Abstract: On the basis of the analysis of the current legal regulations on the criteria for determining enterprises or cooperatives which fall into the state of bankruptcy, comparing them with the relevant legal regulations, the article proposes orientations for improvement of law about that criteria.
So với Luật Phá sản năm 20041, Luật Phá sản năm 2014 thay thế quy định “lâm vào tình trạng phá sản” bằng “mất khả năng thanh toán” để thể hiện đúng bản chất của đối tượng được điều chỉnh bởi Luật này là doanh nghiệp, hợp tác xã có dấu hiệu cụ thể hơn ở điểm “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”. Quy định này khẳng định đối tượng trên không phải là chỉ có con đường bị phá sản mà còn có con đường (khả năng) khác trong những trường hợp nhất định, như là phục hồi hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu...
Luật Phá sản năm 2014 cũng xác định chính xác hơn tiêu chí “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán” so với “không có khả năng thanh toán” ở Luật Phá sản năm 2004, tức là bao gồm cả hai trường hợp không có khả năng thanh toán hoặc có khả năng thanh toán (hiện tại hoặc sau này) nhưng chưa thanh toán; thời điểm được xác định là trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán mà không phải là “khi chủ nợ có yêu cầu”. Như vậy, Luật Phá sản năm 2014 đã định hình rõ ràng hơn đối tượng áp dụng của Luật đối với doanh nghiệp, hợp tác xã với các tiêu chí cơ bản.
Bên cạnh khái niệm về doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, Luật Phá sản năm 2014 cũng đã xác định rõ hơn các thuộc tính của vấn đề “không có khả năng thanh toán”. Để mở thủ tục phá sản, Chương II Luật Phá sản năm 2014 đã quy định về đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn, đó là 06 nhóm đối tượng được quy định tại Điều 5 của Luật này: (i) Chủ nợ (Điều 26); (ii) Người lao động, đại diện công đoàn (Điều 27); (iii&iv) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán (Điều 28); (v&vi) Cổ đông hoặc nhóm cổ đông của công ty cổ phần, thành viên hợp tác xã hoặc hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã (Điều 29). Trong đó, nội dung đơn yêu cầu tuyên bố phá sản được quy định ở điểm cuối các khoản 2 của các điều trên về nguyên nhân hay là tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản liên quan đến từng nhóm đối tượng có đơn (như là khoản nợ đến hạn đối với chủ nợ; tổng số tiền lương và các khoản nợ khác đã đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không trả cho người lao động đối với nhóm chủ thể “ii”; hay chỉ là căn cứ chung về yêu cầu mở thủ tục phá sản được quy định tại các điều liên quan đối với các nhóm chủ thể còn lại (từ iii đến vi).
Như vậy, Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 xác định khái niệm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán “là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán” được phân tích ở những nội dung sau:
1. Về khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã
Khi xác định một tổ chức kinh tế lâm vào tình trạng phá sản, các Luật Phá sản trước đây[2] và Luật Phá sản năm 2014 đã đưa nội dung nợ vào tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản nhưng chưa lý giải cụ thể thế nào là nợ.
- Về khái niệm: Trong từ điển tiếng Việt, “nợ” (danh từ) là “cái vay phải trả mà chưa trả” chưa thể hiện hết được mối quan hệ dân sự hiện hành (như nghĩa vụ phải thanh toán đối với hành vi tự ý thực hiện công việc cho người khác…). Trên cơ sở Bộ luật Dân sự (năm 2005 và năm 2015), khái niệm “nợ” được xác định như là “nghĩa vụ dân sự” phải thực hiện, như là “nợ lương”, “nợ thuế”[3] hay cụ thể như nợ do vay tài sản, các khoản nợ nói chung khác. Bộ luật Dân sự là đạo luật gốc, không xác định khái niệm “nợ” và từ đó, khái niệm “nợ” được hiểu như một thuật ngữ chung có phạm vi bao hàm rộng như đã nêu trên, đặc biệt thuật ngữ này được sử dụng phổ biến trong Bộ luật Dân sự năm 2005 và có một số phân loại trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Ðiều 280 Bộ luật Dân sự năm 2005 xác định khái niệm: “Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”[4].
Nghiên cứu rộng hơn trên các lĩnh vực khác cho thấy, “nợ là một thuật ngữ thường được sử dụng trong trường hợp phải thực hiện một nghĩa vụ hoàn trả hay đền bù về tài sản, vật chất. Tuy nhiên, nợ cũng có thể được sử dụng để chỉ các nghĩa vụ khác. Trong trường hợp nợ tài sản thì nợ là một cách sử dụng sức mua trước khi kiếm đủ tổng số tiền để trả cho sức mua đó”[5]. Các khoản nợ hay các nghĩa vụ dân sự theo pháp luật của một doanh nghiệp, hợp tác xã nảy sinh trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh và sẽ được thanh toán thông qua việc chuyển giao các lợi ích kinh tế bao gồm tiền, hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh lĩnh vực tài chính và kế toán, thuật ngữ này đơn giản được sử dụng cho tất cả các khoản tiền hoặc dịch vụ mà hiện nay đang được sở hữu bởi một bên khác hay nghĩa vụ nợ là thuế tài sản mà người sở hữu là Chính phủ.
So sánh với quy định chung của pháp luật dân sự, tài chính với pháp luật phá sản cho thấy, khái niệm “nợ” chưa được quy định thống nhất trong Luật Phá sản trước đây và trong Luật năm 2014. “Nợ” vừa là tiêu chí chung để xác định mọi nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện mà không thực hiện được (trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn) để xác định đối tượng lâm vào tình trạng phá sản; “nợ” cũng được hiểu là nghĩa vụ trả lương (khoản 2 Điều 5) hay “nợ lương” theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, dường như Luật Phá sản chỉ xác định người lao động là một thành phần tham gia thủ tục phá sản mà không có quy định cụ thể nào xác định rõ rệt hơn nữa họ cũng có thể là chủ nợ (chủ nợ không có bảo đảm) ngoài trường hợp họ yêu cầu mở thủ tục phá sản (trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ lương). Điều đó còn thể hiện ở khoản 2 Điều 77 Luật Phá sản năm 2014 khi quy định: “Đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn được người lao động ủy quyền; trường hợp này đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ”.
Thực tế hiện nay cho thấy, đa số các doanh nghiệp nợ lương, có những trường hợp nợ lương kéo dài cũng không bị người lao động hay đại diện của họ khởi kiện yêu cầu tuyên bố phá sản và người lao động luôn luôn chịu thiệt trong quan hệ về tiền lương, lợi ích hợp pháp khác; đặc biệt là tình trạng doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đang trở thành vấn đề “nhức nhối” của xã hội. Việc xác định “nợ” là điều kiện đặc biệt quan trọng để xác định doanh nghiệp, hợp tác xã khi lâm vào tình trạng phá sản có khả năng phục hồi hay không khi xác định phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
- Về định lượng tiêu chí nợ: Luật Phá sản năm 2014 vẫn quy định chung về doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn mà chưa xác định cụ thể khoản nợ đó là bao nhiêu để bị coi là lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Pháp luật phá sản ở nhiều nước đều quy định về mức nợ để làm căn cứ yêu cầu phá sản doanh nghiệp, như Điều 123 Luật Mất khả năng thanh toán năm 1986 của Vương quốc Anh quy định một công ty không có khả năng thanh toán nợ khi có một trong số các điều kiện là “nợ của chủ nợ số tiền vượt quá 750 bảng”[6].
Luật Phá sản năm 2014 cũng như các Luật Phá sản trước đó[7] không đưa ra các yếu tố định lượng, mà chỉ đưa ra các yếu tố định tính, tức là căn cứ vào khả năng trả nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã vào thời điểm chủ nợ yêu cầu. Điều này có thể dẫn tới hai khả năng: (i) Chủ nợ lạm dụng quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đang gặp khó khăn tạm thời chứ không phải mất khả năng thanh toán một cách tràn lan, nhất là đặt trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các DN; (ii) Doanh nghiệp, hợp tác xã cố ý mập mờ trong các khoản nợ để chủ nợ, người lao động không thể biết chính xác khả năng thanh toán của nó.
2. Về thời hạn khoản nợ chưa được thanh toán kể từ ngày đến hạn thanh toán
Luật Phá sản năm 2014 đã khắc phục sự thiếu sót trong kỹ thuật lập pháp và giải thích thuật ngữ pháp lý trong Luật Phá sản năm 2004 về việc xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Cụ thể, Điều 3 Luật Phá sản năm 2004 quy định về doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản khi “không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu”. Điều này cho thấy sự không rõ ràng, cụ thể khiến việc đánh giá các doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán thực tế gặp nhiều khó khăn. Chính việc bổ sung điều kiện “khi chủ nợ có yêu cầu” làm tăng sự phức tạp trong tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Luật Phá sản năm 2014 đã xác định một thời hạn rõ ràng hơn đối với việc không thanh toán khoản nợ là 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán mà không cần tính kể từ khi chủ nợ có yêu cầu. Việc tạo ra một thời hạn nhất định cho doanh nghiệp, hợp tác xã thu xếp thanh toán các khoản nợ là cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ nợ có thể thay đổi lại yêu cầu của mình (chẳng hạn có thể chuyển việc tuyên bố phá sản sang mua bán, sáp nhập doanh nghiệp hay chuyển các khoản nợ thành vốn góp…). Nếu sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn không thanh toán được các khoản nợ đến hạn thì doanh nghiệp, hợp tác xã đó đủ điều kiện là đối tượng lâm vào tình trạng phá sản và có thể được thực hiện thủ tục phá sản theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, việc quy định doanh nghiệp, hợp tác xã “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng” có thể là một thời gian quá ngắn. Trong Báo cáo tài chính mà các doanh nghiệp phải lập theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp, thì nợ ngắn hạn “là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản nợ còn phải trả có thời hạn thanh toán không quá 12 tháng hoặc dưới một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường”[8]. Như vậy, khoản nợ trong thời hạn 03 tháng được xem là rất ngắn hạn. Thực tế hoạt động kinh doanh ở Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ hay để những khoản nợ quá nhiều tháng, có trường hợp cả năm khi “tổng kết” hoạt động mới thanh toán. Chính việc thu xếp để thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã khá phức tạp, đòi hỏi một thời gian dài, thậm chí có thể được gia hạn nhiều lần hoặc chuyển đổi khoản nợ thành loại tài sản khác (như góp vốn vào doanh nghiệp, hợp tác xã[9]). Chính vì thực tế ít doanh nghiệp và chủ nợ quan tâm đến quy định này của Luật nên việc thanh toán trong vòng 03 tháng kể từ ngày đến hạn không thực sự đi vào thực tế, chủ nợ cần một tiêu chí cụ thể hơn để xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản và không thể bảo đảm quyền lợi của họ.
3. Về nội dung doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ
Luật Phá sản năm 2014 cũng xác định rõ hơn thuật ngữ “không thực hiện” nghĩa vụ thanh toán nợ, tức là có thể mất khả năng thanh toán nợ dẫn đến không thực hiện (như trường hợp của Luật Phá sản năm 2004) và có thể có khả năng thanh toán nợ nhưng không thực hiện. Như vậy, đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản rộng hơn và phù hợp với thực tiễn kinh doanh. Tuy nhiên, về mặt ngôn ngữ, thuật ngữ “doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán” không bao hàm hết nghĩa “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”[10], do đó, cần thiết có sự sửa đổi Luật Phá sản năm 2014 theo hướng là “doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán” là đối tượng lâm vào tình trạng phá sản. Khi tiến hành thủ tục phá sản, yếu tố mất khả năng thanh toán cần được xem xét ở những mức độ khác nhau khi xem xét khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Luật Phá sản năm 2014 cũng đã phân biệt rõ hơn đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản - chủ thể đầu vào và doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản - chủ thể đầu ra là phải có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Thông thường, điều này chỉ diễn ra sau khi Tòa án đã xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán các khoản nợ đã đến hạn và không còn giải pháp nào khác tối ưu hơn là việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong trường hợp này, việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đã được Tòa án xác định rõ hơn là do doanh nghiệp, hợp tác xã mất (hoàn toàn) khả năng thanh toán.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở nghiên cứu những nội dung của tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, việc hoàn thiện pháp luật về tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản cần được xem xét ở những nội dung sau:
- Xây dựng quy phạm giải thích tiêu chí “nợ” trong Luật Phá sản bao gồm những nghĩa vụ dân sự nào liên quan đến tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là đối tượng phải thực hiện theo quy định của pháp luật, qua đó bảo đảm tốt hơn nữa quyền lợi của các chủ nợ, người lao động khi thực hiện quyền yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
- Nghiên cứu việc sửa đổi thời hạn không thanh toán khoản nợ làm căn cứ yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng tăng thời gian hơn nữa như đã phân tích ở trên. Có thể xây dựng mối liên hệ tỷ lệ nghịch giữa mức nợ và thời gian nợ để bảo đảm tính hợp lý giữa bảo đảm quyền lợi của chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã.
- Nghiên cứu gộp hai quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Phá sản thành một khoản về: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”
- Nghiên cứu hướng dẫn chi tiết nội hàm khái niệm mất khả năng thanh toán làm cơ sở cho quá trình thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp, bao gồm cả thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
TS. Đỗ Trung Hiếu
Đại học Kinh tế Nghệ An
Học viện Chính trị khu vực I
[1]. Điều 3 Luật Phá sản năm 2004 quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”.
[2]. Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993, Luật Phá sản năm 2004.
[3]. Xem Điều 94 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4]. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã không định nghĩa về “nghĩa vụ dân sự”.
[5]. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nợ.
[6]. Theo quy định của khoản 3 Điều 123 Luật mất khả năng thanh toán Vương quốc Anh thì số tiền này có thể tăng hoặc giảm theo quy định tại Chương 15 Điều 416; Bộ trưởng Bộ Kinh doanh, đổi mới và kỹ năng (Secretary of State for business, innovation and skills) có thể ra quyết định tăng hoặc giảm số tiền tùy theo thời điểm được cụ thể. Nguồn trích dẫn: https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2017/02/12/khi-niem-ph-san-thu-tuc-php-san-v-nhung-lin-he-den-luat-ph-san-nam-2014/.
[7]. Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993, Luật Phá sản năm 2004.
[8]. Điều 126 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp.
[9. Ví dụ như hình thức chuyển đổi trái phiếu đến hạn thành vốn góp, mua cổ phần thường được các công ty cổ phần, nhà đầu tư thường xuyên thực hiện, đặc biệt như trường hợp của CTCP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - HNG) trong năm 2016 - 2017 đã thỏa thuận được với các ngân hàng, chủ nợ hoán đổi các khoản nợ, trái phiếu thành cổ phiếu để tránh rời vào tình trạng phá sản do kinh doanh thua lỗ (nguồn: http://www.hagl.com.vn/).
[10]. Bản thân thuật ngữ này đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa của nó