1. Dẫn nhập
Công tác khám nghiệm hiện trường được xem là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình giải quyết vụ án hình sự, góp phần quyết định đến việc xác định bản chất của vụ án hình sự. Đặc biệt, trong các vụ án giết người, hiện trường thông thường để lại rất nhiều dấu vết, vật chứng có liên quan đến tội phạm, có giá trị lớn trong việc chứng minh tội phạm, đặc biệt là các dấu vết sinh học, thời gian tồn tại ngắn, dễ bị hư hỏng, phá hủy…, thì nếu như công tác khám nghiệm hiện trường không được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, khách quan và toàn diện thì quá trình điều tra, khám phá vụ án sẽ khó khăn sau này. Chính vì vậy, hoạt động khám nghiệm hiện trường cần được hoàn thiện cả trong việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật, các chiến thuật, lẫn trong phương pháp, quá trình phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản, đánh giá và khai thác giá trị thông tin từ các loại dấu vết, vật chứng cho quá trình điều tra, khám phá tội phạm. Nói cách khác, làm tốt công tác khám nghiệm hiện trường vụ án giết người chính là góp phần “để dấu vết lên tiếng” làm sáng tỏ sự việc đã xảy ra.
2. Khái quát về khám nghiệm hiện trường vụ án giết người
2.1. Khái niệm khám nghiệm hiện trường vụ án giết người
Theo Từ điển Bách khoa Công an nhân dân thì: “Khám nghiệm hiện trường là hoạt động điều tra được thực hiện tại nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án…”[1]. Như vậy, khám nghiệm hiện trường là một hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự được tiến hành tại hiện trường nhằm phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản, nghiên cứu, đánh giá dấu vết, vật chứng của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự xảy ra.
Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự) quy định: “Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án”.
Hiện trường các vụ án giết người, đây là loại hiện trường phức tạp, tồn tại nhiều loại dấu vết khác nhau, thậm chí kết hợp nhiều loại hiện trường trong một vụ án do các phương thức thủ đoạn hoạt động khác nhau để lại. Hiện trường vụ án giết người thường mang những đặc điểm như hiện trường tồn tại nhiều dấu vết sinh học, tập trung nhiều ở tử thi; các dấu vết, vật chứng xuất hiện và tồn tại ở hiện trường có người chết thường phản ánh động cơ, mục đích, tính chất và quá trình diễn biến của vụ việc; hiện trường có người chết thường có mùi hôi thối, thu hút đông người có mặt, dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh, phong tục tập quán, sự tò mò của những người xung quanh; nhiều vụ án giết người có dấu vết xuất hiện tại nhiều địa điểm, khu vực khác nhau do đối tượng tìm cách phi tang chứng cứ, tạo hiện trường giả, che giấu tội phạm…
Trên cơ sở phân tích khái niệm khám nghiệm hiện trường và hiện trường vụ án giết người, có thể hiểu khám hiện hiện trường vụ án giết người là hoạt động điều tra được tiến hành tại nơi xảy ra, nơi phát hiện các vụ án giết người nhằm phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản nghiên cứu, đánh giá dấu vết, vật chứng và các tình tiết có ý nghĩa với vụ án.
Trong các vụ án giết người, sự việc, hiện tượng xảy ra đều phản ánh hiện thực khách quan. Đó chính là những dấu vết vật chất, dấu vết tâm sinh lý được thu thập theo trình tự tố tụng hình sự sẽ trở thành những chứng cứ để chứng minh sự thật của vụ án, xác định tội phạm và người phạm tội. Do vậy, việc phát hiện, thu thập, bảo quản, nghiên cứu, đánh giá dấu vết, vật chứng ở loại hiện trường này cần được thực hiện một cách chính xác, tỉ mỉ và kịp thời.
