Abstract: The article mentions some new regulations that need to be taken into account to correctly understand and apply group of crimes against property provided in Chapter XVI of the Criminal code of 2015 and the amending and supplementing Law on some articles of The Criminal code of 2015 compared with the Criminal code of 1999.
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tình tiết “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” được xác định là tình tiết định tội tại điểm c khoản 1 Điều 172 - “Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản”, điểm c khoản 1 Điều 173 - “Tội trộm cắp tài sản”, điểm c khoản 1 Điều 174 - “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, điểm c khoản 1 Điều 178 - “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Được quy định làm tình tiết định khung hình phạt tại khoản 2 Điều 168 - “Tội cướp tài sản”, khoản 2 Điều 169 - “Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”, khoản 2 Điều 170 - “Tội cưỡng đoạt tài sản”, khoản 2 Điều 171 - “Tội cướp giật tài sản”, khoản 2 Điều 175 - “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Như vậy, hành vi “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” được quy định làm tình tiết định tội tại 04 điều luật và tình tiết định khung tại 05 điều luật.
Tình tiết định tội, định khung “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” không phải là quy định mới. Chương IX Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định về nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng và an toàn công cộng, trong đó, khách thể đối với phần lớn tội phạm trong chương này được xác định là an toàn công cộng, trật tự công cộng. Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 14/7/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự, trong phần hướng dẫn áp dụng Điều 245 - “Tội gây rối trật tự công cộng” cũng nêu rõ: “Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khỏe và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội...”[1]. Như vậy, hậu quả xâm phạm đến “an ninh, trật tự, an toàn xã hội” không phải là quy định mới mà đã được sử dụng trong quá trình áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, điểm khác biệt là tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), lần đầu tiên quy định hậu quả này đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu. Do hành vi khách quan, ý thức chủ quan đối với hai nhóm tội phạm này khác nhau nên cần thận trọng trong quá trình nhận thức, áp dụng.
Theo chúng tôi, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội là hậu quả làm cho an ninh, trật tự trên một địa bàn nhất định bị xáo trộn, được ghi nhận, phản ánh trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Cần lưu ý là trong nhóm tội xâm phạm sở hữu, hành vi khách quan đặc trưng rất khác với nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng vì đối tượng không có hành vi đánh nhau, đập phá tài sản, hò hét gây huyên náo, tức là những hành vi thuộc về bề nổi, dễ nhận biết mà hành vi ở đây vẫn là hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng ngoài hậu quả thiệt hại về tài sản còn gây hậu quả xấu về an ninh, trật tự, an toàn công cộng. Tuy chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng theo chúng tôi, hậu quả ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn công cộng là làm mất trật tự, trị an, náo động một địa bàn nhất định, gây xáo trộn cuộc sống bình thường của người dân, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân, hậu quả này phải là hậu quả trực tiếp có nguyên nhân từ hành vi xâm phạm sở hữu. Ví dụ: Các đối tượng nhiều lần trộm cắp chó, gà trong xóm, làm cho người dân phải cắt cử người luân phiên canh phòng; nhiều lần liên tiếp cướp taxi, xe ôm làm cho những người làm nghề sợ hãi không dám đi đến địa bàn đó…
Để áp dụng tình tiết này, cần phải có tài liệu thu thập, chứng minh, phản ánh của nhân dân trên địa bàn, của chính quyền cơ sở về mức độ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từ đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá, xác định có hay không có yếu tố cấu thành tội phạm.
2. Về tình tiết tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ
Đây là tình tiết định tội được quy định tại khoản 1 các điều 172 - “Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản”, Điều 173 - “Tội trộm cắp tài sản”, Điều 174 - “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Điều 175 - “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Điều 178 - “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” và lần đầu tiên được đưa vào Bộ luật Hình sự. Thực tiễn áp dụng cũng như lý luận về luật hình sự từ trước đến nay chưa từng đề cập đến tình tiết “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”. Vấn đề là làm thế nào để nhận thức đúng, thống nhất tình tiết này để không tùy tiện, sai sót trong quá trình xử lý. Theo chúng tôi, trước hết cần xác định, hiểu đúng phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình là gì.
