Từ thời La Mã, nhãn hiệu đã được dùng để xác định một doanh nghiệp hoặc một sản phẩm. Ví dụ: Hình ảnh ba quả bóng màu vàng là biểu tượng của người cho vay tiền; các kẻ sọc trắng, đỏ là biểu tượng của thợ cắt tóc… Ban đầu, nhãn hiệu chủ yếu là bằng hình ảnh mang tính mô tả chính xác, thường được sử dụng để phù hợp với từng nơi bán hàng. Nhưng sau này, do hàng hóa ngày càng phong phú, nhiều chủng loại nên để tạo được sự phân biệt trong thương mại, các doanh nghiệp cũng dần sử dụng nhiều dấu hiệu đa dạng hơn, như các dấu hiệu bằng hình ảnh, âm thanh, mùi hương… để sản phẩm của mình có tính phân biệt cao.
Pháp luật của một số nước và một số điều ước quốc tế cũng đã công nhận về các dấu hiệu đặc biệt này trong các quy định của mình. Theo quy định tại Hiệp định CPTPP: “Không bên nào được quy định rằng dấu hiệu phải được nhìn thấy bằng mắt như một điều kiện để đăng ký, cũng không được từ chối việc đăng ký nhãn hiệu là một âm thanh đơn thuần. Ngoài ra, mỗi bên phải nỗ lực để cho phép đăng ký nhãn hiệu mùi hương...”[1]. Như vậy, với tư cách là một thành viên của Hiệp định CPTPP, Việt Nam phải chuẩn bị các điều kiện để có thể kiểm định và chấp nhận cho đăng ký bảo hộ dấu hiệu âm thanh và nỗ lực cho phép đăng ký các nhãn hiệu mùi hương, chứ không đơn thuần chỉ bảo hộ những dấu hiệu truyền thống, được nhìn thấy bằng mắt thường như hệ thống pháp luật hiện nay.
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia tiên phong trong việc chấp nhận bảo hộ các dấu hiệu phi truyền thống. Có thể nói, hệ thống pháp luật cũng như các án lệ tại Hoa Kỳ quy định khá chặt chẽ và đầy đủ về nội dung này. Trên cơ sở học hỏi một số kinh nghiệm của Hoa Kỳ liên quan đến điều kiện bảo hộ nhãn hiệu mùi hương, bài viết gợi ý một số đề xuất trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về việc bảo hộ dấu hiệu mùi hương tại Việt Nam. Bài viết cũng nhằm giới thiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam một loại nhãn hiệu mới đang được bảo hộ tại thị trường Hoa Kỳ, Australia… và có thể tại Việt Nam trong tương lai. Dựa trên những lợi ích của việc sử dụng nhãn hiệu mùi hương đem lại và điều kiện để bảo hộ, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu, đầu tư để sử dụng các nhãn hiệu đặc biệt này trên sản phẩm của mình nhằm tạo được sự khác biệt với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường.
1. Một số quy định pháp luật về nhãn hiệu mùi hương của Hoa Kỳ
1.1. Khái niệm nhãn hiệu mùi hương
Để tìm hiểu thế nào là nhãn hiệu mùi hương thì trước hết cần đề cập đến khái niệm nhãn hiệu. Tại Hoa Kỳ, quy định: “Nhãn hiệu bao gồm bất kỳ từ, tên, biểu tượng, hoặc thiết bị hoặc bất kỳ kết hợp đó, một trong hai được sử dụng bởi một người hay mà người đó có ý định sử dụng trong thương mại, để xác định và phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình và để chỉ ra nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ”[2]. Như vậy, các dấu hiệu có thể được đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu tại Hoa Kỳ có thể bao gồm các biểu tượng không lời và bằng lời, bao bì hoặc tổng thể hình ảnh của một sản phẩm, màu sắc, hoặc thậm chí là âm thanh, mùi hương. Có thể thấy, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có nhiều quy định mở rộng liên quan đến việc bảo hộ nhãn hiệu. Liên hệ với quy định hiện hành tại Việt Nam, chỉ những dấu hiệu nhìn thấy bằng mắt thường mới đủ điều kiện được bảo hộ là nhãn hiệu[3].
