Abstract: Inheritance is an important institution and has a strong influence on the individual's personal life. The provisions on inheritance under the Civil Code 2015 are fundamentally different from the 2005 Civil Code. Particularly for the oral testament, the new Civil Code has made some changes, In this article, on the basis of a comparison of “oral testimony” provisions under the 2005 Civil Code and the Civil Code 2015, we point out some new points in this article. Goodwill according to the provisions of the Civil Code 2015.
Quyền lập di chúc là một quyền dân sự cơ bản của cá nhân. Vì vậy, cá nhân có tài sản đáp ứng được những điều kiện pháp luật quy định có quyền lập di chúc. Theo quy định của pháp luật dân sự thì cá nhân có quyền lập di chúc dưới hai hình thức là di chúc bằng văn bản và di chúc miệng. Trong đó, hình thức di chúc miệng được thừa nhận từ rất sớm trong các văn bản quy phạm pháp luật và được kế thừa cho đến nay như: Bộ luật Hồng Đức, Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/7/1981 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế, Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 và đặc biệt Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn tiếp tục thừa nhận hình thức di chúc miệng và có những điểm tiến bộ rõ nét so với các văn bản trước đó.
1. Khái niệm di chúc miệng
Di chúc miệng là một loại hình thức di chúc được pháp luật Việt Nam thừa nhận, nhưng nhà làm luật lại chưa đưa ra khái niệm về di chúc miệng. Theo dân gian, di chúc miệng còn có tên gọi là “chúc ngôn” hoặc “di ngôn” để chỉ sự thể hiện ý chí của người lập di chúc thông qua lời nói trong những trường hợp đặc biệt. Thông thường di chúc miệng là những lời “trăn trối” hay “dặn dò” của người sắp chết cho những người còn sống thực hiện ý nguyện cuối cùng của mình về những vấn đề liên quan đến tài sản như: Phân chia di sản, chỉ định người hưởng di sản, truất quyền hưởng di sản, di sản thờ cúng, di tặng… để những người còn sống có thể căn cứ theo đó mà thực hiện.
Từ đó, ta có thể khái quát: “Di chúc miệng là sự bày tỏ bằng lời nói ý chí của người để lại di sản thừa kế lúc còn sống trong việc định đoạt khối di sản của mình cho người khác”[1] hay “di chúc thể hiện ý chí của người để lại di sản thông qua lời nói nhằm chuyển dịch tài sản của mình cho chủ thể khác sau khi chết”[2]. Đây là hình thức di chúc đặc biệt chỉ được lập trong những trường hợp nhất định khi cá nhân không thể lập được di chúc bằng văn bản.
2. Một số điểm mới về di chúc miệng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015
Thứ nhất, người lập di chúc miệng
Di chúc miệng không phải được lập một cách tùy tiện mà phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Trong đó, điều kiện quan trọng nhất là người lập di chúc phải có quyền lập di chúc miệng. Quyền lập di chúc miệng của cá nhân chỉ phát sinh khi cá nhân đó thuộc trường hợp đặc biệt như luật định.
Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”. Vậy, người lập di chúc miệng phải đang trong tình trạng tính mạng “bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc nguyên nhân khác”. Bàn về tình trạng người lập di chúc “tính mạng bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc nguyên nhân khác”. Ngoài nguyên nhân cái chết đe dọa do bệnh tật thì pháp luật cũng dự liệu những trường hợp khác đe dọa tính mạng của người di chúc miệng, nhưng nhà làm luật chưa có văn bản giải thích cụ thể “nguyên nhân khác” là nguyên nhân nào? Nguyên nhân đó phải thỏa mãn điều kiện gì? Như vậy, chỉ cần nhận định được lý do có thể khiến người di chúc miệng bị đe dọa tính mạng đều phát sinh quyền lập di chúc miệng, cho nên quy định “nguyên nhân khác” là không cần thiết.
Khoản 1 Điều 637 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã sửa đổi về tình trạng của người lập di chúc miệng như sau: “Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng”. Như vậy, theo quy định này thì cá nhân rơi vào tình trạng “tính mạng bị cái chết đe dọa” mà không xem xét đến nguyên nhân gây ra tình trạng đó thì có thể lập di chúc miệng. Sự sửa đổi này thể hiện sự tiến bộ của Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định này hợp lý, ngắn gọn, dễ hiểu và tránh sự nhầm lẫn, lúng túng khi áp dụng pháp luật.
Thứ hai, ghi chép lại di chúc miệng
Di chúc miệng được lập khi người lập di chúc đang trong tình trạng nguy kịch tính mạng, thông thường sau khi để lại di nguyện cuối cùng thì người di chúc miệng chết nên không thể đối chứng. Theo tâm lý học, khả năng ghi nhớ thông tin của con người là có giới hạn, vì vậy, để phòng ngừa trường hợp người làm chứng sẽ quên hoặc nhớ không chính xác di nguyện của người chết nên pháp luật dân sự quy định di chúc miệng phải được ghi chép lại trong một khoảng thời gian hợp lý để bảo đảm tính chính xác, khách quan. Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về vấn đề này như sau:
Theo khoản 5 Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005: Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và “ngay sau đó” những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ”; khoản 5 Điều 638 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và “ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại”, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
Về cơ bản, nội dung của hai điều khoản trên quy định tương tự nhau nhưng có sự khác nhau về mặt thuật ngữ pháp lý về việc ghi chép lại di chúc miệng:
- Thời điểm ghi chép lại di chúc miệng:
Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định khi người lập di chúc miệng thể hiện ý chí trước mặt ít nhất hai người làm chứng và “ngay sau đó” di chúc phải được ghi chép lại. Thuật ngữ “ngay sau đó” đã phát sinh nhiều bất cập trong việc hiểu và áp dụng pháp luật, tạo cách hiểu chưa thống nhất là phải ghi chép lại ngay tức khắc hay phải được ghi chép lại trong một thời gian hợp lý. Cách hiểu thứ nhất, việc ghi chép lại di chúc miệng đi liền sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng mới được chấp nhận. Nếu di chúc không được ghi chép lại ngay (thường cùng ngày với ngày nghe được ý chí cuối cùng của người lập di chúc), thì sẽ không có giá trị pháp lý. Cách hiểu thứ hai, ngay sau đó được hiểu một cách rộng hơn là khoảng thời gian hợp lý, di chúc miệng có thể được ghi chép lại trong vòng 05 ngày kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí sau cùng tương đương với thời hạn đi công chứng di chúc.