Phương tiện, theo từ điển tiếng Việt là: “Cái dùng để làm một việc gì, để đạt một mục đích nào đó”[2]. Như vậy, phương tiện ở đây theo chúng tôi không phải chỉ là tài sản mà chủ sở hữu sử dụng làm phương tiện đi lại như xe mô tô, xe đạp, xe kéo… mà còn bao gồm cả những vật dụng mà người bị hại và gia đình sử dụng, khai thác tính năng, công dụng của tài sản đó để kiếm sống, ví dụ như: Cày, bừa, nông cụ của nông dân; lưới, vó để đánh cá… Bên cạnh đó, cần lưu ý là điều luật xác định tài sản là phương tiện kiếm sống chính, nghĩa là thu nhập từ tài sản đó tuy không phải là duy nhất nhưng là nguồn thu chủ yếu từ người bị hại và gia đình họ và nếu mất đi tài sản đó thì người bị hại và gia đình lâm vào tình trạng khó khăn.
Mặt khác, những tài sản đó phải là “phương tiện kiếm sống chính của cả người bị hại và gia đình họ”. Do trong điều luật có liên từ “và” nên tài sản đó phải là phương tiện kiếm sống chính của cả hai chủ thể: Người bị hại và gia đình họ. Ví dụ, chiếc xe đẩy là của người bị hại nhưng cả gia đình đều không có nghề nghiệp ổn định và thu nhập chủ yếu từ bán hàng rong. Nếu tài sản là phương tiện kiếm sống chính của bản thân người bị hại nhưng những thành viên khác đều có việc làm, thu nhập ổn định không liên quan đến tài sản bị chiếm đoạt thì không áp dụng tình tiết này, vì điều luật đã quy định rõ cụm từ “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”.
Ngoài ra, theo chúng tôi, để có căn cứ pháp lý xác định tài sản đó có đúng là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình hay không, cơ quan tiến hành tố tụng cần thu thập chứng cứ để chứng minh, bao gồm cả xác minh thu nhập, tài sản, nghề nghiệp… của người bị hại và gia đình họ. Không thể chỉ dựa trên lời khai của bị hại hay nhận định chủ quan mà cần phải có cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định và cần có các thủ tục pháp lý cần thiết để xác định tính chất tài sản sản. Vì đây là tình tiết định tội, nghĩa là liên quan trực tiếp đến việc xác định hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không, do đó cần thận trọng trong quá trình đánh giá, áp dụng pháp luật, tránh xảy ra tình trạng oan sai.
3. Về tình tiết tài sản là di vật, cổ vật, tài sản bảo vật quốc gia đối với một số tội danh
3.1. Tình tiết tài sản là di vật, cổ vật
Tình tiết tài sản là di vật, cổ vật được quy định là tình tiết định tội tại khoản 1 Điều 173 - “Tội trộm cắp tài sản”, khoản 1 Điều 176 - “Tội chiếm giữ trái phép tài sản”, khoản 1 Điều 177 - “Tội sử dụng trái phép tài sản” và khoản 1 Điều 178 - “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Nghiên cứu so sánh với Bộ luật Hình sự năm 1999 chúng tôi thấy, Điều 141 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định tình tiết định tội tài sản là “cổ vật, vật có giá trị lịch sử văn hóa”. Tuy nhiên, quy định “vật có giá trị lịch sử, văn hóa” làm tình tiết định tội là không hợp lý, vì thuật ngữ này có nội hàm rất rộng và khó xác định được dựa trên căn cứ khoa học cụ thể, dẫn đến khó khăn trong thực tiễn áp dụng3. Chính vì vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ hơn, giới hạn phạm vi tài sản là di vật, cổ vật và áp dụng tình tiết này với nhiều tội danh hơn.
Tại một số điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tình tiết: “Tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại”, xuất phát từ lý do cho rằng, nhiều trường hợp tài sản bị mất là những tài sản thật sự có ý nghĩa về mặt tinh thần của người bị hại nhưng khi xử lý vụ việc chỉ căn cứ trên kết luận định giá tài sản là chưa thỏa đáng. Do vậy, việc bổ sung nội dung này không ngoài mục đích xử lý hình sự đối với những hành vi gây bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 ban hành, qua nghiên cứu, hầu hết những người làm công tác thực tiễn đều cho rằng, quy định phạm vi tài sản là kỷ vật, đồ thờ cúng là quá rộng, mặt khác, xác định thế nào là có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại là rất khó khăn và dễ dẫn đến tùy tiện, oan sai trong thực tiễn trong áp dụng pháp luật. Do đó, do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thay bằng quy định tài sản là di vật, cổ vật và có sự phân biệt rõ đối với 02 đối tượng này, chỉ giới hạn trong một số điều luật cụ thể. Quy định như vậy là cụ thể hơn, hợp lý hơn. Di vật, cổ vật đã được quy định theo luật di sản văn hóa và hoàn toàn có thể giám định, kết luận bởi cơ quan chuyên môn.
3.2. Tình tiết tài sản là bảo vật quốc gia
Tình tiết định khung tài sản là bảo vật quốc gia được quy định tại khoản 2 Điều 173 - “Tội trộm cắp tài sản”, khoản 2 Điều 176 - “Tội chiếm giữ trái phép tài sản”, khoản 2 Điều 177 - “Tội sử dụng trái phép tài sản”, khoản 2 Điều 178 - “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) sở dĩ phân loại xâm phạm di vật, cổ vật thuộc khoản 1 và xâm phạm bảo vật quốc gia là tình tiết định khung thuộc khoản 2 vì thực tiễn cũng như theo quy định tại Luật Di sản văn hóa, bảo vật quốc gia có giá trị cao hơn di vật, cổ vật. Do đó, hành vi xâm phạm bảo vật quốc gia thể hiện tính nguy hiểm hơn, đòi hỏi phải trừng trị nghiêm khắc hơn. Quy định như trên đã phân loại được tính chất nguy hiểm của hành vi để áp dụng hình phạt tương xứng. Theo quy định tại Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì “Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”[4].
Khoản 5 Điều 41a Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia”. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 quyết định vào các năm 2012, 2013, 2015, 2016, công nhận 118 bảo vật quốc gia[5].
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì bảo vật quốc gia là những vật đặc định, được Thủ tướng Chính phủ công nhận bằng quyết định, do đó, khi xâm phạm tài sản này thì đương nhiên áp dụng tình tiết định khung tương ứng mà không phải qua thủ tục giám định như đối với di vật, cổ vật.
4. Về tình tiết định khung chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ
Điểm d khoản 2 Điều 172 Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung quy định tình tiết định khung mới: “chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ”.
Cứu trợ, theo từ điển tiếng Việt là: cứu giúp, giúp cho thoát cảnh nghèo khó, hoạn nạn[6,7]. Như vậy, hàng cứu trợ là vật phẩm, đồ dùng sinh hoạt trợ cấp cho người nghèo, người bị thiên tai, địch họa… tức là những đối tượng đặc biệt khó khăn, việc nhận hàng cứu trợ mang tính cấp thiết để bảo đảm ổn định cuộc sống cũng như sức khỏe của người được cứu trợ. Do đó, cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng đối với đối tượng chiếm đoạt tài sản dạng này.
Theo quy định hiện hành, hàng cứu trợ không chỉ là tài sản của Nhà nước dùng vào việc cứu trợ mà còn bao gồm các sản phẩm hàng hóa huy động từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm mục đích sử dụng vào việc cứu trợ. Một điểm khác cần lưu ý là khoản 2 Điều 172 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định tình tiết định khung “chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ”, không quy định chiếm đoạt tiền cứu trợ làm tình tiết định khung. Căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư số 72/2008/TT-BTC ngày 31/7/2008 của Bộ Tài chính có sự phân biệt rõ giữa hàng cứu trợ và tiền cứu trợ[8].
Như vậy, tiền cứu trợ không thuộc danh mục hàng cứu trợ. Nội dung này thể hiện rõ hơn khi nghiên cứu Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 1999 - “Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ” và Điều 231 Bộ luật Hình sự năm 2015 “Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ”. Theo tinh thần các điều luật này thì đối tượng bị xâm phạm không chỉ là hàng cứu trợ mà còn có cả tiền cứu trợ và 02 đối tượng này phân biệt rõ với nhau. Như vậy, căn cứ vào những quy định nêu trên, chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng sẽ cấu thành khoản 2 Điều 172 Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng chiếm đoạt tiền cứu trợ từ 02 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng chỉ cấu thành tội phạm ở khoản 1 Điều 172 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chúng tôi cho rằng, sở dĩ Điều 172 Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định tình tiết tiền cứu trợ mà chỉ quy định tình tiết “chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ” làm tình tiết định khung ở khoản 2, vì lúc này hành vi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm ở khoản 1. Còn tiền cứu trợ mang tính đặc thù hơn, là đơn vị đo lường, xác định trị giá tài sản trong Bộ luật Hình sự, do đó, chiếm đoạt tiền, dù là tiền cứu trợ thì cũng như chiếm đoạt tài sản khác, chỉ cấu thành tội phạm ở khoản 2 Điều 172 Bộ luật Hình sự khi trị giá tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.
5. Sửa đổi yếu tố cấu thành tội phạm tại Điều 175 Bộ luật Hình sự - Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ quy định 02 dạng hành vi cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: (i) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; (ii) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung thêm dạng hành vi thứ 3: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng… đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Như vậy, theo Bộ luật Hình sự năm 2015, không cần phải có hành vi gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản, chỉ cần chứng minh đến thời hạn trả và có khả năng, điều kiện nhưng người vay tài sản cố tình không trả là đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, việc phân biệt giao dịch dân sự, kinh tế với cấu thành tội phạm hình sự đối với dạng hành vi này trong thực tiễn chắc chắn sẽ không đơn giản. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi kiến nghị liên ngành Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể hơn, nếu áp dụng máy móc mọi trường hợp vay, mượn, thuê tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả đều xử lý hình sự sẽ làm ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh tế, dân sự. Bên cạnh đó, quá trình giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đối với dạng hành vi này cần thận trọng, tránh hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế.
6. Về tình tiết định khung phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ đối với một số tội danh
Tình tiết “Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ” được quy định tại khoản 2 các Điều 168 - “Tội cướp tài sản”, Điều 170 - “Tội cưỡng đoạt tài sản”, Điều 171 - “Tội cướp giật tài sản”. Ngoài ra, cần lưu ý, tại Điều 169 - “Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tình tiết định khung “phạm tội với người dưới 16 tuổi” làm tình tiết định khung tại khoản 2 nhưng không quy định “phạm tội với phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ” là tình tiết định khung tăng nặng. Nghiên cứu hệ thống quy định pháp luật hình sự, chúng tôi thấy, Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác” hoặc là tình tiết định tội, định khung tăng nặng tại một số điều luật khác nhau. Tuy nhiên, lần đầu tiên Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các tình tiết này làm tình tiết định khung tăng nặng đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu.
Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định những tội danh nêu trên áp dụng tình tiết này, do những tội danh này vừa xâm phạm quan hệ sở hữu, vừa xâm phạm quan hệ nhân thân. Khi người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong những trường hợp này thì hành vi đó cũng có khả năng đe dọa đến tính mạng, sức khỏe... của người bị hại. Trong khi đó, người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ là những người yếu thế về sức khỏe và khả năng tự vệ, dễ bị tổn thương khi bị tội phạm xâm hại, mặt khác, hành vi phạm tội hướng vào nhóm người này cũng thể hiện tính nguy hiểm cao hơn, đòi hỏi phải răn đe, trừng trị nghiêm khắc hơn. Chính vì vậy, các điều luật nêu trên tại chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định những tình tiết này làm tình tiết định khung tăng nặng. Cụ thể:
(i) Đối với phụ nữ có thai, luật quy định người thực hiện hành vi phạm tội phải “biết” người bị hại là phụ nữ có thai mới áp dụng tình tiết định khung này. Việc biết ở đây có thể qua các tình tiết như: người phạm tội và bị hại là người quen hoặc nghe nói chuyện nên biết; cũng có thể trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, bị hại van xin, nói về việc có thai; cũng có thể thực tế có thai dài ngày, nhìn bụng ai cũng biết đó là phụ nữ có thai… Nói chung, để áp dụng tình tiết này, điều kiện bắt buộc là phải chứng minh người phạm tội biết bị hại đang có thai nhưng vẫn thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản.
(ii) Đối với người dưới 16 tuổi, căn cứ để xác định tuổi ngoài lời khai của người bị hại, người thân tích của người bị hại còn phải thể hiện qua giấy tờ tùy thân như khai sinh, hộ khẩu, học bạ… Trong trường hợp không có tài liệu để chứng minh hoặc tài liệu có mâu thuẫn, cần trưng cầu giám định cơ quan chức năng để có căn cứ xác định tuổi đối với người bị hại, từ đó quyết định áp dụng hay không áp dụng tình tiết định khung này. Luật không quy định người phạm tội phải biết bị hại là người dưới 16 tuổi. Do đó, mọi trường phạm tội đối với người dưới 16 tuổi đối với 04 tội danh tại Điều 168, Điều 169, Điều 170 và Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015 đều áp dụng tình tiết định khung này.
(iii) Đối với người già yếu, có thể tham khảo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, theo đó: “Người quá già yếu là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm”9. Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng quy định: “Người già” được xác định là người từ 70 tuổi trở lên10. Như vậy, vận dụng những văn bản hướng dẫn nêu trên, có thể hiểu người già yếu là người 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên những thường xuyên đau ốm.
(iv) Đối với người không có khả năng tự vệ, có thể là người tàn tật, người bị bệnh nặng… và không có khả năng phản kháng, chống trả đối với hành vi phạm tội. Luật không quy định người phạm tội phải biết bị hại là người già yếu, người không có khả năng tự vệ. Do đó, mọi trường hợp chiếm đoạt tài sản đối với người già yếu, người không có khả năng tự vệ thuộc 03 tội danh tại Điều 168, Điều 170, Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015 đều áp dụng tình tiết định khung này.
7. Sửa đổi nội dung tại Điều 179 - Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi từ Điều 144 - Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước trong Bộ luật Hình sự năm 1999 trước đây11. Nghiên cứu tên cũng như nội dung điều luật, chúng tôi thấy Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều điểm khác biệt so với Điều 144 Bộ luật Hình sự năm 1999, cụ thể:
Về chủ thể: nếu như trước đây chủ thể của tội phạm được coi là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước mới là chủ thể của tội phạm này, thì nay đã mở rộng phạm vi bao gồm cả người có nhiệm vụ quản lý tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nghĩa là chủ thể của tội phạm không nhất thiết phải là người quản lý tài sản của Nhà nước.
Về khách thể: nếu như theo Điều 144 Bộ luật Hình sự năm 1999, khách thể chỉ là tài sản nhà nước thì theo Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối tượng bảo vệ không chỉ là tài sản của Nhà nước mà còn có thể là thiệt hại đối với tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Do đó, khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, cần lưu ý là những hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước dưới 50%, hoặc các doanh nghiệp khác không có vốn góp của Nhà nước đều là khách thể bảo vệ của điều luật này.
Hành vi khách quan: Do sự thay đổi về chủ thể, khách thể nên hành vi khách quan cũng thay đổi nhất định. Nếu như trước đây, hành vi khách quan là “… vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ liên quan đến việc quản lý tài sản của Nhà nước”12, thì nay có thể bao gồm cả hành vi vi phạm nguyên tắc, quy định, quy chế liên quan đến quản lý tài sản của doanh nghiệp, tổ chức.
Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015 có sự thay đổi lớn về phạm vi chủ thể, khách thể, trong đó lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp - vấn đề chưa từng có tiền lệ áp dụng ở nước ta. Do đó, thực tiễn áp dụng chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh như: Xử lý như thế nào đối với những hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đối với tài sản của doanh nghiệp tư nhân; ranh giới giữa tội phạm hình sự và quan hệ dân sự, kinh tế trong những trường hợp này… Vì vậy, để thống nhất áp dụng, cần có hướng dẫn cụ thể nhằm phân biệt hành vi vi phạm quy tắc, quy định của doanh nghiệp, quan hệ dân sự, kinh tế với tội phạm hình sự.
Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có nhiều thay đổi quan trọng trong phần quy định về các tội xâm phạm sở hữu tại Chương XVI Bộ luật Hình sự. Đây là nhóm tội phạm xảy ra nhiều, do đó, việc nghiên cứu, thống nhất quan điểm để áp dụng đúng có ý nghĩa thiết thực trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như hạn chế oan, sai trong tố tụng hình sự.
& Nguyễn Thị Tuyết Loanm Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An
[1]. Xem thêm: Mục 5 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự.
[2]. Từ điển tiếng Việt - Viện ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng, 2000, tr. 793.
[3]. Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”.
[4]. Khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009.
[5]. Xem thêm:
- Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 01/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ công nhận 30 bảo vật quốc gia;
- Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ công nhận 37 bảo vật quốc gia;
- Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 14/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ công nhận 12 bảo vật quốc gia;
- Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ công nhận 25 bảo vật quốc gia;
- Quyết định số 2496/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ công nhận 14 bảo vật quốc gia.
[6]. Từ điển tiếng Việt - Viện ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng, 2000 tr. 234.
[7]. Xem thêm: Mục 2.3 và Mục 2.4, Điều 2 Thông tư số 72/2008/TT-BTC, ngày 31/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
[8]. Xem thêm: Mục 2.3 và Mục 2.4, Điều 2 Thông tư số 72/2008/TT-BTC, ngày 31/7/2008 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
[9]. Xem thêm: Mục 4 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
[10]. Xem thêm: Tiểu mục 2.4, mục 2 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự.
[11]. Xem: Khoản 1 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[12]. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự, Tập 2, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2003.