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể thế nào là nhãn hiệu mùi hương nhưng có thể hiểu, một mùi hương cũng có thể được đăng ký như một nhãn hiệu thương mại, tương tự như các dấu hiệu thông thường khác. Nhãn hiệu mùi hương là một mùi đặc biệt (có thể cảm nhận bằng khứu giác) được sử dụng trong mối quan hệ với hàng hóa hoặc dịch vụ, để phân biệt với hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với các đối thủ khác.
1.2. Cơ sở bảo hộ nhãn hiệu mùi hương tại Hoa Kỳ
Án lệ Clarke[4] chính là tiền đề để hệ thống pháp luật tại Hoa Kỳ công nhận sự bảo hộ nhãn hiệu đối với các dấu hiệu mùi hương. Vào khoảng tháng 9 năm 1990, một nhà sản xuất chỉ khâu và sợi thêu là Celia Clarke đã nộp đơn xin bảo hộ cho dấu hiệu mùi hương, được mô tả trong đơn là “một hương thơm ấn tượng, tươi mát, gợi nhớ mùi của hoa đại”. Dấu hiệu này đã bị Ủy ban xét xử và khiếu nại nhãn hiệu của Hoa Kỳ (TTAB) từ chối vì cho rằng, dấu hiệu không có tính phân biệt so với hàng hóa của các đối thủ cạnh tranh khác. Bên cạnh đó, Hội đồng giám định cũng cho rằng, mùi hương không dùng để chỉ nguồn gốc của hàng hóa, mà đó là một mùi hương tùy ý để làm cho sản phẩm có mùi dễ chịu hơn. Hơn nữa, Clarke đã không ghi rõ, giới thiệu về hương thơm trên bao bì sản phẩm. Do đó, dấu hiệu này không có chức năng như một nhãn hiệu.
Người nộp đơn đã khiếu nại và cho rằng, sợi chỉ thêu của mình có mùi thơm độc đáo và họ là nhà sản xuất sợi duy nhất trên thị trường sử dụng mùi hương trên chỉ thêu, cho nên sản phẩm có sự khác biệt vốn có. Sau đó, Clarke cũng đã nỗ lực nộp đầy đủ bằng chứng chứng minh được rằng, người tiêu dùng đã nhận ra mùi hương như một nguồn chỉ xuất xứ. Sản phẩm của họ đã được khách hàng công nhận, nghĩa là nhãn hiệu có được sự phân biệt thông qua quá trình sử dụng (second meaning).
TTAB đã chấp nhận và đồng ý bảo hộ nhãn hiệu cho dấu hiệu mùi hương hoa đại trên sợi chỉ thêu. Tuy nhiên, TTAB cũng lưu ý rằng, Clarke sẽ không thể yêu cầu bảo vệ dấu hiệu hương thơm này cho các sản phẩm như nước hoa hoặc các sản phẩm chứa hương thơm khác. Vì trong những trường hợp này, dấu hiệu hương thơm sẽ mang tính chung chung, nếu như được bảo vệ độc quyền thì sẽ gây ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Từ án lệ Clarke, sau đó, có một vài dấu hiệu đã nộp đơn đăng ký và được chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu mùi hương tại Hoa Kỳ.
1.3. Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu là mùi hương
Để xác định, một dấu hiệu mùi hương có tiềm năng bảo hộ là nhãn hiệu hay không cần phải thỏa mãn các điều kiện sau:
(i) Dấu hiệu mùi hương phải được sử dụng như một nhãn hiệu gắn liền với một sản phẩm hoặc dịch vụ.
(ii) Dấu hiệu mùi hương phải có khả năng phân biệt, nghĩa là dấu hiệu đó có tính độc đáo và có thể là duy nhất trên thị trường hoặc trong một ngành hàng. Và dựa trên dấu hiệu này, khách hàng có thể liên hệ với nguồn gốc sản xuất hoặc cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Sự phân biệt có thể có ngay từ khi bắt đầu đưa sản phẩm vào kinh doanh, thương mại (tự phân biệt) hoặc sự phân biệt có được thông qua quá trình sử dụng. Ví dụ, một nhà sản xuất đã nộp đơn bảo hộ nhãn hiệu cho dấu hiệu mùi hương chanh của mực in máy in laser kỹ thuật số, máy photocopy[5]… Mối quan hệ bất thường giữa hương chanh và mùi mực máy in đã tạo nên tính phân biệt của nhãn hiệu.
(iii) Dấu hiệu mùi hương phải có tính phi chức năng: Những dấu hiệu mang tính chức năng là những dấu hiệu sẽ mang lại lợi ích cạnh tranh cho doanh nghiệp như: Giảm chi phí sản xuất hay nâng cao chất lượng sản phẩm… Do đó, để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng thì dấu hiệu này sẽ bị từ chối bảo hộ. Không chủ thể nào được bảo hộ những dấu hiệu này là nhãn hiệu, vì như vậy các dấu hiệu này sẽ bảo hộ vô thời hạn; thay vào đó, doanh nghiệp có thể chọn cách thức bảo hộ khác như: Bằng sáng chế hoặc quyền tác giả…
1.4. Phân loại dấu hiệu mùi hương
Các dấu hiệu mùi hương được phân loại dựa theo mối quan hệ với sản phẩm:
(i) Dấu hiệu mùi hương chính (primary scents marks). Đây là những dấu hiệu mùi hương của sản phẩm mà người tiêu dùng quyết định mua vì sự hấp dẫn của mùi thơm. Ví dụ như: Các loại nước hoa và khử mùi không khí... Trên thực tế, vấn đề lớn nhất khi đăng ký nhãn hiệu cho các mùi hương chính là nó có vẻ mang tính chức năng. Tuy nhiên, người nộp đơn vẫn có thể chứng minh về tính phi chức năng của mùi hương chính hoặc sản phẩm đó đã có được sự phân biệt thông qua quá trình sử dụng.
(ii) Dấu hiệu mùi hương thứ cấp (secondary scents marks). Những mùi hương này đại diện cho các sản phẩm có chức năng chính không liên quan đến mùi hương, nhưng vẫn chứa mùi hương như một phần không thể tách rời của sản phẩm. Một ví dụ về loại sản phẩm này là sữa tắm, người tiêu dùng sử dụng sữa tắm với mục đích chủ yếu để làm sạch nhưng cũng với mục đích thứ cấp là cung cấp mùi hương cho cơ thể. Trên thực tế, một số mùi hương thứ cấp đã chứng minh không có tính chức năng và được đăng ký thành công khi chứng minh đã tạo được sự phân biệt cho khách hàng.
(iii) Dấu hiệu mùi hương độc đáo. Những mùi hương này được sử dụng trên các sản phẩm mà thông thường không có mùi hương, hoặc có một mùi hương cụ thể mà người tiêu dùng truyền thống thường liên kết với sản phẩm. Sợi chỉ có mùi thơm ở án lệ Clarke là một ví dụ cho dấu hiệu có mùi hương độc đáo hay dầu động cơ có mùi thơm của hoa anh đào. Chức năng không phải là một trở ngại đối với việc đăng ký cho các loại nhãn hiệu này, bởi vì các dấu hiệu mùi hương độc đáo thường không liên quan đến tính hữu ích của sản phẩm. Hiện nay, đây là loại mùi hương duy nhất được Văn phòng bằng sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (PTO) chấp nhận có tính phân biệt vốn có và không bắt buộc phải chứng minh sự phân biệt qua quá trình sử dụng như mùi hương chính và mùi hương thứ cấp (Hamamersley, 1998).
2. Một số lợi ích khi sử dụng các nhãn hiệu mùi hương
Mặc dù, nhãn hiệu mùi hương là nhóm đối tượng mới được quy định gần đây tại một số nước, nhưng nó hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu và chính sách của pháp luật nhãn hiệu. Hiện tại, các nhãn hiệu mùi hương không được đăng ký bảo hộ nhiều như các loại nhãn hiệu thông thường khác, nhưng với một số lợi ích nhất định mà nó mang lại, các doanh nghiệp có thể cân nhắc để sử dụng các dấu hiệu đặc thù này trên sản phẩm mình.
Thứ nhất, nhãn hiệu mùi hương có mối liên hệ mạnh mẽ với trí nhớ của con người. Bộ nhớ về mùi là sống động vì có thể cảm thấy trong môi trường ngay lập tức. Về mặt này, bộ nhớ mùi được giới hạn để hiện diện nhận thức, trong trường hợp không có chất kích thích mùi, con người không thể nhớ lại mùi hương đó. Có thể nói, các dấu hiệu mùi hương có tác động mạnh mẽ lên trí nhớ của con người thông qua các yếu tố sinh học. Do đó, một khi khách hàng đã tạo được sự liên kết giữa sản phẩm với mùi hương, thì thật khó cho họ có thể thay thế bằng một sản phẩm khác.
