1. Thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại tại Việt Nam
Buôn lậu được hiểu là gian lận thương mại nhằm mục đích che giấu sự kiểm tra, kiểm soát của hải quan bằng mọi thủ đoạn, phương tiện trong việc đưa hàng hóa lén lút qua biên giới. Tuy nhiên, thực tế chưa có định nghĩa thống nhất nào về vấn đề gian lận thương mại. Hành vi gian lận thương mại có thể xuất hiện ở cả trong hoạt động nội bộ doanh nghiệp và trong giao dịch kinh doanh thương mại bên ngoài của doanh nghiệp, ở trong nội địa một quốc gia nhất định hoặc có thể ở nước ngoài (thương mại xuyên biên giới)[1]. Đối với hành vi gian lận chống lại doanh nghiệp bởi những người nội bộ của tổ chức, thường có ba loại chính là tham nhũng, biển thủ tài sản và làm sai lệch báo cáo tài chính. Riêng đối với hoạt động thương mại quốc tế, gian lận có thể xảy ra trong một số lĩnh vực và hình thức như: Gian lận về thuế - hải quan, gian lận về thanh toán và tài trợ thương mại, gian lận về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, gian lận về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hàng hóa, hay gần đây là lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại dưới nhiều cách thức[2].
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại là những hành vi thương mại đi chệch nghiêm trọng các chuẩn mực thương mại được chấp nhận và sử dụng các chứng từ thương mại hợp pháp một cách phi pháp. Vì vậy, buôn lậu, gian lận thương mại sẽ làm phát sinh những chế tài dân sự, hình sự hoặc hành chính. Thực tế cho thấy, đối tượng của các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đều là hàng hóa có giá trị cao được thực hiện nhằm mục đích trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, doanh thu của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư trong nước.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia). Trong năm 2023, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý hơn 14.600 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với năm 2022); gần 130.000 vụ việc vi phạm gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51%); hơn 5.400 vụ việc sản xuất, mua bán hàng giả (tăng 48%). Đồng thời, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự 616 vụ việc (tăng 4,05% so với năm 2022), với 724 đối tượng[3]. Cũng trong năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện và xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022), thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng (tăng 36% so với năm 2022), giá trị tang vật thu giữ gần 204 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với năm 2022)[4]. Trong đó, các mặt hàng trọng tâm gồm thuốc lá điếu, bia, rượu, thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, gỗ xây dựng và cả gia súc, gia cầm, thủy hải sản..., kể cả mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước cấm. Những con số trên cho thấy, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại ở trong nước đang diễn ra rất phức tạp. Nhiều vụ việc, vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua cũng đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, giúp răn đe, phòng ngừa.
2. Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại tại Việt Nam
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đã có nhiều cố gắng, từng bước đẩy lùi hoạt động này, bước đầu đã thu được những điểm tích cực. Với sự chủ động trong việc kiểm soát tình hình, cùng với những kết quả đạt được của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tăng thu ngân sách cho Nhà nước; tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế, góp phần bình ổn thị trường và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, do những đặc thù địa lý của từng khu vực cũng như trong việc áp dụng cơ chế, chính sách của từng địa phương cùng với các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại tại Việt Nam vẫn xảy ra và tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng giả, hàng cấm…
Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể:
Một là, các lực lượng chức năng đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại còn lúng túng lúng túng, chưa theo kịp được tốc độ thay đổi “liên tục” của loại hình này. Quy định pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại còn chung chung, chưa cụ thể hóa trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tình trạng buôn lậu qua hình thức thương mại điện tử[5]. Hoạt động quản lý nhà nước về vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ hàng hóa buôn lậu do nhiều cơ quan đảm nhiệm theo phạm vi địa lý nên khó thông suốt, bao quát đầy đủ. Để đối phó với các cơ quan chức năng, những đối tượng buôn lậu luôn đổi mới phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi, nhất là lợi dụng những quy định của Nhà nước về tỷ lệ kiểm tra phần trăm (%), kiểm tra xác suất những mặt hàng nhạy cảm của hàng hóa xuất nhập khẩu,… để buôn lậu. Mặt khác, cùng với sức ép của quá trình cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng hơn, thủ tục hải quan và những thay đổi, bất cập trong cơ chế, chính sách đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác của các lực lượng điều tra phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại tại Việt Nam.
Hai là, công tác tổ chức thi hành pháp luật về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại chưa đồng bộ giữa các lực lượng chức năng, phụ thuộc vào sự quan tâm triển khai riêng lẻ của lực lượng hải quan, Bộ đội biên phòng, quản lý thị trường và các cơ quan khác. Do đó, có lĩnh vực được triển khai thường xuyên, có lĩnh vực lại ít được quan tâm, thậm chí bỏ sót. Ngoài tâm lý ngại khó khăn, sợ sai còn do công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan hải quan - Công an - Viện kiểm sát chưa kịp thời, có khi giữa các cơ quan này có quan điểm khác nhau khi giải quyết vấn đề làm cho vụ án kéo dài, có khi hết thời gian điều tra, buộc xử lý hành chính.
Ba là, về công tác tổ chức cán bộ: Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại của nhiều cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu công việc; chưa được đào tạo cơ bản; ý thức trách nhiệm của một số công chức làm nhiệm vụ này chưa cao; công tác xây dựng cơ sở bí mật chưa được phát huy đúng mức; thiếu chủ động trong việc thu thập nguồn tin, điều tra, xác minh để đề ra biện pháp, xây dựng phương án cụ thể và tổ chức bắt giữ. Bộ phận tham mưu và trực tiếp làm công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại bị thay đổi theo mô hình chung của ngành cùng với việc luân chuyển cán bộ cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu của các địa phương.
Bốn là, về trang thiết bị cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại: Nhìn chung, còn yếu kém, hiệu quả thấp so với trang bị của những đối tượng buôn lậu. Việc đầu tư trang thiết bị nhiều trường hợp các địa phương, đặc biệt vùng biên giới chưa phù hợp với điều kiện, địa hình từng vùng. Ví dụ như trường hợp Tổng cục Hải quan chỉ trang bị cho một số tàu tuần tra vận tốc chỉ đạt từ 10 đến 12 hải lý/h, hoạt động rất hạn chế trong mùa mưa bãi. Trong khi đó, tàu của những đối tượng buôn lậu lại có vận tốc cao hơn đạt từ 12 đến 15 hải lý/h, có thể hoạt động dài ngày trên biển, chịu được sóng biển cấp 4, cấp 5 nên việc chống buôn lậu, gian lận thương mại vì thế chưa đem lại hiệu quả cao.
Năm là, công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân về buôn lậu và chống buôn lậu chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn một bộ phận quần chúng nhân dân chưa nhận thức đúng đắn về tác hại của buôn lậu, trong khi đó, có một bộ phận dân cư coi buôn lậu như nghề kiếm sống làm cho việc ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Thực tế, không ít cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách miễn thuế, giảm thuế đối với cư dân biên giới và một số quy định chưa chặt chẽ trong việc quản lý hóa đơn, chứng từ hàng hóa để thu gom hàng, hợp thức hóa hàng nhập lậu, vận chuyển trái phép vào sâu trong nội địa để tiêu thụ.
3. Nâng cao hiệu quả phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong giai đoạn tới
Thứ nhất, thường xuyên rà soát, phân tích các “lỗ hổng” pháp luật, từ đó phát hiện và đề nghị xóa bỏ tối đa các “lỗ hổng” đó nhằm ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại.
- Theo quy định của Luật Hải quan năm 2014 thì địa bàn hoạt động hải quan đã bị bó hẹp chỉ còn trong khu vực cửa khẩu, cảng biển, cảng sông quốc tế và các địa điểm làm thủ tục hải quan trong nội địa, trong khi nhiệm vụ của cơ quan hải quan là kiểm soát biên giới, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới thường diễn ra ở những nơi hẻo lánh, đi lại khó khăn, chưa bao quát hết các tuyến đường vận chuyển hàng lậu trong nội địa. Do đó, Luật Hải quan năm 2014 cần mở rộng phạm vi địa bàn hoạt động hải quan theo hướng: Địa bàn hoạt động hải quan được xác định đối với tuyến đường bộ, đường biển bao gồm toàn bộ địa giới hành chính cấp xã (xã, phường, thị trấn) tiếp giáp với nước láng giềng, nơi có cảng biển, cửa biển. Hoặc có thể xác định địa bàn trong hoạt động điều tra hình sự của cơ quan hải quan thì địa bàn hoạt động hải quan bao gồm toàn bộ lãnh thổ quốc gia.
- Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Điều 9 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa có quy định về công đoạn gia công chế biến đơn giản nhưng không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa. Cần hoàn thiện các quy định pháp luật về nhãn hàng hóa tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 của Chính phủ do chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Nghị định số 31/2018/NĐ-CP đã đưa ra những căn cứ pháp lý cụ thể nhằm xác định một hàng hóa có xuất xứ Việt Nam nhưng không giải thích và hướng dẫn cụ thể về giả mạo xuất xứ Việt Nam khiến cơ quan hải quan gặp khó khăn trong việc áp dụng chế tài xử phạt một cách thống nhất. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa nên khái niệm “hàng Việt Nam” có thể được hiểu như hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc cũng có thể hiểu như hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. Vì vậy, những khái niệm này tuy có nội hàm hoàn toàn khác nhau nhưng thường xuyên gây ra nhầm lẫn trong thực tế.
Thứ hai, tăng nặng chế tài xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Để “dập tắt” động cơ buôn lậu, gian lận thương mại, Nhà nước cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự với các hành vi vi phạm có giá trị lớn gấp nhiều lần so với giá trị hàng hóa vi phạm, đồng thời đánh mạnh vào đạo đức của đối tượng. Vì vậy, cần cân nhắc quy định mức chế tài vi phạm theo mức xử phạt theo một tỷ lệ phần trăm nhất định trên giá trị lô hàng vi phạm để loại bỏ lợi nhuận của thương nhân, tăng tính răn đe[6].
Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho quần chúng nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Để công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại có hiệu quả thì cần có sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc tăng cường và làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quy định, quy trình thủ tục với những hình thức, biện pháp và nội dung phù hợp với quần chúng nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Công tác tuyên truyền phải chú trọng đến từng đối tượng, lựa chọn đúng nội dung, hình thức phong phú, hấp dẫn thiết thực với nhu cầu thông tin của nhân dân, cộng đồng, xã hội. Công tác tuyên truyền phải thực sự là “cầu nối” chuyển tải những thông tin của Đảng, Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia đẩy lùi nạn buôn lậu, gian lận thương mại. Vì vậy, cần tăng thời lượng, tần suất phát thanh, phát hình trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phát huy tối đa thế mạnh của báo, đài đối với hoạt động này.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, xu thế hợp tác trở nên phổ biến, là nhu cầu bức thiết không chỉ đối với Việt Nam mà còn là nhu cầu của các nước trên thế giới. Vì vậy, để triển khai có hiệu quả công tác này, cần thực hiện tốt một số biện pháp cụ thể sau:
- Thực hiện tốt việc hợp tác đặc biệt trong lĩnh vực hải quan với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên cơ sở thỏa thuận hợp tác song phương đã ký kết và phát huy vai trò đầu mối của Việt Nam tại Văn phòng tình báo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
- Chủ động kết nội với các quốc gia, vùng lãnh thổ khác để xúc tiến và nâng tầm mối quan hệ thông qua việc ký kết và thực hiện có hiệu quả các bản ghi nhớ chung, thỏa thuận phối hợp, hợp tác…
Thứ năm, triển khai thực hiện công tác thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ, đặc biệt là nghiệp vụ hải quan có hiệu quả. Đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại là một trong những vấn đề quan trọng đặc biệt trong kế hoạch cải cách, hiện đại hóa hải quan. Bởi lẽ, đây là phương thức quản lý tiên tiến, đem lại lợi ích cho cả hải quan và doanh nghiệp. Việc áp dụng quản lý rủi ro cần sự hợp tác từ cả hai phía hải quan và doanh nghiệp. Ngành Hải quan thông qua áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro hỗ trợ tuân thủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Về phần mình, doanh nghiệp trong cơ chế áp dụng quản lý rủi ro cần tăng cường năng lực chấp hành pháp luật và hợp tác cung cấp, trao đổi thông tin với cơ quan hải quan để góp phần xây dựng môi trường tuân thủ pháp luật hải quan.
