Trách nhiệm hình sự của pháp nhân có thể hiểu là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân do luật hình sự quy định.
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ được áp dụng thông qua một trình tự thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định để đảm bảo tính khách quan, trung thực trong hoạt động tố tụng. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng phải được thể hiện rõ ràng trong bản án hay quyết định của Tòa án và một pháp nhận cũng chỉ bị coi là có tội khi bị kết án bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Bản án là cơ sở pháp lý khẳng định một pháp nhân có tội hay không, quy định các hình thức trách nhiệm hình sự mà pháp nhân phạm tội phải gánh chịu. Bản án hay quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật sẽ được đưa ra thi hành và có hiệu lực bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước và cũng như trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân sẽ được bảo đảm thi hành trên thực tế.
1. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại
Thứ nhất, về nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định việc xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội dựa trên bốn nguyên tắc sau đây: (1) Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; (2) Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; (3) Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; (4) Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra.
Việc quy định các nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội nêu trên thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời thể hiện sự mềm dẻo trong việc xử lý đối với từng loại pháp nhân phạm tội.
Thứ hai, về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định rõ 04 điều kiện để một pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, bao gồm: (i) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; (ii) hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (iii) hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; (iv) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
Thứ ba, về phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với:
(1) Một số tội trong Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) gồm: Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);
(2) Một số tội trong Chương các tội phạm về môi trường (Chương XIX) gồm: Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 243 (tội hủy hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).
Thứ tư, về chế tài áp dụng đối với pháp nhân thương mại
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm hình phạt theo hướng mở rộng chủ thể, Điều 30 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”.
Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã quy định cụ thể chế tài áp dụng đối với pháp nhân thương mại bao gồm: 03 hình phạt chính (Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn), 03 hình phạt bổ sung (Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính) và 04 biện pháp tư pháp (Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; Khôi phục lại tình trạng ban đầu; Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra). Cũng giống như cá nhân, đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Thứ năm, về căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Điều 83 Bộ luật Hình sự quy định: Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại.
Thứ sáu, về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Cũng giống như trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, Bộ luật Hình sự cũng đã quy định các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Việc quy định những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ này trong Bộ luật Hình sự năm 2015 thể hiện rõ được tính nghiêm khắc trong xử lý hành vi phạm tội của pháp nhân, cũng như thể hiện được tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời thể hiện được tính hợp lý và nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong xử lý tội phạm giữa hai loại chủ thể pháp luật hình sự là cá nhân và pháp nhân.
Thứ bảy, về quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, miễn hình phạt, xóa án tích đối với pháp nhân thương mại cũng được quy định cụ thể tại các Điều 85, 86, 87, 88 và 89 Bộ luật Hình sự năm 2015
Có thể nói, việc Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc thắt chặt hành lang pháp lý trong thời kỳ kinh tế Việt Nam hội nhập như hiện nay, đồng thời phù hợp với xu thế chung của thế giới, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm do pháp nhân thương mại gây ra.
2. Một số vấn đề cần trao đổi về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự năm 2015
Một là, hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với 02 nhóm tội phạm: Tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về môi trường. Đối với nhóm tội phạm khác thì trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân chưa được đặt ra như: Nhóm các tội xâm phạm an toàn công công, trật tự công cộng (tội tài trợ khủng bố hay tội rửa tiền...); nhóm các tội phạm về chức vụ (tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ...); tội phạm mua bán người... Những tội phạm này hoàn toàn có thể được thực hiện bởi các pháp nhân. Thực tiễn cho thấy, những tội phạm này hoàn toàn có thể được thực hiện bởi các pháp nhân. Trước đây, pháp luật hình sự nước ta chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân nên có thể đối với những tội phạm này chúng ta không quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại nhưng lại không áp dụng đối với tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố thì sẽ dẫn đến sự xung đột giữa quy định của Bộ luật Hình sự với một số công ước quốc tế về phòng chống tội phạm mà Việt Nam là thành viên như: Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng, Công ước chống tài trợ khủng bố, 40 Khuyến nghị của FATF về chống rửa tiền. Vì vậy, tác giải cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể nghiên cứu cân nhắc mở rộng phạm vi tội phạm mà pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố.
Hai là, theo phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì việc tội phạm được phân loại thành 04 loại gồm: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm; Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù; Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù; Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự thì chế tài xử lý đối với pháp nhân thương mại không có hình phạt tù. Vậy trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội bị áp dụng hình phạt thì dựa vào căn cứ nào để phân loại tội phạm trong trường hợp này đối với pháp nhân được phân loại là tội phạm gì (tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Vì vậy, tác giả cho rằng, cần phải quy định căn cứ để phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội.