Theo đó, số hàng này được nhập khẩu qua cảng Cát Lái từ ngày 11/8/2015. Theo khai báo hải quan thì hoá hoá nhập khẩu là 2.000 chiếc dao dùng trong lâm nghiệp, tổng giá trị trên 8.000 USD. Tờ khai được hệ thống phân luồng Vàng - Kiểm tra hồ sơ.
Thực tế hiện nay, Việt Nam nhập khẩu nhiều các loại dụng cụ có đầu nhọn, sắc bằng chất liệu thép tốt làm dụng cụ gia dụng gia đình hoặc sử dụng trong các lĩnh vực lao động sản xuất khác nhau. Ngay trong việc sản xuất các dụng cụ làm vườn, đi rừng ở Việt Nam cũng có rất nhiều các dung cụ như rìu, dao cắt cỏ, câu liêm, dao, kéo… có hình dạng và tính năng tương tự như vũ khí thô sơ. Do đó, việc xác định mặt hàng đó có phải là vũ khí thô sơ hay không, có thuộc danh mục cấm nhập khẩu hay không, là vấn đề còn gây nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc giải quyết vấn đề này trước hết từ khâu chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật đang điều chỉnh, tránh để đối tượng lợi dụng nhập khẩu các mặt hàng có khả năng làm vũ khí, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đảm bảo cho cán bộ hải quan thực hiện đúng các quy định pháp luật.
Việc xác định một mặt hàng là hàng hoá thông thường hay vũ khí, vũ khí thô sơ hay không, phải căn cứ vào Pháp lệnh quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013). Theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Pháp lệnh quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) thì “Vũ khí gồm vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng tương tự”. Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011(được sửa đổi, bổ sung năm 2013) thì vũ khí thô sơ “gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ”. Như vậy, Pháp lệnh quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) đã giải thích một số thuật ngữ về vũ khí, vũ khí thô sơ. Tuy nhiên, đối với vũ khí thô sơ thì pháp lệnh giải thích dưới dạng liệt kê một số loại vũ khí thô sơ và hiện nay cũng chưa có các giải thích hướng dẫn cụ thể thế nào là đao, thế nào là mã tấu và cũng không quy định đối với loại có tính năng, tác dụng tương tự … Vậy đối với mặt hàng có “tính năng và hình dáng tương tự” như các loại trên có phải là vũ khí thô sơ hay không? Khoản 1, Điều 3 Pháp lệnh này khi quy định chung về vũ khí lại quy định “các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự”. Như vậy, có thể hiểu rằng những loại khác khi xác định được tính năng, tác dụng tương tự thì được coi là vũ khí, vũ khí thô sơ. Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghi định số 25/2012/NĐ-CP ngày 5/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ giải thích: “Vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh là loại vũ khí khi sử dụng có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ đối với con người, thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến môi trường tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 3 Pháp lệnh”. Việc giải thích như vậy dẫn đến trên thực tế có rất nhiều hàng hoá có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí, vũ khí thô sơ: Các mặt hàng dùng trong nông nghiệp, lâm nghiệp (dao đi rừng, liềm, kéo…), dùng trong nhà bếp (dao, kéo…), dùng cho du lịch (dao, đinh…). Những loại vật dụng này đều có khả năng gây hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người. Do đó, việc xác định theo nội hàm tính năng, tác dụng tương tự là rất rộng. Điều này dẫn đến một thực tế khi các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu mặt hàng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí thì cơ quan, cán bộ hải quan phải làm như thế nào để vừa đảm bảo không gây cản trở cho doanh nghiệp, vừa thực hiện đúng quy định pháp luật.
Căn cứ mục II, Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 /11/ 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài quy định danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu trong đó quy định vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ (trừ vật liệu nổ công nghiệp), trang thiết bị kỹ thuật quân sự thuộc danh mục này. Chính phủ giao Bộ Quốc phòng công bố danh mục cụ thể và ghi mã số HS đúng trong biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Qua rà soát các văn bản pháp luật được công bố trên trang công báo của Chính phủ và các cổng thông tin điện tử về cơ sở dữ liệu pháp luật, chúng tôi chưa tìm thấy văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Quốc phòng công cố danh mục cụ thể về các loại vũ khí cấm nhập khẩu.
Căn cứ Phụ lục I quy định danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015 của Bộ Tài chính trong đó tại Chương 93 quy định một số mặt hàng liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng cụ thể:
Nhóm hàng hàng 9307 gồm: “Kiếm, đoản kiếm, lưỡi lê, giáo và các loại vũ khí tương tự và bộ phận của chúng, kể cả vỏ và bao cho chúng”. Tuy nhiên, tại Phụ lục II, Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương khi ban hành danh mục hàng hoá có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng quy định đối với chương 93, nhóm 9304 gồm: Vũ khí khác (súng và súng lục sử dụng lò xo, hơi hoặc khí ga, dùi cui và loại trừ nhóm hàng 9307). Ngoài ra, tại Chương 82, quy định nhóm hàng 8201: “Dụng cụ cầm tay gồm mai, xẻng, cuốc chim, cuốc, dụng cụ xới và làm tơi đất, chĩa và cào; rìu, câu liêm và các dụng cụ tương tự dùng để cắt chặt; kéo tỉa cây các loại; hái, liềm, dao cắt cỏ, kéo tỉa xén hàng rào, cái nêm gỗ và các dụng cụ khác dùng trong nông nghiệp, làm vườn hoặc trong lâm nghiệp”.
Nếu dựa trên các quy định trên thì khi mặt hàng không phải là dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ và khai theo các mã HS theo danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu tại Thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 1/7/2015 thì mặt hàng đó được nhập khẩu bình thường. Tuy nhiên, nếu xác định mặt hàng có tính năng, tác dụng tương tự” thì mặt hàng đó lại được xác định là vũ khí. Chúng tôi cho rằng, việc quy định nội hàm theo pháp lệnh đối với các hàng hoá có tính năng, tác dụng tương tự sẽ dẫn đến nhiều hàng hoá trước đây chúng ta vẫn xác định là hàng hoá thông thường thì nay có thể được xác định là vũ khí. Việc xác định mặt hàng đó có phải là vũ khí hay không, có ý nghĩa quan trọng để xác định đó là hàng hoá thông thường hay thuộc danh mục nhập khẩu có giấy phép, cấm nhập khẩu. Trường hợp xác địnhh hàng hoá đó là vũ khí thô sơ thì phải làm các thủ tục nhập khẩu theo các quy định của Pháp lệnh quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) và các văn bản hướng dẫn trong đó có việc xin giấy phép mua vũ khí của Bộ Công an (trừ lực lượng quân đội, dân quân tự vệ)[2]. Như vậy, cách xác định như pháp lệnh là chưa phù hợp bởi đối với các loại khác có phải là vũ khí thô sơ hay không bên cạnh dựa vào tiêu chí đó là tính năng, tác dụng tương tự còn phải căn cứ vào mục đích sử dụng của chúng.
Hiện nay, Bộ Công an đang tiến hành xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: “Vũ khí là phương tiện biểu hiện ở các dạng khác nhau, được chế tạo có khả năng sát thương, gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe đối với con người, phá hủy kết cấu vật chất. Vũ khí gồm: Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự và khoản 4 Điều 3 Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ “Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản gồm: Các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu”.
Như vậy, Luật Quản lý,sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bước đầu nêu được khái niệm của vũ khí thô sơ, nhưng vẫn xác định theo hướng mở đó là dựa trên cấu tạo, nguyên lý, tính năng và tác dụng tương tự. Theo quan điểm của tác giả, trong điều kiện hiện nay đối với các mặt hàng liên quan trực tiếp đến các loại vũ khí thì việc xác định hàng hoá đó có phải là vũ khí, vũ khí thô sơ hay không phải dựa trên cơ sở kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Kết luận của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an là kết luận cuối cùng để xác định “loại khác đó” có phải là vũ khí hay không. Do đó, trong điều kiện hiện nay khi chưa có các giải thích, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, đối với cán bộ hải quan khi thực hiện các thủ tục nhập khẩu đối với một số mặt hàng có liên quan đến vấn đề này cần chú ý một số nội dung sau:
Thứ nhất, tìm hiểu các thông tin về ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhập khẩu đối với mặt hàng đang nhập khẩu.
Thứ hai, đối với các tờ khai chỉ kiểm tra hồ sơ cần chú ý đến các thông tin liên quan đến hàng hoá về tính năng, tác dụng của hàng hoá trong catalogue, hướng dẫn của hàng hoá. Trường hợp kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá phát hiện hàng hoá có tính năng, tác dụng như vũ khí cần báo cáo cấp trên xin ý kiến về phối hợp với cơ quan chức năng (công an, quân đội) để trưng cầu giám định đối với hàng hoá đó.
Thứ ba, áp dụng việc kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá, xem xét việc phân phối hàng hoá để xem xét mục đích sử dụng của hàng hoá để có phương án xử lý, phòng ngừa.
Tuy nhiên, để vừa đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp vừa đáp ứng được yêu cầu về quản lý đảm bảo an toàn, trật tự xã hội thì Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an cần có hướng dẫn, chú giải cụ thể về danh mục các loại vũ khí, vũ khí thô sơ trong danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu theo sự phân công của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn về hình ảnh, tính năng, tác dụng của các loại vũ khí, vũ khí thô sơ để cơ quan hải quan căn cứ phân loại hàng hoá.
Cục Điều tra chống buôn lậu