2.2. Vai trò của khám nghiệm hiện trường vụ án giết người
Thứ nhất, khám nghiệm hiện trường vụ án giết người là một công đoạn quan trọng trong giai đoạn điều tra đối với vụ án giết người, được bắt đầu ngay sau khi có vụ việc xảy ra, có vai trò quan trọng trong việc thu thập các dấu vết, vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm.
Thứ hai, trong nhiều vụ án giết người, đối tượng tìm cách để tiêu hủy chứng cứ, khai báo gian dối… gây khó khăn cho công tác điều tra, thông qua công tác khám nghiệm hiện trường với hệ thống dấu vết, vật chứng để lại, cơ quan chức năng có được cơ sở để xác định thủ phạm một cách chính xác và thuyết phục.
Thứ ba, kết quả khám nghiệm hiện trường vụ án giết người đóng vai trò nhất định trong việc quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội danh giết người. Bằng việc khám nghiệm hiện trường với những tiến bộ khoa học, kĩ thuật mà nhiều dấu vết không nhìn thấy bằng mắt thường có thể được nhận dạng, phát hiện, qua đó có thể giúp nhận định có hay không dấu hiệu tội phạm, là cơ sở không thể thiếu để cơ quan có thẩm quyền xem xét ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.
2.3. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục khám nghiệm hiện trường vụ án giết người
Khám nghiệm hiện trường vụ án giết người cũng phải bảo đảm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền và trình tự, thủ tục khám nghiệm vụ án hình sự nói chung. Hoạt động này có thể được thực hiện trước hoặc sau khi khởi tố vụ án hình sự. Nhiều trường hợp cần khám nghiệm hiện trường trước để lấy được thông tin, trên cơ sở đó cơ quan có thẩm quyền mới ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.
Thành phần tham gia hoạt động khám nghiệm trường bao gồm: Điều tra viên chủ trì cuộc khám nghiệm, kiểm sát viên, người chứng kiến. Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm hiện trường cũng cùng có người chứng kiến. Tùy từng trường hợp, khi cần thiết có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.
Khi khám nghiệm hiện trường, các lực lượng tham gia khám nghiệm hiện trường tiến hành các hoạt động như: Chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình; xem xét tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án. Các hoạt động này có sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật. Quá trình khám nghiệm hiện trường và kết quả khám nghiệm hiện trường phải được thể hiện trong biên bản khám nghiệm hiện trường. Biên bản khám nghiệm hiện trường là nguồn chứng cứ và phải được lập theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trường hợp không thể xem xét ngay được thì tài liệu, đồ vật thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.
2.4. Phương pháp khám nghiệm hiện trường vụ án giết người
Phương pháp khám nghiệm hiện trường vụ án giết người là cách thức tiến hành hoạt động phát hiện, thu lượm vật chứng để lại trên hiện trường của các vụ án giết người. Phương pháp khám nghiệm hiện trường các vụ án giết người về cơ bản đều tuân theo những phương pháp khám nghiệm hiện trường nói chung. Khi lựa chọn những phương pháp cụ thể để khám nghiệm hiện trường vụ án giết người cần căn cứ vào một số yếu tố sau để xác định: (i) Kết quả của quá trình quan sát hiện trường; (ii) Đặc điểm cấu trúc của hiện trường; (iii) Tính chất của sự việc xảy ra; (iv) Kinh nghiệm chuyên môn và thực tế khám nghiệm hiện trường của điều tra viên.
Trên cơ sở đó, đội ngũ cán bộ khám nghiệm hiện trường thực hiện nội dung của phương pháp khám nghiệm hiện vụ án giết người là: (i) Tổ chức lực lượng khám nghiệm hiện trường vụ án giết người; (ii) Sử dụng những phương tiện kỹ thuật khám nghiệm có hiệu quả và phù hợp với những phản ánh vật chất trên hiện trường vụ án giết người; (iii) Trình tự thực hiện công việc khám nghiệm để thu thập không những đầy đủ các dấu vết, vật chứng đặc biệt là các dấu vết mà còn bảo đảm những thông tin chứa đựng trong các dấu vết, vật chứng, không bị mất hoặc bị sai lệch, phục vụ tốt cho hoạt động điều tra vụ án giết người.
Có thể tổng hợp các phương pháp khám nghiệm hiện trường vụ án giết người thành các nhóm sau: Phương pháp khám nghiệm hiện trường theo khu vực - phương pháp chia ô; phương pháp khám nghiệm hiện trường dựa vào phương thức gây án đã xác định; phương pháp khám nghiệm theo hình xoáy ốc từ ngoài vào trung tâm hoặc từ trung tâm ra ngoài; phương pháp khám nghiệm hiện trường theo cách cuốn chiếu; phương pháp khám nghiệm hiện trường theo đường song song.
Tùy vào từng đặc điểm tại hiện trường vụ án giết người, hệ thống các dấu vết, vật chứng có mặt tại hiện trường cũng như các yếu tố khách quan, chủ quan khác mà lực lượng khám nghiệm hiện trường lựa chọn cách thức và phương pháp tiến hành khám nghiệm một cách phù hợp. Công tác khám nghiệm hiện trường các vụ án giết người là một hoạt động vô cùng quan trọng. Hoạt động này không nhằm mục đích phát hiện tội phạm mà còn góp phần phòng ngừa tội phạm hiệu quả hơn.
3. Thực trạng hoạt động khám nghiệm hiện trường các vụ án phạm tội giết người qua một số vụ án cụ thể
Trong không ít vụ án giết người, kết quả khám nghiệm hiện trường là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự; là cơ sở để nhận định tính chất vụ việc, diễn biến vụ việc, nhận định phương thức, thủ đoạn gây án của tội phạm và xây dựng nhiều giả thuyết hình sự khác. Các dấu vết, vật chứng thu thập ở hiện trường là đối tượng giám định, từ đó có thể truy nguyên ra người, công cụ phương tiện đã sử dụng gây án…
Về phương diện lý luận và thực tiễn cho thấy, hiệu quả của công tác khám nghiệm hiện trường vụ án giết người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Tổ chức lực lượng và phương tiện; cơ chế phối kết hợp giữa các lực lượng trong công tác khám nghiệm hiện trường. Hiện nay, tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng có xu hướng sử dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để thực hiện hành vi phạm tội, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, các phương tiện gây án có xu hướng chuyên dụng và hiện đại. Do đó, công tác khám nghiệm hiện trường cần phải nhanh chóng củng cố và phát triển mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Trong những năm qua, lực lượng khám nghiệm hiện trường đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả nhất định trong công tác khám nghiệm hiện trường các vụ án giết người. Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, tội phạm giết người trung bình mỗi năm (giai đoạn từ 2015 - 2021) xảy ra khoảng hơn 1.500 vụ trên cả nước. Trong đó, có nhiều vụ trọng án được dư luận cả nước quan tâm và theo dõi, do thực hiện tốt việc khám nghiệm hiện trường nên đã góp phần làm rõ các tình tiết vụ án, tìm ra thủ phạm một cách nhanh chóng, chính xác.
Có thể kể đến một số vụ án điển hình cho thấy vai trò của công tác khám nghiệm hiện trường vụ án giết người trong điều tra, khám phá tội phạm như: Vụ án giết 06 người trong gia đình ông Lê Văn M tại Bình Phước xảy ra ngày 07/7/2015[2]. Ngay sau khi nhận được tin báo, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo các lực lượng tiến hành ngay các biện pháp điều tra ban đầu, quan trọng nhất là công tác bảo vệ hiện trường và tổ chức lực lượng tiến hành khám nghiệm hiện trường…
Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước đã huy động toàn bộ lực lượng của đơn vị gồm 11 cán bộ, chiến sĩ cùng với 04 cán bộ của Cục Cảnh sát hình sự phía Nam. Thực hiện khám nghiệm trong 03 ngày. Quá trình khám nghiệm đã phát hiện và thu giữ tổng cộng 156 dấu vết, vật chứng các loại. Trong đó, đáng chú ý đã thu được dấu vết truy nguyên được đối tượng gây án, xác định được ADN để lại tại hiện trường trùng với ADN của đối tượng Nguyễn Hải D và Vũ Văn T để lại.
