Một vấn đề đáng lo ngại là số tội phạm vị thành niên ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê, trong tổng số 94.300 tội phạm vị thành niên trên, số trẻ dưới 14 tuổi phạm tội chiếm tới 13%, trẻ từ 14 đến 16 tuổi phạm tội chiếm tới 34,7%. Thống kê trên cũng cho biết thêm, có đến trên 70% số đối tượng trong tổng số 94.300 đối tượng vị thành niên phạm tội là ở các thành thị, ở nông thôn chỉ chiếm 24%.
thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa tin những vụ án gây chấn động dư luận xã hội mà hung thủ là những người chưa thành niên. Thậm chí, không ít trong số đó phạm một lúc hai đến ba hành vi đặc biệt nguy hiểm như cướp của, giết người… Điều đó không chỉ gây ra sự hoang mang, lo lắng của các gia đình có con cái ở độ tuổi này mà còn là vấn đề đáng quan tâm của xã hội.
Vì vậy, việc làm rõ nguyên nhân chủ yếu của tình trạng phạm tội của người chưa thành niên để từ đó có biện pháp phòng ngừa thích hợp nhằm loại trừ tình trạng phạm tội của người chưa thành niên ra khỏi đời sống xã hội đang là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay.
Nói đến người chưa thành niên là nói đến những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Ở lứa tuổi này đang có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý cũng như tình cảm, nhân cách của trẻ. Những thay đổi ấy làm xuất hiện ở trẻ sự đòi hỏi được tôn trọng về nhân cách, thích độc lập, tự chủ. Trong độ tuổi này, các em dễ bị mất cân bằng, dễ bị kích động. Vì vậy, ở tuổi chưa thành niên, trẻ cần có sự quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ một cách khoa học. Nếu không quản lý, kiểm tra, giám sát hợp lý sẽ tạo điều kiện hình thành ở trẻ những hành vi thiếu chuẩn mực. Đó sẽ là nguyên nhân dẫn trẻ đến những hành vi vi phạm pháp luật và trở thành tội phạm.
Trong nhiều gia đình hiện nay, việc tổ chức đời sống gia đình, nuôi dạy con cái trong nhiều gia đình chưa được coi trọng, vẫn còn quan niệm “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, do đó, vấn đề thiếu sự quan tâm của cha mẹ là sự biện bạch cho việc thiếu trách nhiệm. Nếu trẻ bị bỏ rơi, thiếu sự quan tâm, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến việc hình thành nhân cách, là nguyên nhân khiến trẻ có những hành vi lệch chuẩn, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Có những bậc phụ huynh lại quá khắt khe với con cái, họ đặt ra những yêu cầu quá sức mà trẻ không thể thực hiện được, điều đó cũng là nguyên nhân hình thành nhân cách phức tạp ở trẻ. Nhiều gia đình chưa có sự thống nhất về mục tiêu, quan niệm và phương pháp xây dựng gia đình và giáo dục con cái, sự tác động của những tiêu cực trong đời sống gia đình sẽ gây ảnh hưởng xấu đến trẻ.
Gia đình là môi trường giáo dục tốt nhất giúp trẻ tiến bộ. Vì vậy, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc ngăn ngừa tình trạng người chưa thành niên phạm tội hiện nay, tác giả xin đưa ra một số giải pháp như sau:
Một là, trong gia đình, cha mẹ là “nhà giáo” đầu tiên khởi nguồn cho việc hình thành và phát triển ở trẻ những nét nhân cách phù hợp với yêu cầu của xã hội. Vì vậy, họ phải là những tấm gương mẫu mực trong cuộc sống hàng ngày. Cả cha và mẹ đều phải luôn cập nhật kiến thức về pháp luật và những hiểu biết về tâm lý của người chưa thành niên. Đồng thời, họ phải thấy rõ trách nhiệm của mình để có sự phối hợp giáo dục con cái một cách thống nhất.
