực hiện chức năng kiểm sát tại thành phố Cao Lãnh thời gian qua, tác giả nhận thấy một số vi phạm của cơ quan THADS cùng cấp; Tòa án và cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan để ban hành kháng nghị, kiến nghị. Qua đó, đã có nhiều tác động tích cực, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy tiến độ giải quyết các vụ việc THADS, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm pháp luật và phòng ngừa tội phạm xảy ra trong lĩnh vực THADS. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân và điều kiện khách quan, chủ quan, việc ban hành các kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cao Lãnh vẫn còn một số hạn chế về số lượng và chất lượng.
1. Thực trạng vi phạm pháp luật trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự tại thành phố Cao Lãnh
1.1. Kết quả kiểm sát, kiến nghị các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Trong 03 năm (2019, 2020 và 09 tháng đầu năm 2021), Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cao Lãnh đã có 08 kiến nghị, trong đó: Năm 2019 - 2020 là 07 (cơ quan THADS là 05; Tòa án là 01; cơ quan, tổ chức liên quan là 01); 09 tháng đầu năm 2021 là 01 kiến nghị tổng hợp (cơ quan THADS). Ngoài ra, Viện kiểm sát không có kháng nghị nào. Cụ thể:
1.1.1. Vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự
Thông qua công tác kiểm sát đã phát hiện một số vi phạm của cơ quan THADS cùng cấp; Tòa án và cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan để ban hành kiến nghị, cụ thể: Căn cứ không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án, nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên, thông báo về thi hành án; chậm xác minh điều kiện thi hành án; ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án chưa phù hợp; không ra quyết định hoãn thi hành án; chậm tổ chức cưỡng chế thi hành án; chậm thanh toán tiền thi hành án; vi phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản… Điển hình như:
- Vi phạm về nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên (chậm tổ chức thi hành án): Hồ sơ theo Quyết định thi hành án ngày 01/6/2020 buộc ông H phải trả cho Ngân hàng T số tiền 116.555.000 đồng và lãi quá hạn. Hồ sơ thể hiện: Ngày 23/6/2020, chấp hành viên lập biên bản giải quyết việc thi hành án đối với ông H thì ông H có ý kiến xin trả dần mỗi tháng 2.000.000 đồng đến khi thi hành xong. Tuy nhiên, sau đó, ông H không thực hiện theo cam kết trên, chấp hành viên không tác động, tác nghiệp gì thêm mà đến ngày 18/11/2020, chấp hành viên mới tiếp tục các hoạt động tác nghiệp thi hành án (triệu tập ông H đến làm việc).
- Vi phạm về ủy thác thi hành án: Ngày 25/12/2019, cơ quan THADS ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của ông H, yêu cầu bà Đ phải trả số tiền gốc và lãi là 208.000.000 đồng, qua xác minh được biết, bà Đ không có đăng ký hộ khẩu thường trú tại số nhà 147A thuộc khóm 4, phường 2, Thành phố X và không có tài sản gì ở phường 2, mà có hộ khẩu thường trú tại ấp C , xã T, huyện Y nhưng đến ngày 12/4/2020, cơ quan THADS vẫn chưa thực hiện việc ủy thác thi hành án cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y để thi hành là chưa bảo đảm đúng quy định.
- Vi phạm về xác định việc chưa có điều kiện thi hành án: Hồ sơ theo Quyết định thi hành án ngày 14/7/2019 buộc ông L phải nộp số tiền 1.279.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Hồ sơ thể hiện: Qua xác minh được biết về tài sản ông L có 01 căn nhà gỗ tạp, mái lợp Tole, ngang 04m x 10m và phần đất đang nằm trong khu quy hoạch dân cư phường 3 (chưa được giải quyết đền bù) nhưng chấp hành viên lại xác định ông không có tài sản nên xếp vào loại chưa có điều kiện thi hành án là chưa bảo đảm đúng quy định pháp luật.
- Vi phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản: Căn cứ Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự thì ông L, bà N có trách nhiệm liên đới trả cho Ngân hàng N - Chi nhánh thành phố X tổng số tiền vốn vay, lãi là 1.530.475.334 đồng và lãi chậm thi hành. Hồ sơ thể hiện: Ngày 02/02/2019 nhận chứng thư thẩm định giá nhưng đến ngày 14/3/2019, chấp hành viên mới ký hợp đồng bán đấu giá tài sản (trễ hạn hơn 01 tháng). Ngày 24/4/2019, chấp hành viên nhận thông báo về việc không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành nhưng đến ngày 17/5/2019, mới ra quyết định giảm giá (trễ hạn trên 10 ngày). Đặc biệt, hồ sơ không thể hiện việc niêm yết các biên bản thông báo v/v bán đấu giá tài sản tại các nơi theo quy định. Trong trường hợp này, chấp hành viên cần yêu cầu Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản cung cấp ngay các văn bản niêm yết, trường hợp chưa niêm yết hoặc niêm yết không đúng quy định thì tạm ngừng việc tổ chức bán đấu giá để hoàn thiện trình tự, thủ tục.
1.1.2. Vi phạm của Toà án
Thông qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát đã phát hiện có 48 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà Tòa án chưa chuyển giao kịp thời cho cơ quan THADS cùng cấp để thi hành. Đặc biệt, có bản án vi phạm thời hạn chuyển giao đến 10 năm.
1.1.3. Vi phạm của cơ quan, tổ chức có liên quan
Thông qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát đã phát hiện vi phạm của cơ quan, tổ chức có liên quan, đó là không phối hợp tổ chức thi hành án. Điển hình như: Theo Bản án ngày 21/01/2018 của Tòa án nhân dân thành phố X, đối với người phải thi hành án là bà T. Theo đó, bà T phải trả cho bà L số tiền vốn là: 35.212.500 đồng cùng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án cho đến khi thi hành xong và nộp 1.761.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Quá trình tổ chức thi hành án và xác minh được biết bà T đang công tác tại Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh Y và Trung tâm đang giữ sổ bảo hiểm xã hội của bà nên chấp hành viên ra quyết định tạm giữ bản chính sổ bảo hiểm xã hội của bà T do Trung tâm giao và thông báo hợp lệ đến bà T. Đồng thời, cơ quan THADS ban hành công văn đề nghị bảo hiểm xã hội tỉnh Y cung cấp thông tin và phối hợp tổ chức thi hành án để thực hiện được việc khấu trừ tiền. Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Y có văn bản phúc đáp: Việc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần hay bảo lưu thời gian là quyền của bà T, khi bà lập hoặc ủy quyền hợp pháp cho cá nhân, tập thể lập đầy đủ thủ tục hồ sơ theo quy định và nộp đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi bà cư trú, lúc đó, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp với Chi cục Thi hành án để khấu trừ tiền thi hành án. Tuy nhiên, sau đó, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ mới cho bà T (do mất sổ bảo hiểm xã hội cấp lần đầu) và tiến hành giải quyết hồ sơ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần cho bà T vào ngày 24/02/2019 với số tiền 121.297.000 đồng, sau khi nhận tiền, bà T đã tẩu tán tài sản. Xét thấy, việc phối hợp cung cấp thông tin cũng như phối hợp tổ chức thi hành án của bà T chưa kịp thời của cơ quan bảo hiểm xã hội, dẫn đến bà T có cơ hội tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc trả nợ cho bà L và nộp án phí, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thi hành án, thất thoát ngân sách nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Việc làm trên của cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố X đã vi phạm khoản 1, 2 Điều 11và Điều 177 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
1.2. Đánh giá chung
Thực hiện chức năng kiểm sát, thời gian qua, Viện kiểm sát đã phát hiện một số vi phạm của cơ quan THADS; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan để ban hành kháng nghị, kiến nghị. Qua đó, đã có nhiều tác động tích cực, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy tiến độ giải quyết việc THADS, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm pháp luật và phòng ngừa tội phạm xảy ra trong lĩnh vực THADS.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác kiểm sát thi hành án còn có những khó khăn đó là: Số việc thi hành án còn tồn đọng từ nhiều năm cũ chuyển sang thuộc loại án khó thi hành hoặc án đang thụ lý giải quyết có tính chất phức tạp, trong khi đó số mới thụ lý ngày càng tăng, tính chất, mức độ vi phạm đa dạng trên nhiều lĩnh vực nhưng biên chế cho Viện kiểm sát thành phố còn ít, thường chỉ bố trí 01 kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự nên chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự còn nhiều hạn chế; kỹ năng phát hiện vi phạm pháp luật chưa cao.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do: Công tác kiểm sát THADS chưa được chú trọng đầu tư nghiên cứu, tập huấn chuyên sâu; việc bố trí, sắp xếp, phân công chuyên viên, kiểm sát viên làm công tác thi hành án chưa tương xứng với số lượng vụ việc thụ lý giải quyết; các văn bản quy phạm phạm luật về lĩnh vực thi hành án dân sự, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu nghiên cứu, vận dụng căn cứ pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự; số vụ việc, số tiền phải thi hành án dân sự ngày càng tăng cao, tình chất phức tạp hơn; ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án một số có biểu hiện chây ỳ, không hợp tác, khiếu nại yêu cầu thẩm định giá nhiều lần…
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự
Từ thực tiễn công tác kiến nghị, kháng nghị trong hoạt động kiểm sát THADS thời gian qua, tác giả rút ra một số kinh nghiệm và đề xuất một vài giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân về công tác THADS trong thời gian tới:
- Cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS đủ về số lượng, giỏi về nghiệp vụ, nắm chắc các quy định của pháp luật về THADS, bám sát nội dung quy chế công tác kiểm sát THADS của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác kiểm sát THADS, khắc phục được những tồn tại, hạn chế về hình thức cũng như nội dung của các bản kiến nghị, kháng nghị như hiện nay. Bên cạnh đó, cần xác định rõ những hành vi, quyết định về thi hành án đã vi phạm vào điều luật nào, điều kiện, nguyên nhân dẫn đến vi phạm, biện pháp, giải pháp khắc phục vi phạm như thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định có vi phạm hoặc chấn chỉnh, chấm dứt hành vi vi phạm…
- Tăng cường phúc tra việc thực hiện các kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân, những nội dung của kháng nghị, kiến nghị được chấp nhận cần phải được thực hiện kịp thời, nếu có khó khăn, vướng mắc thì đề xuất họp liên ngành giải quyết.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho chuyên viên, kiểm sát viên làm công tác thi hành án dân sự cần theo hướng chuyên khâu.
- Tăng cường mối quan hệ hợp tác, phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác THADS, tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của cấp ủy địa phương./.
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp