1. Về một số trình tự thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự cần được cải cách
1.1. Theo qui định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, thì khoản nộp ngân sách nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động ra quyết định thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định; Thời hạn ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án. Nếu người có đơn yêu cầu thi hành không nộp đơn yêu cầu thi hành án cùng thời điểm Toà án chuyển giao bản án thì việc tổ chức thi hành án đối với một người vừa có khoản phải thi hành án chủ động vừa có khoản phải thi hành án theo đơn yêu cầu, thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra 02 quyết định thi hành án không trùng thời điểm, vì thế chấp hành viên phải tổ chức thi hành 02 lần đối với một người phải thi hành án trong cùng một bản án, quyết định, vừa mất thời gian vừa tốn công sức.
1.2. Điều 36 Luật Thi hành án dân sự qui định: Đơn yêu cầu thi hành án phải có nội dung chính là “… Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án”; Tại khoản 1 Điều 44 qui định: “… Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh…”; Điều 6 Nghị Định số 58/2009/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự qui định: “...Người được thi hành án khi yêu cầu chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án nhưng không có kết quả. Việc xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân được coi là không có kết quả khi người được thi hành án hoặc người được ủy quyền chứng minh đã trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản nhưng đã quá thời hạn 01 tháng, kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không có lý do chính đáng”.
Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án là một nội dung chính trong đơn yêu cầu thi hành án, nếu đơn yêu cầu không có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án mà cơ quan thi hành án dân sự vẫn thụ lý là không chấp hành đúng qui định trên đây, nhưng vẫn phải nhận đơn yêu cầu, không được từ chối, vì những trường hợp được từ chối nhận đơn yêu cầu tại Điều 34 Luật Thi hành án dân sự không có qui định trường hợp trong đơn yêu cầu không có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án. Trong thực tế không ít người nộp đơn yêu cầu thi hành án không có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án, nhất là những người được thi hành trong những việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, không cư trú cùng nơi với người phải thi hành án. Không ít người không biết quyền và nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án, đến khi cơ quan thi hành án dân sự có thông báo bổ sung thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành và hướng dẫn thực hiện quyền và nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án, thì người được thi hành án mới tiến hành xác minh hoặc có đơn yêu cầu xác minh.
1.3. Điều 39 Luật Thi hành án dân sự qui định: “Quyết định về thi hành án… phải thông báo cho đương sự… Thông báo phải thực hiện trong 03 ngày làm việc kể từ ngày ra văn bản…”; Tại Điều 44 qui định: “…Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án chấp hành viên phải tiến hành xác minh…”; Tại Điều 45, 46 qui định: “… Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án… Hết thời hạn này người phải thi hành án có điều kiện thi hành mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế”.
Với các qui định này cho thấy, trong thời hạn không quá 18 ngày kể từ ngày Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành mà không tự nguyện thi hành thì chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Nhưng tại Điều 4, Điều 5 Thông tư ngày 03/2012/TTLT- BTP- BCA của Bộ Tư pháp và Bộ Công an qui định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự, quy định về thời hạn phối hợp xây dựng kế hoạch cưỡng chế và phối hợp xây dựng kế hoạch và phương án bảo vệ cưỡng chế quá dài, phải mất khoảng 20 ngày kế hoạch cưỡng chế mới được ban hành, ngoài ra còn có thời gian bị kéo dài trong trường hợp qui định tại khoản 3 Điều 4 “trường hợp cơ quan cùng cấp có ý kiến khác nhau... Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự tổ chức cuộc họp với đại diện cơ quan công an cùng cấp…”.
1.4. Khoản 1 Điều 28 Luật Thi hành án dân sự qui định: “… Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật”, bản án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị cũng phải mất 30 ngày kể từ ngày tuyên án mới có hiệu lực; Thời gian để người được thi hành án không có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án, không tự mình xác minh được, thực hiện được quyền yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án để bổ sung thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án vào đơn yêu cầu thi hành án ít nhất 01 tháng. Như vậy, kể từ khi Toà tuyên án cho đến khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra được quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu trong trường hợp này cũng phải mất thời gian khoảng 03 tháng.