Thứ sáu, tích cực đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Để nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, cần thống nhất ban hành bản mô tả chức danh công việc trong tất cả các lĩnh vực chuyên môn của ngành. Trên cơ sở đó, tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể yêu cầu của từng bộ phận công tác về số lượng, chất lượng cán bộ. Từ đó, mới có kế hoạch đào tạo, đào tại lại, tuyển dụng mới, điều chuyển để phù hợp từng lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có lĩnh vực kiểm tra thông quan và kiểm soát hải quan. Ngoài chuyên môn thì cần quan tâm thường xuyên giáo dục ý thức trách nhiệm, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, rèn luyện ý chí và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ hải quan nói chung và cán bộ làm công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại nói riêng. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm của các cán bộ, công chức. Thực hiện nghiêm túc quy định về chống tham nhũng để phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực trong hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Thứ bảy, một số giải pháp khác như:
Cần phối hợp chặt chẽ các bộ phận trong Ngành Hải quan và giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Lực lượng hải quan đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Vì vậy, cần thường xuyên có sự trao đổi thông tin về những âm mưu, phương thức, thủ đoạn của bọn buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới và các loại tội phạm khác diễn ra tại các cửa khẩu, biên giới, cảng biển. Vì vậy, ngoài việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hải quan cấp trên với cấp dưới thì cần đặc biệt chú ý sự phối hợp giữa lực lượng kiểm tra sau thông quan và lực lượng kiểm soát hải quan. Ngoài ra, việc tăng cường phối hợp giữa lực lượng hải quan với các lực lượng chức năng khác cùng phối hợp trong hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại như Bộ đội biên phòng, Tổng cục cảnh sát và lực lượng quản lý thị trường…
Cần nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát công khai trong quá trình làm thủ tục hải quan và trang thiết bị cho lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, gian lận thương mại như: Hình thành các địa điểm kiểm tra hải quan tập trung, đầu tư trang thiết bị phương tiện kiểm tra, kiểm soát hiện đại…./.
Phạm Minh Hải
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước
[1]. Đồng Thị Kim Thoa (2021), Gian lận thương mại trong thương mại quốc tế - Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn, Tạp chí Nghề luật, số 11/2021, tr. 75.
[2]. Trung tâm WTO, Cảnh báo gì khi Việt Nam bị kiện tới 20 vụ chống lẩn tránh thuế?, theo trang: https://trungtamwto.vn/hiep-dinh-khac/14715-canh-bao-gi-khi-viet-nam-bi-kien-toi-20-vu-chong-lan-tranh-thue, truy cập ngày 12/6/2024.
[3]. Nguyễn Hằng (2024), Chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn nhiều thách thức, theo trang: https://vov.vn/thi-truong/chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-van-con-nhieu-thach-thuc-post1074609.vov, truy cập ngày 12/6/2024.
[4]. Kim Dung (2024), Đẩy mạnh ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, theo trang: https://dangcongsan.vn/kinh-te/day-manh-ngan-chan-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-657682.html, truy cập ngày 12/6/2024.
[5].Xem:https://thoibaotaichinhvietnam.vn/muon-hinh-van-trang-gian-lan-tren-moi-truong-thuong-mai-dien-tu-135955-135955.html, truy cập ngày 20/4/2024.
[6]. Trần Việt Dũng (2023), Gian lận thương mại trong quá trình thực thi các hiệp định tự do thương mại: Những nguy cơ, rủi ro và giải pháp cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, số 01/2023, tr. 89.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 408), tháng 7/2024)