Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam sử dụng nhiều phương thức khác nhau để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có phương thức bảo vệ người tiêu dùng bằng pháp luật hình sự. Ngay trong Bộ luật Hình sự năm 1985 và Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có những quy định về tội phạm và hình phạt đối với những hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hai Bộ luật Hình sự này đã bộc lộ những hạn chế nhất định, bao gồm những hạn chế trong các quy định về tội phạm và hình phạt đối với những hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
1. Pháp luật hình sự về bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam
Nhà nước Việt Nam sử dụng nhiều phương thức khác nhau để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có phương thức bảo vệ người tiêu dùng bằng pháp luật hình sự. Ngay trong Bộ luật Hình sự năm 1985 và Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có những quy định về tội phạm và hình phạt đối với những hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hai bộ luật hình sự này đã bộc lộ những hạn chế nhất định, bao gồm những hạn chế trong các quy định về tội phạm và hình phạt đối với những hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27/11/2015 (được sửa đổi, bổ sung vào năm 2017), đã kế thừa những quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985 và Bộ luật Hình sự năm 1999, đồng thời đã có những sửa đổi, bổ sung về tội phạm và hình phạt đối với những hành vi xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng để phù hợp với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn mới, khi tiến trình hội nhập quốc tế ở Việt Nam ngày càng sâu rộng.
Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, có 09 tội thuộc nhóm tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195), Tội đầu cơ (Điều 196), Tội lừa dối khách hàng (Điều 198), Tội vi phạm quy định về cung ứng điện (Điều 199), Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 315), Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317).
Các tội xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng được quy định trong hai chương của Bộ luật Hình sự năm 2015: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (Chương XXI). Mặc dù được quy định trong hai chương khác nhau của Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng dưới góc độ khoa học pháp lý, các tội này cùng có chung khách thể loại là quyền lợi của người tiêu dùng[1].
Tuy nhiên, không phải mọi hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đều được coi là tội phạm. Pháp luật hình sự Việt Nam chỉ coi những hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng là tội phạm khi những hành vi đó có tính chất nguy hiểm cho xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe và lợi ích kinh tế của người tiêu dùng. Phần lớn các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định là tội phạm khi các hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng, hàng hóa có số lượng lớn hoặc người thực hiện hành vi đã bị xử lý hành chính trừ các quy định tại Điều 193 và Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định tại Điều 193 và Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015, các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh bị coi là tội phạm cho dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng hàng hóa không lớn hoặc người thực hiện hành vi chưa bị xử lý hành chính.
Chủ thể của các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại là chủ thể của các tội sau đây: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi, Tội đầu cơ.
Việc quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của một số tội phạm nêu trên là một tiến bộ vượt bậc trong lịch sử lập pháp ở Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với một số tội phạm, trong đó có các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài hình phạt tiền là hình phạt phổ biến đối với pháp nhân thương mại phạm tội, Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt khác nhau như: Bị đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn. Việc quy định áp dụng những hình phạt nghiêm khắc nêu trên đối với pháp nhân thương mại phạm tội đã góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống các tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
2. Một số hạn chế của pháp luật hình sự về bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định một cách tương đối toàn diện và cụ thể về các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế sau:
Thứ nhất, các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng không được quy định tập trung trong một chương của Bộ luật Hình sự
Trong khoa học pháp lý, đã có nhiều công trình nghiên cứu các tội xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng, nhưng trong Bộ luật Hình sự năm 2015 thì các tội này không được định danh rõ ràng là các tội xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng và không được quy định tập trung trong một chương mà nằm phân tán ở hai chương khác nhau của Bộ luật Hình sự là: Chương XVIII: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và Chương XXI: Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Chính vì vậy, trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm ở Việt Nam, các tội này mới chỉ được xem xét dưới góc độ là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, chứ không phải dưới góc độ là các tội xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Chính hạn chế này đã làm ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng bằng pháp luật hình sự ở Việt Nam.
Thứ hai, hình phạt đối với một số tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng chưa nghiêm khắc, chưa tương xứng với hậu quả mà tội phạm gây ra
Ngoài Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193) có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân và Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194) có mức hình phạt cao nhất là tử hình, còn các tội khác có mức hình phạt chưa nghiêm khắc. Ví dụ, theo quy định tại khoản 3 Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 2015, người phạm tội vi phạm quy định về cung ứng điện làm chết 02 người trở lên mà chỉ bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm là chưa tương xứng với hậu quả mà tội phạm gây ra.
Phần lớn các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đều có động cơ vụ lợi, mục đích thu lợi nhuận nhưng hình thức phạt tiền là không bắt buộc với người phạm tội và mức xử phạt tiền nếu được áp dụng còn quá thấp, chưa đánh mạnh vào lợi ích kinh tế của người phạm tội. Theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 195 Bộ luật Hình sự năm 2015, người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng là quá ít, không tương xứng với lợi nhuận mà người phạm tội thu được và thiệt hại về tài sản mà người phạm tội gây ra.
Thứ ba, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa các tội sản xuất, buôn bán hàng giả về hình thức và các tội sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng (hàng giả về chất lượng)
Hiện nay, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (đã được sửa đổi bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ) được dùng làm căn cứ giải thích khái niệm hàng giả. Theo quy định của khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi) có 2 nhóm hàng được coi là hàng giả bao gồm:
(i) Hàng kém chất lượng (hàng giả về chất lượng): Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa, không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật; Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
(ii) Hàng giả về hình thức: Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác; hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; tem, nhãn, bao bì giả[2].
Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa hàng giả về hình thức và hàng kém chất lượng, từ đó dẫn đến sự đồng nhất giữa hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả về hình thức với hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng. Chính vì vậy, trong thực tiễn áp dụng pháp luật, không có sự phân biệt rõ ràng trách nhiệm hình sự giữa người sản xuất, buôn bán hàng giả về hình thức với người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng.
3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự về bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam
Từ những hạn chế của pháp luật hình sự về bảo vệ người tiêu dùng nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự về bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam như sau:
Thứ nhất, dành một chương riêng trong Bộ luật Hình sự quy định các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng
Hiện nay, các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng có chiều hướng gia tăng về quy mô và số lượng, đa dạng về hình thức, do đó, việc định danh các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và quy định nhóm các tội phạm này trong cùng một chương của Bộ luật Hình sự là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng pháp luật hình sự.
Việc quy định các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong cùng một chương là hoàn toàn có tính khoa học, bởi vì, nhóm tội phạm này cùng có chung khách thể loại là quyền lợi của người tiêu dùng và “khách thể loại là cơ sở để hệ thống hóa các quy phạm trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự thành từng chương”[3].
Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và các chế tài hình sự được hệ thống hóa trong luật bảo vệ người tiêu dùng, hoặc bộ luật hình sự thành một nhóm tội phạm riêng. Ở Singapore, các tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và các chế tài hình sự đối với các tội phạm đó được quy định tại Phần V của Luật Bảo vệ người tiêu dùng Singapore; ở Trung Quốc, các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và chế tài hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng được quy định trong Chương VII của Luật Bảo vệ người tiêu dùng[4].
Ngoài ra, ở Trung Quốc, các tội sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng kém chất lượng được quy định trong một mục riêng (Mục 1) Chương III Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997[5].
Thứ hai, cần tăng hình phạt đối với một số tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng
Cần tăng hình phạt đối với một số tội xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có Tội vi phạm quy định về cung ứng điện theo quy định tại khoản 3 Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài hình phạt tù là hình phạt chính, cần quy định hình thức phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với các tội xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng mà người phạm tội có động cơ vụ lợi và thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội. Mức phạt tiền cần tương xứng với lợi nhuận mà người phạm tội thu được và thiệt hại về tài sản mà người phạm tội gây ra. Có như vậy mới đánh mạnh vào lợi ích kinh tế của người phạm tội, đạt được mục đích trừng trị riêng và phòng ngừa chung.
Thứ ba, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa các tội sản xuất, buôn bán hàng giả về hình thức và các tội sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng (hàng giả về chất lượng)
Để bảo vệ người tiêu dùng bằng pháp luật hình sự một cách có hiệu quả, thì phải có sự phân biệt rõ ràng giữa các tội sản xuất, buôn bán hàng giả về hình thức và các tội sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng. Trong thực tế, hàng giả về hình thức không phải lúc nào cũng là hàng kém chất lượng, mà ngược lại, có những hàng giả về hình thức nhưng có chất lượng tốt hơn hàng thật và do đó không xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, có quan điểm cho rằng, “nhiều khi vấn đề hàng giả là câu chuyện của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm sở hữu trí tuệ liên quan đến việc xâm hại trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng và quyền lợi của nhà sản xuất chứ không phải là quyền lợi người tiêu dùng. Chúng tôi cho rằng, không thể gộp hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả về hình thức với hành vi sản xuất, buôn hàng kém chất lượng, độc hại gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe, quyền lợi kinh tế của người tiêu dùng”[6].
Luật Hình sự ở một số quốc gia đã quy định rất cụ thể các hành vi sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng. Bộ luật Hình sự Trung Quốc dành toàn bộ Mục 1 Chương III Phần các tội phạm với 11 điều luật quy định tội phạm và hình phạt đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng kém chất lượng. Phần lớn các tội phạm được quy định trong Mục này đều quy định tội sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng (hàng độc hại, hàng không đạt tiêu chuẩn) như: Tội sản xuất hoặc bán các loại thuốc có chất lượng kém gây hại nghiêm trọng cho sức khoẻ con người (Điều 142), Tội sản xuất hoặc bán thực phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh gây hại nghiêm trọng cho sức khoẻ con người (Điều 143), Tội pha chế thực phẩm với các nguyên liệu phi thực phẩm độc hại (Điều 144), Tội sản xuất hoặc bán dụng cụ y tế, dụng cụ hoặc vật liệu vệ sinh y tế không đạt tiêu chuẩn gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người (Điều 145), Tội sản xuất hoặc bán mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 148)[7]…
Từ những phân tích nêu trên, tác giả nhận thấy, cần tách hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả về hình thức với hành vi sản xuất, buôn hàng kém chất lượng thành các tội phạm khác nhau, theo đó, chế tài đối với hành vi sản xuất, buôn hàng kém chất lượng cần nghiêm khắc hơn mới đủ sức răn đe đối với người phạm tội. Cần cơ cấu lại các điều 192, 193, 194, 195 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thành 05 điều quy định cho các tội sau đây: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả gây hậu quả nghiêm trọng; Tội sản xuất, buôn bán hàng độc hại gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng; Tội sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm một số điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các tội sau đây: Tội sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng là dụng cụ y tế, dụng cụ hoặc vật liệu vệ sinh y tế, Tội sản xuất, buôn bán mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh gây hậu quả nghiêm trọng…
Trường Đại học Luật, Đại học Huế
[1]. Khách thể loại của tội phạm là nhóm quan hệ xã hội cùng tính chất được nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ khỏi sự xâm hại của nhóm tội phạm. Xem: GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ biên), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội - 2011, tr. 91.
[2]. Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (đã được sửa đổi bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ).
[3]. Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ biên), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam - Tập 1, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội - 2011, tr. 91.
[4]. Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, So sánh Luật Bảo vệ người tiêu dùng một số nước trên thế giới - Bài học kinh nghiệm và đề xuất một số nội dung cơ bản quy định trong dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam, http://cuts-hrc.org/images/stories/doc/full%20report_so%20sanh%20mot%20so%20luat%20bv% 20ntd%20tren%20the%20gioi%20%20de%20xuat%20cho%20vn.pdf, truy cập ngày: 15/7/2020.
[5]. Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bộ luật hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1997. (National People’s Conngress of the People’s Republic of China, Criminal Law of the People’s Republic of China 1997). https://www.oecd.org/site/adboecdanti-corruptioninitiative/46814270.pdf. Truy cập ngày 15/7/2020.
[6]. Đinh Thế Hưng, Bảo vệ người tiêu dùng bằng pháp luật hình sự, Tạp chí Kiểm sát, số 9/2010, tr. 29.
[7]. Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1997), Bộ luật hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. (National People’s Conngress of the People’s Republic of China (1997), Criminal Law of the People’s Republic of China). https://www.oecd.org/site/adboecdanti-corruptioninitiative/46814270.pdf, truy cập ngày 15/7/2020.