Abstract: The article analyzes some characteristics of law dissemination and education activities for ethnic minorities in the northern midlands and mountains. These are separate and prominent attributes that distinguish law dissemination and education activities for ethnic minorities in the northern midlands and mountainous areas from law dissemination and education activities for other subjects.
Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng trung du và miền núi phía Bắc là quá trình hoạt động có định hướng, tổ chức, mục đích, kế hoạch, theo nội dung và thông qua những phương pháp, hình thức nhất định từ phía chủ thể thực hiện hoạt động PBGDPL tác động đến đối tượng tiếp nhận phổ biến, giáo dục pháp luật là đồng bào DTTS vùng trung du và miền núi phía Bắc nhằm làm hình thành và phát triển ở họ hệ thống tri thức pháp luật, trình độ hiểu biết về pháp luật; làm hình thành tình cảm, thói quen và hành vi xử sự tích cực theo pháp luật[1]. Hoạt động PBGDPL cho đồng bào DTTS vùng trung du và miền núi phía Bắc mang đầy đủ đặc điểm chung của hoạt động PBGDPL như: PBGDPL là hoạt động có mục đích, định hướng, có tổ chức, thường xuyên, lâu dài, chịu ảnh hưởng của năng lực, trình độ hiểu biết pháp luật cũng như các yếu tố nhân thân khác của chủ thể PBGDPL. Bên cạnh đó, hoạt động PBGDPL cho đồng bào DTTS vùng trung du và miền núi phía Bắc còn có những đặc trưng riêng, cụ thể như:
1. Về chủ thể phổ biến, giáo dục pháp luật
PBGDPL cho đồng bào DTTS vùng trung du và miền núi phía Bắc được thực hiện bởi nhiều chủ thể. Căn cứ vào mức độ liên quan giữa mục tiêu và chức năng, nhiệm vụ do luật định, chủ thể của PBGDPL gồm: Chủ thể chuyên nghiệp và chủ thể không chuyên nghiệp. Căn cứ theo nguồn nhân lực, chủ thể PBGDPL gồm: Những người làm công tác hoạch định chính sách; những người trực tiếp thực hiện công tác PBGDPL chuyên trách hoặc kiêm nhiệm như báo cáo viên, công chức tư pháp - hộ tịch..; những người thực hiện công tác PBGDPL thông qua hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình hoặc lồng ghép công tác truyền thông chính trị với các hoạt động xã hội như luật sư, tư vấn viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý... Chủ thể PBGDPL cho đồng bào DTTS vùng trung du và miền núi phía Bắc là những người có uy tín cao trong cộng đồng, những người được đồng bào tôn trọng như: Người đứng đầu dòng họ (trưởng tộc), già làng, trưởng bản, cán bộ, công chức, viên chức được đồng bào tín nhiệm, những người là tấm gương “người tốt” trong cộng đồng người DTTS.
Già làng được hiểu là người chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết theo luật tục các vấn đề, các tranh chấp phát sinh trong cuộc sống; là người đại diện cho một dòng họ của một tộc người nào đó được người trong dòng tộc hoặc người dân thuộc dòng tộc khác ở nơi cư trú tự nguyện tin theo. Ở một số tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, già làng là người DTTS có tuổi đời từ 60 trở lên, có sức khỏe, có uy tín trong làng/bản, am hiểu về phong tục, tập quán các DTTS, tích cực vận động người thân và Nhân dân làng/bản gương mẫu thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được Nhân dân tín nhiệm, bầu chọn và được tỉnh quyết định công nhận là già làng.
Trưởng thôn/bản được hiểu là người do Nhân dân trong thôn/ bản trực tiếp bầu ra có nhiệm vụ quản lý về mặt chính quyền trong thôn/bản; tổ chức, vận động Nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước như nộp thuế và các khoản đóng góp khác do Nhà nước quy định, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, các chính sách xã hội; trực tiếp chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong thôn/bản; cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng cấp củng cố đoàn kết các tầng lớp Nhân dân trong thôn/bản; chịu sự lãnh đạo của Chi bộ thôn, đồng thời phải chấp hành mọi sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Người có uy tín trong đồng bào DTTS là người cao tuổi hoặc trẻ tuổi; là trí thức hoặc là người thành đạt trong lao động sản xuất, kinh doanh, trong hoạt động xã hội; người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đó là những người được đồng bào tin tưởng, tín nhiệm một cách tự nguyện hoặc bằng sự ràng buộc của phong tục tập quán, do có địa vị hoặc có trình độ nhận thức, có điều kiện kinh tế, có cách giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Người có uy tín có mối quan hệ, có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng của mình, được đồng bào đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến để giải quyết các vấn đề liên quan. Họ có khả năng tác động chi phối, tập hợp được đồng bào DTTS ở những phạm vi nhất định bằng lời nói, qua hành động hoặc bằng những quy ước của phong tục, tập quán. Đặc biệt, người có uy tín là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền nơi cư trú trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức đồng bào DTTS ở miền núi, vùng cao thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thực tế đã chứng minh, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS có vai trò quan trọng, góp phần đắc lực vào việc ổn định an ninh trật tự và phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn miền núi, biên giới. Đặc biệt, với nhiệm vụ PBGDPL, họ là một chủ thể đặc biệt nhằm phát huy ý thức loại bỏ hủ tục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của đồng bào DTTS.
