Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trước Quốc hội vào kỳ họp cuối mỗi năm từ năm 2011 đến năm 2015, cho thấy kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2011 tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật được nhìn nhận là diễn biến phức tạp, hầu hết các loại tội phạm đều tăng so với cùng kỳ những năm trước đó (tăng cả về số tội phạm và loại tội), với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội ngày càng tăng thì từ năm 2012 cho đến năm 2015 tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật dần được kiềm chế, nhìn tổng thể tình hình tội phạm có tăng nhưng không đáng kể.
Theo số liệu thống kê từ báo cáo về số vụ án về nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được thụ lý trong giai đoạn từ 2011 - 2015 số vụ án cũng như các đối tượng liên quan đến nhóm tội phạm này tuy chiếm số ít trong tổng số tội phạm nói chung nhưng vẫn có xu hướng tăng theo từng năm. Cụ thể: Năm 2011 tổng số vụ án về kinh tế được thụ lý là 965 vụ, năm 2015 số vụ được thụ lý là 1.405 vụ, tăng 31,3% so với năm 2011. Trong đó, số bị cáo tăng 945 người tăng 34,4% so với năm 2011 (năm 2011 số bị cáo là 1.797 người, năm 2015 số bị cáo tăng lên 2.742 người)[1]. Tội phạm tập trung vào các hành vi chiếm đoạt tài sản của ngân hàng, tín dụng đen; sử dụng công nghệ cao; dùng thẻ ATM, thẻ thanh toán giả để rút tiền... tội buôn lậu, mua bán trái phép ngoại tệ, buộn lậu vàng qua biên giới…
Các hành vi phạm tội thường xảy ra ở các ngành kinh tế trọng điểm như: Thương mại, nông nghiệp, giao thông vận tải, ngân hàng, nhà đất, xây dựng, công nghiệp, năng lượng, thủy sản; ở các khâu kinh tế trọng điểm như: kinh doanh, sản xuất, kho quỹ, vận chuyển,… Về địa bàn xảy ra tội phạm kinh tế cũng đa dạng, Không chỉ tập trung ở các thành phố, thị xã lớn là nơi tập trung nhiều cơ quan xí nghiệp (như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng,…) mà còn xuất hiện gia tăng ở các địa bàn cấp huyện, cấp xã. Đặc biệt ở những vấn đề nóng bỏng về đất như đền bù, giải phóng mặt bằng, đô thị hóa, nơi có các dự án kinh tế…
Tội phạm trong nước cũng tăng cường móc nối với tội phạm ở nước ngoài để tiến hành các hoạt động phạm tội. Vì vậy, trong những năm qua, tình hình tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam cũng có xu hướng tăng dần về cả số vụ, việc lẫn tính chất, mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là những hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức mang tính xuyên quốc gia như: Tội phạm sản xuất, buôn bán tiền giả, hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu, lừa đảo kinh tế, trốn thuế xuất nhập khẩu ở khu kinh tế thương mại tự do, thương mại điện tử… Trong đó, trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm chiếm số vụ và số bị cáo được thụ lý cao nhất với 2.348 vụ án và 3.298 bị cáo. Theo số liệu từ Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), từ năm 2014 đến tháng 10/2017 cả nước đã xử lý hơn 44.500 vụ việc liên quan đến sản xuất[2], buôn bán hàng nhái, hàng giả, nổi cộm như sản xuất kinh doanh thuốc điều trị ung thư của Công ty dược VN Pharma, Công ty TNHH TS Việt Nam sản xuất lô mỹ phẩm giả với giá trị 11 tỷ đồng là những vụ điển hình trong kinh doanh hàng giả.
2. Một số tội phạm cụ thể
2.1. Tội kinh doanh trái phép và “tội cố ý làm trái”
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ tội kinh doanh trái phép và tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, không xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép. Bỏ tội kinh doanh trái phép sẽ giúp mở rộng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ không còn, tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 không bỏ hẳn hành vi phạm “tội cố ý làm trái” mà tội danh này được cụ thể hóa bằng 09 tội danh khác, trong Mục 3 Chương 18 từ Điều 217 đến Điều 234 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều rào cản: Luật Đầu tư năm 2014 tổng hợp và công bố được 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng con số đó là quá lớn và chỉ thuần túy mang tính thống kê. Chưa có điều kiện chuẩn cho các ngành nghề, trong đó có 16 ngành nghề chưa ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng. Hiện các bộ đang rà soát các quy định điều kiện kinh doanh ở các thông tư nhưng chỉ là tập hợp lại, mà không có đánh giá tính hợp lý, cần thiết, tính hiệu quả, hiệu lực và đặc biệt là tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để từ đó thực hiện cải cách. Bên cạnh đó, tình trạng “chồng chéo” các quy định của pháp luật gây rủi ro cho doanh nghiệp. Còn có sự trùng lặp giữa thủ tục đăng ký kinh doanh và thủ tục đăng ký đầu tư (quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư) tạo ra tình trạng chồng chéo về thủ tục. Điều này đã được các nhà đầu tư nước ngoài phản ánh tại các diễn đàn doanh nghiệp gần đây. Có thể nói, pháp luật quy định các chủ thể có quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, nhưng do pháp luật ở Việt Nam còn nhiều quy định chồng chéo ở các luật chuyên ngành, nên thực tế doanh nghiệp cũng không dám tự do thực hiện quyền của mình, bởi họ lo ngại có thể luật này không quy định cấm nhưng có thể ở đâu đó sẽ có quy định cấm hoặc hạn chế quyền bằng các thủ tục hoặc các loại giấy phép khác.
2.2. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
Trong thời gian qua (2012 - 2015), lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện, xử lý 150 vụ chiếm 2,8% trên tổng số vụ với 233 bị cáo[3]. Tuy chiếm phần trăm không đáng kể nhưng tội phạm này đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, không những gây thiệt hại cho kinh tế nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Hàng giả được sản xuất rất phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả, xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, từ những mặt hàng giản đơn, giá trị thấp đến những mặt hàng đòi hỏi phải có công nghệ sản xuất hiện đại, trình độ kỹ thuật cao. Các sản phẩm giả bị sản xuất, kinh doanh hiện nay chủ yếu là các mặt hàng được ưa chuộng, thứ nhất là các loại thuốc, thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý, tiếp đó là các loại mỹ phẩm làm đẹp cho phụ nữ. Hình thức, mẫu mã của các sản phẩm giả này ngày càng tinh vi, khó phát hiện; có công dụng, chất lượng thấp hơn nhiều so với hàng thật; ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng. Khi sản xuất hàng giả, các đối tượng có trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc để đóng gói, dán tem sản phẩm, sản phẩm giả có hình thức rất tinh vi, rất khó phân biệt với hàng chính hãng…
Những năm gần đây, khi người tiêu dùng có tâm lý tẩy chay hàng Trung Quốc, đặt niềm tin vào thương hiệu Việt, thì những người kinh doanh lại tìm cách lấy hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt. Theo số liệu từ Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), từ năm 2014 đến tháng 10/2017 cả nước đã xử lý hơn 44.500 vụ việc liên quan đến sản xuất[4], buôn bán hàng nhái, hàng giả, nổi cộm như sản xuất kinh doanh thuốc điều trị ung thư của Công ty dược VN Pharma, Công ty TNHH TS Việt Nam sản xuất lô mỹ phẩm giả với giá trị 11 tỷ đồng là những vụ điển hình trong kinh doanh hàng giả. Đặc biệt, với hình thức giao dịch thông qua hệ thống thương mại điện tử như hiện nay, các cửa hàng giao dịch, mua