1. Những kết quả đạt được
Sau 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP) trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đến nay, công tác này đã đi vào nề nếp và đạt được một số kết quả cụ thể như sau:
Một là, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành 08 kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn; 06 kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, 01 kế hoạch sơ kết 03 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Hàng năm, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã cũng ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật để báo cáo, thống kê theo quy định.
Hai là, tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật cho trên 2000 người; 06 buổi hội thảo, tọa đàm về “Thực trạng công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn Thành phố Hà Nội và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn Thành phố Hà Nội” với sự tham gia của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp, đại diện Lãnh đạo một số sở, ban, ngành của Thành phố, cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn như: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Công an Thành phố; đại diện một số tổ chức như Đoàn Luật sư Thành phố, Hội Luật gia Thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số tổ chức hành nghề luật sư, cán bộ, công chức làm công tác pháp chế của các sở, ngành của Thành phố và đại diện Lãnh đạo phòng, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện như tư pháp, văn phòng, tài chính, thanh tra, tài nguyên và môi trường…; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cũng đã tổ chức trên 2000 hội nghị tập huấn, tuyên truyền.
Ba là, thực hiện “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018 - 2022”, năm 2019, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 973 cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật (trong đó, Sở Tư pháp có 02; các sở, ban, ngành có 223; Ủy ban nhân dân cấp huyện có 739).
Bốn là, tổ chức 13 đoàn kiểm tra, điều tra khảo sát tình hình thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thi hành pháp luật đối với lĩnh vực trọng tâm.
Năm là, thông qua hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Ủy ban nhân dân Thành phố đã có nhiều báo cáo, kiến nghị đến Bộ Tư pháp và các bộ, ngành để hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, hợp hiến, hợp pháp trong thi hành pháp luật, từng bước cải tiến việc tổ chức thi hành pháp luật tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn.
Sáu là, đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các cấp từng bước đáp ứng yêu cầu của công việc, Lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp đã nhận thức được vai trò, hiệu quả của công tác này trong thi hành và hoàn thiện pháp luật.
Bảy là, trên cơ sở kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo từng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo, đề xuất, kiến nghị đối với Bộ Tư pháp, cơ quan có thẩm quyền để xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật các lĩnh vực: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng cháy, chữa cháy; giao rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
2. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
2.1. Về thể chế
- Việc tổ chức thi hành pháp luật hiện nay chưa được luật hóa, nội dung tổ chức thi hành pháp luật được quy định tại nhiều văn bản thuộc lĩnh vực khác nhau nên việc triển khai ở một số ngành, lĩnh vực chưa kịp thời. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (Nghị định số 32/2020/NĐ-CP) có một số nội dung chưa bảo đảm tính khả thi, thống nhất cả về phạm vi, hình thức và đối tượng thực hiện; một số quy định còn chung chung như: Phương thức kiểm tra tình hình thi hành pháp luật chưa được quy định cụ thể, chưa có phương pháp kiểm chứng, đánh giá thực tiễn và ứng dụng việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật vào công tác quản lý nhà nước tại địa phương, chưa quy định cụ thể thẩm quyền và cơ chế xử lý của đoàn kiểm tra với các hành vi vi phạm được phát hiện qua kiểm tra, chỉ dừng lại ở mức kiến nghị nên chưa tạo được điểm nhấn cho công tác theo dõi thi hành pháp luật; nội hàm của hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật chưa được xác định rõ.
- Việc thực hiện nhiệm vụ thống kê, báo cáo định kỳ theo quy định, số lượng, biểu mẫu thống kê về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật có nhiều nội dung thống kê còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết nên các cơ quan, đơn vị, địa phương có nơi, có lúc còn lúng túng trong công tác này.
- Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định về trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp chưa cụ thể, chưa gắn với chức năng, nhiệm vụ riêng của từng ngành.
- Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định tương đối cụ thể về cơ chế theo dõi thi hành pháp luật, nội dung, hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, công tác quản lý nhà nước, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, một số nội dung còn chưa có quy định đầy đủ như: Tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật; kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý liên ngành; tiêu chí cộng tác viên, các biểu mẫu về kiểm tra, điều tra, khảo sát…
- Điều 19 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định: “Kinh phí cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của cơ quan, đơn vị thuộc cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan, đơn vị. Việc lập dự toán, phân bổ kinh phí được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành”. Tuy nhiên, thực tiễn vận dụng còn gặp nhiều khó khăn do Nghị định này chỉ xác định về mặt nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể về nội dung chi, định mức chi đặc thù và cũng không giao cho cơ quan có liên quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng chung.
- Tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 32/2020/NĐ-CP quy định: “Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chậm nhất vào ngày 10 tháng 12 của kỳ báo cáo. Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 01 tháng 12 của năm trước kỳ báo cáo đến ngày 30 tháng 11 của kỳ báo cáo. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện việc báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp”. Như vậy, thời gian để làm báo cáo và tổng hợp báo cáo chỉ là 09 ngày (từ cấp xã lên cấp huyện, cấp tỉnh và trung ương), không đủ thời gian để tổng hợp báo cáo trên phạm vi của tỉnh, thành phố.
2.2. Về tổ chức thực hiện
- Đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn Thành phố còn hạn chế về số lượng trong bối cảnh tinh giảm biên chế; việc bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật đa số là kiêm nhiệm, do đó, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
- Việc hướng dẫn về lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa kịp thời, do đó, ảnh hưởng một phần đến hiệu quả hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
- Thực tiễn triển khai thực hiện vẫn còn tình trạng Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật, coi đây là nhiệm vụ riêng của Ngành Tư pháp nên chưa thực sự quan tâm triển khai đầy đủ đến các bộ phận, phòng, ban ngành khác thuộc thẩm quyền quản lý.
- Hình thức tham gia các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức còn hạn chế, chủ yếu là cung cấp thông tin khi được Cơ quan Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân các cấp đề nghị; việc huy đông cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật còn hạn chế.
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động theo dõi thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế và chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
2.3. Nguyên nhân
- Nguyên nhân khách quan: Hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật có tính chất phức tạp, đối tượng điều chỉnh liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP còn gặp nhiều khó khăn do thiếu hướng dẫn cụ thể, nhiều nội dung còn chung chung; việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về theo dõi tình hình thi hành pháp luật chưa được kịp thời.
- Nguyên nhân chủ quan: Một bộ phận cán bộ, công chức làm nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở một số đơn vị có thời gian công tác và kinh nghiệm chưa nhiều, hoặc do mới được tuyển dụng và luân chuyển, điều động công tác nên việc chủ động tham mưu, đề xuất để triển khai thực hiện nhiệm vụ này có lúc, có nơi vẫn còn lúng túng, hạn chế…
3. Một số kiến nghị
Một là, Bộ Tư pháp cần tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP để khắc phục những tồn tại hạn chế đã nêu; điều chỉnh thời điểm báo cáo và mốc báo cáo công tác theo dõi thi hành pháp luật theo mốc báo cáo thống kê Ngành Tư pháp để thuận tiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổng hợp và xây dựng báo cáo hàng năm. Nghiên cứu chế độ báo cáo, thống kê theo dõi thi hành pháp luật đơn giản, hiệu quả theo hướng số hóa dữ liệu báo cáo hàng năm; chỉ nên báo cáo đối những việc thi hành pháp luật trọng tâm thay vì báo cáo chung tất cả các lĩnh vực như hiện nay, tránh việc báo cáo dàn trải, không sâu, không phản ánh được đúng thực trạng. Tiếp tục quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại các bộ, ngành và địa phương, trong đó cần chú trọng về kỹ năng triển khai các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật.
Hai là, Bộ Tài chính cần nghiên cứu ban hành thông tư quy định vấn đề kinh phí dành cho công tác theo dõi thi hành pháp luật, hiện chỉ có Công văn số 225/BTC-HCSN ngày 07/1/2020 về việc hướng dẫn kinh phí bảo đảm thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật nên còn gặp khó khăn trong việc lập dự toán kinh phí hàng năm trong công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Ba là, kể từ khi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ có tính chất phức tạp, có phạm vi rộng liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương; hơn nữa, trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo Nghị định số 59/2012/NĐ-CP thì thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do nhiều quy định còn chung chung mà thiếu hướng dẫn, quy định cụ thể. Về lâu dài, để công tác theo dõi thi hành pháp luật thực sự phát huy được vai trò trong đời sống xã hội và có thể thực hiện một cách dễ dàng, thuận lợi ở tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cần nghiên cứu, xây dựng một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, trong đó cần phân định rõ thẩm quyền theo dõi thi hành pháp luật của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực và cơ quan có thẩm quyền theo dõi chung; xác định rõ phạm vi, mục đích của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu để đánh giá về tình hình thi hành pháp luật; quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, đoàn kiểm tra trong theo dõi thi hành pháp luật; quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị của đoàn kiểm tra, cơ quan theo dõi tình hình thi hành pháp luật; cơ chế theo dõi tình hình thi hành pháp luật; cơ chế huy động sự tham gia của các tổ chức nghề nghiệp, huy động cộng tác viên trong theo dõi thi hành pháp luật…
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Nhiều quy định mới về quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 19/02/2025, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Ban...
Khung pháp lý thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu bài viết “Khung pháp lý thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” trong ấn phẩm 200 trang “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo” xuất bản năm 2025.
Giải pháp khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu bài viết “Giải pháp khắc phục tình...
Một số hạn chế trong quy định pháp luật về thành lập và ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu bài viết “Một số hạn chế trong quy định pháp luật về thành lập và ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” trong ấn phẩm 200 trang “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo” xuất bản năm 2025.
Một số hạn chế trong quy định pháp luật gây cản trở đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu bài viết “Một số hạn chế trong quy định pháp luật gây cản trở đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện” trong ấn phẩm 200 trang “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo” xuất bản năm 2025.