Một số nội dung chính của 09 luật mới được thông qua:
1. Luật Phòng, chống tham nhũng
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 gồm 10 chương, với 96 điều, đã khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (đã được sửa đổi năm 2007 và 2012) như một số biện pháp còn mang tính hình thức, thiếu cơ chế bảo đảm thi hành và xử lý vi phạm pháp luật dẫn đến hiệu lực, hiệu quả của công tác này còn hạn chế. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn mới, đặc biệt là từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, kiểm soát có hiệu quả về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã đồng bộ với các quy định có liên quan trong các đạo luật quan trọng khác mới được Quốc hội thông qua như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và từng bước nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng.
So với Luật hiện hành, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã thay cụm từ “xử lý người có hành vi tham nhũng” bằng cụm từ “xử lý tham nhũng” nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Luật đã quy định việc áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, thể hiện tinh thần từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với khu vực ngoài nhà nước. Luật quy định trách nhiệm của tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nói chung trong việc quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh đó, về các hành vi tham nhũng, Luật đã quy định riêng về các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và các hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.
2. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 05 chương, 28 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó, một số quy định liên quan đến lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.
Về khái niệm bí mật nhà nước, Luật quy định bí mật nhà nước là thông tin quan trọng, do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Theo quy định của Luật, bí mật nhà nước có ba thuộc tính cơ bản: (i) Bí mật nhà nước là thông tin quan trọng; (ii) Là thông tin chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất sẽ gây nguy hại đến quốc gia, dân tộc; (iii) Phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định theo quy định của Luật này.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm; phạm vi bí mật nhà nước; danh mục bí mật nhà nước; thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; giải mật; hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước trong đó thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là quy định mới vì Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 và các văn bản trước khi có Pháp lệnh đều không quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước. Theo đó, thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ tuyệt mật là 30 năm, độ tối mật là 20 năm, độ mật là 10 năm, đây là quy định tiến bộ của Luật nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Khi hết thời hạn bảo vệ, nếu xét thấy việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ nêu trên.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 cũng quy định về hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
3. Luật Đặc xá
Luật Đặc xá năm 2018 gồm 06 chương, 39 điều, so với Luật Đặc xá năm 2007 tăng 03 điều (trong đó bỏ 03 điều, bổ sung 05 điều), sửa đổi, bổ sung 34 điều.
Về đặc xá nhân sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước được quy định trong 14 điều, chia thành 03 mục, quy định về trình tự, thủ tục trình Chủ tịch nước ban hành quyết định về đặc xá; công bố, thông báo, niêm yết quyết định về đặc xá; thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá, Tổ thẩm định liên ngành; điều kiện của người được đề nghị đặc xá; các trường hợp không được đề nghị đặc xá; quyền, nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các nội dung liên quan đến trình tự lập hồ sơ, danh sách người được đề nghị đặc xá; thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá; thẩm tra, duyệt, kiểm tra hồ sơ đề nghị đặc xá và trình Chủ tịch nước danh sách đề nghị đặc xá; thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá; quy định chi tiết, hướng dẫn về trình tự, thủ tục, lập danh sách, thẩm định, thẩm tra hồ sơ đề nghị đặc xá. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định đặc xá trong trường hợp đặc biệt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá; khiếu nại, tố cáo.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.
4. Luật Công an nhân dân
Luật Công an nhân dân năm 2018 gồm 07 chương, 46 điều. So với Luật Công an nhân dân năm 2014 đã tăng 01 điều (trong đó bỏ 02 điều, bổ sung 03 điều), sửa đổi, bổ sung 40 điều. Luật quy định cụ thể về các nội dung liên quan đến vị trí, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân; xây dựng Công an nhân dân; ngày truyền thống của Công an nhân dân; tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân; nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; chế độ phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân và công nhân công an; giám sát hoạt động của Công an nhân dân; quan hệ phối hợp giữa Quân đội nhân dân, Dân quan tự vệ với Công an nhân dân; trách nhiệm của Chính phủ và bộ, ngành trung ương đối với hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng Công an nhân dân; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp đối với hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng Công an nhân dân; trách nhiệm và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ Công an nhân dân.
Luật cũng quy định cụ thể về phân loại, bố trí sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân, hệ thống cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; đối tượng, điều kiện, thời hạn xét phong, thăng cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an; thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và thăng cấp bậc hàm vượt bậc; chức vụ, chức danh của sĩ quan công an; thẩm quyền thăng, phong, giáng, tước bậc hàm, nâng lương sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ; bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh trong Công an nhân dân; thủ tục phong, thăng, giáng, tước bậc hàm trong Công an nhân dân; điều động sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an; biệt phái sĩ quan Công an nhân dân; hạn tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, sĩ quan; nghĩa vị, trách nhiệm của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an và những việc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an không được làm.
Bên cạnh đó, Luật quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, tổ chức của Công an nhân dân; bảo đảm điều kiện hoạt động và chế độ chính sách đối với Công an nhân dân; khen thưởng và xử lý vi phạm; điều khoản thi hành.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.
5. Luật Cảnh sát biển Việt Nam
Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 gồm 08 chương, 41 điều, xác định rõ vị trí, vai trò của cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển. Luật cũng quy định rõ ràng, cụ thể về 07 nhóm nhiệm vụ, 10 quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; hợp tác quốc tế; phối hợp hoạt động; hệ thống tổ chức cơ bản của Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo Luật này, Cảnh sát biển Việt Nam có ba chức năng: (i) Tham mưu Bộ trưởng Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển; (ii) Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tái phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; (iii) Quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước Quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xác định chính sách ưu tiên nguồn lực xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tàu thuyền và phương tiện, trang bị kỹ thuật hiện đại tương xứng với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới.
Luật có hiệu lực thi hành từ 01/7/2019.
6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch
Luật được ban hành nhằm bảo đảm quy định của các luật có liên quan thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch. Việc xây dựng Luật dựa trên các quan điểm là thống nhất pháp luật điều chỉnh hoạt động quy hoạch, lấy Luật Quy hoạch làm gốc, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, chủ trương, đường lối của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 05 - NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 10 - NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 11 - NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm duy trì các mục tiêu về yêu cầu quản lý nhà nước của các cấp, các ngành và bảo đảm tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch bãi bỏ các quy định về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ (quy hoạch sản phẩm) đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đây chính là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh bảo đảm công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả. Việc bãi bỏ các quy định này không làm phát sinh thủ tục hành chính và không tạo ra khoảng trống pháp lý vì một số lĩnh vực không tiếp tục quản lý bằng quy hoạch mà quản lý bằng điều kiện đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Luật sửa đổi tên và loại quy hoạch để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Danh mục quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Phụ lục I và Danh mục quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành tại Phụ lục II Luật Quy hoạch. Các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong các luật chuyên ngành được quy định thống nhất và cụ thể về loại, cấp, phạm vi lập quy hoạch, nội dung cơ bản của quy hoạch; thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và đảm bảo không có sự trùng hợp về nội dung giữa các loại quy hoạch, thống nhất với tên gọi quy hoạch, tuân thủ nguyên tắc cơ bản của hoạt động quy hoạch được quy định tại Luật Quy hoạch. Luật cũng quy định chặt chẽ hơn về quy trình, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng để bảo đảm sự ổn định của hệ thống quy hoạch.
Luật bãi bỏ giấy phép quy hoạch xây dựng tại Luật Xây dựng, giấy phép quy hoạch đô thị và chứng chỉ quy hoạch tại Luật Quy hoạch đô thị.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01/1/2019.
7. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học năm 2018 gồm 03 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 36 điều, bổ sung mới 01 điều, bãi bỏ, thay thế một số cụm từ và chỉnh sửa một số điều về mặt kỹ thuật.
Theo quy định của Luật thì hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm đại học và trường đại học. Luật đã làm rõ vấn đề sở hữu; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục, thúc đẩy sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học tư thục; mở rộng phạm vi, nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học trong toàn hệ thống.
Chủ trương của Luật là tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng vẫn bảo đảm sự kiểm soát, hợp lý chất lượng đào tạo, chú trọng quản lý đối với các ngành liên quan đến sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh, quốc phòng.
Luật quy định Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cơ chế quản lý tài chính, tài sản được đổi mới đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở giáo dục đại học để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ. Nhà nước ban hành chính sách, chiến lược, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học; ban hành hệ thống chuẩn chất lượng, điều kiện đảm bảo chất lượng… để các trường tự thực hiện.
Luật có hiệu lực thi hành từ 01/7/2019.
8. Luật Trồng trọt
Luật Trồng trọt năm 2018 gồm 07 chương, 85 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2020. Luật quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm giống cây trồng.
Luật đã tạo khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, tạo nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, đảm bảo phát triển bền vững, an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.
9. Luật Chăn nuôi
Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 01/1/2020. Luật gồm 08 chương với 83 điều, quy định về hoạt động chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi.
Luật quy định các nguyên tắc hoạt động chăn nuôi trên tinh thần phát triển ngành chăn nuôi theo các chuỗi liên kết giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh và xã hội hóa tối đa tạo nguồn lực xã hội đầu tư vào chăn nuôi theo nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Xác định các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện việc kê khai chăn nuôi với chính quyền cấp xã vừa hỗ trợ cho hoạt động thống kê và tạo thói quen tốt để người chăn nuôi quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh chăn nuôi. Luật cũng cụ thể hóa các điều kiện sản xuất, kinh doanh như yêu cầu, điều kiện của một cơ sở chăn nuôi cần bảo đảm các yếu tố có liên quan đến an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và cân đối thị trường sản phẩm chăn nuôi.
Về con giống, thức ăn chăn nuôi cũng được quy định chặt chẽ theo tinh thần của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự công bố chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm trước người sử dụng và trước pháp luật.
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Quyết liệt áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 129/CĐ-TTg ngày 09/12/2024 về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử.
Quy định cụ thể, phù hợp ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh tránh tác động tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp
Đây là một nội dung mới, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp trong Luật số 56/2024/QH15 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - động lực vươn mình cho các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, xu thế chung của...
Xuất khẩu trực tuyến - “sân chơi mới” dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam
Chia sẻ tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon 2024 diễn ra ngày...
Bỏ hạn mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Đây là quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, quy định này nhằm tạo điều kiện để các cơ quan chủ động, linh hoạt khi áp dụng phương thức đối tác công tư trong từng dự án cụ thể.