1. Luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài
Khi một hợp đồng có xuất hiện yếu tố nước ngoài, thì bước đầu tiên quan trọng khi tiếp cận hợp đồng đó là giải quyết hiện tượng xung đột về pháp luật áp dụng cho hợp đồng, tức là có hai hay nhiều hệ thống pháp luật cùng tham gia điều chỉnh hợp đồng đó và yêu cầu bức thiết là phải xác định hệ thống pháp luật nào được áp dụng. Luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài là hệ thống pháp luật được các bên thỏa thuận lựa chọn để điều chỉnh hợp đồng của họ hoặc là hệ thống pháp luật do cơ quan giải quyết tranh chấp xác định khi các bên đã không thực hiện quyền thỏa thuận này (không có thỏa thuận chọn luật áp dụng).
2. Nguồn luật tư pháp quốc tế điều chỉnh hợp đồng có yếu tố nước ngoài và ảnh hưởng tham khảo của các quy tắc tiến bộ trên thế giới
Nguồn luật của tư pháp quốc tế Việt Nam trong lĩnh vực hợp đồng trước hết bao gồm các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và một số nước, trong đó có 08 hiệp định có chứa các quy phạm xung đột về nội dung hợp đồng và 11 hiệp định chứa các quy phạm xung đột về năng lực giao kết hợp đồng[1]. Đối với nguồn luật nội địa mà phần lớn quan điểm ở Việt Nam cho rằng là nguồn luật chính của tư pháp quốc tế, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế (Phần thứ tám) và công nhận và cho thi hành phán quyết của Tòa án và trọng tài nước ngoài tại Việt Nam (Phần thứ bảy); trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 có Phần thứ năm quy định về luật áp dụng cho quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, còn một số quy định nằm tản mạn trong các văn bản luật khác.
Sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế vào năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam. Trong quyết định này, Bộ Tư pháp được giao tiến hành dự án nghiên cứu về khả năng ban hành một đạo luật tư pháp quốc tế. Luật này sẽ không những bao gồm các quy định về luật áp dụng mà cả những quy định về thẩm quyền, công nhận và cho thi hành phán quyết nước ngoài. Tuy nhiên, khi mà Luật có phạm vi rộng như vậy và các số liệu nghiên cứu thực tiễn còn thiếu, dự án vẫn đang được thực hiện. Mảng tố tụng của Luật đang được ban soạn thảo nghiên cứu so sánh đối chiếu với những dự án công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế trong mảng này. Đặc biệt, những quy định về thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước và cách thức tiếp cận nội dung của pháp luật nước ngoài cũng đang xem xét.
Liên quan đến vấn đề hợp đồng, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế có ban hành Các quy tắc La Hay về lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế (Các quy tắc La Hay)[2]. Đáng chú ý là, một xu hướng gần đây của hội nghị là xây dựng các bộ quy tắc mềm theo kiểu luật mẫu không bắt buộc các bên tham gia như các công ước. Các quốc gia dù không bắt buộc phải gia nhập các công ước và thực thi, trong khi quy trình này thường mất nhiều thời gian, nhưng thường có khuynh hướng tham khảo các quy tắc mềm này khi xây dựng luật quốc gia. Xét mục đích hài hòa pháp luật mà Hội nghị này hướng tới thì các bộ quy tắc như vậy giúp đạt được phần lớn của mục tiêu đó khi mà các quốc gia điều chỉnh luật của nước mình theo các tiêu chí trong đó, trong khi họ vẫn giữ được tự chủ khi xây dựng pháp luật nước mình phù hợp với những đặc điểm riêng của từng đất nước.
Các quy tắc La Hay cũng được xây dựng với mục đích như vậy. Quy tắc này có 12 điều, quy định những nội dung có thể hài hòa hóa được liên quan đến vấn đề lựa chọn luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế, như quyền tự do lựa chọn, lựa chọn rõ ràng hoặc ngầm định, hiệu lực về hình thức của lựa chọn luật áp dụng... Các quy tắc này không có quy định về luật áp dụng khi các bên không có thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng.
Đối với Các quy tắc này ở thời điểm xây dựng dự thảo cho Phần thứ năm của Bộ luật Dân sự năm 2015, trong Báo cáo rà soát pháp luật tư pháp quốc tế tập trung vào giao dịch thương mại, Các quy tắc này đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Các quy tắc vẫn còn khá mới (ban hành vào ngày 19/3/2015). Sự ảnh hưởng của Các quy tắc sẽ nhiều hơn trong tương lai, khi Các quy tắc được phổ biến rộng rãi hơn.
Đến nay, chưa có án nào được công bố ở Việt Nam trong đó thẩm phán áp dụng Các quy tắc La Hay hoặc tham chiếu thẳng đến Các quy tắc này. Tuy nhiên, khi Các quy tắc được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam, khả năng nó sẽ được Tòa án tham khảo để trả lời những câu hỏi mà các quy phạm xung đột của Việt Nam chưa có quy định. Cũng như Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) đã được Tòa án Việt Nam áp dụng để giải quyết một án vào năm 1996, khi mà Việt Nam chưa phải là thành viên Công ước. Lý do cho sự cởi mở của Tòa án đối với CISG là vì Công ước này rất nổi tiếng. Chúng ta cũng có thể chờ đợi tương tự rằng Các quy tắc La Hay sẽ được Tòa án sử dụng, đặc biệt là khi Việt Nam đã là một nước thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Các quy tắc có thể được áp dụng trên cơ sở của các quy tắc chung và lẽ công bằng quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015.
Nghiên cứu Báo cáo rà soát pháp luật tư pháp quốc tế đề cập ở trên, tác giả thấy rằng, một nguồn luật được nghiên cứu đối chiếu và tham khảo kỹ lưỡng khi xây dựng quy phạm xung đột về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2015 là pháp luật tư pháp quốc tế của Liên minh châu Âu. Vấn đề luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng được Liên minh châu Âu điều chỉnh bằng một nghị định (regulation), Nghị định Rome I về luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng (Nghị định Rome I)[3], có hiệu lực áp dụng trực tiếp cho các cá nhân, pháp nhân của các nước thành viên. Nghị định Rome I thay thế cho Công ước Rome 1980 về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ theo hợp đồng, áp dụng trong các tình huống xung đột pháp luật về nghĩa vụ hợp đồng trong quan hệ dân sự và thương mại từ ngày 17/9/2009.
Nội dung của Nghị định Rome I bao quát ba vấn đề chính của quan hệ hợp đồng trong tư pháp quốc tế. Nghị định Rome I có những quy định tiên tiến cho nhiều vấn đề quan trọng và chi tiết của quan hệ hợp đồng trong tư pháp quốc tế[4] như quyền tự do thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng của các bên, luật áp dụng khi các bên không có thỏa thuận đó, phạm vi điều chỉnh của luật áp dụng, nơi cư trú thường xuyên (habitual residence) hay các quy phạm chuyên biệt cho các loại hợp đồng cụ thể, trong đó có hợp đồng tiêu dùng, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm…
Bên cạnh pháp luật Liên minh châu Âu, pháp luật Thụy sĩ, Nhật Bản, Trung Quốc cũng được đề cập, so sánh, tham khảo. Tuy nhiên, có thể nói rằng, Nghị định Rome I có ảnh hướng tham khảo lập pháp lớn nhất so với các quy tắc xung đột về hợp đồng tiên tiến khác trên thế giới.
3. Sự phát triển của quy phạm xung đột trong lĩnh vực hợp đồng ở Việt Nam
Quy phạm xung đột trong lĩnh vực hợp đồng đầu tiên của tư pháp quốc tế Việt Nam là Điều 834 Bộ luật Dân sự năm 1995. Điều luật bao gồm hai khoản: Khoản 1 quy định về hình thức của hợp đồng và khoản 2 quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Sau 10 năm, Bộ luật Dân sự năm 2005 thay thế Bộ luật Dân sự năm 1995 và nâng số điều luật về luật áp dụng cho hợp đồng lên ba điều (Điều 769, Điều 770 và Điều 771). Quy định mới ở đây chính là Điều 771 về “hợp đồng giao kết vắng mặt”. Điều này quy định về cách xác định nơi giao kết hợp đồng và thời điểm giao kết hợp đồng vắng mặt. Nơi giao kết hợp đồng sẽ giúp xác định luật áp dụng đối với hình thức hợp đồng giao kết vắng mặt theo Điều 770. Đáng chú ý là sự gia tăng của các điều luật ở Bộ luật Dân sự năm 2005 so với Bộ luật Dân sự năm 1995 không đáp ứng được yêu cầu về những quy định cụ thể như có thể thấy trong những đạo luật về tư pháp quốc tế trên thế giới (Công ước Rome 1980, Nghị định Rome I về luật áp dụng cho hợp đồng, Luật về luật áp dụng của Nhật Bản năm 2007[5]). Trong những văn bản luật này, ngoài quy phạm xung đột về quyền tự do chọn luật áp dụng và luật áp dụng khi các bên không có thỏa thuận, còn có các quy phạm xung đột chuyên biệt về hợp đồng tiêu dùng, lao động và bảo hiểm.
Sau 10 năm, Việt Nam ban hành Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó có Điều 683 quy định về hợp đồng. Điều luật này đánh dấu bước tiến bộ lập pháp đáng kể của tư pháp quốc tế Việt nam về quy phạm xung đột chọn luật áp dụng cho hợp đồng. Nguyên tắc tự do thỏa thuận luật áp dụng được nhấn mạnh ở khoản 1. Khoản 2 thể hiện nhiều thay đổi quan trọng trong thiết kế luật áp dụng khi không có thỏa thuận chọn luật của các bên.
4. Phạm vi điều chỉnh của luật áp dụng cho hợp đồng
Trong khi Nghị định Rome I có Điều 12 quy định về những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh bởi luật áp dụng cho hợp đồng và Các quy tắc La Hay có Điều 9 mô tả phạm vi điều chỉnh của luật được các bên lựa chọn là áp dụng cho tất cả khía cạnh của một hợp đồng, thì Việt Nam không có quy định về phạm vi điều chỉnh của luật áp dụng cho hợp đồng. Câu chữ của Điều 769 (khoản 1) Bộ luật Dân sự năm 2005 cho các bên khả năng chọn luật áp dụng chỉ cho “quyền và nghĩa vụ” của các bên theo hợp đồng. Nghị định số 138/2006/NĐ-CP ngày 15/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đã cụ thể hóa Điều 769 (khoản 1) rằng “nội dung của hợp đồng” (thay vì chỉ có quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng) sẽ được điều chỉnh bởi luật do các bên lựa chọn. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2005 còn “mơ hồ” về những vấn đề nào thuộc về “nội dung của hợp đồng”. Rõ ràng là các nhà lập pháp Việt Nam muốn phân biệt giữa “nội dung” và “hình thức” của hợp đồng bằng việc quy định luật áp dụng cho nội dung hợp đồng ở Điều 769 và hình thức hợp đồng ở Điều 770 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, phạm vi của những vấn đề thuộc về nội dung của hợp đồng đáng lẽ ra cần được cụ thể hóa thêm.
Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015 có bước tiến bộ khi quy định rằng các bên có thể chọn luật áp dụng cho hợp đồng, nghĩa là luật do các bên lựa chọn sẽ áp dụng cho tất cả các vấn đề của hợp đồng giữa các bên[6]. Tuy nhiên, điều luật đã có thể tốt hơn nếu có một điều khoản quy định phạm vi điều chỉnh của luật áp dụng cho hợp đồng, trong đó cụ thể hóa những khía cạnh của hợp đồng được điều chỉnh bởi luật do các bên lựa chọn theo mô hình của Điều 12 Nghị định Rome I hay Điều 9 Các quy tắc La Hay.
Điều 12 Nghị định Rome I đưa ra một danh sách các vấn đề (không chỉ hạn chế trong những vấn đề này) được điều chỉnh bởi luật áp dụng, gồm có: (i) Giải thích hợp đồng; (ii) Thực hiện hợp đồng; (iii) Các hậu quả của việc vi phạm, bao gồm đánh giá thiệt hại trong chừng mực khi nó được điều chỉnh bởi các luật lệ (trong giới hạn của các quyền hạn được trao cho Tòa án bởi pháp luật tố tụng của nó); (iv) Các cách khác nhau của việc hủy bỏ các nghĩa vụ, thời hiệu và hạn chế của các khiếu kiện; (v) Hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Có thể thấy rằng, nhiều vấn đề quan trọng được nêu ra để cụ thể hóa phạm vi điều chỉnh của hợp đồng và để phân biệt chúng với những vấn đề có thể được điều chỉnh bởi quy phạm xung đột khác và xác định một luật khác áp dụng. Đây là những quy phạm mà Việt Nam cần xây dựng trong tương lai.
Trong khi đó, Điều 9 Các quy tắc La Hay đưa ra một danh sách (không hạn chế trong đó) những vấn đề được điều chỉnh bởi luật do các bên lựa chọn. Khoản 1 của Điều luật này quy định rằng: Pháp luật do các bên lựa chọn điều chỉnh tất cả các vấn đề của hợp đồng giữa các bên, bao gồm, nhưng không giới hạn ở: (i) Giải thích; (ii) Quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng; (iii) Thực hiện và hậu quả của việc không thực hiện hợp đồng bao gồm cả đánh giá thiệt hại; (iv) Các cách thức khác nhau để chấm dứt nghĩa vụ và thời hiệu, thời hạn; (v) Hiệu lực của hợp đồng và hậu quả của hợp đồng vô hiệu; (vi) Nghĩa vụ chứng minh và các giả định pháp lý; (vii) Nghĩa vụ tiền hợp đồng.