Có thể nói người phải thi hành án phần lớn không phải là người có ý thức tuân thủ pháp luật tốt. Đối với người có điều kiện thi hành án dân sự thì việc tẩu tán tài sản để trốn tránh việc thi hành án trong thời gian từ khi Toà tuyên án cho đến khi có quyết định về thi hành án là điều dễ thấy, thậm chí còn tẩu tán tài sản ở giai đoạn trước khi Toà tuyên án, cá biệt còn có trường hợp bán tháo tài sản, không lo khắc phục hậu quả do mình gây ra, mà chỉ lo “chạy” để giảm nhẹ hình phạt, hoặc để được thắng kiện, v.v...
Vì vậy, để rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, giảm bớt một số thủ tục hành chính có thể, giúp người được thi hành án kịp thời có đơn yêu cầu thi hành án có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án, chấp hành viên có thể kết hợp được việc thi hành án theo đơn yêu cầu đồng thời với việc thi hành án chủ động, kịp thời tổ chức thi hành án, hạn chế việc tẩu tán tài sản của người phải thi hành, là cần thiết.
2. Một số kinh nghiệm trong thi hành án dân sự mà Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh đã áp dụng
2.1. Tổ chức thi hành án 01 lần đối với một người vừa có khoản phải thi hành án chủ động vừa có khoản phải thi hành án theo đơn yêu cầu đồng thời với việc khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành
Nhận được bản án quyết định có hiệu lực thi hành do Toà án chuyển đến, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự giao ngay cho chấp hành viên dự kiến phân công tổ chức thi hành, nghiên cứu kỹ án và ban hành văn bản hướng dẫn chấp hành án cho người có nghĩa vụ dân sự theo án tuyên, toàn bộ nghĩa vụ dân sự phải thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Chỉ dẫn cho người phải thi hành án địa chỉ cơ quan thi hành án có trách nhiệm tổ chức thi hành, khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành theo hướng có lợi cho người phải thi hành án, nội dung “nếu người phải thi hành án tự nguyện thi hành sớm thì không phải chịu lãi suất do Ngân hàng Nhà nước qui định tương ứng số tiền và thời gian chậm thi hành án, không bị áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế và phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án theo qui định tại Điều 66, 71, 73 Luật Thi hành án dân sự…”.
Đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, trong văn bản hướng dẫn “chấp hành án” có thêm nội dung “nếu người phải thi hành án tự nguyện thi hành là một tiêu chí để xây dựng hồ sơ xin miễn giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù…”.
Văn bản hướng dẫn “chấp hành án” được gửi cho người có nghĩa vụ phải chấp hành án; chính quyền địa phương, cơ quan tổ chức nơi người phải thi hành án cư trú công tác và gia đình người phải chấp hành án biết.
2.2. Kịp thời hướng dẫn người có quyền yêu cầu thi hành án làm đơn yêu cầu thi hành án có nội dung chính là “…Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án”, tự mình xác minh hoặc yêu cầu chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án
Đồng thời với việc hướng dẫn “chấp hành án” cho người có nghĩa vụ dân sự theo án tuyên, chấp hành viên hướng dẫn yêu cầu thi hành án cho người được quyền yêu cầu thi hành án theo thủ tục thi hành án dân sự, văn bản hướng dẫn yêu cầu thi hành án có nội dung:
- Theo bản án, quyết định… người được thi hành án có quyền thoả thuận về thi hành án, nếu thoả thuận đó không trái pháp luật và đạo đức xã hội, có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án… tổ chức thi hành; Đơn yêu cầu thi hành án phải có các nội dung chính là: Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu, tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu, họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án, nội dung yêu cầu thi hành án, thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
- Trường hợp người được thi hành án không có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án để ghi vào đơn yêu cầu thi hành án, thì có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án. Nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh và phải chịu các chi phí xác minh theo qui định tại Điều 73 Luật Thi hành án dân sự.
- Trường hợp người phải thi hành án, phải thi hành đồng thời cả khoản nghĩa vụ thi hành án theo đơn yêu cầu và nghĩa vụ thi hành án thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án thì hướng dẫn cho người có quyền yêu cầu thi hành án biết: Việc xác minh điều kiện thi hành án của đương sự được chấp hành viên chủ động tiến hành cho đến khi người phải thi hành án thi hành xong khoản nghĩa vụ thuộc diện chủ động. Kết quả xác minh tiếp tục được công nhận để tổ chức thi hành khoản nghĩa vụ theo đơn yêu cầu. Việc xác minh các tài sản tiếp theo của người phải thi hành án được tiến hành theo yêu cầu của người được thi hành án.
