Hiến Pháp năm 2013 đã khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Nhà nước ta là nhà nước dân chủ, dân là chủ và dân làm chủ. Để giữ vững và phát huy được bản chất dân chủ XHCN, điều quan trọng hiện nay là phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý và xây dựng nhà nước mới có thể hoàn thành được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Gần 30 năm Đảng ta khởi xướng lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước; 18 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, 9 năm thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên cả nước đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém trong triển khai thực hiện: “Việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước, hương ước không ít nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao, chưa thành nền nếp. Một số xã, phường, thị trấn chưa làm tốt việc công khai, dân chủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá cả đền bù khi chuyển mục đích sử dụng đất, chính sách tái định cư. Không ít cơ quan thiếu công khai, dân chủ về quản lý thu, chi tài chính công, nâng lương, quy hoạch đào tạo, đề bạt cán bộ... Một số nơi nội bộ lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền mất đoàn kết; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được ngăn chặn kịp thời; tình hình khiếu kiện… diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của nhân dân đối với cấp uỷ, chính quyền
1. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi Pháp lệnh Thực hiện dân chủ cơ sở xã ,phường, thị trấn
Trên tinh thần Chỉ thị số 30 - CT/TW về “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Kết luận số 65-KL/TW ngày 04/3/2010 của Ban Bí thư Trung ương (khoá X). để phát huy những mặt tích cực, khắc phục những tồn tại, yếu kém tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hành pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong cả nước góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước vì mục tiêu “Dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là: đẩy mạnh thực hành dân chủ theo Tư tưởng Hồ Chí Minh ở cơ sở xã, phường, thị trấn.
Theo Người, “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”[4]. Dân chủ là dân làm chủ. “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”[5]. Người giải thích: dân là chủ thì nhà nước, chính phủ, mọi cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền phải hết lòng, hết sức tận tụy làm đầy tớ, công bộc trung thành của nhân dân. “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”[6]. Đó là mục tiêu rất rõ ràng, nhưng vì có cán bộ, đảng viên, công chức nhận thức chưa đầy đủ, phương pháp công tác dân vận chưa tốt, khi gặp mỗi công việc không biết tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu. Cho nên có những việc trực tiếp có lợi cho dân, muốn cho được việc, nên cán bộ chỉ làm theo cách ra mệnh lệnh, cưỡng bức, phạm vào thói quan liêu, quân phiệt. Kết quả là dân không hiểu, dân không đồng tình, công việc không đạt kết quả. Người dạy: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: Dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: Những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm”[6]. Theo Người, dân là gốc của nước, của cách mạng: “Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không nên”[6]. Bởi vậy, dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Dân chủ đối lập với quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Theo Người, làm việc với dân chúng có hai cách: "1. Làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh, ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng làm theo. Có nhiều cán bộ làm theo cách đó. Họ còn tự đắc cho rằng, làm theo cách đó họ vẫn làm tròn nhiệm vụ, làm được mau, lại không rầy rà. Họ quên rằng: Đảng ta và Chính phủ ta làm việc là làm cho dân chúng. Việc gì, cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm. Làm theo cách quan liêu đó thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công nhưng về mặt chính trị, là thất bại. 2. Làm theo cách quần chúng. Việc gì cũng hỏi ý kiến quần chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do đó dân chúng vui lòng mà ra sức làm. Như thế, có hơi phiền một chút, nhưng việc gì nhất định cũng thành công"[6]. Chính vì quan niệm như vậy, Người đã đưa ra kết luận: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”[7]. Bài học về phong cách quần chúng, thực hành dân chủ của Hồ Chí Minh thực sự có ý nghĩa to lớn, vận dụng vào tình hình mới. Đặc biệt là trong công tác vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Hai là: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
ệ thống pháp luật có vị trí và vai trò quan trọng trong việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân. Do đó để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước XHCN theo đúng nghĩa “của dân, do dân, vì dân” thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều quan trọng và cần thiết. Có thể hoàn thiện ở một số khía cạnh cơ bản sau:
- Sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện về mặt văn bản và tăng cường tính pháp lý, tính chế tài của pháp luật. Tính đến thực tế về trình độ nhận thức và tâm lý nông dân. Mọi văn bản liên quan tới việc thực hiện dân chủ cần quy định theo phương châm “ít lời, nhiều ý, ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ đánh giá”.
Xoá bỏ và có chế tài nghiêm khắc với “cơ chế xin - cho” trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng, đấu thầu, phân bổ dự án. Đó là đầu mối xuất hiện tham nhũng, bòn rút quỹ công, làm tổn hại lợi ích của dân chúng.
Ba là: đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã
Thực tế cho thấy, hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay còn nhiều mặt yếu kém, bất cập trong công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện và vận động quần chúng. Tình trạng tham nhũng, quan liêu, mất đoàn kết nội bộ, vừa vi phạm quyền làm chủ của dân, vừa không giữ đúng kỷ cương, phép nước xảy ra ở nhiều nơi, có những nơi nghiêm trọng. Chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận trong hệ thống chính trị chưa được xác định rành mạch, trách nhiệm không rõ; nội dung và phương thức hoạt động chậm đổi mới, còn nhiều biểu hiện của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Đội ngũ cán bộ cơ sở ít được đào tạo, bồi dưỡng; chính sách đối với cán bộ cơ sở còn chắp vá. để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở (cấp xã) cần:
- Đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng;
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước ở chính quyền cơ sở;
- Đổi mới và kiện toàn các đoàn thể chính trị - xã hội.
Bốn là: Bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Cán bộ là gốc của mọi vấn đề…”[3]. Để cán bộ, công chức nói chung và ở cấp xã nói riêng thực sự là “công bộc của dân” làm việc vì lợi ích của nhân dân và Nhà nước, góp phần xây dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước cần:
- Tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; tăng cường công tác giáo dục rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng đảng hiện nay”.
- Trẻ hoá đội ngũ, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở.
- Có chính sách, chế độ ưu đãi sát thực để thu hút người trẻ tuổi, có trình độ chuyên môn về công tác tại xã, phường, thị trấn.
Năm là: Nâng cao trình độ dân trí, nhận thức của các tầng lớp nhân dân
Nội dung trong Quy chế dân chủ ở cấp xã (nay là Pháp lệnh) chủ yếu xoay quanh vấn đề “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Để có thể biết, bàn, làm và kiểm tra thì người dân phải có trình độ nhận thức, có ý thức và sự giác ngộ chính trị, hiểu được nội dung, yêu cầu của những vấn đề đặt ra. Trình độ nhận thức của người dân quyết định việc tiếp nhận, xử lý thông tin, hiểu và tiếp thu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Vì vậy, nâng cao trình độ dân trí cũng như nhận thức của các tầng lớp nhân dân về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và về tầm quan trọng của việc thực hành dân chủ nói riêng là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi lẽ như câu nói “chèo thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” thì một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của người dân đối với sự phát triển của đất nước.
Vậy để thực hiện dân chủ ở cấp xã thực sự có hiệu quả, vấn đề quan trọng là nâng cao trình độ dân trí mọi mặt cho nhân dân (kiến thức về văn hóa, pháp luật, chính trị, kinh tế…). Muốn vậy, cùng với việc phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất phải đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục, đào tạo kiến thức phổ thông, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm trang bị kiến thức và năng lực làm chủ cho nhân dân đặc biệt là nông dân.
Sáu là: thực hiện dân chủ ở cấp xã gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Có thể nói đây là việc làm quan trọng nhất để đảm bảo lôi cuốn, thu hút quần chúng vào hoạt động chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể. Đem lại lợi ích cho dân là cách tốt nhất để làm cho Quy chế dân chủ có sức sống, để dân chủ là một giá trị thực tế chứ không dừng lại là một ước muốn, một nguyện vọng.
Việc triển khai Quy chế dân chủ không phải vì bản thân quy chế đó, càng không phải vì những câu, những chữ, những điều quy định này, những biện pháp kia mà chính vì làm cho dân chúng có được sự biến đổi cuộc sống hàng ngày, no đủ hơn, tiến bộ hơn, tức là vấn đề an sinh và an ninh cuộc sống của dân. Điều này có thể hiểu rằng, thực hiện dân chủ phải đạt tới mục đích cuối cùng là góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thắt chặt mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm cho nhân dân. Muốn làm được điều đó cần:
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng; tạo điều kiện thuận lợi giúp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án để tạo diện mạo mới cho các địa phương; trong những năm tiếp theo cần đẩy mạnh mở rộng nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới tại các xã, phường, thị trấn trên cả nước
- Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường…
- Thực hiện có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; giải quyết dứt điểm đơn thư tránh để tồn đọng và khiếu kiện vượt cấp.
2.Một số đề xuất để tiếp tực hoàn thiện nâng cao hiệu quả thực hành pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ sở xã,phường, thị trấn ở nước ta trong thời gian tới
Một là: Cần xây dựng chế tài xử lý những trường hợp vi phạm dân chủ, lợi dụng dân chủ gây mất ổn định an ninh chính trị địa phương.
Hai là: Cần tiến hành bầu cử trực tiếp các vị trí lãnh đạo ở cấp xã và tiến tới là ở cấp huyện để khẳng định hơn nữa quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân.
Ba là: Cần tách biệt những người giữ các chức vụ: Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. Thực tế hiện nay, phần lớn ở cấp xã Bí thư Đảng uỷ thường là Chủ tịch HĐND do đó nên tách riêng các chức danh để phù hợp với nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Bốn là: Tuy Hiến pháp và pháp luật có quy định người dân có quyền bãi nhiệm những thành viên do mình bầu khi không xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Nhưng trên thực tế chưa có cơ chế để người dân thực hiện quyền này. Vì vậy cần có quy định chặt chẽ về việc nhân dân tiến hành bãi nhiễm.
Năm là: Nhiệm kỳ của HĐND và UBND cấp xã cần xem xét, rút ngắn (vì thực tế ở một số nơi xảy ra tình trạng một số người đã có suy nghĩ rằng: nhiệm kỳ của mình là 05 năm nên trong thời gian đó có thể làm những việc này, việc khác có lợi cho bản thân...). Vì vậy việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã cần được tiến hành thường xuyên, công khai, dân chủ. Đồng thời nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của người dân đối với cả đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Và có thể dựa vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm từ dân với các chức danh làm cơ sở để người dân có thể bãi nhiệm những người không còn xứng đáng, làm căn cứ xếp loại cán bộ, công chức.
Sáu là: Nhà nước cần phải nhanh chóng xây dựng và ban hành luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện dân chủ triệt để nhất, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”
Tóm lại, để thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ngoài việc tuân thủ, quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thì muốn để cho “dân biết” thì phải công khai, minh bạch trong tất cả các công việc của các tổ chức Đảng, nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể, cũng như các cơ quan, đơn vị; muốn để cho "dân bàn" thì cơ quan, tổ chức và người lãnh đạo phải gần dân, "mở lòng" với nhân dân, tôn trọng ý kiến của nhân dân, thể hiện tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ. Đấy cũng là tinh thần "thật thà tự phê bình và phê bình" của những nhà lãnh đạo các cấp. Từ đấy, nhân dân mới được hỏi, được nói, được bàn bạc mọi việc cho đến thấu lí, vẹn tình; muốn để cho "dân làm", dân hăng hái tham gia các công việc của đất nước, của địa phương, tham gia quản lý xã hội, thì phải trên cơ sở "dân biết" và "dân bàn" thấu đáo; giám sát là khâu cuối của quy trình dân chủ trong quản lý nhà nước, có ý nghĩa quan trọng, không chỉ bảo đảm cho các quyết định quản lý đã thông qua được thực hiện chính xác, kịp thời mà còn góp phần khắc phục các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Có thể chắc chắn rằng những giải pháp, đề xuất trên được thực hiện tốt thì không khí dân chủ ở cấp xã, phường, thị trấn sẽ có những bước tiến mới, sẽ khơi dậy tiềm năng trong nhân dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng là cách tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với dân, mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt.
Ủy ban nhân dân thị trấn Thanh Ba, Thanh Ba, Phú Thọ
1. Ban Dân vận Trung ương (1998), Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và vấn đề xây dựng Quy chế dân chủ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội;
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, hà nội, tr. 84-85;
3. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 269;
4. Hồ Chí Minh (2000), toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 515;
5. Hồ Chí Minh (2000), toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 452;
6. Hồ Chí Minh (2000), toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 245, 246, 293, 294;
7. Hồ Chí Minh (2000), toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 249.