Có thể thấy rằng, Điều 9 (khoản 1) Các quy tắc La Hay đề cập rõ ràng đến quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng và nhấn mạnh rằng đó là những khía cạnh quan trọng của bất kỳ hợp đồng nào. Danh sách này còn bao gồm vấn đề hiệu lực của hợp đồng và hậu quả của hợp đồng vô hiệu (mặc dù hiệu lực ở đây chỉ về hiệu lực vật chất của hợp đồng) vì Điều 9 này có khoản 2 quy định thêm rằng, không loại trừ khả năng áp dụng một luật điều chỉnh khác mà luật này ủng hộ hiệu lực về mặt hình thức của hợp đồng. Trong khi đó, Nghị định Rome I có hai điều luật riêng biệt điều chỉnh vấn đề giá trị hiệu lực của hợp đồng. Điều 10 quy định về sự đồng ý và hiệu lực về vật chất và Điều 11 quy định về hiệu lực về hình thức của hợp đồng. Mặc dù cả hai điều luật đều cho phép luật điều chỉnh hợp đồng áp dụng, nhưng chúng có những quy định đặc biệt dẫn đến những luật áp dụng thay thế khác.
Trong luật Việt Nam không có quy định minh thị về luật áp dụng cho hiệu lực về vật chất của hợp đồng như cách của Nghị định Rome I; cũng không có quy định về phạm vi điều chỉnh của luật áp dụng bao gồm cả vấn đề hiệu lực về vật chất của hợp đồng theo cách của Các quy tắc La Hay. Phương pháp tiếp cận hợp lý cho Việt Nam là nên đưa vấn đề hiệu lực về vật chất của hợp đồng vào điều chỉnh bởi luật áp dụng. Thêm nữa, nếu có một quy định riêng về sự đồng ý và hiệu lực về vật chất của hợp đồng theo mô hình của Điều 10 Nghị định Rome I, thì nên nghiên cứu cả khoản 2 của Điều 10 này về sự đồng ý của các bên tham gia hợp đồng. Khoản 2 này quy định rằng, một bên có thể dựa vào luật của nước nơi họ thường trú để thiết lập rằng họ không đồng ý nếu hoàn cảnh rõ ràng cho thấy rằng sẽ không hợp lý để xem xét hiệu lực của hành vi người đó theo luật điều chỉnh hợp đồng xác định theo khoản 1. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, khoản 2 này hướng đến điều chỉnh vấn đề cụ thể là sự im lặng của người được đề nghị như là một chấp nhận hợp đồng theo luật áp dụng của hợp đồng. Nó cho phép người được đề nghị phản đối sự đồng ý giao kết hợp đồng của anh ta và từ đó từ chối sự giao kết hợp đồng bằng cách dẫn chiếu đến luật nước nơi anh ta cư trú và luật nước này quy định là không có sự đồng ý trong trường hợp như vậy. Quyền viện dẫn điều này được trao cho người này. Tác dụng của quy định đó phải là vô hiệu hóa sự đồng ý giao kết hợp đồng và quy định này không thể được viện dẫn theo hướng ngược lại, rằng anh ta đồng ý mặc dù luật áp dụng cho hợp đồng chỉ ngược lại[7].
Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế
[1]. Theo Báo cáo rà soát pháp luật tư pháp quốc tế tập trung vào giao dịch thương mại của Dự án Phát triển lập pháp (NLD) tài trợ bởi Chính phủ Canada, 2015, tr. 7.
[2]. Tên tiếng Anh là Hague Principles on Choice of Law in International Commercial Contracts, link truy cập: https://www.hcch.net/en/instruments/conventions/full-text/?cid=135; bản dịch tiếng Việt tham khảo bản dịch của Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp theo https://moj.gov.vn/tttp/tintuc/Pages/tin-tuc-su-kien.aspx?ItemID=73, truy cập ngày 25/12/2019.
[3]. Toàn văn Nghị định Rome I bằng tiếng Anh, tại địa chỉ https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/ALL/?uri =celex%3A32008R0593.
[4]. Nghị định Rome I được xem là bước tiến lớn trong quá trình hài hòa luật xung đột của châu Âu về hợp đồng. Xem thêm Jurgen Basedow, The Communitarization of the Conflict of Laws under the Treaty of Amsterdam, Common -Market Law Review 37 (2000), tr. 687 - 708.
[5]. Xem thêm về những xu hướng pháp điển hóa những quy phạm cụ thể của các quốc gia này tại Jurgen Basedow, “The Recent Development of the Conflict of Laws – Some Comparative Observations”, trong sách Japanese and European Private International Law in Comparative Perspective, Tubingen: Mohr Siebeck, 2008. tr. 3 - 18.
[6]. Đỗ Văn Đại (chủ biên), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2016, tr. 599.
[7]. G Schulze, “Article 10-Consent and Material Validity”, trong P Calliess (chủ biên), Rome Regulations (2nd edn, Kluwer Law International, 2015), tr. 262.