bán trực tuyến (cửa hàng, shop online) xuất hiện ngày càng nhiều, kéo theo thủ đoạn mua bán hàng giả lợi dụng hệ thống thương mại điện tử cũng trở nên phổ biến và phức tạp, khó kiểm soát hơn, trong đó có tình trạng buôn bán hàng giả. Trước đây, chủ yếu tập trung ở các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, tuy nhiên hiện nay đã và đang xuất hiện thêm các hình thức khác như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn… thu hút một bộ phận không nhỏ lao động thất nghiệp tham gia sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả. Hàng giả, hàng nhái đã và đang có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
2.3. Nhóm tội liên quan đến hoạt động tài chính, ngân hàng
Đáng lưu ý các vụ án trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có chiều hướng gia tăng về số lượng, tinh vi về thủ đoạn, gây hậu quả rất nghiêm trọng và thiệt hại lớn cho xã hội. Hầu hết các vụ án này đều có tổ chức với sự tham gia, tiếp tay của cán bộ nhân viên trong ngành tài chính, ngân hàng. Từ 2012 - 2015 đã thụ lý 50 vụ với tổng số bị cáo là 316 người. Dù chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số các vụ phạm tội (0,1%), song mức độ thiệt hại của các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng là rất lớn. Những tội phạm này đã gây thiệt hại cho xã hội với con số khổng lồ hàng nghìn tỷ đồng nhưng cũng chỉ áp dụng được hình phạt là tù đối với nhân thân người phạm tội, còn thiệt hại Nhà nước, cá nhân, tổ chức phải gánh chịu vì không có khả năng thu hồi hoặc con số thu hồi được cũng chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với con số thiệt hại gây ra.
Các đối tượng đã lợi dụng nhiệm vụ được giao dùng các thủ đoạn như: Thu nợ nhưng không nhập quỹ hoặc tự làm hồ sơ khống sổ tiết kiệm của khách hàng để rút tiền chiếm đoạt tiêu xài cá nhân hoặc dùng hồ sơ của khách hàng đáo hạn để làm hồ sơ giả bằng cách giả chữ ký của người vay, sửa số chứng minh nhân dân, sửa giấy đăng ký giao dịch... sau đó giả chữ ký khách hàng nhận tiền vay để rút tiền chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước trong một thời gian dài. Một số vụ việc nổi cộm mà công an đã khởi tố trong thời gian qua như: Vụ án tham nhũng xảy ra tại Vinashin; vụ án tham ô, tham nhũng xảy ra tại Công ty Xây lắp Dầu khí; vụ án tham nhũng tại Công ty dệt kim Đông Phương, chi nhánh một số Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... Cơ quan điều tra cũng đã bắt giam ông Nguyễn Đức Kiên để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và kinh doanh trái phép; khởi tố ông Trần Xuân Giá và một số lãnh đạo Ngân hàng ACB về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước. Cảnh sát cũng đã tổ chức truy bắt bị can Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch Vinalines bỏ trốn…
Bên cạnh đó, tội phạm công nghệ cao cũng đang gia tăng nhanh chóng. Đây là lĩnh vực mới, yêu cầu công nghệ và mức độ bảo mật cao. Tuy nhiên, những lỗ hổng bảo mật trong công nghệ quản lý ngân hàng như thẻ thanh toán ATM, e-banking… đang là điểm nhắm đến của bọn tội phạm công nghệ cao. Với thủ đoạn tinh vi, hàng loạt vụ đột nhập gây thiệt hại cho nhiều ngân hàng tại nước ta đã xảy ra. Một số phương thức, thủ đoạn tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như lừa đảo qua điện thoại; lấy cắp thông tin tài khoản; lắp đặt thiết bị skimming đánh cắp thông tin, dữ liệu thẻ ATM của khách hàng khi họ giao dịch qua máy ATM để làm giả thẻ ATM rút tiền chiếm đoạt. Hiện nay, tại một số nước Châu Âu đã xuất hiện một số thủ đoạn mới của tội phạm rút tiền qua ATM tuy chưa xảy ra ở Việt Nam, như tấn công hộp đen, tấn công bằng phần mềm độc hại. Nếu các thủ đoạn ở trên, nạn nhân thường là khách hàng thì với các thủ đoạn mới, đối tượng tấn công của tội phạm sẽ là các ngân hàng. Thủ đoạn phạm tội của đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, trong khi các ngân hàng còn sử dụng các công nghệ thẻ kém bảo mật, nhiều khách hàng chưa có ý thức giữ gìn các thông tin thẻ đã khiến Việt Nam trở thành “vùng trũng” của tội phạm thẻ.
3. Nguyên nhân của tình hình tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế ở Việt Nam hiện nay
Tội phạm kinh tế là biểu hiện tập trung nhất của những nhân tố tiêu cực trong quá trình phát triển nền kinh tế quốc gia. Hoạt động tội phạm chính là biểu hiện rõ nhất những yếu kém, thiếu sót, bất cập trong cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước. Có thể rút ra một số nguyên nhân như sau:
Một là, những tác động tiêu cực từ nền kinh tế thị trường đã dẫn đến tình hình tội phạm kinh tế ngày càng phức tạp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Sự mất cân đối giữa sức cung của nền kinh tế và sức cầu của xã hội là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho các tội phạm về kinh tế, nhất là các tội phạm buôn lậu, kinh doanh trái phép, trốn thuế, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm nảy sinh, tồn tại và có chiều hướng ngày càng phức tạp. Nhiều chính sách xã hội hiện hành cũng còn chứa đựng nhiều bất hợp lý, thiếu chặt chẽ, sơ hở, đó cũng là môi trường thuận lợi cho sự phát sinh tội phạm nói chung và tội phạm về kinh tế nói riêng.
Ngoài ra khủng hoảng kinh tế xã hội còn tác động xấu đến mỗi quá trình, mỗi tổ chức kinh tế và đến mỗi người làm kinh tế cụ thể, tác động sâu rộng đến hoạt động chung của nền kinh tế, làm ảnh hưởng các kế hoạch, chương trình kinh tế, các quan hệ hợp đồng, trao đổi sản xuất lưu thông, liên doanh liên kết... gây rối loạn các mối quan hệ kinh tế. Từ đó, dễ dàng tạo ra môi trường kinh tế cạnh tranh không lành mạnh. Và trong điều kiện của cơ chế kinh tế thị trường, của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đa số cán bộ kinh tế còn chưa được đào tạo đầy đủ thì môi trường kinh tế hỗn tạp, cạnh tranh không lành mạnh sẽ là điều kiện phát sinh các tiêu cực và tội phạm kinh tế.
Hai là, nguyên nhân do hệ thống chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý còn yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay. Khi nước ta bước sang nền kinh tế thị trường đồng thời chuyển sang cơ chế quản lý mới, sư vận hành của nền kinh tế và công tác quản lý kinh tế đã tạo ra nhiều kẽ hở trong chính sách và pháp luật, trong các định hướng bước đi, biện pháp cụ thể của quá trình chuyển đổi, của sự vận hành cơ chế mới. Những bất cập, sơ hở, thiếu sót trong chính sách, cơ chế chính sách là điều kiện mà các đối tượng phạm tội kinh tế đã triệt để lợi dụng. Có thể nói, tất cả những hành vi lợi dụng để phạm tội đều có cơ sở phát sinh từ những lúng túng, những bất cập, rối loạn của Nhà nước trong điều kiện chuyển sang cơ chế quản lý kinh tế mới.
Ba là, nguyên nhân xuất phát từ tâm sinh lý của con người. Người phạm tội về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế không phải hoàn toàn do nghèo đói, do khó khăn. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ số người phạm tội do điều kiện hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Những người phạm tội về kinh tế phần lớn đều có cuộc sống và hoàn cảnh kinh tế khá giả, cao hơn nhiều so với mức sống trung bình trong xã hội. Chính yếu tố tâm lý tiêu cực vụ lợi mà biểu hiện cụ thể của nó là sự tham lam, tính vị kỷ, khát vọng làm giàu vô điều kiện, ý thức coi thường pháp luật, luôn luôn là cơ sở, động lực của hành vi phạm tội. Yếu tố này là nguyên nhân trực tiếp của các tội phạm về kinh tế.
