1. Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 so với Luật Cán bộ, công chức năm 2008
1.1. Về đối tượng là công chức
Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 sửa đổi khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 về khái niệm công chức như sau: “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.
Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 không tiếp tục quy định đối tượng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức mà khẳng định công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với “vị trí việc làm”. Nói cách khác, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, thu hẹp đối tượng là công chức. Thay đổi này của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 là phù hợp vì trong thời gian vừa qua, mặc dù đối tượng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức nhưng không được tính trong tổng số biên chế công chức, không được hưởng phụ cấp công vụ[1]. Qua tổng kết cho thấy, việc áp dụng 02 chế độ công chức và viên chức trong cùng một loại hình tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến vướng mắc, không thống nhất trong việc thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý. Việc tách bạch 02 đối tượng này phù hợp với quan điểm tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập[2].
1.2. Về phân loại cán bộ
Theo khoản 1 Điều 29 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ được phân loại đánh giá như sau: (i) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; (ii) Hoàn thành tốt nhiệm vụ; (iii) Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; (iv) Không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong khi đó, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ được xếp loại chất lượng theo các mức như sau: (i) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; (ii) Hoàn thành tốt nhiệm vụ; (iii) Hoàn thành nhiệm vụ; (iv) Không hoàn thành nhiệm vụ[3].
Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã thay thế mức “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực” bằng mức “hoàn thành nhiệm vụ”. Sự thay đổi này phù hợp giữa quy định của Đảng và quy định của Nhà nước, cụ thể Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Ban chấp hành Trung ương về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã quy định xếp loại cán bộ có 04 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ, mà không có mức “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực”. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã sửa đổi cho thống nhất với Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017, bởi lẽ “công tác cán bộ được xác định là công tác của Đảng, cần bảo đảm sự tập trung, thống nhất”[4].
Xuất phát từ sự thay đổi trên nên Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã bỏ quy định “cán bộ 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 02 năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bố trí công tác khác” tại khoản 3 Điều 29 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 để cho thống nhất.
1.3. Về đối tượng được tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển
Khoản 2 Điều 37 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định một nhóm đối tượng được tuyển dụng thông qua xét tuyển là “Người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tuyển dụng thông qua xét tuyển”. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã mở rộng thêm các nhóm đối tượng được tuyển dụng thông qua xét tuyển, cụ thể là có 03 nhóm đối tượng được tuyển dụng thông qua xét tuyển như sau: (i) Cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (ii) Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; (iii) Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng[5].
Quy định mới này của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 nhằm thu hút nhân tài, tạo nguồn công chức trẻ, tạo sự cạnh tranh công bằng để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.
1.4. Về tiếp nhận công chức không qua thi tuyển, xét tuyển
Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định 02 hình thức tuyển dụng công chức là thi tuyển và xét tuyển. Trong khi đó, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 ngoài việc quy định ngoài hình thức tuyển dụng thông qua thi tuyển và xét tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định tiếp nhận người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm vào làm công chức đối với trường hợp sau đây: (i) Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập; (ii) Cán bộ, công chức cấp xã; (iii) Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức; (iv) Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người đang giữ chức vụ, chức danh quản lý khác theo quy định của Chính phủ trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; người được tiếp nhận phải được quy hoạch vào chức vụ bổ nhiệm hoặc chức vụ tương đương; (v) Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác[6].
Trước đây hình thức tuyển dụng đặc biệt nêu trên chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật mà chưa được luật hóa. Với việc bổ sung này của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho nhiều người và tạo hành lang pháp lý vững chắc để các chủ thể có thẩm quyền áp dụng thống nhất pháp luật. Ngoài ra, “luật hóa quy định về việc tiếp nhận làm công chức đối với một số trường hợp để tạo cơ chế liên thông trong công tác cán bộ”[7].
1.5. Về hình thức xét nâng ngạch công chức
Theo Điều 44 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, việc nâng ngạch công chức được thực hiện qua hình thức thi tuyển, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 lại tiếp tục bổ sung thêm hình thức xét nâng ngạch công chức. Việc thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
Sự bổ sung này xuất phát từ lý do là quá trình triển khai thực hiện cho thấy việc thi nâng ngạch chưa thay đổi căn bản theo đúng mục đích, yêu cầu; việc bố trí, sử dụng người được nâng ngạch chưa căn cứ vào vị trí việc làm; chất lượng của các kỳ thi nâng ngạch còn nhiều bất cập. Đối với một số trường hợp có thành tích vượt trội trong công tác chưa có hình thức xét nâng ngạch không qua thi (tương tự như xét thăng hạng đối với viên chức)[8]. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã quy định thêm hình thức “xét nâng ngạch công chức” để phù hợp với tình hình.
1.6. Về tổ chức thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức
Khoản 2, khoản 3 Điều 46 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cho phép Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức. Trong khi đó, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 sửa đổi theo hướng giao cho Chính phủ quy định thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức.
Sự đổi mới này nhằm phù hợp với phân cấp quản lý công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội.