Trong thực tiễn xét xử thì Tòa án cũng xử lý vụ việc theo cách hiểu thứ nhất như trong vụ án “Bản án số 2408/2005/DS-ST ngày 03/11/2005 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh[3]: Ông Nam chết ngày 06/02/2002 có lập di chúc miệng trước mặt hai người làm chứng là bà Hương, bà Lang với nội dung để lại nhà và xe cho bà Tỵ, bà Linh. Bà Lang viết khảo tờ di chúc bản chính, hôm sau bà viết lại giao cho bà Linh. Tòa án các cấp không chấp nhận di chúc viết lại. Sau đó, bà Linh, bà Tỵ xuất trình thêm tờ di chúc ghi ngày 06/02/2002 và khai là bản chính nhưng cũng không được Tòa án chấp nhận. Tòa án không chấp nhận cả hai bản di chúc vì không có căn cứ cho rằng di chúc miệng được viết ngay lúc ông Nam thể hiện ý chí”.
Đối với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 “và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ” đã khẳng định việc ghi chép lại phải được thực hiện ngay theo cách hiểu thứ nhất, tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật. Sự thay đổi là điều cần thiết và hợp lý nâng cao tính chặt chẽ của pháp luật.
- Người ghi chép lại di chúc miệng:
Pháp luật quy định di chúc miệng phải được ghi chép lại. Vậy ai là người ghi chép lại thì Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có sự khác biệt. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “những người làm chứng ghi chép lại”, còn theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “người làm chứng ghi chép lại”.
Về chủ thể ghi chép lại di chúc miệng không thay đổi đó là người làm chứng, nhưng người làm chứng cho di chúc miệng có từ hai người trở lên, vậy ai sẽ là người ghi chép lại trong những người làm chứng, hay tất cả những người làm chứng phải cùng ghi chép lại di chúc miệng, thì cả hai cách quy định trên vẫn chưa trả lời rõ ràng vấn đề này. Tuy nhiên, cách quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 bỏ đi từ “những” tạo nên cách hiểu có thể một trong những người làm chứng ghi chép lại di chúc miệng vẫn coi là hợp pháp, còn cách quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 dễ gây hiểu theo hướng nhiều người cùng ghi chép lại di chúc miệng, nhưng nếu nhiều người cùng ghi chép lại di chúc miệng sẽ dễ làm di chúc khó hiểu, không mạch lạc, không thống nhất về chữ viết và cách diễn đạt.
Thứ ba, công chứng, chứng thực di chúc miệng
Sau khi di chúc miệng đã được người làm chứng ghi chép lại và cùng ký tên hoặc điểm chỉ vẫn chưa có giá trị pháp lý mà di chúc đó phải được mang đi công chứng hoặc chứng thực. Khoản 2 Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “… Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực”. Vấn đề về công chứng, chứng thực di chúc miệng là một trong những vấn đề bất cập nhất của Bộ luật Dân sự năm 2005 về di chúc miệng, quy định này chưa rõ ràng nên phát sinh nhiều vấn đề pháp lý liên quan, dẫn đến di chúc miệng được lập không thể phát sinh hiệu lực trên thực tế: Thẩm quyền của công chứng viên trong chứng thực di chúc; Luật Công chứng năm 2014 không quy định thủ tục công chứng di chúc miệng dẫn đến trường hợp công chứng viên từ chối công chứng di chúc miệng, vì vậy, công chứng viên còn rất lúng túng về thủ tục công chứng, chứng thực di chúc miệng; khi công chứng di chúc miệng thì sẽ công chứng về vấn đề nào, nội dung di chúc miệng hay chỉ xác nhận có tồn tại bản di chúc miệng hay xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của những người làm chứng di chúc miệng?
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có điểm tiến bộ khi quy định rõ thẩm quyền của công chứng viên trong việc công chứng, chứng thực di chúc miệng tại khoản 5 Điều 638: “Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”. Bằng quy định này, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã xác định rõ công chứng viên có thẩm quyền xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng và quy định này là hợp lý (vì công chứng viên không thể nào chứng thực được nội dung của di chúc) tạo căn cứ pháp lý cho công chứng viên, cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ của mình.
Từ những phân tích trên có thể thấy, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về vấn đề di chúc miệng có sự tiến bộ so với Bộ luật Dân sự năm 2005 khi quy định rõ ràng, dễ hiểu, khắc phục một số hạn chế, bất cập, tuy nhiên vẫn chưa tạo được bước tiến quan trọng để hoàn thiện pháp luật về di chúc miệng.
ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp