Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 gồm 8 chương, 74 điều, là sự kế thừa những điểm tích cực đã được thực tế kiểm nghiệm của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, đồng thời bổ sung một số các quy định mới nhằm đáp ứng các yêu cầu trong bối cảnh mới cũng như khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Dưới góc độ bảo vệ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 có một số điểm mới đáng lưu ý sau đây:
Thứ nhất, bổ sung thêm hình thức người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Theo quy định tại Điều 5, “Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, bao gồm: (a) Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (b) Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; (c) Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề ở nước ngoài; (d) Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Hợp đồng lao động do người lao động trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài”. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 đã bổ sung thêm hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Cụ thể, đây là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính thủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Việc bổ sung thêm hình thức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ đưa đến những tác động tích cực về kinh tế, lao động, việc làm như[1]: (i) Tăng số lượng người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, tăng doanh thu cho đơn vị sự nghiệp công lập tham gia đưa lao động theo loại hình mới này, qua đó, sẽ góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng ngoại tệ cho đất nước, thúc đẩy kinh tế phát triển. Qua rà soát, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức nêu trên phát sinh trong thực tế thời gian qua là 20.000 người. Việc mở rộng hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì số lượng lao động sẽ tăng lên là khoảng 20.000 người/năm. (ii) Tăng nguồn thu cho Quỹ Bảo hiểm xã hội vì gắn với việc bổ sung, ghi nhận hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như đã nêu ở trên, thì những người lao động đi theo hình thức này sẽ có các quyền lợi nhất định. Tương ứng với quyền lợi này là các nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ đóng Quỹ Bảo hiểm xã hội. Nguồn thu này sẽ được tính toán trên cơ sở giả định số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức này là 20.000 người/năm và mức đóng bảo hiểm xã hội trung bình của một người lao động. (iii) Tăng nguồn thu cho Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Nguồn thu này sẽ được tính toán trên cơ sở số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng ký với đơn vị sự nghiệp công lập phát sinh trong thực tế mức đóng của người lao động.
Thứ hai, bổ sung thêm các hành vi bị cấm khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 cũng đã bổ sung nhiều hành vi bị cấm khi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Điều 7, cụ thể như: Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng việc tuyển dụng lao động để mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động…; phân biệt đối xử trong lao động, cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, ngoài ký quỹ và bảo lãnh; thu tiền môi giới của người lao động; thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định; tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật hoặc tự ý chấm dứt hợp đồng không đúng quy định… Bên cạnh các công việc bị cấm khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, khoản 13 Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 đã quy định thêm danh mục các khu vực bị cấm khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gồm: Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự; khu vực đang bị nhiễm xạ; khu vực bị nhiễm độc; khu vực đang có dịch bệnh nguy hiểm... Các hành vi bị cấm được bổ sung theo hướng phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn như: Công ước số 29 về lao động cưỡng bức năm 1930, Công ước số 111 về phân biệt đối xử năm 1958, Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức năm 1957, Công ước số 181 về tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân năm 1997, Công ước số 189 về việc làm bền vững cho lao động giúp việc gia đình năm 1996, Công ước số 88 về dịch vụ việc làm năm 1948... Đồng thời, việc bổ sung đó cũng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật quốc gia như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Việc làm năm 2013; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015; Luật Đầu tư năm 2016; Luật Doanh nghiệp năm 2020; Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012; Luật Phí và lệ phí năm 2015…
Thứ ba, quy định về vốn pháp định của doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động
Theo Điều 10 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định như sau: Có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên, có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước; người đại diện theo pháp luật có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm; có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có trang thông tin điện tử… Những quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm cũng như năng lực của doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền lợi người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài.
Thứ tư, người lao động không phải hoàn trả tiền môi giới
Theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ không cần hoàn trả tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ. Từ đó, giúp người lao động giảm thiểu chi phí tiền dịch vụ khi đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh việc người lao động không phải hoàn trả tiền môi giới, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 cũng quy định doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu của người lao động số tiền dịch vụ bằng với mức trần tiền dịch vụ trừ đi số tiền dịch vụ đã nhận của bên nước ngoài tiếp nhận lao động trong trường hợp bên nước ngoài đã trả tiền dịch vụ cho doanh nghiệp dịch vụ.
Thứ năm, quy định liên quan đến phí dịch vụ
Theo điểm d khoản 2 Điều 23 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ đã thỏa thuận. Đây là điểm mới so với Luật năm 2006 là “doanh nghiệp dịch vụ thoả thuận với người lao động về việc thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài”. Ngoài ra, căn cứ khoản 3 Điều 23 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, khi hoàn trả tiền dịch vụ do người lao động phải về nước trước thời hạn mà không phải lỗi của họ, doanh nghiệp dịch vụ còn phải trả lãi suất tính theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Khoản 4 Điều 23 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 cũng đã quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp dịch vụ được phép thu từ người lao động như sau: Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động không quá 01 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc. Đối với sĩ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển, mức trần là không quá 1,5 tháng tiền lương cho mỗi 12 tháng làm việc. Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 03 tháng tiền lương của người lao động. Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng, thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của người lao động.
Ngoài ra, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 đã loại bỏ phí môi giới mà người lao động phải trả cho các doanh nghiệp dịch vụ, cũng như cấm việc thu phí dịch vụ đối với người lao động đi qua các đơn vị sự nghiệp. Những người lao động phải trả các khoản phí tuyển dụng và chi phí liên quan quá cao có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân bị bóc lột lao động, cưỡng bức lao động/mua bán người. “Thông qua giảm những chi phí mà người lao động có thể phải trả, Luật đã mang lại sự bảo vệ tốt hơn cho người lao động khỏi những nguy cơ này”, chuyên gia về Di cư lao động của ILO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Nilim Baruah đánh giá: “Khi người lao động lâm vào cảnh nợ nần do chi phí di cư quá cao, có thể họ sẽ hiếm khi nghỉ việc làm trong trường hợp bị lạm dụng, bóc lột hoặc lao động cưỡng bức. Việc loại bỏ phí môi giới khỏi các chi phí được phép thu từ người lao động di cư sẽ góp phần giải quyết rủi ro này”[2].
Thứ sáu, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bị ngược đãi, quấy rối tình dục
Một trong những điểm đáng chú ý khác của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 là “người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài” (điểm đ khoản 1 Điều 6). Quy định này phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế và quy định trong Bộ luật Lao động Việt Nam năm 2019[3].
Bên cạnh đó, người lao động khi làm việc ở nước ngoài còn được bổ sung thêm các quyền như: Được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ và hưởng các lợi ích trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề; không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động hoặc vùng lãnh thổ đến làm việc nếu Việt Nam và nước hoặc vùng lãnh thổ đó đã ký Hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện...
Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội
[1]. Bộ Lao động - Thương bình và xã hội, Báo cáo số 45 /BC-BLĐTBXH: “Đánh giá tác động của chính sách Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)”, ngày 01/4/2020, tr.11
[2]. PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí và TS. Nguyễn Văn Bình (đồng chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Lao động năm 2019, Nxb. Tư pháp, Xem bình luận tại Điều 8, Điều 35.