1.7. Về đánh giá công chức
Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 bổ sung các nội dung đánh giá công chức, cũng như làm rõ hơn nội dung đánh giá công chức như: Chấp hành quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ (việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể); thái độ phục vụ doanh nghiệp đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp hoặc trực tiếp giải quyết công việc của doanh nghiệp…
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 còn thêm thời điểm đánh giá công chức như sau: “Căn cứ vào yêu cầu quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quy định đánh giá công chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình”[9].
Sự đổi mới này là cần thiết, bởi lẽ các quy định về đánh giá công chức của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 còn thiếu sự gắn kết giữa các tiêu chí đánh giá với kết quả thực hiện công việc theo vị trí việc làm, công tác đánh giá còn hình thức, “cào bằng”, chưa thực sự tạo động lực trong việc rèn luyện, phấn đấu của công chức, đồng thời cũng không có cơ sở để loại bỏ những người có năng lực yếu kém[10].
1.8. Về xác định công chức cấp xã
Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định “đối với xã, thị trấn chưa tổ chức công an chính quy theo quy định của Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14 thì trưởng Công an được xác định là công chức cấp xã”[11]. Theo quy định này thì trưởng công an xã, thị trấn đã tổ chức công an chính quy thì không còn là công chức nữa mà sẽ là đối tượng thuộc lực lượng công an nhân dân.
Việc điều động công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”[12]. Đội ngũ công an chính quy sẽ giữ vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, bảo vệ sự bình yên ở địa bàn vùng nông thôn.
1.9. Về các hình thức kỷ luật đối với công chức
Để thống nhất về việc xử lý người có hành vi tham nhũng nêu tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 ngày 20/11/2018, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã bổ sung thêm quy định về việc xử lý công chức có hành vi tham nhũng. Theo đó, công chức sẽ bị buộc thôi việc nếu thuộc một trong 02 trường hợp: (i) Bị kết án phạt tù mà không được hưởng án treo; (ii) Bị kết án về tội phạm tham nhũng.
Như vậy, có thể thấy, việc bổ sung quy định này là hoàn toàn hợp lý, không chỉ thống nhất các quy định của pháp luật mà còn giúp công tác phòng, chống tham nhũng được nghiêm minh hơn.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 cũng bổ sung thêm quy định về hình thức hạ bậc lương với công chức. Theo đó, hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (trước đây không có quy định về điều này).
1.10. Về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
Thứ nhất, về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, thời hiệu xử lý kỷ luật áp dụng đối với cán bộ, công chức là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, thời gian 24 tháng là quá ít khi hành vi vi phạm để bị kỷ luật của công chức nhiều khi rất khó phát hiện, xử lý và đang “cào bằng” giữa các hình thức xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, một số trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về Đảng (hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng cho hưởng án treo) khi xét kỷ luật theo quy định của Luật thì hết thời hiệu[13]. Do đó, để phù hợp với thực tế, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật, cụ thể là: (i) 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; (ii) 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định nêu trên.
Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định thêm 04 trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật: (i) Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; (ii) Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; (iii) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; (iv) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Có thể thấy, những hành vi này vô cùng nghiêm trọng do đó việc không áp dụng thời hiệu xử lý là quy định hoàn toàn phù hợp.
Thứ hai, thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
Khoản 2 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định “thời hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng”. Trong khi đó, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã tăng thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức như sau “thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày”. Bởi lẽ, thời hạn xử lý kỷ luật như quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 là quá ngắn.
Ngoài ra, trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, so với trước đây thì Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã bổ sung quy định “thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không được tính vào thời hạn xử lý kỷ luật”. Bổ sung mới này sẽ giúp áp dụng thống nhất pháp luật và giải quyết được vấn đề khó khăn trước đây là khi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật nhận được quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án và tài liệu có liên quan thì đã hết thời hạn lý kỷ luật.
1.11. Về việc xử lý cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật
Theo quy định tại Điều 82 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì cán bộ, công chức bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
Trong khi đó, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì xác định rõ:
+ Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;
+ Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực[14].
Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã phân định cách thức xử lý đối với cán bộ, công chức bị kỷ luật bằng các hình thức khác nhau. Điều này tránh được tình trạng quy định chung chung, “cào bằng” giữa các hình thức xử lý kỷ luật.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã bỏ quy định không giải quyết nghỉ hưu. Như vậy trường hợp cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử mà đến tuổi nghỉ hưu thì thực hiện thủ tục nghỉ hưu theo quy định. Trước đây, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được giải quyết nghỉ hưu.
1.12. Về việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu
Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 là việc bổ sung thêm 01 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, đặc biệt nhấn mạnh việc sau khi đã nghỉ việc, nghỉ hưu, cán bộ, công chức vẫn có thể bị xử lý bằng hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 chính thức quy định: “Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật”[15].
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 cũng quy định rõ, cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01/7/2020 cũng được thực hiện theo quy định của Luật này.
Như vậy, có thể thấy, quan niệm “hạ cánh an toàn” trước đây bắt đầu từ 01/7/2020 sẽ hoàn toàn bị loại bỏ. Đồng thời, quy định này cũng thống nhất và đồng bộ với những văn bản quy phạm pháp luật khác như Quy định số 102-QĐ/TW Xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm ngày 15/11/2017 và Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành.
2. Luật Viên chức
2.1. Về hợp đồng làm việc của viên chức
Thứ nhất, hợp đồng không xác định thời hạn
Viên chức vẫn thực hiện 02 loại hợp đồng là không xác định thời hạn và xác định thời hạn.
Đối với hợp đồng không xác định thời hạn hay còn gọi là “chế độ biên chế suốt đời” của viên chức sẽ không còn được áp dụng với các đối tượng mới được tuyển dụng từ ngày 01/7/2020. Như vậy, căn cứ khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì việc thực hiện hợp đồng loại không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp: (i) Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020; (ii) Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; (iii) Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Có thể thấy quy định này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như đồng bộ với Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã đề ra chủ trương “thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn)”.
Thứ hai, hợp đồng xác định thời hạn
Không chỉ tác động đến hợp đồng làm việc không xác định thời hạn mà đối với hợp đồng xác định thời hạn, khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 cũng sửa đổi thời hạn thực hiện hợp đồng. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã nâng thời hạn thực hiện hợp đồng xác định thời hạn của viên chức từ 36 tháng như quy định hiện nay lên 60 tháng. Trong đó, hợp đồng xác định thời hạn là loại hợp đồng mà hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
Đặc biệt, trước khi hết hạn hợp đồng làm việc 60 ngày, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng với viên chức. Trong đó, nếu viên chức đáp ứng đầu đủ các yêu cầu và đơn vị còn nhu cầu thì bắt buộc phải ký tiếp hợp đồng. Ngược lại, nếu từ chối thì phải có văn bản nêu rõ lý do vì sao.
Có thể thấy, việc kéo dài thời hạn này tạo điều kiện cho viên chức được làm quen và phát huy được khả năng của mình trong công việc.
Ngoài ra Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 còn bổ sung thêm trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, cụ thể là: “Nếu viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự thì đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức”[16].
2.2. Về đánh giá viên chức
So với trước đây thì Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã quy định các nội dung đánh giá viên chức theo từng công việc, sản phẩm cụ thể, cụ thể là Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã bổ sung một số nội dung đánh giá viên chức như sau: (i) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (ii) Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể[17].
Sự bổ sung này xuất phát từ nguyên nhân là việc triển khai đánh giá viên chức trên thực tế chưa phù hợp với đặc điểm của từng loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị và đặc thù công việc của từng ngành, nghề, lĩnh vực, đồng thời công tác đánh giá còn hình thức, “cào bằng”[18]. Nói cách khác, mỗi ngành nghề có đặc thù riêng nên sẽ áp dụng một tiêu chuẩn với nội dung khác nhau khi đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, với quy định đánh giá viên chức dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với vị trí việc làm và thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể đã tạo sự rõ ràng, thuận lợi hơn.
2.3. Về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật viên chức
Tương tự như thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật cán bộ, công chức thì Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã có những thay đổi nhất định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với viên chức.
Thứ nhất, thời hiệu xử lý kỷ luật viên chức
Thay vì quy định chung chung cho tất cả các trường hợp đều có thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm như Luật Viên chức năm 2010 thì Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã có sự phân hóa theo từng hành vi vi phạm sẽ có thời hiệu xử lý kỷ luật khác nhau, cụ thể như sau: (i) 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; (ii) 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp nêu trên (khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã bổ sung thêm các hành vi vi phạm không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật là: (i) Viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; (ii) Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; (iii) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; (iv) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Thứ hai, thời hạn xử lý kỷ luật viên chức
Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 tiếp tục tăng thời hạn xử lý kỷ luật viên chức, cụ thể là: “Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày” (khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019). Trong khi đó, theo quy định của khoản 2 Điều 53 Luật Viên chức năm 2010 thì “thời hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 04 tháng”.
Sự thay đổi, gia tăng về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật viên chức như trên xuất phát từ lý do rằng quy định về thời hiệu, thời hạn của Luật Viên chức năm 2010 là “quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc đối với việc xử lý viên chức có hành vi vi phạm’[19].
2.4. Về xử lý viên chức bị kỷ luật
Theo Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì khi viên chức bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo vẫn có thể được bổ nhiệm lại nhưng không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng[20]. Trong khi đó, khoản 2 Điều 56 Luật Viên chức năm 2010 quy định “không bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng”.
Tiếp đến, nếu như trước đây, Luật Viên chức năm 2010 không giải quyết nghỉ hưu cho viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã loại bỏ nội dung “không giải quyết nghỉ hưu” ra khỏi điều luật.
Như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã quy định theo hướng mở hơn. Theo đó, khi đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, viên chức vẫn được xem xét giải quyết nghỉ hưu và khi viên chức bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì trong thời hạn 12 tháng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn./.
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh