Abstract: Benefits of e-commerce brokerage in “sharing economy” trend to the consumers on the market are undeniable. However, the lack of legal provisions for e-commerce brokerage causes difficulties relating to the brokers, the clients and the tax obligation. The paper affirms that e-commerce brokerage is a permitted business and discusses legal issues that need to be researched and completed.
Xu hướng “kinh tế chia sẻ” (sharing economy) mới xuất hiện nhưng có tốc độ phát triển khá nhanh và ngày càng trở nên phổ biến ở các nước. Nó là một mô hình thị trường kết hợp giữa sở hữu và chia sẻ, trong đó đề cập đến vai trò ngang hàng (peer - to - peer network) dựa trên sự chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ nhằm gia tăng lợi ích cho các bên tham gia[1].
Trong xu hướng phát triển của nền “kinh tế chia sẻ”, hoạt động môi giới thương mại trên thị trường bắt đầu xuất hiện cách thức mới - được thực hiện thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu - gọi là hoạt động môi giới thương mại điện tử. Với ưu điểm tiện lợi, nhanh chóng và không bó hẹp trong khuôn khổ biên giới quốc gia, ngày nay dịch vụ môi giới thương mại điện tử có nhiều thay đổi về phương diện hoạt động.
Hoạt động môi giới thương mại điện tử mang lại thiết thực lợi ích cho các bên:
(i) Người tiêu dùng tiết kiệm chi phí so với cách thức mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ truyền thống; có thể biết toàn bộ thông tin về cung cấp hàng hóa, dịch vụ và phản ánh về thái độ của bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
(ii) Bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cơ hội kiếm thêm thu nhập;
(iii) Nhà nước: Hoạt động môi giới thương mại điện tử nếu được quy định rõ ràng và quản lý chặt chẽ sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước khoản thuế nhất định;
(iv) Đối với thị trường mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ: “kinh tế chia sẻ” cùng hoạt động môi giới thương mại điện tử sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các công ty kinh doanh hàng hóa, dịch vụ truyền thống (các công ty kinh doanh taxi, chuỗi khách sạn, nhà hàng…).
Tại Việt Nam, mô hình “kinh tế chia sẻ” xuất hiện với sự góp mặt của các công ty như Uber, Grab, Airbnb, Triip.me, Travelmob… Đó là các công ty đóng vai trò kết nối giữa người có nhu cầu sử dụng và những người có nhu cầu cho sử dụng phương tiện đi lại, nhà ở, phòng ngủ hay các tài sản khác.
2. Vấn đề pháp lý đặt ra đối với hoạt động môi giới thương mại điện tử trong xu hướng “kinh tế chia sẻ”
2.1. Tính hợp pháp của hoạt động môi giới thương mại điện tử
Nếu chủ thể hoạt động môi giới thương mại điện tử chỉ giao kết với các thương nhân đã đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh thì sẽ không có nhiều vấn đề cần đặt ra về tính pháp lý. Tuy nhiên, các chủ thể hoạt động môi giới thương mại điện tử còn tiến hành hoạt động môi giới cho đối tượng chủ sở hữu hàng hóa, dịch vụ đang nhàn rỗi, có nhu cầu kiếm thêm thu nhập. Các chủ thể này hoạt động độc lập, không phải là thương nhân, không có đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước. Với hình thức kinh doanh kiểu mới, thông qua môi giới thương mại điện tử, những chủ thể không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh vẫn có thể tham gia thị trường. Đây là nguyên nhân gây ra sự tranh cãi về tính hợp pháp của một số hoạt động môi giới thương mại điện tử, cụ thể như trường hợp của Uber.
Theo Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014, hoạt động môi giới nói chung không phải là 01 trong 06 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, vì vậy, sẽ là thiếu căn cứ pháp lý nếu cho rằng hoạt động môi giới điện tử liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên bị cấm. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 151 Luật Thương mại năm 2005 quy định bên môi giới thương mại có nghĩa vụ “chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới”. Câu hỏi đặt ra là chủ thể môi giới thương mại điện tử liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện có vi phạm nghĩa vụ của bên môi giới không? Họ có thể lý giải về tiêu chí kết nối với người sở hữu phương tiện, đồ dùng, phòng ngủ… mà họ nhàn rỗi hay cùng tuyến đường để phản biện lại - đó là quan hệ dân sự chứ không phải là hoạt động thương mại do thiếu yếu tố “thực hiện thường xuyên, mang tính nghề nghiệp”. Nhưng đây là lý do võ đoán và thiếu tính thuyết phục vì rất khó xác thực trên thực tế.
2.2. Sự thống nhất về bản chất của hoạt động môi giới thương mại điện tử
Hoạt động môi giới thương mại điện tử không chỉ là hoạt động thương mại đơn thuần mà có tính mới, thể hiện ở việc sử dụng ứng dụng công nghệ phục vụ việc kết nối các chủ thể trong quan hệ chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, khi hoạt động môi giới liên quan đến các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hai quan điểm hiện nay cho rằng: (i) Nó là hoạt động môi giới thương mại; (ii) Nó là hoạt động kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cho đến thời điểm hiện tại, người ta vẫn còn tranh cãi với nhau rất kịch liệt xung quanh vấn đề Uber tiến hành hoạt động môi giới kết nối vận tải hay kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách.
Theo quan điểm của tác giả, các chủ thể mà thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật tạo ra môi trường ảo, thu hút những người có nhu cầu chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa, dịch vụ, họ đang kinh doanh dịch vụ môi giới thương mại điện tử vì hai lý do sau:
- Những người sở hữu hàng hóa, dịch vụ có nhu cầu chia sẻ quyền sử dụng (bên được môi giới), độc lập với các doanh nghiệp tạo ra các website, ứng dụng phục vụ cho việc chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa, dịch vụ (bên môi giới). Bên được môi giới nhân danh chính mình tham gia vào giao dịch với người tiêu dùng, khách hàng chứ không tham gia nhân danh bên môi giới.
- Các doanh nghiệp cung cấp website, ứng dụng phục vụ cho việc chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa, dịch vụ không sở hữu hàng hóa, dịch vụ. Họ chỉ tiến hành các hoạt động thúc đẩy, tạo điều kiện cho các bên có nhu cầu giao kết hợp đồng với nhau. Tiền thanh toán cho việc chia sẻ sử dụng hàng hóa, dịch vụ hoặc là được các bên thanh toán trực tiếp với nhau, hoặc là bên môi giới thu hộ cho chủ sở hữu thông qua hệ thống thanh toán điện tử. Họ chỉ nhận thù lao từ các giao dịch đã được môi giới thành công.
2.3. Vấn đề quản lý thuế đối với hoạt động môi giới thương mại điện tử
Hiện nay vẫn có những dịch vụ mà cơ quan thuế còn lúng túng trong việc thu thuế bởi vì sự phức tạp tinh vi trong cách thức tiến hành kinh doanh của nó, điển hình là Uber và Airbnb. Đối với Uber, Uber đã thành lập công ty con tại Hà Lan và chuyển quyền sở hữu các chi nhánh tại các nước về công ty này mục đích để chuyển mọi nguồn thu bên ngoài nước Mỹ chủ yếu về Hà Lan và tránh được hệ thống thuế của Mỹ. Công ty con của Uber tại các nước chỉ là doanh nghiệp hoạt động tư vấn, quản lý về các hoạt động của Uber Hà Lan, chỉ nhận tiền được trả từ Uber Hà Lan cho phí quản lý của họ tại các quốc gia. Đây là lý do mà công ty Uber Việt Nam đã từng đưa ra khi cho rằng thuế thu nhập doanh nghiệp mà họ phải nộp chỉ tính trên doanh thu từ thù lao quản lý. Một lượng lớn lợi nhuận từ thù lao môi giới cho hoạt động vận tải diễn ra tại Việt Nam được Uber Việt Nam đã từng cho rằng không phải nộp thuế. Đối với Airbnb, mỗi giao dịch cho thuê nhà thành công, Airbnb giữ lại lợi nhuận 13%. Airbnb đặt chủ sở chính tại Ireland nhằm tránh được cả hai mức thuế cao nhất là 35% theo thuế Mỹ và 12,5% theo thuế thu nhập Ireland. Tiền giao dịch của Airbnb tại 190 quốc gia được chuyển thẳng tới một trung tâm thanh toán tại Ireland cho phép che giấu được hầu hết các khoản lợi nhuận tại hầu hết các quốc gia[2].
Hầu hết các hoạt động trong môi giới thương mại điện tử chủ yếu sử dụng hình thức thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ nên việc kiểm soát của cơ quan nhà nước và ngay cả ngân hàng đang gặp khó khăn.
Các quy định về nghĩa vụ thuế hiện hành về kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam đã có nhưng được hướng dẫn chung chung cho tất cả các nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài có phát sinh nghĩa vụ thuế mà chưa có văn bản hướng dẫn đặc thù trong quản lý, kê khai, thu nộp, quản lý thuế riêng cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong thực tế, việc thu thuế còn gặp khó khăn, cách hiểu còn khác nhau3.
Vì vậy, cần có sự phối kết hợp giữa các cơ quan liên quan như Tổng Cục thuế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ngân hàng thương mại để có thể quản lý doanh thu được thực hiện qua tài khoản.
2.4. Vấn đề kiểm soát minh bạch thông tin các doanh nghiệp
Các công ty môi giới thương mại điện tử nắm trong tay cơ sở dữ liệu lớn về khách hàng mà không có bất cứ cơ quan nào khác có thể tham chiếu. Bên cạnh đó, đặc trưng trong quá trình hoạt động cho phép công ty này tổ chức quản lý dưới mô hình các công ty tư nhân. Họ có thể điều chỉnh linh hoạt, không phải báo cáo số liệu với cổ đông, không bị kiểm toán độc lập và không bị giám sát tài khoản. Chính vì vậy, các thông tin mà những công ty này công bố sẽ mất nhiều thời gian để kiểm chứng dựa trên điều tra độc lập.
3. Đề xuất định hướng hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động môi giới thương mại điện tử
Hoạt động môi giới thương mại điện tử trong xu hướng “kinh tế chia sẻ” là sự phát triển tất yếu phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Nó giúp giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng khi họ được hưởng sản phẩm chất lượng tốt, tiết tiệm chi phí. Chính vì vậy, cần hoàn thiện pháp luật, tạo khung pháp lý cho hoạt động môi giới thương mại điện tử theo những định hướng sau:
Thứ nhất, cần xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động môi giới thương mại điện tử trong hệ thống văn bản pháp luật về thương mại điện tử.
Hoạt động môi giới thương mại điện tử vừa chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật thương mại về hoạt động môi giới, vừa chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật thương mại điện tử. Tuy nhiên, khi hai hệ thống pháp luật trên cùng điều chỉnh hoạt động môi giới thương mại điện tử sẽ không tránh khỏi thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn và thiếu các quy định pháp luật. Trong thời gian vừa qua, tồn tại các quan điểm trái chiều về tính pháp lý của hoạt động này không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, cần thiết hoàn thiện thêm các quy định về hoạt động môi giới thương mại điện tử. Sẽ phù hợp hơn nếu các quy định này được hoàn thiện trong hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh thương mại điện tử.
Thứ hai, cần quy định rõ điều kiện đối với chủ thể môi giới và chủ thể được môi giới.
Vướng mắc nhất hiện nay đối với hoạt động môi giới thương mại điện tử trong xu hướng “kinh tế chia sẻ” là việc chưa quy định rõ ràng về điều kiện của chủ thể tham gia. Điều đó gây ra sự hoài nghi về tình trạng cạnh tranh không không bằng với các chủ thể kinh doanh hàng hóa, dịch vụ truyền thống. trốn thuế, không minh bạch thông tin, không đảm bảo an toàn cao cho khách hàng…
Do vậy, cần xác định rõ điều kiện của chủ thể môi giới như: Đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước; đăng ký hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử mà mình tạo lập để tiến hành môi giới, đảm bảo và chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của chủ thể được môi giới. Ngoài ra, hoạt động môi giới thương mại điện tử không tồn tại ranh giới lãnh thổ quốc gia. Điều đó dễ nảy sinh các vấn đề pháp lý phức tạp liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế, ràng buộc trách nhiệm pháp lý với các bên liên quan…Điều kiện của chủ thể môi giới truyền thống chưa thể giải quyết được mục tiêu trên. Với tư cách là chủ thể môi giới thương mại điện tử, đặc biệt khi môi giới ngành nghề kinh doanh có điều kiện, pháp luật nên đặt thêm những điều kiện mang tính đặc thù liên quan đến việc cung cấp dịch vụ qua biên giới.
Nhằm đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong thị trường, chủ thể được môi giới không thể không đáp ứng các điều kiện để được cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng mà pháp luật chuyên ngành đưa ra, nhất là trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, việc áp nguyên các điều kiện trong quy định pháp luật hiện hành có thể sẽ là rào cản đối với xu hướng “kinh tế chia sẻ”. Do vậy, các điều kiện đặt ra cần được nghiên cứu phù hợp với đặc trưng của hoạt động, tạo điều kiện cho việc chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Thứ ba, cần xây dựng chính sách giám sát linh hoạt để hạn chế tối đa việc thất thoát thuế.
Về nguyên tắc, các ngân hàng đều nắm được thông tin các khoản thanh toán chuyển khoản, nhưng để tổng hợp xác định là không dễ vì các khoản thanh toán rất nhỏ lẻ nên thu thuế qua ngân hàng là khó thực hiện. Sự phối hợp nêu trên sẽ đạt hiện quả trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế để xác định doanh thu khi có dấu hiệu trốn thuế. Ngoài ra, cách mà Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu hai ứng dụng gọi xe nước ngoài là Grap và Uber phải xây dựng dự án để đạt được sự chấp thuận hoạt động cũng là một phương án kiểm soát thuế hiệu quả từ khi doanh nghiệp gia nhập thị trường[4].
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Vụ Kinh tế Tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương, Báo cáo giới thiệu “Một số vấn đề về kinh tế chia sẻ”, https://kinhtetrunguong.vn/thong-tin-chuyen-de.
[2]. Vụ Kinh tế Tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương, Báo cáo giới thiệu “Một số vấn đề về kinh tế chia sẻ”, https://kinhtetrunguong.vn/thong-tin-chuyen-de.
[3]. Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, Tọa đàm Thảo luận chính sách về Quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Hà Nội, ngày 26/10/2016.
[4]. Xem: Bài viết Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận Uber sau nhiều lần từ chối, tại http://cafef.vn/bo-gtvt-chap-thuan-uber-sau-nhieu-lan-tu-choi-20170411110039983.chn, cập nhật ngày 12/4/2017.