Mặt khác, mục tiêu của nhãn hiệu là kích hoạt nguồn gốc của sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng. Khi cảm nhận được một mùi nhất định, mặc dù không trực tiếp nhìn thấy sản phẩm nhưng khách hàng cũng có thể nhanh chóng liên tưởng đến một loại hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể.
Thứ hai, nhãn hiệu mùi hương góp phần tạo ấn tượng khác biệt với khách hàng. Nhãn hiệu mùi hương sẽ khác so với các nhãn hiệu thông thường khác là nó tác động trực tiếp đến khứu giác của người tiêu dùng. Do đó, nếu như doanh nghiệp đầu tư để nhãn hiệu của mình có một mùi hương đặc biệt, thì sẽ tạo được ấn tượng với khách hàng, giúp họ có thể nhanh chóng đánh giá được chất lượng và đặc điểm sản phẩm trước khi quyết định mua. Mặt khác, nếu người tiêu dùng đã có trải nghiệm tốt đối với các hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp thì họ có thể quan tâm đến việc mua lại sản phẩm và giới thiệu cho khách hàng khác nữa. Nhãn hiệu mùi hương là một dấu hiệu đặc thù để giúp khách hàng nhanh chóng nhận ra ngay loại mà mình muốn mua, không nhầm lẫn với hàng hóa cùng loại khác.
Việc pháp luật bảo hộ các nhãn hiệu mùi hương chính là bảo hộ sự tín nhiệm của người tiêu dùng về dấu hiệu đặc biệt đó; đồng thời cũng tạo động cơ, khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư vào phát triển sản phẩm, nghiên cứu để tạo ra nhiều mùi hương độc đáo, sáng tạo như là một dấu hiệu nhận dạng nguồn. Các doanh nghiệp có thể yên tâm, các nhãn hiệu phân biệt của mình được pháp luật bảo hộ, không bị sao chép bất hợp pháp của các đối thủ khác.
3. Một số khó khăn khi bảo hộ nhãn hiệu mùi hương và gợi mở hướng giải quyết
Thứ nhất, đối với việc nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ. Khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thông thường, các cơ quan quản lý yêu cầu phải nộp kèm bản mô tả về dấu hiệu. Bản mô tả của dấu hiệu mùi hương là một vấn đề bởi vì không có cách rõ ràng để xác định một mùi hương bằng các kỹ thuật đồ họa và thiết bị đo đạc. Bên cạnh đó, cũng chưa có những tiêu chuẩn cụ thể về các dấu hiệu mùi. Theo một số nghiên cứu thì đối với mỗi người, việc cảm nhận về dấu hiệu mùi hương có thể khác nhau, hoặc tùy vào từng tâm trạng, tuổi tác thì việc cảm nhận này cũng có khác biệt.
Tuy nhiên, việc nộp mẫu vật chính xác cũng không nhất thiết là một yêu cầu bắt buộc với các dấu hiệu mùi hương, vì thực tế cũng không có một định nghĩa cụ thể, rõ ràng về mùi. Tại Hoa Kỳ, Văn phòng đặc trách Nhãn hiệu và Bản quyền (PTO) cho phép trong hồ sơ có thể nộp kèm bản mô tả bằng lời nói về mùi thơm. Ví dụ, mùi hoa anh đào cho dầu động cơ, mùi cỏ mới cắt cho bóng tennis… PTO cũng yêu cầu người nộp đơn phải nộp kèm theo bản mẫu vật, bằng cách ngâm giấy thấm trong mùi hương. Khi đăng ký, người nộp đơn sẽ niêm phong tờ giấy đó cẩn thận, trong bao bì kín và thay thế năm năm một lần để đảm bảo hương thơm không bị suy giảm.
Thứ hai, tính phi chức năng của dấu hiệu mùi hương. Một lập luận thuyết phục nhất, chống lại việc bảo hộ các dấu hiệu mùi hương vì cho rằng nó có tính chức năng, ngay cả khi dấu hiệu đó có ý nghĩa thứ hai. Tuy nhiên, sự hiện diện của tính chức năng trong các dấu hiệu không có nghĩa là nó không thể kiểm soát được. Cơ quan đánh giá phải phân tích tất cả các khía cạnh của dấu hiệu.
Giả sử, một nhà sản xuất đăng ký bảo hộ dấu hiệu mùi hương cam thảo cho sản phẩm làm sạch gia dụng. Đây là một dấu hiệu có mùi hương thứ cấp. Để vượt qua thử nghiệm về tính phi chức năng, dấu hiệu mùi hương cam thảo cần phải được chứng minh là nó không mang tính hữu ích, hay nói cách khác đây không phải là “phương pháp tốt nhất”[6], cần thiết cho sự thành công thương mại của sản phẩm. Trên thực tế, cam thảo không phải là chất có chức năng làm sạch, ngay cả khi nhà sản xuất muốn dùng mùi cam thảo để che bớt mùi khó chịu từ chất tẩy rửa thì đây cũng là một mùi hương tùy ý, được sử dụng để chỉ dẫn nguồn, phân biệt các sản phẩm làm sạch với nhau. Tuy nhiên, nếu mùi hương đăng ký là mùi chanh hoặc mùi thông thì các dấu hiệu này chắc chắn sẽ không vượt qua được sự đánh giá về tính phi chức năng, bởi vì trên thị trường đã xác định, mùi hương này là mùi hương tốt nhất cho các sản phẩm làm sạch. Nếu bảo hộ các dấu hiệu này sẽ gây cản trở cho sự cạnh tranh.
Một ví dụ khác, cũng trong nghiên cứu của (Hammersley, 1998), liên quan đến mùi hương chính đối với sản phẩm nước hoa, nếu người nộp đơn đăng ký bảo hộ hương thơm cho mùi hoa nhài thì chắc chắn sẽ bị từ chối, vì đây là một mùi hương phổ biến, có thể được các đối thủ sử dụng để tạo ra các mùi hương tổng hợp khác. Tuy nhiên, đối với mùi nước hoa Chanel No.5 thì lại có thể được chấp nhận bảo hộ, vì đây là một mùi hương phức tạp, được nhà sản xuất nghiên cứu, đầu tư nhiều công sức và tiền bạc sáng tạo ra, chứ không phải là một mùi có sẵn trong tự nhiên. Mặt khác, mùi hương Chanel No.5 trở lên nổi tiếng, nhiều người biết tới, không phải là do đây là một mùi hương tốt nhất, đặc biệt nhất, cần thiết cho sự cạnh tranh trên thị trường mà mùi hương này có được danh tiếng như vậy là do nhà sản xuất đã tiếp thị và quảng cáo về sản phẩm đó. Như vậy, trong trường hợp này, dấu hiệu mùi hương Chanel No.5 cũng không mang tính chức năng.
Nói tóm lại, người nộp đơn muốn bảo hộ cho dấu hiệu mùi hương của mình thì cần đảm bảo một số vấn đề sau: (i): Họ là nhà sản xuất duy nhất áp dụng mùi hương này vào sản phẩm (mùi hương càng độc đáo, phức tạp thì khả năng được bảo hộ càng cao); (ii) Đối với các mùi hương chính và thứ cấp thì cần chứng minh sản phẩm có được sự phân biệt qua quá trình sử dụng; (iii) Dấu hiệu mùi hương được nhấn mạnh trong các hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.
Như vậy, có thể thấy dấu hiệu mùi hương cũng giống như các dấu hiệu truyền thống khác khi đăng ký bảo hộ là nhãn hiệu. Nếu như, mùi hương không có tính chức năng và có sự phân biệt thì vẫn có thể dùng để chỉ nguồn gốc của sản phẩm/dịch vụ. Việc mở rộng đối tượng được bảo hộ sẽ khuyến khích sự đầu tư của chủ sở hữu để nhãn hiệu có sự độc đáo, dễ phân biệt; từ đó người tiêu dùng được đảm bảo lợi ích khi có thể đánh giá các sản phẩm/dịch vụ (trước và sau khi bán hàng), đồng thời cũng thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh.
Đại học Ngoại thương cơ sở 2 tại TP. Hồ Chí Minh
[1]. Điều 18.18, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
[2]. Điều 45 Đạo luật Lanham (Lanham Act).
[3]. Khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
[4]. In re Clarke, 17 U.S.P.Q.2d 1238 (T.T.A.B. 1990).
[5]. Đơn số: 75-120036 (ngày 17/06/1996). Người nộp đơn: Công ty QC Group Corporation.
[6]. Hamamersley, F. M. 1998. The smell of success: trade dress protection for scent marks. Marq. intell. Prop. L. Review, 2, tr. 149.