Bốn là, xuất phát từ một số cán bộ, đảng viên bị nhiễm tâm lý xã hội tiêu cực về đủ loại hình và suy thoái về phẩm chất đạo đức. Có nhiều người trong số kẻ phạm tội mặc dù trước đó có nhân thân xấu, đã từng vi phạm phẩm chất đạo đức, xâm phạm tài sản chung hoặc đã bị kết án…nhưng vẫn được bổ nhiệm, đề bạt vào các chức vụ quan trọng có liên quan đến quản lý tài sản. Chính những yếu kém trong công tác tổ chức và cán bộ là một trong những nguyên nhân quan trọng của sụ phát sinh tội phạm về kinh tế.
Năm là, hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm nói chung và tội phạm về kinh tế nói riêng trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng song so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng được bao nhiêu. Nhiều yếu kém vẫn chưa được khắc phục trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là những yếu kém trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm và tội phạm cũng là nguyên nhân và điều kiện của tội phạm kinh tế. Kết quả nghiên cứu tội phạm học ở nước ta cho thấy phần lớn các vụ án kinh tế được phát hiện sau khi tội phạm đã xảy ra cách đó một năm trở lên, có nhiều vụ kéo dài từ hai đến ba năm mới phát hiện được, trong nhiều vụ án, bọn phạm tội hoạt động kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, sau đó mới bị phát hiện.
Việc tổ chức phối hợp hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật để phát hiện và xử lý tội phạm còn chưa đồng bộ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các biện pháp pháp luật. Còn chưa có sự phối hợp thật chặt chẽ , thường xuyên giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với các cơ quan hành pháp, cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức sản xuất kinh doanh trong việc thực hiện, xử lý các tội phạm kinh tế và đây cũng là những nguyên nhân và điều kiện để tội phạm kinh tế ở nước ta phát sinh, phát triển.
4. Một số giải pháp cụ thể
Thứ nhất, quán triệt quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng trong xây dựng, phát triển kinh tế xã hội và phòng ngừa tội phạm kinh tế. Đề xuất kịp thời và có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tội phạm kinh tế. Tăng cường nghiên cứu, kiểm tra, bổ sung các luật, dự luật, thiết lập trật tự quản lý kinh tế chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Bảo đảm vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Có chính sách bảo hộ sản xuất trong nước nhưng cũng cần tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển bình đẳng trong cơ chế thị trường. Theo kinh nghiệm của một số nước, cần có cơ quan thẩm định về hình sự học trước khi ban hành các chủ trương, chính sách kinh tế và các quy định pháp luật kinh tế. Thường là do các cơ quan có chức năng chính trong phòng ngừa tội phạm kinh tế chủ trì.
Thứ hai, nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế, xã hội của Nhà nước, góp phần thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội.
Thứ ba, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo kiến thức chuyên môn, kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức và doanh nghiệp. Cần gấp rút đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế cũ để giúp họ tự thay đổi, từ bỏ dần những nhận thức, phương pháp quản lý của cơ chế cũ, đồng thời bổ sung những kiến thức kinh nghiệm quản lý phù hợp với đặc điểm nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Thứ tư, tiến hành rà soát, kiểm tra thật nghiêm ngặt việc cấp giấy phép thành lập các pháp nhân, nhất là các tổ chức sản xuất, kinh doanh, các tổ chức tín dụng, dịch vụ… bảo đảm tính hợp pháp của các tổ chức này cũng như đảm bảo những người đứng đầu các pháp nhân đó phải là người có đủ điều kiện như quy định của pháp luật.
Thứ năm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh người có hành vi phạm tội góp phần bảo vệ tài sản, ổn định thị trường. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật và đề cao cảnh giác trong nhân dân với các thủ đoạn phạm tội mới đã và đang xuất hiện. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết, đáp ứng kinh phí để mua sắm trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ khoa học kỹ thuật cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế./.
Viện Nhà nước và pháp luật