Ngay khi Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc Hội thông qua ngày 20/6/2013, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp tham mưu triển khai và tổ chức thực hiện; kết quả xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở được đưa vào chương trình công tác tư pháp trọng tâm hàng năm và kế hoạch tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và thực hiện quy ước hàng năm. Qua triển khai và hướng dẫn thực hiện, Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các ban, ngành có liên quan đã thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Việc hướng dẫn kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện được thực hiện thông qua việc ban hành công văn hướng dẫn nghiệp vụ. Trong năm 2018, Phòng Tư pháp đã tiến hành kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở tại các tổ hòa giải trên cơ sở thực hiện Kế hoạch số 375/KH-PTP ngày 06/7/2018 của Trưởng Phòng Tư pháp về việc kiểm tra thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện năm 2018. Kết quả đã tiến hành kiểm tra các tổ hòa giải ở 08 xã, thị trấn là xã Hưng Thành, xã Hưng Hội, xã Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Hưng A, xã Châu Thới, xã Long Thạnh, xã Châu Hưng A, thị trấn Châu Hưng. Thông qua công tác kiểm tra, việc củng cố, kiện toàn tổ chức của các tổ hòa giải được bảo đảm về cơ cấu, thành phần, đúng thủ tục theo quy định của pháp luật, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở các ấp được phát huy, công tác phổ biến, quán triệt, hướng dẫn, phát hành tài liệu, tập huấn nghiệp vụ được triển khai kịp thời, số vụ việc hòa giải thành tăng cao (đạt trên 80%), công tác phối hợp giữa các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được gắn kết, mọi vụ việc được giải quyết đáp ứng nhu cầu đặt ra, góp phần tích cực trong việc giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, hạn chế xảy ra mâu thuẫn, xích mích kéo dài dẫn đến vi phạm pháp luật.
Về công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, ban, ngành trong công tác hòa giải ở cơ sở: Thực hiện Chương trình phối hợp số 02/CTPH-STP-MTTQ ngày 27/3/2013 giữa Sở Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu về củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên và tăng cường thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở (giai đoạn 2013 - 2016), Phòng Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phối hợp này về tổ chức của tổ hòa giải và tăng cường các hoạt động hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, hòa giải viên theo Luật Hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp còn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và một số các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015… đặc biệt là tổ chức thành công Hội thi hòa giải viên giỏi năm 2016. Công tác tổ chức phối hợp và phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả, từ khâu tuyên truyền, phổ biến, củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải, đến công tác tổ chức tiến hành hòa giải, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Huyện cũng đã kết hợp với Sở Tư pháp tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đại biểu là hòa giải viên thuộc tổ hòa giải ở các ấp và công chức tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc xã, công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên cung cấp các văn bản pháp luật, các thông tin pháp luật cho tổ hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, còn phối hợp với Sở Tư pháp cấp phát tài liệu nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, sổ tay pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở cho các tổ hòa giải trên địa bàn huyện, nhằm giúp cho đội ngũ hòa giải viên nắm vững kỹ năng, nghiệp vụ, quy trình các bước hòa giải trong quá trình thực hiện hòa giải ở cơ sở tại địa phương.
Về kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở: Việc nhận đơn và tiến hành hòa giải được thực hiện theo đúng quy định; các mẫu biểu hòa giải, nội dung biên bản thể hiện tương đối đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực tế phát sinh; hòa giải thành chiếm tỷ lệ cao góp phần hạn chế tình hình khiếu nại, khiếu kiện trong nhân nhân, tình làng nghĩa xóm được gắn kết, tình hình an ninh, trật tự ở địa phương được ổn định. Đối với một số vụ việc có tính chất phức tạp, Phòng Tư pháp cũng đã tham gia hòa giải hỗ trợ cho các tổ hòa giải. Về cấp Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở, Phòng Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp cấp Sổ cho tất cả các tổ hòa giải trên địa bàn, đồng thời hướng dẫn việc sử dụng và quản lý Sổ cho công chức tư pháp - hộ tịch, đến nay, các tổ hòa giải đều sử dụng Sổ theo đúng hướng dẫn sử dụng, ghi chép đúng quy định.
Về thực hiện việc công nhận hòa giải thành theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án lần đầu tiên được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, là điểm mới quan trọng, có ý nghĩa trong việc khuyến khích hòa giải, hạn chế tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Đây là thủ tục rất quan trọng và cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay và thông lệ quốc tế, nhằm khắc phục tình trạng sau khi các bên đã hòa giải theo quy định pháp luật nhưng không có cơ quan nào tổ chức thi hành kết quả hòa giải đó. Điều 416 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Kết quả vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải”. Qua đó, nếu muốn được Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành thì người yêu cầu làm đơn yêu cầu gửi Tòa án có thẩm quyền xem xét công nhận. Với quy định này, công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được triển khai thực hiện hiệu quả. Nhằm góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật về hòa giải theo quy định trong quá trình giải quyết vụ việc, huyện cũng đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu cấp phát tài liệu (tờ bướm) tìm hiểu một số quy định về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án cho các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn huyện chưa phát sinh thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: (i) Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc ở một số nơi chưa thực sự thường xuyên; (ii) Sự phối hợp giữa các các thành viên của Mặt trận Tổ quốc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ hòa giải có lúc chưa thực sự chặt chẽ; (iii) Công tác tuyên truyền, phổ biến về hòa giải ở cơ sở nhìn chung chưa được thực hiện thường xuyên; (iv) Năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ của một bộ phận hòa giải viên chưa sâu, ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế và đây là khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở; bên cạnh đó, đội ngũ hòa giải viên thường xuyên biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của công tác này; (v) Vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở; (vi) Kinh phí hoạt động vẫn còn thấp, chế độ đãi ngộ còn chậm, chưa kịp thời động viên, khích lệ hòa giải viên, chưa huy động được nguồn lực xã hội tham gia.
Thông qua việc đánh giá về những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân về thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương, có thể rút ra bài học kinh nghiệm:
- Hoạt động hòa giải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không bắt buộc áp đặt, do đó, để các hoạt động này ngày càng đạt hiệu quả cao, Ủy ban nhân dân các cấp cần thực hiện nhiều hình thức vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động hòa giải, có như vậy, các loại tranh chấp mới được giải quyết từ khi mới hình thành, nhằm góp phần giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, đồng thời giảm bớt áp lực khiếu kiện lên chính quyền địa phương.
- Thực tiễn cho thấy, hoạt động hòa giải ở cơ sở hiện nay vẫn đang còn nhiều khó khăn, ngoài tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình còn phải có trình độ về chuyên môn và uy tín… Tuy nhiên, nơi nào cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc quan tâm, biết phát huy sức mạnh của quần chúng, biết lắng nghe, tham khảo, học hỏi thì nơi đó hoạt động hòa giải ở cơ sở phát huy hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu, năm 2019.