Xác định việc hòa giải từ cơ sở giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng ban hành nhiều văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ hòa giải, đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật góp phần làm giảm phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, góp phần nâng cao khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định trật tự an toàn trên địa bàn thành phố. Với nhiều mô hình, cách làm độc đáo, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn thành phố Hà Nội trung bình hàng năm đều đạt trên 80%.
Cụ thể, theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội gửi Bộ Tư pháp về sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp công tác 06 tháng cuối năm 2023, đối với công tác hòa giải ở cơ sở, toàn thành phố hiện có 4.994 Tổ hòa giải với tổng số 32.101 hòa giải viên, trong đó có 3.001/4.994 Tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (chiếm 60,09%).
“Tổ hòa giải 5 tốt” tại Hà Nội có 5 tiêu chí gồm: (i) Phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành từ 90% trở lên; (ii) Phối hợp tốt giữa Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở cơ sở, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; (iii) Được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng cho hòa giải viên; (iv) Được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật; (v) Định kỳ giao ban 06 tháng, hằng năm trao đổi kinh nghiệm hòa giải, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải; ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định.
Việc đưa ra 5 tiêu chí trên đã gắn trách nhiệm của chính quyền và hòa giải viên trong công tác hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn thành phố tăng cao qua từng năm. Nhiều đơn vị tích cực duy trì và triển khai mô hình này và đạt được tỷ lệ hòa giải thành cao như các quận Long Biên (100%), Nam Từ Liêm (98,48%), Ba Đình (95,56%), Hoàng Mai (93,22%), ...
Trong 06 tháng đầu năm, toàn thành phố đã tiếp nhận tổng số 1.639 vụ việc hòa giải, đã tiến hành hòa giải thành 1.334/1.544 vụ việc (đạt tỷ lệ 86,4%), 95 vụ việc đang tiến hành hòa giải. Bên cạnh đó, trong 06 tháng đầu năm 2023, Thành phố đã tổ chức cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức nâng cao kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên và vị thế của hòa giải viên trên địa bàn thành phố.
Về kết quả thực hiện các quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã hoàn thành thủ tục công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; có 556/579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,03%. Trong đó, nhiều quận, huyện, thị xã có số phường, xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 100%.
Tiếp tục phát huy những kết quả nổi bật trên, thành phố đặt ra các giải pháp trong 06 tháng cuối năm 2023 với mục tiêu hoàn thành suất xắc nhiệm vụ được giao, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở để từng bước hình thành thói quen sử dụng phương thức này trong giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Khuyến khích các cấp ủy, chính quyền quan tâm hơn về công tác này. Đồng thời, tiếp tục phát huy sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, gắn kết được người dân và chính quyền trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố.
Thứ hai, tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành, chất lượng công tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là công tác hòa giải ở cơ sở.
Thứ ba, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên để nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải. Đồng thời, các cấp cần quan tâm hơn nữa tới công tác khen thưởng đối với đội ngũ hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở để kịp thời khuyến khích, động viên các hòa giải viên, tổ hòa giải có thành tích tốt.
Thứ tư, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử” và Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bản thành phố.
Cùng với lĩnh vực hòa giải ở cơ sở, thành phố Hà Nội cũng sẽ chú trọng thực hiện tốt công tác giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ công dân; triển khai hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước… tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối làm việc của ngành Tư pháp Thủ đô./.
Diệp Linh
(Trích Báo cáo số 227/BC-UBND ngày 30/6/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2023).