2.3. Kịp thời yêu cầu Uỷ ban nhân dân cấp xã, cơ quan tổ chức nơi người phải thi hành án cư trú, công tác, có trụ sở hoặc có tài sản; Cơ quan tổ chức được giao theo dõi quản lý người đang chấp hành án hình sự, phối hợp tổ chức thi hành án, khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành
- Ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn “chấp hành án”, văn bản gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường thị trấn nơi người phải thi hành án cư trú, công tác, có trụ sở hoặc có tài sản, đề nghị phối hợp thực hiện nhiệm vụ quyền hạn trong thi hành án dân sự theo qui định tại Điều 175 Luật Thi hành án dân sự. Cụ thể, phối hợp với chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong các việc: Tống đạt các văn bản về thi hành án cho người phải thi hành án, hoặc niêm yết tại nơi cư trú, lập biên bản giao nhận hoặc biên bản niêm yết và chuyển lại cho cơ quan thi hành án dân sự khi có yêu cầu; Triệu tập người phải thi hành án đến trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc trực tiếp đến nơi cư trú, nơi công tác để khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành. Phối hợp áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự. Nếu người phải thi hành án chưa chấp hành xong nghĩa vụ dân sự theo án tuyên mà có đăng ký biến động chuyển nhượng, chứng thực chuyển dịch tài sản thì yêu cầu phải thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án trước khi giải quyết việc đăng ký, chứng thực, kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự biết để kịp thời áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án.
- Đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thì ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn chấp hành án, văn bản đề nghị Giám thị Trại giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, đề nghị phối hợp thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo qui định tại Điều 180 Luật Thi hành án dân sự. Cụ thể đề nghị phối hợp với chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự, trong các việc: Giáo dục người đang chấp hành án hình sự thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Toà án; Nếu người phải thi hành án dân sự tự nguyện thi hành thì coi đó là một tiêu chí để đánh giá phân loại cải tạo tốt và lập hồ sơ đề nghị xét miễn giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù. Giúp chấp hành viên hỏi ghi lời khai thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án dân sự của người phải thi hành án và gửi lại cho chấp hành viên cơ quan thi hành án; Thực hiện việc thông báo giấy tờ về thi hành án dân sự cho người phải thi hành án khi có yêu cầu. Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thu tiền thi hành án của người phải thi hành án. Kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự về nơi cư trú của người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù, được đặc xá, được miễn chấp hành hình phạt tù.
Trong trường hợp Trại giam ở gần trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên trực tiếp vào trại được thì văn bản này còn có thêm nội dung đề nghị ban giám thị trại: Bố trí cho chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự được làm việc trực tiếp với người phải thi hành án tại trại, để thông báo trực tiếp các văn bản về thi hành án, khuyến khích tự nguyện thi hành và hỏi, ghi lời khai thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án.
2.4. Kết hợp thông báo quyết định thi hành án với phối hợp khuyến khích người phải thi hành tự nguyện thi hành, xác minh trực tiếp điều kiện thi hành án và xây dựng dự thảo kế hoạch cưỡng chế
- Ngay sau khi ra quyết định thi hành án, chấp hành viên trực tiếp đến tại nơi cư trú của người phải thi hành án, tiến hành đồng thời việc thông báo quyết định thi hành án, khuyến khích người phải thi hành tự nguyện thi hành và xác minh trực tiếp điều kiện thi hành án tại nơi cư trú, nơi có tài sản.
- Ngay sau khi có kết quả xác minh, chấp hành viên xây dựng luôn dự thảo kế hoạch cưỡng chế với các nội dung theo qui định tại Điều 72 Luật Thi hành án dân sự và dự trù chi phí cưỡng chế.
- Sau khi hoàn thiện dự thảo kế hoạch cưỡng chế và dự trù chi phí cưỡng chế, nếu người phải thi hành án vẫn không tự nguyện thi hành, chấp hành viên yêu cầu cơ quan công an cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người phải thi hành án cư trú, công tác, có trụ sở hoặc có tài sản, triệu tập người phải thi hành án đến trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc trực tiếp đến nơi cư trú, nơi công tác, tiếp tục khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành; Đồng thời thông báo cho người phải thi hành án biết việc chấp hành viên đã dự thảo kế hoạch cưỡng chế và dự trù chi phí cưỡng chế hết số tiền… Nếu người phải thi hành vẫn không tự nguyện thi hành thì ngay sau buổi làm việc này chấp hành viên sẽ phối hợp cơ quan công an cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp xã xây dựng và ban hành kế hoạch cưỡng chế thi hành án.
3. Kết quả áp dụng các giải pháp cải cách hành chính và khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành
Qua một số vụ cụ thể, chúng tôi xin nêu 02 vụ án sau đây chấp hành viên đã thi hành xong đồng thời 02 việc thi hành án chủ động và 12 việc thi hành án theo đơn yêu cầu, rút ra được nhiều kinh nghiệm cải cách thủ tục hành chính trong thi hành án dân sự và khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành:
Một là: Việc thi hành án đối với Công ty CPDVTM Thanh Hành
Bản án số 01/2011/KTST ngày 22/6/2011 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên: Buộc Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Thanh Hành có nghĩa vụ nộp án phí 6,760 triệu đồng, thanh toán cho Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng – Chi nhánh Hà Tĩnh (VPBank) số tiền 135,260 triệu đồng. Trong trường hợp Công ty CPDVTM Thanh Hành không có khả năng thanh toán nợ trên cho Ngân hàng VPBank thì ông Nguyễn Trọng Thắng và bà Trần Thị Vinh phải có nghĩa vụ thanh toán… Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, Ngân hàng VPbank có đơn yêu cầu thi hành án mà phía phải thi hành án chưa thi hành xong khoản tiền phải thi hành án thì phải chịu lãi suất quá hạn theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước qui định tương ứng với thời gian chậm thi hành án.
Sau khi nhận được văn bản hướng dẫn yêu cầu thi hành án Ngân hàng VPBank Chi nhánh Hà Tĩnh đến ngay Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh nộp đơn yêu cầu thi hành án, trong đơn yêu cầu có một số thông tin về tài sản và điều kiện thi hành án của Công ty CPDVTM Thanh Hành và đơn yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án. Cục Thi hành án dân sự tỉnh chấp nhận thụ lý đơn yêu cầu, tổ chức thi hành án đồng thời khoản thi hành án theo đơn yêu cầu và khoản thi hành án chủ động.
Sau khi nhận được văn bản hướng dẫn chấp hành án, Công ty CPDVTM Thanh Hành đến ngay Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh nộp đủ toàn bộ tiền án phí. Nhân sự có mặt của đại diện người phải thi hành án đến nộp án phí, chấp hành viên tiến hành luôn việc xác minh điều kiện thi hành án, hỏi và ghi lời khai của người đại diện về tài sản, điều kiện thi hành án và yêu cầu Công ty CPDVTM Thanh Hành gửi cho cơ quan thi hành án dân sự báo cáo tài chính. Đồng thời, chấp hành viên thông báo luôn Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu và khuyến khích Công ty CPDVTM Thanh Hành tự nguyện thi hành việc trả nợ cho Ngân hàng VPBank trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định thi hành án. Đến hết thời hạn tự nguyện thi hành, Công ty CPDVTM Thanh Hành nộp được bằng tiền mặt và tự vận chuyển hết toàn bộ tài sản còn lại của Công ty đến kho cơ quan thi hành án, tự nguyện để chấp hành viên xử lý hết tài sản, trả nợ cho Ngân hàng VPBank được 71,39 triệu đồng.
Xử lý hết tài sản của Công ty CPDVTM Thanh Hành nhưng vẫn không thu hết nợ cho Ngân hàng VPBank, chấp hành viên tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn chấp hành án cho ông Nguyễn Trọng Thắng và bà Trần Thị Vinh người có trách nhiệm thanh toán trong trường hợp Công ty CPDVTM Thanh Hành không còn khả năng thanh toán. Nhận được văn bản hướng dẫn này, ông Nguyễn Trọng Thắng và bà Trần Thị Vinh đã tự nguyện thực hiện hết nghĩa vụ của Công ty CPDVTM Thanh Hành phải trả nợ cho Ngân hàng VPBank Chi nhánh Hà Tĩnh.