Hai là, đẩy mạnh giáo dục lối sống cao đẹp, đúng đắn của các thành viên trong gia đình. Lối sống gia đình liên quan chặt chẽ với lối sống của cá nhân với tư cách là một thành viên gia đình. Vì vậy, nếu gia đình có lối sống tốt, có bầu không khí hòa thuận thì sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới lối sống cá nhân. Gia đình hiện đại phải là gia đình có văn hóa, có lối sống phù hợp với chuẩn mực xã hội, chuẩn mực pháp luật. Để đẩy mạnh giáo dục lối sống gia đình, có thể vận dụng các hình thức như: Giải thích cho trẻ những quy định của pháp luật, giá trị của những nét văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc; xây dựng những quy định, yêu cầu riêng cho lối sống gia đình và trẻ phải có trách nhiệm thực hiện. Bên cạnh đó, có thể tổ chức các hoạt động văn hóa trong gia đình dưới các hình thức như: Tham quan, du lịch, bình luận những việc làm, những tấm gương tốt…, hoạt động này nếu được quan tâm, tổ chức tốt sẽ là một giải pháp tốt cho việc giáo dục trẻ.
Trong giáo dục lối sống, cần chú ý giáo dục kỹ năng sống. Bởi vì, kỹ năng sống là cần thiết cho mọi người, nhất là trẻ em, kỹ năng sống giúp trẻ biết tự kiềm chế hành vi, tự điều chỉnh thái độ phù hợp với chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội. Mặt khác, khi trẻ có được kỹ năng sống tốt sẽ giúp các em tự tin hơn, bản lĩnh hơn để có thể đáp ứng với mọi tình huống nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày. Giáo dục kỹ năng sống là giáo dục các kỹ năng tự nhận thức, tự quyết định giải quyết, tự xây dựng kế hoạch rèn luyện cho bản thân…, khi trẻ được rèn luyện kỹ năng sống, sẽ là điều kiện tốt để tránh bị sa vào các hành vi tiêu cực.
Giáo dục có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm cho trẻ. Nếu ngay từ nhỏ, trẻ em được giáo dục và hình thành ý thức trách nhiệm đối với gia đình và được trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày thì khi lớn lên, các em sẽ có khả năng vượt qua được những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài. Để tăng cường vai trò của gia đình trong việc giáo dục ý thức, trách nhiệm cho người chưa thành niên, cần phải có những biện pháp giúp trẻ rèn luyện, thực hành trong giao tiếp, trong đời sống hàng ngày ở gia đình, cộng đồng, đó là:
- Giảng giải cho trẻ về bổn phận và trách nhiệm của người con trong gia đình. Bên cạnh đó, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, tâm sự với trẻ để có thể hiểu trẻ, qua đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình với tư cách là một thành viên của gia đình.
- Nêu gương những việc làm tốt của ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình nhằm giúp trẻ hiểu được ý nghĩa và giá trị của những việc làm đó, trẻ sẽ có ý thức làm theo các tấm gương đó để phát huy truyền thống gia đình, dòng họ.
- Xây dựng nề nếp sinh hoạt có kế hoạch, vui chơi, giúp đỡ gia đình theo kế hoạch cụ thể, hợp lý sẽ giúp trẻ có thói quen tốt trong cuộc sống, có ý thức hơn trong việc rèn luyện bản thân.
- Giao trách nhiệm vừa sức cho trẻ. Người chưa thành niên phải được tham gia vào các công việc và hoạt động của gia đình. Vấn đề là ở chỗ, cha mẹ phải định ra được những nhiệm vụ cụ thể, hợp với khả năng của trẻ và giao cho trẻ thực hiện, đồng thời có kế hoạch kiểm tra, uốn nắn để giúp trẻ thực hiện nhiệm vụ đầy đủ, có kết quả.
Như vậy, có thể nói, giáo dục người chưa thành niên để phòng ngừa tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật thì trách nhiệm trước tiên thuộc về giáo dục trong gia đình. Do vậy, các bậc cha mẹ cần phải quan tâm sát sao, tạo môi trường giáo dục lành mạnh cho trẻ, giúp trẻ hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt ngay từ trong gia đình. Đó sẽ là hành trang khẳng định chắc chắn rằng, thế hệ trẻ tương lai của đất nước sẽ trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn, trí tuệ hơn, góp phần giúp trẻ tự bảo vệ mình, tránh xa các tệ nạn xã hội và nguy cơ tiềm ẩn vi phạm pháp luật.
Công an thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ
Các tin khác
Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại Vướng mắc trong thụ lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và thụ lý ly hôn Biện pháp bảo đảm thi hành án và thực tiễn áp dụng Tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong trường hợp nào? Mối quan hệ giữa Toà án và Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự Bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu Hủy giấy chứng nhận kết hôn có coi là hủy hôn nhân trái pháp luật không? Xác định mục đích của nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2005