Xác nhận và cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là một thủ tục hành chính vô cùng quan trọng trong công tác quản lý hộ tịch nói chung cũng như hoạt động công chứng nói riêng. Trong hoạt động công chứng, xác nhận tình trạng hôn nhân của cá nhân (bao gồm cả tình trạng hôn nhân của người yêu cầu công chứng và những người khác có liên quan như người để lại di sản thừa kế…) luôn đóng một vai trò thiết yếu trong việc kiểm tra thẩm quyền giao kết hợp đồng, giao dịch công chứng của cá nhân cũng như một số vấn đề khác có liên quan.
Hiện nay, các quy định của pháp luật xoay quanh vấn đề xác nhận và cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân còn chồng chéo, mâu thuẫn... Việc hướng dẫn tại các văn bản luật chưa được rõ ràng, thống nhất, nên dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau, gây ra rất nhiều khó khăn không chỉ cho công dân khi đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận và cấp giấy xác nhận tình trạng hôn mà, mà ngay cả UBND cấp xã, phường, thị trấn cũng rất lúng túng khi giải quyết các yêu cầu xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh vấn đề này như: Ai được quyền yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân? Người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau thì xin xác nhận tình trạng hôn nhân ở đâu? xác nhận như thế nào? Người chết có được cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hay không? Hay người đã đăng ký kết hôn có được cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hay không?
Đây cũng chính là những vướng mắc, bất cập, cần phải được các cơ quan xây dựng pháp luật, các nhà làm luật, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, thống nhất, rõ ràng các quy định của pháp luật xung quanh vấn đề xác nhận và cấp giấy xác nhận tình trạng hồn nhân.
Để hiểu rõ hơn những nội dung của bài viết: “Một số vấn đề xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định hiện hành” của tác giả Bùi Ngọc Tú, độc giả có thể xem bài viết được đăng trên Tạp chí phát hành hàng tháng số tháng 6 [267] năm 2014 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Hải Việt