Hai là: Việc thi hành án đối với ông Nguyễn Viết Đồng trú quán xóm 3B, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An
Bản án số 03/2012/HSST ngày 17/01/2012 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên: Bị cáo Nguyễn Viết Đồng phạm tội “Trộm cắp tài sản”; xử phạt Đồng 07 năm tù, thời hạn tù kể ngày 04/4/2011. Về nghĩa vụ dân sự, Nguyễn Viết Đồng phải nộp 6,730 triệu đồng án phí, tịch thu sung công quỹ 2,50 triệu đồng và bồi thường cho 08 người bị hại tổng số tiền 130,560 triệu đồng; Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà bị cáo chưa thi hành thì phải chịu lãi suất theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước qui định tương ứng với thời gian chậm thi hành án.
Sau khi nhận được văn bản hướng dẫn yêu cầu thi hành án 08 người bị hại kịp thời có đơn yêu cầu thi hành án và đơn yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án đối với Nguyễn Viết Đồng, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh chấp nhận thụ lý đơn yêu cầu; chấp hành viên tổ chức thi hành án đồng thời khoản thi hành án theo đơn yêu cầu và khoản thi hành án chủ động.
Người phải thi hành án Nguyễn Viết Đồng gia đình và tài sản có tại xóm 3B, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Theo qui định tại Điều 55 Luật Thi hành án dân sự thì Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh có quyền uỷ thác cho Chi cục thi hành án dân sự huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An tổ chức thi hành. Nhưng biết được thông tin Nguyễn Viết Đồng đang chấp hành hình phạt tù tại Trại giam Xuân Hà tỉnh Hà Tĩnh cách trụ sở Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh chừng 15km, nên chấp hành viên trực tiếp vào trại giam tống đạt văn bản hướng dẫn chấp hành án cho Nguyễn Viết Đồng, đồng thời khuyến khích Nguyễn Viết Đồng tự nguyện thi hành và hỏi ghi lời khai thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án. Sau khi đọc xong văn bản hướng dẫn chấp hành án, nghe chấp hành viên khuyến khích tự nguyện thi hành theo hướng có lợi, Nguyễn Viết Đồng xin chấp hành viên điện thoại về cho gia đình (vợ, chú và em trai) xin tiền và nhờ vay hộ để thi hành án. Em trai của Nguyễn Viết Đồng (ở xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An cách trụ sở cơ quan thi hành án chừng 150km) sau 02 ngày kể từ ngày gia đình nhận được văn bản hướng dẫn chấp hành án, đã đến Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh nộp đủ tiền án phí, tịch thu sung công và bồi thường cho các gia đình bị hại.
Từ những kinh nghiệm cải cách hành chính trong thi hành án dân sự và khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành trên đây, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh đã đưa vào Đề án “Tăng cường giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng” được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 1273QĐ – UBND ngày 03/5/2012. Trong nhóm giải pháp nâng cao năng lực quản lý nghiệp vụ và tổ chức thi hành án, có nội dung: Tích cực, kiên trì khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành, bằng nhiều biện pháp tác động về mặt tinh thần, tư tưởng, nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, làm cho người phải thi hành án nhận thức được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, từ đó lựa chọn biện pháp tự nguyện thi hành; Xác minh điều kiện thi hành án kịp thời, trực tiếp cụ thể điều kiện kinh tế, hiện trạng tài sản; Khai thác thông tin thông qua nhiều kênh như người thân, bạn bè, đồng nghiệp, khối phố, xóm, cơ quan đơn vị nơi người phải thi hành án cư trú, công tác, có tài sản, tại cơ quan đăng ký quyền sở hữu, đăng ký giao dịch bảo đảm v.v... Chủ động phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân cấp xã và các cơ quan tổ chức nơi người phải thi hành án cư trú, công tác, để khuyến khích tự nguyện thi hành, xác minh điều kiện thi hành án và áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án; Chủ động phối hợp với trại giam, trại tạm giam nơi có người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù; Trực tiếp hoặc có văn bản yêu cầu Ban giám thị trại hỗ trợ thuyết phục tự nguyện thi hành và ghi lời khai về điều kiện thi hành án.
Trên đây là một số kinh nghiệm cải cách hành chính trong công tác thi hành án dân sự và khuyến khích tự nguyện thi hành tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi xin mạnh dạn trao đổi để các đồng nghiệp cùng nghiên cứu áp dụng
Võ Thuần Nho
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh