Tuy nhiên, sau 05 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10 đã bộc lộ bất cập, hạn chế về mặt thể chế và thực tiễn như sau:
Một là, phạm vi điều chỉnh của Thông tư liên tịch số 10 chưa có sự điều chỉnh tổ chức tham gia TGPL (tổ chức hành nghề luật sư và Trung tâm tư vấn pháp luật), luật sư làm việc cho tổ chức này;
Hai là, nội dung Thông tư liên tịch số 10 chưa quy định rõ trách nhiệm người tiến hành tố tụng khi thực hiện TGPL đối với vụ việc tố tụng dân sự, hành chính; chưa quy định cụ thể việc thông báo lịch xét xử cho Trung tâm, Chi nhánh và người thực hiện TGPL đã được cử tham gia tố tụng, hình thức thông báo lịch xét xử và thời gian thông báo; thành phần của Hội đồng phối hợp liên ngành cấp tỉnh còn thiếu Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh đối với những nơi không có Bộ Tư lệnh quân khu đặt trụ sở; công tác thống kê chưa quy định cụ thể về biểu mẫu và thời hạn nộp báo cáo;
Ba là, về kinh phí phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng còn chưa được cụ thể, chưa dự toán đầy đủ…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, ngày 04/7/2013, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 11) có hiệu lực ngày 21/8/2013 thay thế Thông tư liên tịch số 10.
Thông tư liên tịch số 11 gồm 06 chương và 19 điều quy định về trách nhiệm của tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL; tránh nhiệm của người có thẩm quyền và cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ; cấp, từ chối, thu hồi và hiệu lực của giấy chứng nhận tham gia tố tụng và Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, trách nhiệm của các ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng. Thông tư liên tịch số 11 có những điểm mới như sau:
Thứ nhất, về đối tượng điều chỉnh, Thông tư liên tịch số 11 đã có bước đột phá khi mở rộng cơ chế phối hợp tố tụng áp dụng cho các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý của xã hội, mà trước đây chỉ dành cho tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương xã hội hóa của cải cách tư pháp, tạo sự công bằng cho tất cả các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khi tác nghiệp. Thông tư liên tịch số 11 bổ sung về đối tượng điều chỉnh so với Thông tư liên tịch số 10 là tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, luật sư làm việc cho tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý cho phù hợp với các quy định tại khoản 2 Điều 7, Điều 29, Điều 39 Luật Trợ giúp pháp lý, Điều 21 Luật Luật sư và khoản 1 Điều 7 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật.
Thứ hai, Thông tư liên tịch số 11 bổ sung việc niêm yết “tờ thông tin”. So với bảng thông tin, tờ thông tin thuận tiện, linh hoạt, “kinh tế” hơn trong việc niêm yết dễ thay thế, đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung, cập nhật văn bản mới về trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, trại tạm giam, nhà tạm giữ niêm yết tờ thông tin về trợ giúp pháp lý trong buồng tạm giam, tạm giữ và nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giam, tạm giữ dễ dàng tiếp cận với các thông tin hướng dẫn các thủ tục để được trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ ba, Thông tư liên tịch số 11 quy định trách nhiệm của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý trong việc kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý; cử luật sư tham gia trợ giúp pháp lý hoặc cử người khác thay thế; chuyển vụ việc cho Trung tâm và Chi nhánh thực hiện (để bảo đảm tính liên tục về việc thực hiện TGPL bảo đảm quyền lợi cho người được TGPL) trong trường hợp không có luật sư thay thế tham gia, xuất phát từ việc nhiều tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý có số lượng luật sư ít, thậm chí chỉ có một luật sư.
Thứ tư, Thông tư liên tịch số 11 quy định người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng bị thay thế trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng từ chối cấp giấy chứng nhận, thu hồi giấy chứng nhận tố tụng. Đây là một quy định mới so với Thông tư liên tịch số 10 trên cơ sở tập hợp các trường hợp phải thay thế người thực hiện trợ giúp pháp lý ở các điều khác.
Thứ năm, về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng Thông tư liên tịch số 11 có bổ sung một số nội dung mới so với Thông tư liên tịch số 10: Thông báo thời gian, địa điểm xét hỏi bị can, bị cáo hoặc người bị tạm giữ cho người thực hiện trợ giúp pháp lý là người bào chữa tham dự. Về việc thông báo lịch xét xử cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý có bổ sung hình thức thông báo “bằng văn bản” và thời gian thông báo “ít nhất 10 ngày trước ngày xét xử” đối với vụ án xét xử theo thủ tục thông thường, đối với vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, thì thời gian thông báo “ít nhất 7 ngày trước ngày xét xử” để bảo đảm cho người thực hiện trợ giúp pháp lý nhận được thông báo và bố trí thời gian tham gia phiên tòa bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý.
Thứ sáu, về thủ tục cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý có bước đột phá, tạo thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý không có điều kiện đến cơ quan tiến hành tố tụng để nhận giấy chứng nhận tham gia tố tụng. Trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý không trực tiếp đến cơ quan tiến hành tố tụng để nhận giấy chứng nhận tham gia tố tụng, thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng và gửi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh.
Thứ bẩy, về Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng:
- Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương: Thông tư liên tịch số 11 có quy định rõ về thành phần của Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương gồm Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Chủ tịch Hội đồng và bổ sung quy định Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp, đề xuất Bộ trưởng Bộ Tư pháp khen thưởng, đề xuất lãnh đạo các ngành xử lý vi phạm, Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng có trách nhiệm điều phối hoạt động của Hội đồng. Ngoài ra, Thông tư liên tịch còn bổ sung Liên đoàn Luật sư toàn quốc được mời tham dự các phiên họp của Hội đồng.
- Về Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở địa phương: Thông tư liên tịch đã bổ sung thêm “Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (đối với nơi không có Bộ Tư lệnh quân khu)” vào thành phần Hội đồng phối hợp liên ngành cấp tỉnh cho đầy đủ thành phần của các ngành để phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng có hiệu quả và bổ sung “các phiên họp của Hội đồng mời đại diện Đoàn Luật sư; đại diện của Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, cơ quan điều tra khu vực của quân đội, bộ đội biên phòng, trại tạm giam tham dự họp. Sở Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng, có trách nhiệm điều phối hoạt động của Hội đồng. Hội đồng sử dụng con dấu của Sở Tư pháp”; bổ sung nội dung “đề xuất Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và thủ trưởng cơ quan thường trực Hội đồng khen thưởng; đề xuất lãnh đạo các ngành xử lý vi phạm”.
Thứ tám, Thông tư liên tịch số 11 còn bổ sung việc quy định chế độ thống kê, báo cáo. Ngoài ra, Thông tư liên tịch số 11 bổ sung nội dung chi cho hoạt động phối hợp liên ngành về tố tụng như: Kinh phí tổ chức tập huấn cho cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng; kinh phí chi khen thưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; chi bồi dưỡng cho thành viên Hội đồng phối hợp và thành viên tổ giúp việc liên ngành Trung ương, cấp tỉnh và chế độ bồi dưỡng cho Hội đồng phối hợp và tổ giúp việc cho Hội đồng là 0,3 mức lương tối thiểu/người/tháng
Cù Thu Anh