Theo báo cáo thống kê, số lượng báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện; tuyên truyền viên cấp xã là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS ở vùng trung du và miền núi phía Bắc là 15.581 người (chiếm 65% tổng số lượng báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện; tuyên truyền viên cấp xã là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS cả nước)[2]. Có thể nói, đây là chủ thể đặc biệt trong hoạt động PBGDPL. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật am hiểu văn hóa, tập quán, tâm lý, biết tiếng DTTS, có kỹ năng tuyên truyền, phổ biến phù hợp với trình độ, nhận thức của đối tượng đặc thù là đặc trưng phân biệt chủ thể PBGDPL cho đồng bào DTTS vùng trung du và miền núi phía Bắc với chủ thể PBGDPL cho các đối tượng khác.
2. Về đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật
Trung du và miền núi phía Bắc là khu vực có nhiều DTTS sinh sống, với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, gắn liền với quá trình tự cư trú lâu đời của cư dân từ nhiều nguồn và nhiều thời điểm khác nhau. Đặc điểm tâm lý của các DTTS khu vực này được biểu hiện trong đời sống tư tưởng, văn hóa, đạo đức, tác phong, lối sống và lao động của họ. Nguồn nhân lực các DTTS nói chung và từng tộc người nói riêng do đặc điểm môi trường, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, tâm lý tộc người, trình độ cũng như khả năng chi phối. Mặc dù, do sự tác động ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, nhưng thật thà, trung thực, thẳng thắn, chữ tín vẫn là những nét tính cách cơ bản của các DTTS; sự cần cù vẫn là một phẩm chất nổi bật của các tộc người thiểu số vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Đồng bào DTTS vùng trung du và miền núi phía Bắc là đối tượng của hoạt động PBGDPL gồm 02 nhóm người: (i) Nhóm đồng bào DTTS có khả năng hiểu, đọc, viết chữ phổ thông; (ii) Nhóm đồng bào DTTS chỉ có thể nghe, nói tiếng dân tộc. Trình độ học vấn của đồng bào DTTS cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả PBGDPL cho chính họ.
- Nhóm đồng bào DTTS có khả năng hiểu, đọc, viết chữ phổ thông chủ yếu là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ các lực lượng vũ trang nhân dân; đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội, cán bộ hoạt động ở cơ sở, già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng, doanh nhân, học sinh, sinh viên... hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn vùng trung du và miền núi phía Bắc có thể tiếp thu kiến thức pháp luật bằng ngôn ngữ và một phần qua chữ viết của dân tộc. Trong những điều kiện cụ thể nhất định, họ có thể là đối tượng được PBGDPL và cũng có thể là chủ thể PBGDPL hay như những phiên dịch, hỗ trợ cho chủ thể PBGDPL.
- Nhóm đồng bào DTTS chỉ có thể nghe, nói tiếng dân tộc: Theo Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 và báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo[3], chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với đối tượng là đồng bào DTTS vùng DTTS và miền núi còn gặp một số bất cập, hạn chế như: Còn khoảng 20,8% người DTTS (tương đương với 2,79 triệu người) chưa biết đọc, biết viết tiếng Quốc ngữ; các nhóm DTTS gồm: Hà Nhì, Cơ Lao, Brâu, Mông, Mảng, Lự, La Hủ có trên 50% dân số không biết chữ. Đối với nhóm này, việc PBGDPL còn gặp nhiều khó khăn.
3. Về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật
Việc PBGDPL cho đồng bào DTTS căn cứ vào đặc điểm của từng đối tượng mà tập trung vào các quy định pháp luật về dân tộc, tôn giáo, trách nhiệm tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh, quốc phòng, biên giới, chủ quyền quốc gia, biển, đảo, tài nguyên, khoáng sản và các lĩnh vực pháp luật khác gắn liền với đời sống, sản xuất của người dân[4]. Như vậy, nội dung PBGDPL cho đồng bào DTTS là những vấn đề gần gũi, dễ hiểu liên quan đến pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, biên giới quốc gia…
Tuy nhiên, đặc trưng của nội dung PBGDPL cho đồng bào DTTS vùng trung du và miền núi phía Bắc là PBGDPL song song với việc khai thác những mặt tích cực, tinh hoa trong luật tục của các DTTS. Luật tục của đồng bào DTTS vùng trung du và miền núi phía Bắc ra đời từ rất sớm, gắn liền với yêu cầu quản lý cộng đồng, duy trì sự ổn định và phát triển cơ cấu xã hội mang tính tự quản của các tộc người. Mặc dù, hiện nay, việc quản lý mọi hoạt động của cộng đồng các DTTS đã có luật pháp và các cấp chính quyền nhưng luật tục vẫn tồn tại với tư cách là một thiết chế xã hội truyền thống, tác động đến mọi mặt đời sống của đồng bào. Trong nhận thức của người dân hiện nay đã có sự ảnh hưởng của tư tưởng luật tục và ngược lại, làm hình thành những thói quen ứng xử hỗn hợp.
Luật tục chi phối đến mọi mặt đời sống xã hội của cộng đồng DTTS vùng trung du và miền núi phía Bắc trong suốt quá trình phát triển. Đối với đồng bào các DTTS, luật tục là sự kết hợp hài hòa giữa quản lý và tự quản, giữa áp đặt và tự nguyện, giữa giáo dục và trừng phạt. Đây là cách thức quản lý cộng đồng hiệu quả không chỉ trong xã hội truyền thống mà ngay cả trong quản lý buôn làng hiện nay. Luật tục của các DTTS vùng trung du và miền núi phía Bắc có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý, điều chỉnh và điều hòa các lĩnh vực, các mối quan hệ trong cộng đồng, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, lưu trữ các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người; củng cố tính cộng đồng của cư dân, làng bản; tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội, ngăn ngừa và hạn chế tội phạm trong cộng đồng; bảo đảm sự an toàn cho hoạt động kinh tế của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, luật tục của đồng bào các DTTS cũng có những tác động tiêu cực nhất định đến sự phát triển của cộng đồng. Do đó, PBGDPL cho đồng bào DTTS cần được thực hiện song song với giáo dục tri thức, tinh hoa của luật tục các dân tộc.
4. Về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật
PBGDPL cho DTTS vùng trung du và miền núi phía Bắc được thực hiện bởi nhiều hình thức như: Hội nghị, lớp tập huấn, hội thảo, hội thi, tuyên truyền trên truyền hình phát thanh, biên soạn/phát hành sách, sổ tay pháp luật miễn phí, tờ rơi, tờ gấp… Tuy nhiên, cho dù được thực hiện ở hình thức trực tiếp, gián tiếp, hay thông qua các phương tiện thông tin đại chúng... thì đều được thực hiện bằng tiếng dân tộc, chữ dân tộc.
Hình thức tuyên truyền miệng bằng tiếng dân tộc là đặc trưng của PBGDPL cho đồng bào DTTS vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tuyên truyền miệng về pháp luật là một hình thức tuyên truyền mà người nói trực tiếp nói với người nghe về lĩnh vực pháp luật, trong đó chủ yếu là phổ biến, giới thiệu các quy định pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người nghe, hướng cho người nghe hành động theo các chuẩn mực pháp luật. Tuyên truyền miệng pháp luật có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhiều hình thức tuyên truyền khác; lồng ghép với các hình thức tuyên truyền khác và là một bộ phận quan trọng trong tổng thể các hình thức tuyên truyền pháp luật. Điều đó được thể hiện như sau: Tuyên truyền miệng là một công đoạn không thể thiếu trong phần lớn các hình thức tuyên truyền pháp luật. Ví dụ: Tuyên truyền pháp luật thông qua công tác hòa giải ở cơ sở thì hòa giải viên vẫn phải trực tiếp nói cho người được hòa giải về các nội dung pháp luật có liên quan. Tuyên truyền miệng pháp luật là hình thức chủ yếu được thực hiện thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật; là biện pháp chủ yếu của phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo nói, báo hình, qua mạng lưới truyền thanh cơ sở. Trong việc thực hiện tuyên truyền miệng pháp luật, báo cáo viên phải sử dụng lồng ghép với các hình thức tuyên truyền pháp luật khác, ví dụ như: Trước khi tuyên truyền, báo cáo viên cần phải biên soạn đề cương mà giá trị của nó được coi như là tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật; trong khi tuyên truyền miệng, báo cáo viên sử dụng các hình ảnh minh họa có giá trị như là tuyên truyền thông qua tranh, ảnh trực quan. Tuyên truyền miệng là hình thức tuyên truyền linh hoạt, có nhiều ưu thế, có thể tiến hành ở bất cứ nơi nào, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào với số lượng người nghe không bị hạn chế. Khi thực hiện việc tuyên truyền miệng, người nói có đủ điều kiện thuận lợi để giải thích, phân tích làm sáng tỏ nội dung cần tuyên truyền. Hiện nay, Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái đều có chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc. Đây là đặc điểm riêng có của công tác PBGDPL ở vùng trung du và miền núi phía Bắc hiện nay.
PBGDPL không chỉ đơn thuần là một hoạt động truyền tải, tiếp nhận thông thường giữa chủ thể PBGDPL và đối tượng được PBGDPL, mà còn là một quá trình kiên trì, bền bì của đông đảo đội ngũ các chủ thể PBGDPL.
Trường Trung cấp Luật Tây Bắc
[1]. https://pbgdpl.moj.gov.vn, truy cập ngày 30/9/2022.
[2]. Báo cáo số 1170/BC-UBDT ngày 23/8/2021 của Ủy ban Dân tộc về Báo cáo tổng kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021.
[3]. Theo: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 của Ủy ban Dân tộc và Tổng Cục thống kê; Công văn số 2703/BGDĐT-GDDT ngày 30/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc.
[4]. Khoản 1 Điều 17 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012.