Để công tác khám nghiệm tử thi bảo đảm an toàn, nhanh chóng kịp thời, cả 06 nạn nhân đã được lần lượt chuyển đến bệnh viện huyện Chơn Thành khám nghiệm ngay sau khi từng phần hiện trường được khám nghiệm. Trong quá trình này, đã tiến hành thu mẫu vân tay, vân chân để phục vụ giám định dấu vết đường vân; thu mẫu máu để giám định AND... Ngoài những dấu vết trên, Công an tỉnh Bình Phước đã xác được các dấu vết khác phục vụ công tác điều tra vụ án... Mấu chốt khám phá vụ án là cơ quan Công an đã xác định được D sử dụng số điện thoại tại hiện trường vào thời điểm xảy ra vụ án thông qua biện pháp nghiệp vụ. Chứng cứ sắc bén để xác định đối tượng có mặt tại hiện trường là những chứng cứ vật chất thu thập được khi khám nghiệm hiện trường.
Hay như vụ giết người, cướp tài sản xảy ra tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nạn nhân là ông C (chủ nhà). Lực lượng chức năng nhanh chóng tổ chức khám nghiệm hiện trường, tử thi và thu thập tình hình có liên quan. Quá trình khám nghiệm hiện trường đã thu giữ nhiều dấu vết xác định là của đối tượng T, cùng trú tại huyện Ứng Hòa. Ngoài ra, Cơ quan điều tra trưng cầu giám định gen để xác định rõ hơn về đối tượng gây án. Từ căn cứ trên, Công an Thành phố Hà Nội đã nhanh chóng bắt giữ đối tượng[3].
4. Một số tồn tại, hạn chế và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả khám nghiệm hiện trường vụ án giết người
4.1. Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác khám nghiệm hiện trường vụ án giết người cũng còn gặp một số tồn tại, hạn chế như sau:
Một là, việc nhận thức và áp dụng các quy định về khám nghiệm hiện trường có lúc, có nơi vẫn chưa thống nhất và đầy đủ đã dẫn đến những hệ quả như bỏ sót tình tiết, dấu vết có thể là chứng cứ quan trọng, sự chậm trễ tổ chức khám nghiệm hiện trường, thiếu thành phần tham gia khám nghiệm, dẫn đến kết quả khám nghiệm không chính xác, khách quan.
Hai là, công tác bảo vệ hiện trường chưa được quan tâm đúng mức. Có trường hợp hiện trường vụ án giết người xảy ra được bảo vệ tốt, việc thực hiện các biện pháp ban đầu bảo vệ hiện trường của người dân còn yếu, chậm trễ báo tin cho cơ quan công an; nhiều người không có chức trách, nhiệm vụ tiến hành bảo vệ hiện trường nhưng lại đi vào hiện trường, sờ vào đồ vật; các lực lượng chuyên trách còn chậm trễ triển khai lực lượng, chưa có các phương án bảo vệ hữu hiệu làm cho nhiều dấu vết bị biến đổi, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả nghiên cứu dấu vết.
Ba là, lực lượng khám nghiệm hiện trường chuyên trách tại công an các địa phương trong cả nước còn rất thiếu về số lượng. Một số công an cấp huyện, hiện tại không có cán bộ kỹ thuật hình sự chuyên trách công tác khám nghiệm hiện trường, mà lực lượng khám nghiệm hiện trường đều do cán bộ điều tra kiêm nhiệm của Đội điều tra tổng hợp hoặc Đội điều tra án về trật tự an toàn xã hội, và số lượng được bổ nhiệm chức danh điều tra viên còn rất ít.
Bốn là, trình độ chuyên môn, năng lực và kỹ năng nghiệp vụ của một bộ phận điều tra viên còn hạn chế. Trình độ đội ngũ cán bộ không đồng đều ở các khu vực. Phần nhiều điều tra viên cấp huyện được đào tạo ở hệ chuyên tu, tại chức, cao đẳng dẫn đến còn thiếu sót về chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, công tác rà soát, phân loại đánh giá cán bộ chưa được tiến hành thường xuyên để xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho phù hợp, công tác đào tạo chủ yếu là đào tạo phổ cập trình độ nghiệp vụ, chính trị, chưa quan tâm đúng mức việc đào tạo kỹ năng chuyên sâu về khám nghiệm hiện trường. Ngoài ra, không loại trừ các trường hợp điều tra viên thiếu ý thức trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, làm việc cẩu thả, chủ quan, chưa quan sát kỹ, lựa chọn phương pháp phát hiện dấu vết chưa phù hợp dẫn đến bỏ sót dấu vết, vật chứng hoặc nghiêm trọng hơn là có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, cố ý làm sai lệch sự thật khách quan của vụ án, hoặc làm sai trái các quy tắc… gây ảnh hưởng lớn đến quá trình giải quyết vụ án hình sự, đặc biệt là trong vụ án giết người.
Năm là, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động tố tụng còn thiếu thốn. Hệ thống phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác khám nghiệm hiện trường chưa được trang bị đồng bộ cho các địa phương, đặc biệt là cấp huyện. Thông thường, ở các địa bàn cơ sở chỉ mới được trang bị 01 valy khám nghiệm, một máy ảnh đồng bộ chụp dấu vết, buồng tối ảnh đen trắng, chưa có buồng tối ảnh màu, chưa có phương tiện giao thông phù hợp để phục vụ kịp thời cho công tác khám nghiệm hiện trường.
Sáu là, sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và các cơ quan chuyên môn khác, giữa cấp trên và cấp dưới và với chính quyền cơ sở về công tác khám nghiệm hiện trường vụ án giết người có nơi chưa thực sự hiệu quả.
Bảy là, một số vụ việc còn có việc sự thiếu chặt chẽ trong quá trình kiểm sát của kiểm sát viên đối với hoạt động của điều tra viên, giám định viên và những người tham gia khám nghiệm nên để xảy ra những thiếu sót như: Thu thập dấu vết, vật chứng không đầy đủ, vẽ sơ đồ hiện trường không chính xác, không lấy mẫu vật (máu, phủ, tạng…) để trưng cầu giám định; không niêm phong vật chứng, dấu vết dẫn đến gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án giết người.
4.2. Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác khám nghiệm hiện trường vụ án giết người
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về công tác khám nghiệm hiện trường nói chung và những hướng dẫn cụ thể đối với khám nghiệm hiện trường vụ án giết người nói riêng. Hiện trường vụ án giết người có những đặc điểm riêng về hệ thống dấu vết, vật chứng trên tử thi hoặc có mặt tại nơi xảy ra tội phạm, nơi phát hiện tội phạm… do đó cần có phương pháp, chiến thuật thực hiện hoạt động, tổ chức lực lượng khám nghiệm phù hợp.
Thứ hai, chú trọng thực hiện tốt công tác bảo vệ hiện trường vụ án giết người. Dấu vết, vật chứng tại hiện trường vụ án giết người có thể bị thay đổi bởi nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Trong đó, không loại trừ việc con người cố ý hoặc vô ý tác động lên dấu vết, vật chứng làm thay đổi chúng so với tình trạng ban đầu ngay sau khi hành vi phạm tội xảy ra. Chưa kể đến việc người phạm tội cố tình tạo nên hiện trường giả nhằm đánh lạc hướng điều tra của cơ quan chuyên môn. Điều này đòi hỏi phải bảo vệ hiện trường vụ án, hạn chế tối đa những thay đổi, góp phần giúp cơ quan chức năng thu thập được chứng cứ xác đáng nhất, nhằm nhanh chóng giải quyết vụ án. Thực tế cho thấy, hiện nay có trường hợp trong khi lực lượng chức năng đang tiến hành khám nghiệm hiện trường thì bị tấn công, quấy rầy, gây phiền hà. Chính vì thế, hoạt động bảo vệ hiện trường cần được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc. Lực lượng công an các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người dân về công tác bảo vệ hiện trường, vì có thể người tiếp xúc với hiện trường đầu tiên là quần chúng nhân dân. Bảo vệ hiện trường vụ án giết người không chỉ là nghĩa vụ của lực lượng Công an mà còn là trách nhiệm của mọi người.
Thứ ba, nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ điều tra viên. Hàng năm, cần tổ chức các khóa học nghiệp vụ nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ tham gia khám nghiệm hiện trường ở các cấp. Đồng thời, tổ chức các kỳ sát hạch, bồi dưỡng về phẩm chất nghề nghiệp để nâng cao nghiệp vụ cũng như rèn luyện tinh thần chịu khó, chịu khổ của cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, cần tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ tham gia các lớp trên đại học, các khóa học chuyên sâu về nghiệp vụ. Đồng thời, phải có những chính sách hỗ trợ về tinh thần và vật chất đối với các cán bộ có hoàn cảnh khó khăn nhằm giúp họ chuyên tâm làm nhiệm vụ, cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình. Đặc biệt, cần có chế độ khen thưởng đối với tổ công tác khám nghiệm hiện trường khi nhanh chóng tìm ra manh mối, dấu vết và giải mã dấu vết, phục vụ cho công tác điều tra được thực hiện nhanh nhất nhằm khuyến khích tinh thần của cán bộ làm công tác khám nghiệm hiện trường nói chung và vụ án giết người nói riêng.
Thứ tư, tăng cường trang bị phương tiện kỹ thuật hình sự hiện đại phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường vụ án giết người. Đối với cấp tỉnh cần trang bị thêm valy khám nghiệm, máy ảnh, camera quay hiện trường, vô tuyến, đầu đĩa băng hình, minlap ảnh màu, thiết bị xông keo công nghệ cao, valy khám nghiệm chuyên dụng sinh hóa, đường vân, cháy nổ, ma túy, tai nạn giao thông, ôtô chuyên dụng phục vụ khám nghiệm. Đối với cấp huyện cần trang bị thêm ít nhất 02 - 03 valy khám nghiệm hiện trường, 03 máy ảnh, 01 camera quay hiện trường, 01 bộ đầu đĩa băng hình và 02 đèn chiếu xiên quang dẫn, 01 valy khám nghiệm chuyên dụng sinh hóa, đường vân, thiết bị xông keo phát hiện dấu vết, xe máy làm phương tiện giao thông… để phục vụ tốt hơn công tác khám nghiệm hiện trường vụ án giết người.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường vụ án giết người. Năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong đó bao gồm cả nghiệp vụ kiểm sát và các kiến thức về khoa học kỹ thuật hình sự, pháp y và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ kiểm sát viên làm công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, đây luôn là yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác này. Ngoài ra, khi tiến hành kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án giết người thì kiểm sát viên cần thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Từ điển Bách khoa Công an nhân dân (2005), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
[2]. Thực nghiệm hiện trường vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước - https://congan.com.vn/vu-an/thuc-nghiem-hien-truong-vu-tham-sat-6-nguoi-tai-binh-phuoc_5765.html, truy cập ngày 05/10/2022.
[3]. Phương Thủy, “10 giờ truy tìm hung thủ giết người ở Ứng Hòa”, https://cand.com.vn/Vu-an-noi-tieng/10-gio-truy-tim-hung-thu-giet-nguoi-o-ung-hoa-i624920/, truy cập ngày 05/10/2022.