Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THAHC và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định số 71/2016/NĐ-CP) quy định: “Thi hành án hành chính là việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành quy định tại Điều 309 Luật Tố tụng hành chính, trừ quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính”. Theo đó, cũng giống như thi hành án nói chung, THAHC là quá trình hiện thực hóa các phán quyết của Tòa án trên thực tế. Tuy nhiên, không phải mọi phán quyết trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đều được điều chỉnh bởi pháp luật tố tụng hành chính. Theo quy định tại khoản 1 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về THADS.
Trong phạm vi bài viết “Một số vấn đề lý luận và tình huống về việc thi hành án hành chính điển hình”, tác giả Nguyễn Văn Nghĩa và Hoàng Thị Thanh Hoa nêu lên vấn đề lý luận về việc THAHC điển hình (khái niệm; đặc điểm; tiêu chí xác định việc THAHC điển hình) và phân tích một số vụ việc THAHC điển hình, từ đó rút ra những kinh nghiệm từ thực tiễn, nhằm kiến nghị hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật THAHC nói chung, theo dõi THAHC nói riêng trong thời gian tới.
Bài viết này được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Công tác thi hành án hành chính” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021.