1. Tăng cường, nâng cao nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật
Pháp luật về lĩnh vực nội chính là mảng pháp luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, trong đó, đặc biệt chú trọng đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp… Vì vậy, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo chặt chẽ, toàn diện công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực này. Đảng lãnh đạo công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính thông qua việc: (i) Đề ra chủ trương, quan điểm, đường lối về tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính. (ii) Lãnh đạo thông qua công tác xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính. (iii) Lãnh đạo thông qua công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính.
2. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác ban hành văn bản, cho chủ trương, định hướng về tổ chức thi hành pháp luật
Thứ nhất, nghiên cứu, ban hành các chủ trương, định hướng về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước, cơ chế giám sát của cơ quan nhà nước và xã hội đối với công tác thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính.
Thứ hai, quy định cụ thể tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và xác định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan để thực hiện tốt công việc tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật trong lĩnh vực nội chính.
Thứ ba, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác rà soát, hệ thống quy phạm pháp luật về nội chính, giúp cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm, thực hiện các quy định của pháp luật cũng như bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.
Thứ tư, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về nội chính một cách thiết thực, hiệu quả.
Thứ năm, phát triển đồng bộ các dịch vụ pháp lý, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ pháp lý. Phát triển mạnh mẽ đội ngũ luật sư vững vàng, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp, đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp.
3. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thể chế hóa các chủ trương, định hướng về hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp... Sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp với thực tiễn triển khai công tác phòng, chống vi phạm, tội phạm, giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế.
Thứ hai, đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính trong việc đánh giá và phản ứng chính sách.
Pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính cần quan tâm đến biện pháp nâng cao năng lực thực thi pháp luật thông qua những quy định cụ thể về trách nhiệm đánh giá chính sách của các chủ thể tổ chức thực thi.
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan ban hành pháp luật, cơ quan tổ chức thi hành pháp luật và cơ quan bảo vệ pháp luật trong lĩnh vực nội chính.
Thước đo hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi pháp luật bao gồm nhiều tiêu chí khác nhau như: Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, kết quả tác động của văn bản đến các quan hệ xã hội được điều chỉnh, chi phí trong hoạt động xây dựng, ban hành, tổ chức và giám sát thực hiện. Do vậy, cơ chế phối hợp giữa cơ quan ban hành, cơ quan tổ chức thi hành pháp luật và cơ quan bảo vệ pháp luật có vai trò rất quan trọng nhằm bảo đảm hiệu lực của pháp luật. Trong thực thi pháp luật trong lĩnh vực nội chính, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp theo hướng kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội đối với hoạt động tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính là cơ sở để thẩm định, thẩm tra những chính sách mới trong lĩnh vực nội chính do Chính phủ, các cơ quan tư pháp trình. Bên cạnh đó, vai trò, cơ chế phối hợp của Tòa án trong việc đề nghị xem xét tính hợp pháp, tính hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật khi quy định của các văn bản quy phạm pháp luật đó được áp dụng để giải quyết các vụ việc cụ thể tại Tòa án, trên cơ sở đề nghị của Tòa án với tư cách là chủ thể có thẩm quyền tổ chức thi hành pháp luật, Quốc hội thực hiện quyền giám sát.
Thứ tư, quy định rõ trách nhiệm giải trình của các chủ thể tổ chức thi hành pháp luật làm cơ sở cho cơ chế giải trình của các chủ thể thi hành pháp luật trên mọi lĩnh vực, trong đó có pháp luật trong lĩnh vực nội chính.
Nội dung giải trình phải tập trung làm rõ tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật (tính kịp thời, thống nhất, đồng bộ); tình hình tuân thủ pháp luật của các chủ thể tổ chức thi hành và các đối tượng thi hành; đánh giá về tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật được tổ chức thi hành; các giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác tổ chức thi hành.
Thứ năm, quy định khung tiêu chí đánh giá năng lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực nội chính của đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo tác giả, tiêu chí đánh giá năng lực tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính của cán bộ, công chức trên 04 lĩnh vực cơ bản: (i) Năng lực đánh giá chính và phản ứng chính sách trong lĩnh vực nội chính; (ii) Năng lực soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; (iii) Trách nhiệm giải trình; (iv) Năng lực rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính.
Xây dựng tiêu chí cụ thể đánh giá năng lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực nội chính của đội ngũ cán bộ, công chức sẽ là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính; xây dựng các tiêu chí cụ thể, định lượng để xác định được mức độ thực thi pháp luật, cũng như đánh giá được chính xác, toàn diện hiệu quả, tác động của văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nội chính.
Thứ năm, hoàn thiện cơ chế pháp lý xem xét, xử lý đối với những vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính.
Cơ chế xem xét, xử lý vi phạm pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính được tiếp cận điều chỉnh ở hai góc độ: Xử lý vi phạm pháp luật đối với chủ thể tổ chức thi hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật đối với những hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình quản lý, tổ chức thi hành pháp luật. Đối với cơ chế xử lý vi phạm đối với chủ thể tổ chức thi hành pháp luật, pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính cần quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp… làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể, đồng thời, xác định rõ cơ chế xử lý vi phạm đối với từng hành vi đó.
4. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật
Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm…
Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc trung ương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tự thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; đưa nội dung kiểm tra, giám sát về tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Ba là, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình, hướng dẫn phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng thuộc thẩm quyền của các cấp ủy, tổ chức đảng về tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính.
5. Tăng cường, nâng cao hiệu quả trong lãnh đạo việc nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thi hành pháp luật
Một là, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tăng tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với kiểm tra, giám sát của Đảng, với giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
Hai là, tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ hoặc tổ chức không phù hợp; Chính phủ tập trung thực hiện quyền hành pháp; tổ chức thi hành pháp luật; tạo cơ chế gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, trong đó, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và điều kiện khác để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật.
Ba là, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phát triển đội ngũ luật sư và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của luật sư; mở rộng phạm vi xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về giám định tư pháp theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia hoạt động giám định. Xác định rõ cơ chế bảo đảm tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, độc lập chịu trách nhiệm về kết quả giám định của đội ngũ giám định viên.
Năm là, tăng cường đào tạo cán bộ làm công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính; tiếp tục đổi mới cơ chế thu hút, tuyển chọn người có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kiến thức xã hội vào làm việc trong các cơ quan nội chính; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Sáu là, về hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, nhân dân trong công tác tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính.
Bảy là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế phân bổ ngân sách, đầu tư kinh phí cho việc xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất; đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ hiện đại cho các cơ quan được giao thực hiện các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực nội chính.
Ban Nội chính Trung ương